Chiến Phan

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Phấn mặc, son hờ

Những ngón tay thon từ từ lướt qua chiếc máy. Rung động vì một cái lạnh toát ra.
Photobucket
Chiếc máy: Nhẫm đếm đã hai năm tính từ ngày ông đã ra đi rồi cô ạ. Biết thế nhưng sao tôi cứ nhớ da diết cái giọng nói ồm ồm của ông. Thấy như vẫn còn đây.
Mỗi sáng. Phảng phất hương nước trà bay lên, ông ngồi kế tôi lật vài trang báo mới đang bực bội vì anh gió cứ lùa vào trêu ghẹo. Tôi ngồi bên, ngóng chờ ông bình luận về một tin tức gì đó. Thi thoảng ông dựa lưng vào người tôi mắt hướng về ti vi, nghe vài điểm tin từ thời sự buổi sáng.
Mỗi trưa. Ông ngồi bên tôi dịu dàng, nhìn dáng ông bên máy bơ vơ như một cánh đồng chiều với những áng mây trắng lơ thơ trên đầu. Tôi reo vui, cười đùa theo từng nhịp ông xay. Đều đặn. Anh gió lại đi vào trêu ghẹo làm bột trắng cứ rơi tứ tung. Một phần. Lão nắng đi ngang trước thềm nhà, liếc xéo mỗi lần anh gió qua.
Mỗi tối. Ông gửi tôi hồn tri kĩ. Lặng thầm. Lau sạch từng ngõ ngách thân thể tôi, sợ bột gạo còn vướng đâu đó sẽ làm thân thể tôi bào mòn vì năm tháng.
Tôi nhớ lần cuối cùng ông nhìn mặt tôi. Bùi ngùi. Tôi đưa người mình cho ông dựa, anh gió cứ đi lơ ngơ không thèm trêu ghẹo, lão nắng đi qua hiên nhà rồi đứng lại không chịu bước qua. Ông ngồi bên tôi nói vài lời gửi gắm. Ông đi khẽ khàng thôi mà, đừng làm kinh động đến bà và cô ba. Vậy là tôi im luôn, lắng nghe nhịp thở ông dừng lại. Không dám la.
Đặt bàn tay lên mặt giường làm điểm tựa. Xúc cảm vì một cái lạnh toát ra.
Photobucket
Chiếc giường:Tôi cũng nhớ ông mà! Dù rằng ông ít khi ngồi đến trò chuyện cùng tôi. Dường như chỉ có máy và bà là hay trò chuyện cùng ông. Bà luôn nhặt những hạt nát, hạt hư rồi chuyển tiếp qua ông lời nhắn nhủ cùng máy về bột gạo trắng tinh. Tôi thì không.
Tôi không nhìn thấy mặt ông rõ ràng. Ngày ông ra đi. Nghe ông nhắn gửi, muốn nhìn ông một lần mà sao mắt cứ trân trân nhìn lên trần nhà vôi trắng đã rong buồn. Anh gió len lén đi vào thỏ thẻ cùng tôi lời chia sẽ. Tôi chẳng biết nói gì, cứ ngồi lặng im một góc thôi.
Nói thật, với ông tôi không có nhiều kỷ niệm nhiều. Không phải vì tôi không quý ông mà vì là tôi ít khi tiếp xúc với ông thôi. May mắn thay. Tôi được niềm an ủi là luôn được bà dỗ dành.
Mỗi sáng. Bà cứ chăm chút những góc trên người tôi gọn gàng, anh gió cứ ghen tỵ mỗi lần đi vào trêu ghẹo mái tóc bà lưa thưa sợi bạc ngắn, dài. Nhưng lúc ấy tôi thấy mình được hạnh phúc thay.
Mỗi trưa. Bà ngồi cùng tôi trong tiếng quạt trưa hè, bà phẩy đều tay tham gia vào câu chuyện, khi ông chuyện trò cùng máy. Tôi thấy mình không lẻ loi. Tôi lắng nghe những gì bà đối đáp cùng ông của một ứng xử vợ chồng. Tôi thầm thích. Nhiều khi ngớ ngẫn tự nghĩ ước gì tôi cũng có một đôi giường.
Mỗi tối. Tôi thích nhất thời điểm này. Bà chăm sóc thân thể tôi. Vệ sinh người tôi sạch đến bóng láng lên thì thôi. Nhiều khi. Đêm mơ thấy bà nằm ôm ấp, lơ lững nơi nào tôi dạo quanh cùng hồn bà. Phiêu du.
Rồi bà cũng ra đi như ông đã từng đi bỏ máy. Nhẹ nhàng. Đêm ấy mưa có lang thang ngoài cửa, không dám thở nhẹ sợ kinh động bà làm rớt mất một lời kinh, tôi nghe bà đọc giữa đêm khuya rồi gục đầu bà hôn nhẹ tôi. Từ biệt. Tôi cứ thức cả đêm bên nụ hôn của bà đến sáng bình minh. Lúc ra đi bà nói thì thầm, khẽ thôi đừng để cô ba giật mình. Tôi cứ để môi bà đặt lên mình đến tận bình minh khi lão nắng đi vào ghen tị.
Thả lưng dựa vào ghế. Tất cả đều trống không. Cái lạnh vẫn toát ra giữa đêm hè.
Photobucket
Cô ba:Cô biết ông, bà thương cô mà. Đến lúc ra đi vẫn là sợ cô kinh động. Mà thật lòng nếu ông bà ra đi không nhẹ nhàng như một áng mưa bay thì chắc có lẽ cô sẽ phát điên lên vì bất lực.
Nhịp sống hàng ngày có ông bà cứ như vẫn còn đây. Nơi ông ngồi trò chuyện với máy hay nơi bà ngồi chuyện trò với giường, thì với cô, ông bà dành cho phần nhiều.
Ông, bà lo nhiều lắm về cái ngày mà họ sẽ ra đi, cô sẽ làm gì để xoay sở trong ngôi nhà này cứ hay bị nắng, gió ghẹo đùa. Biết cô nhút nhát, thu mình trong ngõ ngách riêng của đời mình, ông bà cứ đi tìm cho cô những hạnh phúc mới trên những gì mất mác. Từ lâu rồi.
Tự kỷ. Cô đã từng như thế để nhìn thơ ấu đi qua trong bướng bĩnh, ông bà vẫn dịu dàng dìu dắt cho cô đến với những con đường mới. Không lẻ loi. Những người bạn mang trong mình nổi tự kỷ. Tương phùng.
Son phấn. Ông bà mua cho cô để làm phần duyên lúc tuổi trăng tròn biết ngượng ngịu với mặt sông soi bóng, có lẽ là ăn vào máu nên với mùi hương người con gái nào lòng lại không dậy sóng ngất ngây. Tạo cho mình một sức hút với nữa phần còn lại đời mình. Ông bà đi tìm cho cô trong niềm hy vọng lẻ loi. Ngần ấy đã mười năm.
Ba mươi lăm năm. Ba mươi lăm năm.
Trong đấy hết mười năm vật lộn với sự tự kỷ vì khiếm khuyết của đời mình. Ánh sáng nào đã bị cướp đi từ lúc ra đời. Đời giăng màn đen tối. Ánh sáng mở đường nơi trường học dành cho những con người cùng cảnh ngộ. Đời đã khác đi thì mới hay đã gửi gắm vào đấy hết hai mươi lăm năm của đời mình, mười lăm năm học hành kết với mươi năm ở lại tiếp sức cho những mãnh đời chơi vơi, tưởng rằng mất cả khi ánh sáng không đi qua vùng mắt sáng soi.
Giờ đây. Cô biết là ông bà đã ra đi, nhưng sao cảm xúc quanh đây vẫn chưa tạo thành dĩ vàng để nhạt nhòa bớt đi nổi đau trống vắng. Chả hiểu sao lúc này. Cô muốn nghe đó ai đứng ngoài cửa gọi tên mình. Ấm áp.

( Ảnh: Sưu Tầm )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...