Chiến Phan

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

[Review Sách] Những bài học lịch sử - Will & Ariel Durant


Nó thích những quyển sách thể loại này. Việc rút ra điều gì đó sau một quá trình là một điều xứng đáng để đọc và lắng nghe. 

"Bản chất của con người đã thay đổi thế nào xuyên suốt quá trình lịch sử? ..Lịch sử như chúng ta đã biết cho thấy không có nhiều biến đổi trong hành vi của nhân loại...Một lần nữa, ta cần nhắc nhở mình rằng lịch sử được ghi chép lại (peccavimus) thường khác xa so với cách nó thật sự diễn ra trong cuộc sống: sử gia ghi chép lại một điều đặc biệt bởi lẽ nó chính là một điều thú vị, phi thường, hiếm có, choáng ngợp. 

Sự cô lập cá nhân biến mất vì thành thị phát triển. Sự tư lập cá nhân cũng không còn vì dân lao động phải phụ thuộc vào công cụ và tư bản không phải của họ, và họ phải lệ thuộc vào hững điều kiện mà bản thân không kiểm soát được 

Quốc gia nào rồi cũng chết đi. Đất đai nào cũng trở nên cằn cõi vì sương gió và bao điều đổi khác...Các nền văn minh chính là bao thế hệ tâm hồn của toàn nhân loại...

Người may mắn là người cả đời đã góp nhặt được thật nhiều những di sản văn minh và truyền lại chúng cho con cháu mình. Đến hơi thở cuối cùng, họ vẫn sẽ biết ơn cái gia tài đồ sợ vô trùng trác tuyệt đó, và biết rằng nó chính là người mẹ nuôi dưỡng ta, cũng chính là cuộc sống vĩnh hằng của ta"

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

[Đời Sales] Từ Tâm Dịch - Robot và ứng dụng (application)



 Ngày 28 tháng 7 năm 2021 

Giảm tỷ lệ tử vong bằng tập trung mọi nguồn lực. Mục tiêu được chính quyền xác định rõ ràng nhưng việc thực hiện là cả một sự thử thách lớn. Các con số tử vong bắt đầu nhảy tung tăng một cách lạnh lùng. Truyền miệng. Hai trăm, ba trăm… ca tử vong mỗi ngày, con số thật ra chỉ là con số; sự tác động mạnh mẽ đến cảm xúc người dân thành phố lúc này trực diện hơn.

Sự giãn cách, xe cứu thương, hình ảnh những bộ đồ bảo hộ đi khắp nơi, ngóc ngách từng căn hẻm chính là sự tác động mạnh; con số tử vong là cú đánh bồi vào cảm xúc sợ hãi của người dân. Khiếp đảm! Người với người thấy cái chết không ở đâu xa, rất rõ ràng và kế cận; đó có thể là một người bạn, một người thân hay là một người hàng xóm. 

Cảm xúc tạo ra con người. Con người giờ đây bị cảm xúc hút cạn đi sức sống, chính xác hơn là sự sợ hãi về một thứ gì đó mơ hồ và gần như vô hình của một con virus làm tinh thần mọi người gục ngã một cách dễ dàng. Họ bắt đầu bị dẫn dắt bởi chính mình theo sợi dây vô hình từ tiêu cực này đến tiêu cực khác, nỗi sợ cứ thế lớn dần lên. Tôi cũng vậy. 

Tôi chọn cách tránh xa tin tức. Thú thật, tôi chỉ có thể hạn chế nhiều nhất có thể tiếp nhận thông tin để cơ thể mình phải xử lý khi đã quá mệt mỏi trong một căn nhà nhỏ 30 m2, chật kín năm nhân khẩu. Chúng tôi vẫn còn may mắn. 

Người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều nhất. Bí thư thành ủy mới Nguyễn Văn Nên; người đã thành công tại Bến Tre, đã đến các khu nhà trọ ở Bình Tân để động viên, thăm hỏi. Những con người bị mắc kẹt lại Sài Gòn, giãn cách đã làm cho thực phẩm trở nên đắt đỏ, nguồn thu nhập bị mất đi khi phải oằn mình chịu đựng các chi phí, trong đó là có chi phí nhà trọ. Sự hỗ trợ của chính quyền và mạnh thường quân gần như là cố gắng giải quyết theo cách có làm gì đó còn hơn không, bởi sự nỗ lực này gần như muối bỏ bể.  

Lực lượng tuyến đầu cũng cần sự động viên. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đến với bác sĩ, y tá, cả bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến số 6 và số 8. Một trận dịch chưa từng có; những con người đặt bàn tay tuyên thệ với Hippocrate cũng đối diện với sự căng thẳng chưa từng thấy. Những con người đã bước chân vào ngành y, giờ đây phải tự giải tỏa căng thẳng cho bản thân mình và đồng thời phải trấn an cho những người khác không chỉ còn là bệnh nhân; người đang nhiễm virus, mà còn những người sợ mình sẽ là bệnh nhân tiếp theo. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh là một trong những người làm công việc này xuất sắc nhất, cách chia sẻ đơn giản, bình dị và pha chút tưng tửng lại đi thẳng vào lòng người dân thành phố nhẹ nhàng, sâu lắng như ngọn lửa cháy tiếp thêm nhiệt cho những ngọn lửa niềm tin đang le lói khắp thành phố. Tôi đoán, phạm vi lan tỏa vượt khỏi phạm vi của đất Sài Gòn. Tôi biết rất nhiều người kể về bác sĩ này như một trong những chỗ dựa tinh thần cho họ vượt qua trận đại dịch sau này. Trong đó có cả gia đình tôi, lắng nghe chia sẻ trong tích cách bộc trực này ở kênh phát sóng trực tiếp của báo Tuổi Trẻ.  

Khu cách ly tập trung mới tiếp tục được mở. Đoàn người áo xanh, trắng là hình ảnh bắt gặp thường xuyên trên các phương tiện hay đơn giản chỉ là hình ảnh vô tình chụp được rồi đăng lên mạng xã hội hay chỉ thông tin trong mấy câu chuyện trao đổi lúc này. Những chuyến xe di chuyển tăng lên, số chỗ ngồi của xe cũng tăng theo từ vài chỗ ngồi đến bốn lăm, năm mươi chỗ, hình ảnh cười đùa hay là đủng đỉnh đi theo ba me của mấy đứa nhóc là một hình ảnh lan tỏa đầy ám ảnh, tác động mạnh hơn cả những con số nhảy múa. 

Đổi bắt những thông tin tiêu cực. Mấy con “bot” bắt đầu hoạt động liên tục, truy tìm những “key word”, khi một mặt trận mới được hình thành.  “Như một Hà Nội 12 ngày đêm” là một trong những tin đưa bị lực lượng an ninh mạng phải tuýt còi. Tin giả tràn lan, sự hoang hoang dâng tràn. Sở thông tin làm việc với các cá nhân đưa tin sai lệch. Tin chính thống, tin ngoài lề, tin giả bắt đầu cạnh tranh nhau. 

Công nghệ là giải pháp sống còn. Tôi có dịp được kiểm chứng ở hôm nay, một sớm trời trong, lắng đọng trong lòng mình là sự yên tĩnh không mong muốn, hàng xóm thức dậy chuẩn bị cho một buổi sớm đầu ngày. Tôi thức dậy không dành thời gian để viết nhật ký Đời Sales như mỗi ngày, hôm nay tôi ngồi thực hiện đăng ký xe luồng xanh cho chị gái của mình; người chị gái duy nhất trong nhà, nhờ vậy mà tôi có cơ hội để tìm hiểu thêm về thủ tục và thấy hàm lượng công nghệ của chính phủ Việt Nam ra sao. 

Việc đăng ký luồng xanh sẽ thực hiện trên một giao diện web, sau khi khai báo đầy đủ thông tin của chủ xe, tài xế và tải lên hình ảnh của cavet, căn cước công dân của chủ xe, bằng lái xe và chứng nhận đã xét nghiệm Covid âm tính của tài xế; hệ thống sẽ trả về một bảng thông báo sẽ có quyết định phê duyệt trong vòng 24h. 

Kết quả sẽ được trả lại bằng một giấy chứng nhận luồng xanh để tài xế có thể sử dụng lưu thông trên những tuyến đường đã quy định trên khắp cả nước.

Sức mạnh số và nỗ lực đáng ngưỡng mộ của chính phủ. Đi từ định hướng, bước sang việc thực hiện, một lực lượng tinh anh về công nghệ đã bước ra chống dịch lúc này, dù rằng mọi người không biết họ là ai. Ứng dụng được triển khai khắp toàn quốc, ở cấp độ quốc gia đó là một điều đáng ngưỡng mộ và trân trọng bởi đó là sự chạy đua với thời gian. 

Niềm tự hào về đất nước mình trỗi dậy, dù rằng ý kiến phản đối khá nhiều trước những quyết sách, hay mấy điều tiêu cực hình thành khi người người làm “app”, nhà nhà làm “app” thì giờ đây các địa phương đua nhau làm “app”... nhưng xét cho cùng cuộc đời này có gì là hoàn hảo.

(Trích Đời Sales)

[Review Sách] Bức tranh Dorian Gray - Oscar Wilde


Thanh xuân sẽ về đâu? Câu hỏi hiện lên trong đầu người đọc như nó, khi đi theo câu chuyện của tác giả dù rằng sự cách biệt về thời gian thế nào đi nữa. 

Oscar Wilde không phải lần đầu biết. Tư tưởng của triết gia thấm đẫm đến độ những câu nói sống mãi với thời gian, để một gã như nó cứ phải ngồi chép tay lại như nhắc nhở bản thân mình về việc sống về đâu, hay đôi khi chỉ là thử thách của cuộc sống lắp đầy. 

"Gái đại diện cho chiến thắng của vật chất trước tinh thần, đứng như trai đại diện cho chiến thắng của tinh thần trước luân lý". Đây là một trong những câu thoại thấm đầy triết lý, sẽ ít nhiều người đọc không thích những quyển sách phải suy nghĩ quá nhiều, chỉ cần những tình tiết cao trào dẫn dắt là đủ thì "Bức tranh Dorian Gray" không phải là một sự lựa chọn tốt nhất. Như thể tất cả các quyển sách đều không thể chuyển thể thành phim vậy, có những quyển sách chỉ phục vụ cho đối tượng người đọc để rồi nằm trong tâm trí đó một sự day dứt. 

Ở đây, thanh xuân cố giữ thì ra sao? Câu chuyện của Dorian Gray là câu trả lời cho câu hỏi ai cũng khát khao đó, mọi người đều muốn níu kéo, giữ lại thời gian đẹp nhất của một con người.

"Ôi! Trong một khoảnh khắc kỳ quái làm sao của lòng kiêu hãnh và niềm đam mê, câu đã cầu xin rằng bức chân dung ấy sẽ mang gánh nặng tháng ngày của cậu, còn cậu giữ lại được vẻ đẹp rực rỡ không một vết nhơ của tuổi xuân bất diêt"

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

[Review Sách] Cẩm Nang Báo Chí Trực Tuyến - Paul Bradshaw


"Bạn có đi thằng vào thông tin thú vị, đáng đưa nhất ngay đoạn đầu không? (Trừ khi bạn viết trường luận)

Bạn có liên kết tới nguồn của mình mỗi khi đề cập đến một thông tin/dữ liệu không?

Bạn có viết liên kết bằng cụm từ ra không?

...

Hàng loạt các phân tích và kinh nghiệm chia sẻ. Tác giả liệt kê các phương thức làm báo trực tuyến với những ưu và nhược điểm, đồng thời gắn kèm các hướng dẫn thực hiện, cũng như cách thức lưu ý làm sao để có thể triển khai hiệu quả. 

"Hãy vạch ra các ý tưởng cho việc tương tác. Chọn một chủ đề mà bạn đã đọc gần đây - hay hiện đang làm - và dùng danh sách kiểm tra về quyền kiểm soát của người dùng.

2. Động não một game báo chí. Hãy lập ra cốt truyện phác thảo cho một game tương tác xoay quanh một chủ đề cụ thể.

3. Tạo một bản đồ tương tác. 

4. Tạo một bot cơ bản.

5. Tạo một dòng thời gian tương tác cho báo chí online.  


[Review Sách] Lưu thông máu tốt hóa giải bách bệnh - Akiyoshi Horie

 


"Lưu thông máu chịu ảnh hưởng chu kỳ trăng cũng như biển cả. Những đợt sóng lên xuống, những đợt triều dâng hạ đều sinh ra theo chu kỳ trăng tròn và trăng non. 

...Thức dậy cùng bình minh và nghĩ ngơi cùng hoàng hôn" Đó là những chia sẻ của Akiyoshi Horie, một thầy thuốc người Nhật đam mê Đông y, theo đuổi việc tìm hiểu và phát hiện sự lưu thông máu của cơ thể đóng vai trò trong việc điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh tật. Sự chia sẻ mong muốn vượt khỏi con số 50,000 ca bệnh đã từng thực hiện theo dõi và điều trị, trong đó có cả những ca hiếm muộn. Tất cả thông qua qua trình điều trị lưu thông máu.

Ăn uống, ngủ và thể dục. Ba phương pháp được tác giả giới thiệu đến người đọc trong quyển sách của mình cùng với các phân tích đi kèm như để giải đáp cho phần câu hỏi tại sao.

Một chia sẻ về tìm kiếm giấc ngủ ngon. "Để cơ thể sản xuất hormone giấc ngủ và ngủ được lúc 11 giờ đêm".

1. Tắm nắng trước 7 giờ sáng.

2. Chỉnh đèn cho tối khoảng 1 tiếng trước khi đi ngủ.

3. Quy định giờ giấc thức dậy. 


Thứ Tư, 23 tháng 3, 2022

[Đời Sales] Từ Tâm Dịch - Phát tờ rơi


Trở lại vùng đất khác của Chiêm Thành. Nếu như đã từng phải ngập ngừng che dấu cảm xúc ở một Nha Trang nắng hạ, thì giờ đây tôi bắt đầu lập lại ở một Bình Thuận thu sang.

Phải tính từ lúc nhận tin. Toyota Bình Thuận báo tin kết nối Tài chính Toyota là ở một trời hạ vừa sang, số lượng anh em bán hàng ban đầu chỉ vỏn vẹn con số sáu. 

Anh Võ Hữu Minh gọi điện để lên kế hoạch đào tạo từ một vùng trời quận hai dưới chân cầu Rạch Chiếc, trong sự nhiệt tình hỗ trợ thế hệ quản lý tiếp theo. Đó là một trong những lý do mà thế hệ tiếp theo nhớ đến anh, thậm chí sẽ là canh cánh nếu thiếu một cái gật đầu chào, chuyện này sẽ kể sau.

Thế hệ quản lý tiếp theo sinh ra từ Đông Sài Gòn. Cảnh Quang Ngọc là một thằng nhóc với dáng người nhỏ nhắn, gương mặt tròn luôn đặt nụ cười ở trên môi suốt mấy mùa xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân ấy. Sự thẳng thắn, chân thật đến tận cùng gần như tưng tửng. Tôi thích sự tưng tửng đó. 

Từ một độ làm cùng, tôi và thằng nhóc ngồi ở đầu thuyền - vị trí bán hàng, mỗi người một tay chèo với một khách hàng cần được chăm sóc.  Như mưa dầm thấm lâu, sự tưng tửng, chân thành và nụ cười luôn là sợi dây kết nối kể từ ngày thằng nhóc bước chân vào phòng bán hàng của quận 2 sau khi đã đi du học từ Nhật về, cho đến tận giờ. Các buổi gặp nhau, thằng nhóc phải chịu đựng mấy lời “xa xả” từ một thằng nhóc sống lâu như tôi về một góc nhìn, một cách làm đặt vào hy vọng sự chịu khó và chân thành cần được nhận một phần thưởng xứng đáng, không chỉ là sự ghi nhận mà còn là thử thách mới đặt vào để tiến xa khi thừa hưởng sẵn ở mình một lợi thế bệ phóng.  

Khi nghe tin việc thay đổi trong đời sales của thằng nhóc, tôi biết rằng mình phải làm gì đó cho đám nhỏ sẽ sống và làm ở đất trời Bình yên Thuận hòa này. 

Trở lại anh em bán hàng Bình Thuận. 

Lần đầu tiên gặp gỡ.

Dưới cái nóng của trời quận hai. Anh em chúng tôi dùng tạm căn phòng họp chuyên phục vụ cho những buổi họp chi bộ, ảnh Bác Hồ treo trang trọng ở trên vị trí trung tâm như ngắm nhìn tôi chuyện trò với thế hệ bán hàng tiếp theo của Toyota. Những mái đầu trẻ, đa số vừa bước ra khỏi ghế giảng đường.

Mấy gương mặt ngơ ngác làm lo lắng. Nếu phân loại bao đồng, tôi ắt hẳn nằm trong nhóm đầu, đặc biệt với anh, chị, em bán hàng ở bất kể vai trò gì; có thể gọi chung là đại lý, tôi nói như thể thời gian là hữu hạn đến độ mấy đứa nhóc đồng nghiệp làm cùng càm ràm: anh nói vậy chắc đã hiểu hết đâu? anh chia sẻ chi nhiều về quản lý, chắc gì họ đã nhớ đâu? hay quy ra thóc là nhớ liền, thay vì anh chỉ nói miễn phí?...rất nhiều điều đám trẻ bức xúc thay trước sự ơ hờ, thờ ơ khi quét mắt trước đối tượng ngồi lắng nghe trong cùng một căn phòng. Vì đám trẻ cũng là dân trong nghề bán hàng, trực giác luôn là cực nhạy. 

Tôi tự dưng đeo trách nhiệm vào người, như sợ những đứa trẻ ngơ ngác của bây giờ sẽ lỡ bước ở một sớm mai nào đó với hấp lực của đồng tiền và sự cám dỗ rình rập người sales. Ở đây là một sự đánh đổi, như tấm huy chương luôn có hai mặt. Đám trẻ lần đầu bị hút vào chân trời được tô hồng dưới thương hiệu Toyota, quá mới và quá lớn đến gần như ngộp thở với những đứa con của một Bình Thuận phũ. 

Giá trị món hàng càng cao, sự đánh đổi để tồn tại của người bán hàng càng lớn. Cả đám như dặn lòng phải cố gắng sau mấy lời sẻ chia như thể viết một đề từ cho đời sales sắp tới của đám trẻ, rằng phải nhớ mục đích ban đầu. Tôi chỉ nhắn rằng tất cả hãy cố lên và hẹn ngày gặp lại.

Ngày gặp lại ở một thu sang; sau khi đại lý Toyota Bình Thuận đã khai trương chính thức vào năm 2015. 

Tôi tìm đến nơi đây một lần nữa, sự thiên vị đặt vào bán hàng trẻ, đại lý mới thấy rõ khi số lượng đại lý đã bắt đầu tăng lên. Tôi bước vào căn phòng khang trang, còn nồng nàn mùi sơn mới, đặt ghế, tựa lưng lắng nghe mấy nỗi niềm ở một góc phòng. 

Cảm xúc của người bán hàng luôn tuôn trào, khi tôi đặt câu hỏi tìm khách hàng ra sao. Như máu chảy về tim, sự sống bắt đầu từ đây.

Đám trẻ đi theo lại tiếp tục càm ràm. Giờ đào tạo lại tiếp tục “cháy” giờ. Lâu dần chán không thèm nói, đám trẻ cứ để mặc tôi trôi theo dòng cảm xúc. Đâu hay, tôi trân trọng những giây phút gặp gỡ, vì nhân duyên trùng phùng được mấy bận ở một kiếp nhân sinh? 

Sống lâu để nói, để kể; miễn là đừng có lê thê, dài dòng. Dẫu là nói riết thành chán, nói dai thành nhàm, nói mãi thành xàm. Biết nhưng thôi kệ. Lầm lũi. Tôi nên làm trong khả năng có thể, để những con người không phải loanh hoanh như bản thân đã trải qua lúc đầu, cho những con người mình gặp, lựa chọn cùng một con đường bán hàng. Lựa chọn một đời Sales.

Các bạn trẻ nói về việc phát tờ rơi ở trưa về oi ả. 

Câu chuyện kể về đi khai thác thị trường – gọi tên cho sang chứ thật ra tìm đủ cách để kiếm khách hàng cho bằng được, thường thấy là việc phát tờ rơi. 

Lố nhố mấy chàng trai, cô gái khoác lên chiếc áo ủi thẳng ly, giặt trắng tinh để thu hút một ánh nhìn, phấn son tô điểm lúc đầu rồi mồ hôi rịn áo, phấn son trôi lạc mấy lần không hay khi vào công việc …phát tờ rơi. Tôi xót xa. Dẫu biết rằng đấy là chuyện nên làm, sự bận rộn của người bán hàng trong những lần đón, đưa một tờ giấy khiến bản thân chạnh lòng tự hỏi những câu vô nghĩa: kiến thức có cần không? học vấn có cần không? 

Quá nhiều câu hỏi tuôn trào. Đau đáu. Thấy bán hàng tham gia vào một trò chơi với tổng bằng không!

Ngồi nghe trẻ kể. Những đứa trẻ phát tờ rơi từng xóm, len lách mình qua những cánh cửa cao sau khi ngó thấy nhà nào có xe hay trực giác báo tiềm năng. 

Mấy bận, những đứa trẻ đối mặt với những cái lắc đầu. 

Mấy lượt, những đứa trẻ bỏ chạy vì chó nhà quên xích. 

Hồn vía lên mây, ấy thế mà chẳng nề hà, ròng rã tiếp tục đi vì một con đường đã chọn…Có lẽ vì thế mà xóm, phường chẳng nỡ quên tên. Có lẽ vì thế mà sõi, đá vẫn in hoài trong tâm trí người sales. Họ nhớ rõ từng gốc cây, ghềnh đá như những con thuyền ra khơi luôn miệt mài ghi nhớ một chỗ neo đậu bao năm.  

Đổi lại, tôi thấy đấy là may mắn được trãi qua những tháng ngày thử thách và ắt hẳn cả cuộc đời của người sales sẽ chẳng bao giờ quên. Khó khăn đấy, thử thách đấy trở thành động lực để họ không cho phép mình từ bỏ dù chỉ là một khách hàng! 

Như tôi nhắn gửi lại: Thanh xuân chỉ một lần. Điều cần làm là đừng lãng phí một phút giây.

(Trích: Đời Sales)

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2022

[Đời Sales] Từ Tâm Dịch - Sống hòa đồng


Trở lại căn phòng hầm hập nóng. Tôi tự hỏi lòng ai đó và khi nào mở một Toyota Đà Lạt - Lâm Đồng để anh, chị, em tôi - những con người chọn kiếp bôn ba có được mái nhà?  

Tôi như tự nói với mình. Cần phải quay trở lại sự lựa chọn ban đầu. Tôi nghĩ mình mơ hồ trong sự lựa chọn nhưng đến khi nhận ra thì biết rằng bản thân mình tiếp tục tiến về phía trước khi biết mình muốn gì. 

Tôi “ở” dưới đại lý Toyota. Tôi “ở” dưới đại lý Toyota nhiều hơn ở văn phòng công ty tài chính Toyota thuê mình; dùng từ “ở” bởi vì đại lý không chỉ là địa điểm công việc yêu cầu (dù rằng sự luân chuyển đại lý diễn ra thường xuyên và bản thân thích thú điều đó, đằng sau sự luân chuyển là một sự đổi mới đi kèm thử thách), tôi tham gia sinh hoạt cùng anh, chị, em bán hàng. 

Dặn dò như một cách sẽ chia. Tôi lắng nghe người quản lý trực tiếp dặn dò, như người mẹ chăm mấy đứa con, lo lắng khi bước vào đời sau, dặn dò từ trong cả cách nói năng…khi xuống đại lý, tất cả  làm sao đạt được sự hòa đồng. 

Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn, gầy người khoác tay chào khi bước ra cửa, cảnh cửa tự động từ từ đóng lại khi câu nói cuối cùng cũng vừa kết thúc: chị về nghe! sau khi đã gửi gắm đến những người quản lý của đại lý, như cho tôi gặp lại hình ảnh của người phụ nữ ở quê nhà, cũng nói những lời đó ở một trời bỏ hạ sang thu, thằng nhóc ngày nào tự mình leo lên một chuyến xe đến với Sài Gòn, ôm theo giấc mộng con được gửi gắm.

Chúng tôi - đồng nghiệp bán hàng của tài chính Toyota thực hành những điều đó, tham gia và sinh hoạt cùng. 

Đó là những buổi cafe “Huệ” đầu sớm, quán của cô chủ nhủ người, nụ cười luôn đặt trên môi, nằm trong một hẻm nhỏ của Kinh Dương Vương sau buổi họp đầu ngày gần đâu đấy công ty để có gì sếp gọi còn kịp chạy vào, hay quán hàng bánh cuốn chưa đủ mềm như lụa, trong như gương nằm trên con hẻm cắt ngang giữa Điện Biên Phủ và Nguyễn Hữu Cảnh bì bõm những lúc mưa về hay thủy triều dâng cao, hoặc là một buổi trưa thư thả thưởng thức một món gà Tú Lam trong đường vào quanh co như trở lại một nếp nhà ở quê xa, nghe tiếng gà gáy cất lên giữa trưa hè hòa trong tiếng cá vừa đớp nước phía ao bên…nhiều và thật nhiều những sinh hoạt bên lề của công việc. 

Tôi cứ hay đùa thân này ăn chực, ở nhà; mặt dày riết thành quen. Cứ nhe răng ra mà cười, ở mỗi lúc anh, chị, em bán hàng mời một buổi ăn. Từ những trưa hè giữa chảo lửa Sài Gòn nằm trên con đường Trần Hưng Đạo, ăn trưa chỉ là mấy món mua vội về, hay chỉ đơn giản là chập choạng tối trời, ngồi ăn nói chuyện chơi ở một giao lộ Nguyễn Văn Linh xập xình xe container chạy nối tiếp nhau. Vậy mà vui. Sao bán hàng dễ dàng chấp nhận nhau đến thế? Có lẽ bắt đầu từ việc xuất phát giống nhau. 

Bắt đầu từ không đi tìm một. Sự đào thải chực chờ hăm dọa ở phía sau. 

Tôi trở lại căn phòng của phố biển. Tôi chia sẻ một góc nhìn giữa hai thế hệ trẻ, già phân ra rõ rệt đó, già có phần trội hơn về số lượng, áp đảo cả sự đổi thay và tiếp nhận điều mới mẻ. Tôi biết rằng thử thách ở nơi đây sẽ còn dài. 

Tôi nới cà vạt đang đeo, móc chiếc áo khoác lên ghế để tản nhiệt cơ thể đang phát ra, ngồi xuống lắng nghe một điều chia sẻ từ mái đầu trẻ, gương mặt đang rạng rỡ một nụ cười khi gặp lại. Đôi mắt sáng của chàng trai từ giã đất Sài Gòn để về quê lập nghiệp, lan tỏa niềm vui và sự tích cực đến bản thân là một anh chàng tôi đã từng gặp, từng hướng dẫn ở một đất trời Phú Mỹ Hưng. Ngẫm nghĩ. Trái đất này không quá lớn, bầu trời không quá rộng, mái nhà Toyota vẫn còn đủ chỗ cho tất cả anh em chúng ta. 

Thằng nhóc của đất trời phố biển, gửi lời hứa với theo khi tôi đã yên chỗ trên một chiếc xe về, rằng sẽ ủng hộ một tài chính Toyota. Thế thôi là đã đủ. Lương Công Lịch là một cái tên tôi ghi nhớ lúc này.


Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

[Đời Sales] Từ Tâm dịch - Chọn kiếp bôn ba


Sáu năm trôi vèo như một giấc chiêm bao. Tôi đắn đo có viết tiếp hay không. Đó là khi cảm xúc ngày càng vơi đi, bị phụ bạc bởi thời gian và sự thay đổi của thời cuộc đang biến thành thử thách cho bản thân, cuối cùng thì viết lại chiến thắng như một cách giải tỏa căng thẳng như mục đích đầu tiên tìm đến. 

Những tưởng sẽ khó khăn tìm lại cảm xúc; đâu hay cảm xúc như đứa trẻ thích chơi trò trốn tìm, ấn nấp ở một góc đời nào đó rồi tủm tỉm cười khi phát hiện; cảm xúc tìm về ở những chuyến đi, tôi gặp gỡ những con người trẻ tuổi đời và tuổi nghề.

Chuyện từ một độ nắng xiên rát hồn của một biển trời chói chang năm 2015 

Sales - Những con người chọn cho mình một kiếp bôn ba! 

Tôi đến vùng đất của Chiêm Thành ngày xưa; Nha Trang vừa đón một mùa xuân. Tôi thưởng thức hơi thở của đất trời, hơi biển và hơi nóng táp vào mặt, bỏ qua sự cách ngăn của kính chắn khi chiếc xe bắt đầu như bắt nhịp cùng tài xế khiêu vũ trên đường đèo quanh co.

Toyota Nha Trang chính thức tham gia vào mái nhà Toyota, từ những năm đầu của thập niên 2013 sau khi đã thành lập từ năm 2011, dựng xây và đánh giá trước khi trở thành anh em một nhà của Toyota. Mái nhà của gã khổng lồ Toyota đã có thêm một đại lý ở miền Trung Nam Bộ khi trước đây chỉ có vỏn vẹn mỗi Toyota Đà Nẵng nằm ở vùng đất này. Tôi đến đây để tìm hiểu thêm về mảnh đất “hòn ngọc biển Đông”, con người ở đây ra sao, sự phát triển thế nào, hiển nhiên là để phát triển về một thị trường cho vay.

Hơi nóng len lỏi vào bên trong căn phòng. Tôi đảo mắt nhìn quanh, vỏn vẹn chưa đến mười lăm con người của một tập thể hai mươi nhân viên bán hàng đại lý đang có, đó là cả một sự cố gắng cô bé Quyên phụ trách công việc admin để tập họp anh chị em bán hàng từ ở hai nơi: khu vực Lâm Đồng (Đà Lạt) và khu vực Nha Trang. 

Bốn bể là nhà. “Cơm đường, cháo chợ..” là cụm từ tôi vay mượn để miêu tả cuộc sống của người bán hàng; bởi cuộc sống thứ hai này gần như tương tự. Di chuyển là miêu tả công việc giữa người tuyển dụng và ứng cử viên gần như được trao đổi ban đầu, có thể dùng từ gì đó sang hơn là “công tác”, cho đến khi điều đó trở thành mặc định. Bán hàng là gắn liền với di chuyển. Tìm kiếm và chăm sóc khách hàng là định nghĩa được gán cho. 

Đầu hôm, sớm tối; cung đường nào của đất nước không in dấu chân sales? Tôi thấy anh, chị, em bán hàng đi hết; lúc ở phố núi bảng lảng sương chiều, lúc ở cửa biển lộng gió một chiều đông, hay ở một cửa sông sóng chạy lăn tăn trên mặt nước…Anh, chị, em bán hàng ở đó; cười nói như một kiếp nổi trôi. Kiếp nổi trôi phụ thuộc một món hàng được bán. Món hàng càng giá trị sự nổi trôi càng cao nhiều. Tôi thấy ở những anh, chị, em bán món hàng hữu hình giá trị cao như chiếc xe, căn nhà, căn hộ…, hay bán món hàng vô hình giá trị cao như du dịch, nhà hàng, khách sạn; tất cả gần như không có ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ cho bản thân lúc đầu. Người ta nghĩ thì tôi làm. Như một trong những yêu cầu của công việc, như một trong những yêu cầu đánh đổi cần phải xác định ngay lúc đầu. 

Như thể đi rồi sẽ đến. Họ cứ như một cánh chim bay mãi, có lúc vui tươi, có lúc mệt nhoài…tự nhũ mình rồi sẽ có một ngày bay về; ngày đó là khi nào rất ít người trong “họ” biết rõ, chỉ thấy mênh mông cái hẹn một cuối đông, cái hẹn của chim bay về ở một mùa làm tổ.  

Phòng kinh doanh hiếm khi tập hợp đủ mỗi khi đào tạo. Tất cả đều bận rộn ở một góc nào đó của đời sales, bận rộn với khách hàng của mình sau khi đã gieo gặt một niềm tin là một trong những điều tôi thích nhất; bởi vì điều đó có nghĩa là người bán hàng đã có khách hàng, vượt qua sự ranh giới sống còn để một mai tôi có thể gặp lại.

Tôi yêu những điều đó. Bởi xuất phát điểm là sự chịu khó đã được tôi luyện mà thành. 

Tôi ngồi xuống lắng nghe. Mấy câu chuyện và tâm sự về một ngành nghề trót mang từ nhóm anh em đến từ Đà Lạt; nơi thị trường được giao khai phá, như hiểu rằng họ không có một nơi để gọi là cơ quan, công ty cho đến những khi tập họp như thế này. Định kỳ được hiểu là tháng. 

Nhà tôi ở đâu? Tôi cảm nhận được sự chạnh lòng trong nụ cười pha chút chua chát trong câu trả lời khi tôi hỏi về đại lý có một chi nhánh bán ở tại Lâm Đồng. Đó chỉ là một tập hợp anh chị em bán hàng khai phá vùng đất mới; một chiếc xe đặt tại một điểm đông người, thế là xong. Tất cả sẽ tìm kiếm khách hàng ở xung quanh, lúc là tờ rơi khi là tin mạng được phát đi.  

Tôi luôn gặp sự phản ứng khi chào hàng. Ở đây, chính là sự phản biện về một món hàng tôi bán; gói vay của tài chính Toyota, trong mấy buổi đào tạo nói về ưu điểm của sản phẩm, dịch vụ mà công ty đang chào. 

Sự hiếu chiến tồn tại trong gen vị kỷ. Thú thật, sự hiếu chiến luôn tồn tại trong tâm tính của mình, bởi là một người bán hàng tôi biết rằng tôi phải tin, một niềm tin gần như mù quáng, cuồng tín để bảo vệ sản phẩm, dịch vụ hay thậm chí là công ty mình. Đơn giản, nếu tôi không tin vào sản phẩm, dịch vụ hay công ty mình đang làm vậy thì tôi sẽ bán được cho ai khi điểm kết thúc của việc bán hàng là niềm tin cho đi và nhận lại; điều tôi luôn chia sẻ ban đầu gói trọn trong một chữ Tin. 

Tôi luôn tự hứa với lòng mình, khi bước vào bàn đàm phán (thường là một buổi đào tạo, gặp gỡ những anh, chị, em trong nghề, những điều mê hoặc, thôi miên thường không tác dụng khi họ đã quá am tường), thì như một diễn viên bước lên sân khấu, tôi phải là người rạng rỡ nhất dẫu cho sân khấu ấy thiếu đèn đến đâu. 

Ấy vậy, tôi phải biết điểm dừng. Trạng thái win-win sẽ chẳng bao giờ xuất hiện, nếu tôi cứ giữ cho mình sự hiếu chiến, quyết tâm ca, hát về sự hoàn hảo của sản phẩm, dịch vụ và công ty mình làm. Hoàn hảo vốn dĩ không tồn tại. Điểm dừng là cảm xúc trào dâng khi lắng nghe mấy câu chuyện của anh, chị, em bán hàng. Câu chuyện của đời Sales xứng đáng được lắng nghe. 

Tôi thích nghe chuyện người bán hàng kể. Câu chuyện của bán hàng kể rất đời; mộc mạc, chân thực và đối khi miêu tả rất thô, rất tục trên nụ cười đậu ở khóe môi cay. Câu chuyện của bán hàng sẽ hiếm khi đẩy cảm xúc lên đỉnh điểm như người nghệ sĩ đẩy cảm xúc của người xem lên cao là những giọt nước mắt hay nụ cười giòn tan; cảm xúc của câu chuyện người bán hàng cứ ở lưng chừng như một thói quen được hình thành có điều kiện. Bởi người bán hàng đã được học, được hành về một cách làm sao để giữ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống; giữa khách hàng và công ty; thói quen từ đó mà hình thành.

Tôi thích các câu chuyện kể; đặc biệt là của người bán hàng. Chuyện của một em gái ngồi xuống ở một buổi chiều tà sau khi đã miệt mài tiếp cả một gia đình đến cả bỏ ăn trưa, đi hết từ giới thiệu một món hàng, sang những dịch vụ được gắn vào trong món hàng được bán ở một showroom nhìn ra phố thị đã lên đèn. Chuyện của một em trai gọi về khi đang trú mưa dưới một mái hiên, gió tạt từng cơn lạnh, bức xúc về một suy đoán thành suy diễn bất lợi về thái độ một khách hàng của em tìm kiếm, em bảo vệ, em bức xúc và kể ra như một cách để giải tỏa…và nhiều câu chuyện khác. Tôi may mắn là người được lắng nghe.

Tôi bám vào gương mặt, vóc dáng, làn da… để nhắc nhở mình phải chú ý lắng nghe. Lắng nghe để có chủ kiến của riêng mình, để nói và để làm trong khả năng có thể. Trên bước đường đổi thay và thay đổi, tôi cứ phải đặt mình vào để làm sao cân bằng lợi ích của đôi bên khi bản thân được gửi gắm một vai trò; ở đây là quản lý, chuyện đấy sẽ kể sau. Chuyện lúc tôi tìm kiếm lý lẽ thuyết phục bản thân lắng nghe; như liệt kê, đó là khi nhìn thấy một làn da nắng cháy đen như khét, đó là minh chứng rõ ràng cho thấy sự bôn ba, chịu khó dưới cái nắng lưu manh không chỉ cướp đi mấy giọt mồ hôi mà muốn cướp luôn cả hồn người bán hàng khi nhiều khi tủi thân lạc lối nghĩ suy; vất vả thế này để làm chi? chịu khó thế này để làm gì? hay thậm chí tiêu cực hơn là thấy sao đời bạc…

Tôi may mắn là người được lắng nghe lúc đó; để nói với anh, chị, em tôi rằng sẽ sớm thôi sẽ được đáp đền, còn nếu không thì hãy nhớ lại ta bắt đầu vì sao, để không mãi ấm ức và đòi hỏi cho đi cần nhận lại. 

Trở lại căn phòng hầm hập nóng. Tôi tự hỏi lòng ai đó và khi nào mở một Toyota Đà Lạt - Lâm Đồng để anh, chị, em tôi - những con người chọn kiếp bôn ba có được mái nhà?

(Trích Đời Sales)

[Review Sách] Gen vị kỷ - Richard Dawkins


Một quyển sách khoa học dể đọc. Đó là sự lựa chọn của Richard Dawkins khi trình bày về chủ đề của mình muốn viết trong suốt mười ba chương sách về Gen vị kỷ. 

"Bất kỳ gen nào hoạt động theo cách sẵn sàng triệt tiêu các a-len khác đ6ẻ làm tăng cơ hội tồn tại của chính mình trong vốn gen thì nó sẽ có khuynh hướng sống sót. Gen là đơn vị cơ bản của sự vị kỷ...

Gen vị kỷ không chỉ là một đoạn vật chất đơn thuần trên DNA. Cũng như trong dung dịch nguyên thủy, nó là tất cả các bản sao của một đoạn DNA cụ thể, được phân bổ trên khắp thế giới"

Một quyển sách có nhiều chú thích dài. Đó là sự cẩn thận của tác giả đáng trân trọng khi lắng nghe các phản biện hoặc các luận cứ để bổ sung, hiệu chỉnh và đi xa hơn là can đảm thừa nhận cái sai trong thuyết gen vị kỷ của mình. Thấp thoáng việc đào sâu từ thuyết tiến hóa của Darwin. Quyển sách thực sự xứng đáng dành thời gian để nhiều thể loại độc giả có thể đọc, chiêm nghiệm về một thế giới hiện tại; giống loài Sapien hành xử cũng không khác mấy so với thời điểm tác giả nghiên cứu. 

Mega+ thật sự là một trong những nhà xuất bản có lối đi riêng. 

[Sách] Hà Nội 36 phố phường - Thạch Lam


Nó lửng thững đi sau, lắng nghe Thạch Lam nói về những món hàng của Hà Nội. "Miến lươn là thức quà ăn bổ âm, nhiều người bảo thế...Tình nghĩa đầm thắm vợ chồng, đôi khi có thể lấy đi ít nhiều miến lươn mà đo được...Đặc biệt nhất của Hà Nội 36 phố phường: đó là thức quà bún chả." 
Một gã cao 1m70, điển trai trong dáng đi không lẩn vào đâu của xuất thân từ một gia đình trung lưu, một trong những đứa con của ông bà Phán Nhu; đam mê văn chương, với một văn phong nhẹ nhàng như bưng một tách trà chiêm nghiệm, tế nhị trong mấy cách tả của riêng mình dù đấy là nói về một nghề làm gái đi chăng nửa thì gã cũng gọi họ là chị em "số đỏ, như sợ làm tổn thương một kiếp người đã quá nhiều thương tổn. Đó mới là Thạch Lam, không lẫn vào đâu được trong nhóm Tự lực văn đoàn, khác xa với hai người anh của mình là Nhất Linh và Hoàng Đạo. 
Đó là nó thích gã, để hôm nay lửng thững đi sau nghe gã nói về Hà Nội, đến món bún chả nó thích nhất, lần nào nó cũng phải thưởng thức khi ra đây, gã cứ thao thao bất tuyệt và không cho nó chèn vào ý của mình như thể sẽ chia cái tinh túy của ngàn năm văn vật, ý gã là đã đủ.
"Phải, cái thức quà tầm thường đó, sáu tỉnh đường Trong, bốn tỉnh đường Ngoài, chẳng có đâu ngon bằng ở kinh đô....Một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn góc lên Hà Nội, đã phải ứng khẩu đọc hai câu thơ như thế này, khi ngửi thấy mùi khói chả:
"Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long
Bún chả là đây có phải không?
Nó nói với theo: Ông đồ đấy có phải là thầy không hở Thạch Lam? Còn phân biệt đường Trong với đường Ngoài có phải chỉ là cách chia của người Pháp?
Gã im lặng một chút, rồi đi, giới thiệu tiếp cho nó về một Hà Nội 36 phố phường. 
"Đêm đêm, các phố vẫn vang động tiếng rao của người bán hàng lục tầu xá và người bán chè sen... 
Hà Nội là động tiên sa,
Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần, 
Vui nhất là chợ Đồng Xuân"
Đến đây khi đã dạo một vòng. Đi qua các phố, thưởng thức các món ăn, nó phải chào tạm biệt Thạch Lam để trở về một hiện tại, nó không muốn nói điều cuối cùng sợ người đang yêu mến và tự hào đất Hà Nội ấy vốn dĩ đã đa cảm lại thêm đa sầu. Thạch Lam ơi! Hà Nội khác nhiều rồi!

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

[Review Sách] Những đứa trẻ thế hệ smart [phone] - Bác sĩ Louis vera và Aliz lefief-Delcourt


Nó thích ngay từ tựa đề. Tựa đề tiếng Việt là sự chơi chữ chỉ bằng dấu mở ngoặc và đóng ngoặc vuông để diễn tả cho cả 2 thái cực: tích cực và tiêu cực, cho một đề tài không hoàn toàn mới. Điều khác biệt ở đây chính là không sa đà vào khai thác phân tích smart phone (điện thoại thông minh) ảnh hưởng lên giới trẻ thế nào, mà thay vào đó tác giả chia sẻ "để nhận nhìn một số rối loạn ở trẻ em thời công nghệ số". Đây chính là điều nó quan tâm và tìm tòi trong những thời gian gần đây. 

Những đứa tre thiếu ngủ (bố mẹ các em này đều đi làm, và một trong hai người thường đi làm về muộn. Trẻ chờ bố và/ hoặc mẹ về ăn tối cùng gia đình, đôi khi đến 8 giờ 30. Thế nhưng, giờ ăn tối tốt nhất cho trẻ...muộn nhất là 7 giờ), ít vận đông, xem quá nhiều, hay lo

Ngủ đủ giấc, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân đối, tập thể dục đều đặn, hạn chế tiếp xúc với màn hình và tập trẻ cách giải tỏa căng thẳng là những lời khuyên đưa ra từ quyển sách 

"Mỗi người được tự do hành động nếu muốn, còn không thì ai cũng có quyền ngồi chờ vấn đề tự nó được giải quyết...Điều mà ai trong chúng ta, dù là phụ huynh, thầy cô, những người làm về giáo dục, y tế, và nhiều người khác nữa, cũng cần, đó là một tư duy thế giới quan mới" 


Thứ Hai, 14 tháng 3, 2022

[Đời Sales] Từ Tâm dịch - Phiếu đi chợ

 


Ngày 27 tháng 7 năm 2021 

60% cư dân thành phố đã được tiêm vaccine. Con số chính thức được thông tin đến mọi người, một con số phải đợi chờ đến hơn 1 năm. Con số 1 năm tính từ lúc đất nước nơi tôi sinh ra có những bài ca trong nước và quốc tế ca ngợi một thành tích chống dịch ở năm 2020. Chúng tôi đã ngủ quên trên chiến thắng? Đấy có phải là một con số muộn màng, đổi lại là rất nhiều sinh mạng đã bị Covid-19 lấy đi. Một bài học quá đắt giá. 

Chúng tôi đang áp dụng lại cách cũ. Việc giãn cách xã hội tiếp tục được sử dụng, lực lượng công an và quân đội phối hợp ở chốt chặn như chuẩn bị cho một thời gian dài chống dịch và ngăn ngừa sự liều lĩnh của người dân sẽ làm kế hoạch giãn cách bị đổ vỡ. Tất cả đều đã sẵn sàng và hy vọng. 

Hacker đã tấn công hệ thống luồng xanh. Chính xác thì đấy là hệ thống nhận diện thẻ luồng xanh quốc gia để tài xế có thể di chuyển qua các chốt chặn một cách nhanh chóng, tránh tình trạng bị ùn ứ.  

Phiếu đi chợ được sử dụng. Tổ trưởng bắt đầu phát phiếu đi chợ đến từng ngõ hẻm, từng nhà như một trong những cách để hạn chế người dân ra đường và phòng tránh dịch lây lan. 

Tôi hỏi mẹ mình; người hay được gọi là người tình tóc bạc, để hiểu hơn về một thời tem, phiếu của ngày xưa. Cười. Hôm nay, tôi được chứng kiến những giai đoạn lịch sử không chỉ hiện tại mà của quá khứ hôm qua ở một giao thời từ chiến tranh đến hòa bình ngày ấy. Khói lửa không tỏa lên mùi khét nồng nặc, đan bom không còn rền vang trên những trận càn; hôm nay, Sài Gòn lặng tiếng xe qua kể cả những tiếng còi hú vang giờ cũng chẳng còn nghe thấy, có lẽ vì hạn chế tiếng thở than và bàng hoàng trong lòng những đứa con thành phố. 

Phiếu đi chợ là một tờ giấy nhỏ, gọn nằm trong lòng bàn tay, được cấp bởi ủy ban của phường với tên gọi là “thẻ lưu thông mua hàng thiết yếu”  

Kèm theo những lưu ý: đem theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân khi đi mua hàng, chỉ đi mua hàng trong thời gian hiệu lực của thẻ, ngoài thời gian trên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

  • Thẻ mua hàng này không thay thế cho giấy thông hành để đi giao hàng hóa của các cửa hàng mua bán thực phẩm; Thẻ chỉ có giá trị để lưu hành trong nội bộ phạm vi phường Tân Định. 

Tờ giấy đi đường cũng là giấy đi chợ. Mọi người giữ gìn tờ giấy cẩn thận như sợ mất đi cơ hội để ra ngoài tìm cái gì đó để ăn.

Giãn cách là phải chấp hành nhưng người dân cũng cần phải có cái để ăn.

Nhà tôi được phát phiếu đi chợ từ thứ 3 đến thứ 6 vào buổi sáng. Sài Gòn triển khai hàng loạt các biện pháp để phòng chống dịch như khoanh vùng truy vết, bản đồ các quận huyện của thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu đặt ra các khái niệm mới vùng đỏ vùng xanh, trên màn hình của máy tính người dân có thể thấy rõ được những nơi nào đang có số ca nhiễm, khu vực cách ly phong tỏa v.v. đó là sự năng động thấy rõ của chính phủ và tầng lớp trí thức khi tham gia đóng góp ý kiến trên tất cả các phương tiện mà họ có được khi Sài Gòn đang rơi vào bối rối khi các con số gia tăng. 

Họ - tầng lớp trí thức trước giờ đặt nặng phần từ tốn, khiêm tốn đã lên tiếng khi đất nước cần. Tôi thật sự vui mừng vì điều này.

Một sự đoàn kết để chống dịch. 

Đó là việc không bỏ cuộc, suy nghĩ nhiều giải pháp cho một vấn đề gặp phải lần đầu. Đâu đó, trong tâm khảm mình, tôi từng nhớ sự lựa chọn trong suy nghĩ của đời Sales luôn là như vậy


[Review Sách] Lược khảo nguồn gốc đại danh Nam Bộ - Bùi Đức Tịnh


Nó thả dòng mắt xuống dòng sông. Bên cạnh ly cafe sữa đá, bình trà đang tỏa hơi nóng cùng với khói thuốc bay hòa vào ánh bình mình; nó ngồi lắng nghe về miền đất nơi mình sinh sống - Nam Bộ từ một trong những nghiên cứu của Bùi Đức Tịnh.

Sinh ra chưa chắc đã hiểu hết nơi mình sinh ra. Nó là một trong những trường hợp đó, phát hiện ra khi chiếc xe đi qua ngã ba Cai Lậy, Tiền Giang, tài xế hỏi về một địa danh cứ đến tỉnh nào cũng gặp, sống lâu nhưng không có câu trả lời. Tình cờ. Gặp được Bùi Đức Tịnh để hiểu hơn về một nền văn hóa Nam Bộ với những địa danh từ đâu mà hình thành.

Tên gọi của địa danh để miêu tả đặc trưng của địa điểm. Tên gọi của địa danh hình thành theo quá trình lịch sử phát triển, ở đây là quá trình phát triển của ngôn ngữ Việt với sự hội nhập và ảnh hưởng của văn hóa KhMer. 

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

[Review Sách] A Promised Land - Barack Obama


Vùng đất hứa của Barack Obama. Một quyển sách của tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, như một chương tiếp theo của hai quyển sách được viết trước đó về cuộc đời của vị tổng thống da màu đầu tiên này gồm: Dreams from My father và The Audacity of Hope. 

A Promised Land đặc tả về nhiệm kỳ của Tổng thống. 

Một trong những điều thú vị nhận ra. Đó chính là liên quan đến ít nhiều nghề bán hàng khi ông của Barack Obama cũng làm công việc này, nhân viên bán bảo hiểm "As a kid, I had sometimes watched as my salesman grandfather tried to sell life insurance policies over the phone, his face registering misery as he made cold calls in the evening from our tenth-floor apartment in a Honolulu high-rise"

Tại sao tôi phải chọn Barack Obama làm tổng thống? Câu hỏi của nhóm thành viên đặt ra cho người đàn ông đã dấn thân vào con đường chính trị, tham gia cuộc chạy đua chức tổng thống với những thách thức chờ đón khi đứng đầu ở ngọn sóng - ngọn sóng của người đứng đầu Hòa Kỳ, một đất nước dẫn dắt thế giới. "I know that kids all around this country - Black kids, Hispanic kids, kids who don't fit in - they'll see themselves differently, too, their horizons lifted, their possibilities expanded. And that alone..that would be worth it" 

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2022

[Đời Sales] Từ tâm dịch - Ba loại người đi làm


Sài Gòn Pearl đón nắng hạn chưa từng có, tôi nói với anh Rong - cựu giám đốc tín dụng; người tiền bối đã xây dựng nền móng cho Tài Chính Toyota mà tôi đã kể lúc ban đầu. Tôi vẫn duy trì sự liên lạc với anh để học hỏi, trong sự kính nể về kiến thức, kinh nghiệm của anh. 

Sự phân loại người đi làm, chủ đề thu hút sự quan tâm đối với thằng nhóc sống lâu như tôi và thật sự muốn lắng nghe ý kiến của một người kinh nghiệm như anh. Bầu trời bắt đầu đón hơi nước đã bắt đầu bốc lên. 

Người đi làm được chia ra làm ba loại: cực giỏi, cực khéo và cuối cùng khéo và giỏi mỗi thứ 50/50 sẽ lại là người quản lý hai loại kia.

Anh được đánh giá thuộc “cực giỏi” và nhiều khi cực đoan. Tôi đồng ý với cách đánh giá đó, bởi không ít lần đã thấy anh tìm tòi như chơi đùa  với con số trên bảng tính excel để thiết kế ra những công cụ hỗ trợ bán hàng, hay tạo ra những sản phẩm tài chính hoặc chỉ đơn thuần là trong việc tra lần ra các vấn đề trong hồ sơ của khách hàng như một thám tử tư. Tranh luận với anh, tôi thường thua. 

Hôm nay, tôi hỏi anh: Trong suốt cuộc đời mình, cho đến tận bây giờ đã đi hơn hai phần ba đời người, anh có hối hận không khi lựa chọn con đường trở thành một người “cực giỏi”?  

Anh dừng lại vài giây trước khi trả lời câu hỏi. Quán bắt đầu tiếp nhận những dòng người vào cho một buổi ban trưa.

Để có thể trả lời câu hỏi đó thì cần phải làm rõ mục đích sống là gì?

Sự logic và hoạch định trong não bộ của anh hoạt động. Tôi nhận ra rằng não bộ mình cũng vào guồng chạy chung, tuy nhiên khác hệ điều hành, hiển nhiên, “máy” anh chạy ngon và nhanh hơn. Tôi ngớ người khi chưa hiểu rõ hết ý vì nghĩ rằng câu hỏi mình khá đơn giản và ép anh phải lựa chọn cho một câu hỏi đóng. Mong muốn được thắng anh về lý lẻ trỗi dậy trong những cuộc tranh luận, phiếm đùa. 

Dựa vào mục đích sống để chia làm ba loại người. 

Một loại người sinh ra, lớn lên, làm việc & chết đi vẫn thật sự không biết mục đích sống của mình là gì và cuộc đời họ thanh thản vì hoàn toàn không biết điều đó. 

Một loại người thứ hai biết mục đích sống là quan trọng nhưng khi thấy một mục đích nào khác cảm nhận tốt hơn sẽ từ bỏ mục đích đã xác định ban đầu; đấy sẽ là loại người hối hận khi nhìn lại

Anh giải thích rõ nghĩa hơn về câu nói của mình. Tôi nhìn thấy nụ cười nở trên môi anh khi giải quyết vấn đề, khi não bộ của tôi đang bắt đầu hoạt động bởi phần nhiều triết lý đặt vào trong cách trả lời. Triết lý đi ra từ thực tiễn, tồn tại bền bỉ mà thành. Ở đây, kinh nghiệm đắp xây thành triết lý, ít nhất là sự công nhận từ bản thân mình, tôi đã viết lại điều này. Điều đó là quá hiển nhiên.

Chiêm nghiệm điều thú vị. Tôi im lặng lúc cái nắng bắt đầu bò qua khung cửa để lắng nghe câu chuyện phân chia loại người. Sài Gòn chắc đang thèm những cơn gió nhẹ lướt trên sông.

Với anh thì không, không hối tiếc. Anh vừa trả lời câu hỏi, vừa lập lại như để khẳng định cho sự kiên định của mình. Sự kiên định đó như kéo tôi quay trở về những ngày đầu làm việc cùng anh. 

Từng ở hai tuyến gần như đối nghịch nhau, một bận thằng nhóc ngổ ngáo như tôi tuôn trào những cảm xúc thể hiện bằng ngôn ngữ để bảo vệ cách đánh giá của mình về khách hàng; một trong những khách hàng mà tôi cố gắng bảo vệ là kinh doanh muối Tây Ninh đã kể trước đó; trước anh – người đầy ắp những kinh nghiệm gần như một phần ba đời người của Y Vân, để rồi ức chế sau cuộc tranh luận cùng anh, ấm ức vì thấy đâu đó chưa thỏa lòng của một thằng nhóc ngông nghênh, bỏ đi ánh nhìn trải khắp văn phòng để thả ánh nhìn dõi xuống ngã ba Minh Khai ngày ấy. 

Chúng tôi đã có những cuộc tranh luận to tiếng ở văn phòng. Tuy nhiên, tranh luận là tranh luận; mục đích không nhằm để gây hấn hay thù địch dù thú thật rằng sự ấm ức là dai dẳng.

Đâu hay, sự tranh luận một mất một còn đấy lại trở thành kỷ niệm và như một nỗi niềm riêng để tôi trân trọng giữ gìn một mối quan hệ cuộc sống. Như thể chưa đánh nhau chưa quen biết vậy! 

Khéo là một tính từ xấu. Tôi dự định kéo anh đến chủ đề của mình muốn hướng đến; rõ ràng, trong vấn đề dẫn dắt này tôi đã bị tổ trác và bị dẫn dắt đến đề tài khác: sự hối hận. Dẫu vậy, đề tài cũng thú vị không kém.

Con người ta khi hấp hối thường hối hận. Đa phần họ hối hận về người thân. Anh nói về một khám phá mới, kéo tôi quay trở lại với hiện tại về khoảnh khắc hối hận của một con người.  

Tôi thấy cái cảm xúc của gã nhạc sĩ Hoài An như là minh chứng cho sự khám phá này, với ca từ của bài hát Nếu chỉ còn một ngày để sống ngay ở đầu bài. 

Nếu chỉ còn một ngày để sống. Người đưa tôi về đến quê nhà. Để tôi thăm làng xưa nguồn cội. Cho tôi mơ, mơ tiếng mẹ cha.

Gia tài để lại là mối quan hệ. Tôi trả lời anh có lẽ vì vậy mà tôi lựa chọn giữ gìn những mối quan hệ như gia tài để lại dành cho con mình. 

Tôi thưởng thức điều thú vị. Gia tài và nhận thức mới trong suy nghĩ ở Sài Gòn trời ngưng gió. Tôi sẽ là ai và chọn là ai trong những cách phân loại đó khi thấy ở một nửa phần đời đi qua theo định nghĩa Sáu mươi năm cuộc đời? Đã có quá trễ không để bắt đầu lại? Phải chăng ta có lúc vội vàng nên ra đi chưa được bình an?  

(Trích: Đời Sales)

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...