Chiến Phan

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Người đàn bà không hóa đá

Giữa Nha Trang, nắng ngã ngang tàng. Giật mình. Nhớ. Hôm nay ngày của mẹ. Gọi về. Trong gió biển lang thang. Viết lại. Nỗi lòng ngỗn ngang.
Photobucket
Nó ghét cái ngày giải phóng miền Nam - 30/4 và ngày của Mẹ ( ngày chủ nhật thứ hai của tháng năm ) quá gần nhau, vì hai cảm giác: yêu thương và buồn đau giằng xé mẹ nó.
Mỗi năm. Cứ đến ngày của mẹ. Đàn con lại gọi về. Thương nhớ. Chẳng hiểu sao những đứa con Việt lại sống với tâm hồn Tây. Tây gì tây, chỉ là biết có một ngày để nhớ mẹ. Thấy hay.
Mỗi năm. Cứ đến 30/4 là nỗi nhớ lại đong đầy. Ký ức một thời xa vắng. Thời thiếu nữ đi qua chiến tranh. Khó nhọc. Lướt đi khỏi thời thiếu nữ để đến với bến trông chồng. Mõi mòn. Trên bước đường kháng chiến trường kỳ. Còn lại. Giờ đây là người đàn bà không bao giờ hoá đá, khi chứa đựng quá nhiều vị đời: mặn, ngọt, chua, cay.
Đời chiến tranh không biết mùi son phấn.Quần quật. Vai gày quảy gánh, bóng dài trãi lê thê từ cuối làng ra đầu chợ. Buôn ba. Kiếm vài đồng cho một bữa no lòng. Con gái và mẹ già. Ướt đẫm. Mồ hôi chãy trôi thời thiếu nữ. Cắm cọc lòng. Chẳng bao giờ ai tính toán giữa mẹ con, có khó nhọc thì phận phải tròn. Chữ hiếu. Thế thôi.
Bà kể nó nghe, giọng không gì tiếc rẽ. Nụ cười theo ánh mắt bay đi cùng gió chiều len nhẹ trên gương mặt không phấn son. Màu mè.
Gặp ba khi màu da còn chưa xạm nắng, gặp ba rồi nắng đã vào xương. Ba ra đi chỉ biết chiến trường, ba đứa con thơ ở lại nơi quê nhà. Thương nhớ. Cùng mẹ. Vượt khó tìm đời bớt bạc, cho những đứa con sinh ra trong thời chinh chiến. Giữ vững một lòng tin. Sáng hàng cơm, chiều cắt mạ ngoài đồng. Đợi chờ. Con gửi cho hàng xóm, làm mọi việc ai thuê. Tất cả cho những gì ở phía sau hy vọng, không biết. Đứa nhỏ nằm trong nôi, lữa hơ đến phỏng cả lưng trần. Không hay. Hàng xóm đã bế đưa lên bệnh viện tự khi nào, chỉ biết khi ấy mạ ngoài đồng vẫn còn chưa cắt xong. Đau cả một buổi chiều. Từ hôm qua đến hôm nay.
Photobucket
Hoàng hôn đau đáu trong ánh mắt thả bay trong chiều tháng năm. Rắm rứt. Vì sao để con bị vậy? Nó buông mắt theo mây bay cuối trời, vì sợ buột miệng nói lời: vì nghèo, mẹ ơi.
Hoàng hôn rám vàng như chiều cũ lửa hoang. Đốt cháy.
Chiến tranh càn quét qua làng, súng đạn bắn từng hồi liên thanh. Vội vã. Đứa dắt, đứa bồng chạy dưới làn đạn. Mẹ và con. Không biết bao lần. Nguyện cầu. Bình an. Sống lây lất qua ngày chạy loạn, cho ngần ấy miệng ăn. Khó khăn. Lòng tin vẫn giữ vững. Ngày trở về.
Gặp lại ba khi hoà bình lập lại, gặp ba rồi khóe mắt lại cay cay. Miền Nam. Tiến bước theo chồng, hy vọng một cuộc sống khá hơn đời nghiêng ngã. Có hay. Sóng gió chưa qua, phong ba lại đến. Ông ra đi khi nó còn chưa biết gì. Gia tài để lại. Cho mẹ. Một đời chồng và năm đứa con. Có lớn khôn. Đôi chút. Có dại khờ. Đôi khi.
Ngu ngơ. Thuở ấy. Không biết rằng ông đã ra đi vĩnh viễn vì di chứng để lại. Lớn lên mới biết: gã thương binh ấy giờ đã qua đời. Chợt nhớ đâu đó lời bài ca: quà về cho mẹ là mái tóc pha sương và vết thương trên ngực cha… Nghẹn đắng. Lòng bà mãi còn một vết thương khó lành. Âm ĩ đau.
Photobucket
Chơi vơi. Thuở ấy. Không biết xuôi ngược thế nào lại về miền Tây sông nước. Mênh mông. Một kiếp sống không chồng và một ách năm con. Bôn ba. Giữa nước mặn đồng chua, chân nhiễm phèn, lưng oằn lúa vác nữa đêm. Rộn ràng. Thanh niên trong xóm nhìn cười. Ngỡ ngàng. Thương.
Nó nghe. Nấc nghẹn cho một cuộc đời. Không ở đâu xa. Tự hào sao pha lẫn thương đau. Hỏi. Nghị lực từ đâu xua tan nổi sầu, để vượt qua những điều tưởng như không thể ở người đàn bà ấy? Như đọc thấu câu hỏi lòng. Trả lời. Bản năng làm mẹ. Vì con.
Hoàng hôn lam màu như pha quá nhiều nước. Nước mắt.
Rách lòng. Năm đứa con. Ba đứa ở lại, cho hai đứa vào đại học. Rách khóe mi sâu. Nước mắt lăn dài từ bao giờ.
Tiếc nuối. Không thể làm gì khi hai đứa con thi đậu đại học cùng lúc. Lỗi vì đâu, lỗi tại ai mà anh lại phải nhường em để có ngày mai tươi sáng? Lỗi vì nghèo, lỗi tại vai mẹ gầy giờ không thể gánh hai? Rách tim. Nghe hai anh dặn dò em trước ngày em lên phố, lắng tiếng lòng cho nước mắt chãy vào trong, có ai hiểu nỗi lòng khi đó?. Nỗi lòng một người mẹ. Cho đến bao giờ, gió mới thổi bay nổi day dứt ngày đó.
Nỗi đau của bà như phù sa qua bồi đắp. Từng ngày. Nhắm mắt nằm lắng nghe từng giọt mưa rơi trên mái lá ghe nghèo. Rách nát. Nước chảy hai hàng. Nhìn sang con gái nằm bên đời, sau này có khá hơn mẹ nó không. Trước mắt chỉ thấy: biết phận nghèo, bỏ học nuôi anh.
Khóc bao nhiêu lần rồi. Không nhớ. Mỗi lần. Con gái nói: con sẽ theo chồng, mẹ không phải lo. Ngập ngừng. Khuyên bảo bao lần cũng chẳng ăn thua. Ngậm ngùi. Chấp nhận rồi dặn lòng, không để con gái đi lại con đường lấm bùn, trơn trượt, tứa máu của ngày hôm qua. Bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Đời con gái cũng đã đi qua. Nghĩ đến thương thầm.
Hoàng hôn lùi dần, mây bay loáng thoáng. Xa vời vợi.
Đếm từng đứa con. Đứa đầu, đứa kế vào đời trong tư thế ngỗn ngang. Xương xẩu. Đứa kế tiếp học, làm nơi phố thị bào mòn. Sức trẻ. Đứa con gái còn lại mặn nồng trong giọt mồ hôi. Giữa chợ. Nó thấy mình đầy ấp. May mắn. Tình yêu thương.
Photobucket
Nhìn. Đường phố cờ xí rợp bay. Biết. Lòng bà đang thắt lại nỗi đau. Không nói, cả cuộc đời không nói. U hoài trong nỗi nhớ…
Nhớ một thời tưởng có thành không
Để chinh phụ già bay qua thời con gái
Đợi chinh phu khải hoàn ngày trở lại
Có ai ngờ gặp lại đã chia ly.

( Ảnh: Sưu tầm )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...