Chiến Phan

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Chuyên nghiệp là gì? (Câu chuyện về Amazing Lexus)

 photo 1010068220d170ad61_zpscd6uemd7.jpg 
Đó là buổi đào tạo dành cho nhân viên kinh doanh của Lexus giữa cái nắng Sài Gòn lưu manh vẫn hăm he bên ngoài hòng cướp cạn những giọt mồ hôi. Nó đặt câu hỏi đó cho tất cả những thành viên tham dự trước khi bắt đầu. 
Chuyên nghiệp là gì? - Câu hỏi đã từng được nó hỏi trong một buổi đào tạo khác, may mắn là người dự thính, khi nghe xung quanh mọi người luôn nói về chuyên nghiệp gần như một khẩu hiệu. Buổi đó, chỉ có duy nhất một câu trả lời khiến nó thõa mãn theo cảm nhận của cá nhân mình về hai từ “chuyên nghiệp” ấy, để rồi suốt hai năm sau đó, người phụ nữ trả lời câu hỏi đó luôn là một best seller. 
Người chưng hửng, kẻ bật cười trước câu hỏi đặt lại. Đi khắp cả nước, Toyota và Lexus, những khẩu hiệu “chuyên nghiệp” đeo bám tất cả các nhân viên. 
Tựu trung lại, chuyên nghiệp núp bóng dưới cái mác của ngoại hình chỉn chu với những qui định cụ thể rõ ràng từ phía tập đoàn đưa sang hay bản thân mỗi đại lý hoàn thiện hơn với những qui định bổ sung vào phần nhìn. Và sẽ là thiếu nếu không đề cập đến qui định về tác phong của mỗi nhân viên cũng được để ý đến & đầu tư phần nhiều. 
 photo 10072137142822eba4_zpsd4130e47.jpg 
Nó gọi người phụ nữ với gương mặt thân thiện, luôn nở nụ cười trên môi, cử chỉ điềm đạm ở cái tuổi khoảng ngoài tứ tuần ấy, dừng lại để chờ đợi những câu trả lời. Sau những giây phút rộn ràng trôi qua, chưa có lời đáp, không muốn làm mất thời gian của mọi người. 
Nó bắt đầu hỏi chị: 
Chị cho em hỏi tên em là gì? Em tên… Giọng chị nhẹ nhàng cứ như giọng của người phụ nữ Sài Gòn hào sảng và đầy sang trọng của những năm tháng xa xưa. 
Làm sao chị biết tên em? Chị tự tìm hiểu. Nó nhìn thẳng vào gương mặt thánh thoát kia khi chị trả lời chẳng chút đắn đo, tự nhiên như lẽ thường. Khi đó, chuyên nghiệp ngoài ngoại hình và tác phong, còn đi đôi với kiến thức & hành động. Nó thấy lòng đầy xấu hổ khi lắng nghe chị nói những điều đó. 
Thèm được ai đó gọi tên mình! Từ lâu được học, nhớ & gọi tên người đối diện là cách thể hiện sự tôn trọng và là cách gây ấn tượng khó quên. Dấn thân vào con đường sales, việc gọi & nhớ tên lại càng quan trọng, cảm giác thèm bắt nguồn từ đó. 
Dù rằng, việc gọi & nhớ luôn đi theo công việc hàng ngày, nhưng lại quẩn quanh đâu đó chỉ là những nhân viên bán hàng, đối tác và bạn bè – sự ghi nhớ đầy thực dụng. 
Dù vậy, việc gọi & nhớ tên nó từ người phụ nữ ấy, người luôn nhớ chính xác & chuẩn bị món nước nó uống ở mỗi lần ghé thăm, sự ân cần lẫn khuất đâu đó ngoài công việc đòi hỏi. 
Câu chuyện Amazing Lexus; với nó, tự nhiên được sinh ra giữa đất Sài Gòn, không phải ở một đất nước Nhật xa xôi với câu chuyện của người bảo vệ đứng chào ở mỗi chiếc Lexus chạy ngang qua showroom. 
Nó đứng giữa khán phòng, cố gắng kiềm chế sự nấc nghẹn sau khi thỏa được sự tò mò vì sao chị biết tên và món nước nó uống mỗi lần ghé qua, để giới thiệu một cách tử tế với chị họ tên mình. 
Nó – một thằng nhóc vô danh, tạt ngang tạt dọc, chưa nói được với chị nhiều câu ra hồn. Thấy sự tử tế đằng sau sự chuyên nghiệp ấy, nó nghĩ thầm chắc trong danh sách tên những khách hàng và món nước họ uống vẫn còn liệt kê dài trong trí nhớ của người phụ nữ ấy giữa trung tâm Sài Gòn.

(P/s: Cám ơn chị - Trần Xuân Phương – xin dành từ Professional Tea Lady của Lexus Central Saigon thay vì cách ghi nhân viên Vệ Sinh như danh sách đính kèm)

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Hỡi thằng Cuội già...bây giờ về đâu!

 photo childhood_photos12.jpg 
Hẻm cụt thiếu những đứa trẻ, vắng cái lồng đèn, nó chạy lòng vòng quanh phố thị tìm một góc, một khoảng nào đó có phần phảng phất của một đêm trung thu từ ánh trăng mất dạng sau màn mây. 
Không gặp. 
Những đứa trẻ xếp hàng hay tụm lại với lồng đèn trên tay, miệng ngấu nghiến mấy cái bánh chỉ được ăn mỗi năm một lần. 
Những đứa trẻ già bước ra ngồi trước hiên nhà, nhìn trẻ đi tới đi lui, đứa cười đứa khóc, tếu tít mừng tủi vì đèn nhỏ đèn to, đèn cháy đèn tắt. 
 photo childhood_photos02.jpg
Chỉ gặp. 
Những đứa trẻ già chạy nhong nhong ngoài phố, đoán chắc cũng đi tìm những khoảng nào đấy cho những đứa trẻ con được hưởng trọn một đêm trăng vàng sáng ngập một lối đi, thấy đường về chỉ phũ một ánh đèn phố thị mất dạng cả ánh trăng soi. Chắc “thằng Cuội già, ôm một mối mơ” lâu quá đăm ra ngủ quên bên gốc cây đa. 
Ai đó quên rồi đã từng có một đêm trăng! 
Dù rằng những đứa trẻ già, thuộc về thế hệ nó, cũng ráng lấp đầy cho khoảng trống ấu thơ con. Thấy chấp chới trên ảnh hình facebook, những chiếc đèn lồng tự chế hay tự làm vã cả mồ hôi con vẫn ngoác miệng cười khi thấy ánh mắt ngơ tròn chẳng hiểu đấy là gì dù rằng cố gắng giải thích cho để hiểu. Dù rằng những đứa trẻ lớn, thuộc về thế hệ sau nó, cũng chắng mấy thiết tha, chỉ thấy cuộn tròn hay nằm ngửa, mắt dán màn hình bận phải lướt face, cảm giác trung thu là của những đứa trẻ già, khát khao ôn lại ấu thơ đời mình. Ngộ nghĩnh. 
 photo hengkileephoto11-640x679_zpsd0127338.jpg Ai đó chán rồi để ngắm một ánh trăng! 
Nó ghé nhà anh, cho kịp một buổi ăn, thấy bánh nằm một góc, không thấy lồng đèn, đứa cháu ăn một hộp cơm riêng, nó với anh ngồi bên mâm cơm với những món quanh đồng: cá linh kho lạc, thác lác khổ qua. 
Buột miệng không hỏi: sắp chết hay sao, mà tình cảm lại dâng trào, nấu ăn cho nó! Lại thôi sợ chửi, thấy tật xấu nên thôi, sợ điện về nhà, người tình lại trách, nói anh mày vậy, không sợ buồn sao. Trung thu là tết đoàn viên, cảm người tình cũ, chắc lại nằm riêng một mình! 
Hẻm cụt thiếu vắng những đứa trẻ con, mấy cái lồng đèn, tụm ba tụm bảy, bình loạn cả lên. Thấy yên bình chới với. Hỏi: ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già …bây giờ về đâu!?

Có đứa trẻ già còn mê một ánh trăng

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

[Đời Sales 16] Thổi lửa từ tro tàn

Nó đắn đo mãi xem có tiếp tục viết hay không khi cảm xúc ngày càng vơi đi, bị phụ bạc bởi thời gian và sự thay đổi của thời cuộc đang biến thành thử thách. Những tưởng sẽ khó khăn tìm lại nhưng như bao lần cảm xúc lại về ở những chuyến đi gặp gỡ những con người trẻ tuổi đời và tuổi nghề từ một độ nắng xiên rát hồn của một biển trời chói chang. 
 photo tumblr_nc8e5nZI411sxgpgeo2_500_zpsfgr3cfvj.jpg
Sales - Những con người chọn cho mình một kiếp bôn ba! 
Nó ngồi xuống lắng nghe mấy câu chuyện và tâm sự về một ngành nghề trót mang, ở những mái đầu vừa bước vào mái nhà của gã khổng lồ để sống chung, trước khi bắt đầu sẻ chia một công cụ để thực hiện con đường mình đã chọn. 
Nếu như đã từng phải ngập ngừng che dấu cảm xúc ở một Nha Trang nắng hạ, thì giờ đây nó bắt đầu lập lại ở một Phan Thiết thu sang, mấy câu chuyện kể về lúc đi khai thác thị trường – gọi tên cho sang chứ thật ra đấy lại là những câu chuyện tháng ngày thử thách và ắt hẳn cả cuộc đời của người sales sẽ chẳng bao giờ quên. Khó khăn đấy, thử thách đấy trở thành động lực để họ không cho phép mình từ bỏ dù chỉ là một khách hàng! 

Những đứa trẻ phát tờ rơi từng xóm, len lách mình qua những cánh cửa cao sau khi ngó thấy nhà nào có xe hay tiềm năng. Mấy bận, những đứa trẻ đối mặt với những cái lắc đầu. Mấy lượt, những đứa trẻ bỏ chạy vì chó nhà quên xích. Hồn vía lên mây, ấy thế mà chẳng nề hà, ròng rã tiếp tục đi vì một con đường đã chọn…Có lẽ vì thế mà xóm, phường chẳng nở quên tên. Có lẽ vì thế mà sõi, đá vẫn in hoài trong tâm trí người sales. Họ nhớ rõ từng gốc cây, gềnh đá như những con thuyền ra khơi luôn miệt mài ghi nhớ một chổ neo đậu bao năm. 

 photo user1312501_pic1108782_1421321329_zpshahh2bdy.jpg
Sales - Những con người rất nhanh tự chữa lành các vết thương! 
Nó thích những con người trẻ tuổi đời và nghề ấy vì họ là những con người mau chóng vượt qua những vấp ngã như cơ địa sản sinh một kháng thể mạnh để mau làm lành một vết thương từ nhịp sống bao quanh. Nó may mắn gặp không biết bao nhiêu người con người trẻ ấy và được nghe không đếm hết mấy câu chuyện đời! 
Trong đó, 
Ở một độ nắng đồng bằng tươi ngát, những kẻ đưa đò trở thành những kẻ phục vụ bàn tự nguyện trong mấy lần tiếp đãi khách tiềm năng – họ nằm lẫn khuất trong hàng trăm người ở một buổi tiệc được mời. Mệt lã, đói run nhưng nụ cười vẫn nằm trên khóe môi bởi đâu đó chẳng chấp nhặt ngắn dài hay đo đếm nông sâu đâu là việc mình. Lúc đó, mái nhà lớn vẫn không biết họ là ai và trong những kẻ đưa đò ấy có lẽ sẽ có những kẻ đưa đò mãi mãi cũng không được biết tên. Vì đời là như thế! 
Ở một độ nắng rọi xuống đất xám trên phù sa cổ, nhưng kẻ đưa đò miệt mài chia nhóm để bước đi qua những xóm làng trên nụ cười nở hân hoan của tuổi trẻ. Lúc đó, thấy mương nằm cạnh đường rợp những mãnh bèo trôi, hút heo theo tên gọi thành phố mới. 
Ở một độ nắng Sài Thành ngăn ngắt, một kẻ đưa đò cúi đầu ngăn ngắt những phím gõ đều tay để viết mail nhận lỗi về mình giữa thực tại phải đấu tranh giữa kẻ qua, người lại một bến sông. Đâu ai biết giữa dòng, kẻ đưa đò phải thuận nước đẩy thuyền hay ngược dòng tránh sóng. Lẻ loi. Lúc đó, đứa trẻ trước mặt đang bước sang một trang mới của đời mình chẳng hay như một thế hệ kế thừa tiếp nối. Vì đời là như vậy! 
 photo 1142297776f6b161dbl_zpsldq28f3x.jpg 
… 
Trở lại nơi mãnh đất Chăm pa, nhưng câu chuyện chia sẻ về mấy ngành nghề lần lượt kể qua như ngôn tình được viết dành cho đời Sales. 
Từ dãy ngân hà lấp lánh về đêm của những dãy thanh long được trồng thẳng tấp. Đến đường chân trời ở một sớm ra khơi, biển mấy nơi đã chết, vẫn từ đó có người đã ra đi... Thấy nắng về vẫn cập kè đậu trên những đôi mắt đã nhuộm màu gió sương, ngây ngô dần bớt, nó nhắc lại định nghĩa về sales của riêng mình: 
Một người nghệ sĩ hài trên sân khấu thiếu đèn, được công ty hay khách hàng đặt lên mình những vai diễn, hay chọn cho mình đạo cụ tốt nhất để thăng hoa! 
Nụ cười đó nên được giữ mãi với khó khăn gặp phải và đâu đó niềm hy vọng về một thế hệ nữa lại được sinh ra sau đồng bằng sông nước và đất xám trên phù sa cổ!

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...