- Ngồi nói chuyện với bà trong cái hắt hiu của buổi chiều hè khi trời mấp mé những đám mây đen giăng kín. Vài sợi tóc hóa mây bay đang dạo chơi cùng cơn gió. Phất phơ. Ký ức về một đêm hè của gần bốn mươi năm về trước. Một đêm hè đỏ lửa.
Người phụ nữ. Bốn mươi năm về trước. Một gánh ba con sống giữa đất làng Lệ An, Phú Vang, Bình Trị Thiên khói lửa. Nhớ hoài một đêm hè 1972 ngày ấy. Giữa đêm, linh cảm đàn bà, bồng con chạy giặc.
Chạy giữa đêm sương. Đứa bồng, đứa chạy. Lấy dây buộc chặt những giọt máu đào ngang hông, sợ lạc mất những mãnh đời đói rách, có những cơn mơ bị đạn bom giày xéo một tuổi thơ. Hoảng hốt.
Chạy giữa đêm trường. Với những gia đình trong xóm. Đếm đi đếm lại cũng phải được chục nhà, chạy với nhau sợ lạc đường giữa đêm. Heo hút. Đường chạy giặc từ Phú Vang qua làng chài đến với Thuận An, nơi an toàn còn lại trong một trận đối đầu lịch sử của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam với quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Chạy giữa tang thương. Có những người rớt lại bởi đạn bom oanh tạc hay đạn lạc giữa đường, máu nhuộm ướt mỗi bước chân qua. Người phụ nữ ấy tay bồng, tay dắt con chạy giữa rừng dương bạt ngàn. Hy vọng. Giặc không thấy bóng người luồng lách dưới những hàng dương, oanh tạc những mãnh đời đã quá khổ đau bởi chiến tranh giày xéo. Bước chân chạy đi không ngừng nghĩ, trong cõi lòng lại không ngừng thầm cầu nguyện về một lối về không có thương đau. Chết thì có mẹ có con, sống thì có con có mẹ. Cứ thế hì hục chạy với tâm linh. Rừng dương đón gió từ cửa biển lùa vào xoa dịu chút thương đau, mệt nhọc bởi cát lún từng bước chân qua. Đến làng chài trời đã tờ mờ sáng. Sau vài lần nhảy hầm tránh bom dọc đường mỗi lần nghe tiếng pháo binh.
- Có cơn gió tạt vào mặt nó. Không biết. Có giống cơn gió của đêm hè từ biển thổi qua làn tóc của người phụ nữ ngồi trước nó giờ đã óng ánh màu của thời gian. Nhạt nhòa. Giờ đây vầng trán đầy những vết chân chim, đang hồi tưởng lại những dấu chân lặng thầm bế con ngày ấy. Gió lạc sang mặt hồ Khổng Tử làm gợn sóng lăn tăn. Một chiều hè không vương nắng.
Sóng xào xạt một bên, rừng thông xào xạt một bên. Cứ thế giữa đêm, vừa chạy vừa nhảy hầm tránh đạn. Chang vạng tìm trú tạm ở một ngôi nhà chủ đã bỏ đi, kiếm chút nước cho những đứa con thơ dại đang khát khô bởi mồ hôi thoát ra ngoài suốt đêm chạy. Miệt mài.
Chạy từ sáng tinh sương đến chiều vất vưởng nắng. Ghé lại một ngôi nhà không chủ, thấp lửa thổi cơm cho những đứa con no lòng bằng túi gạo mang theo. Khi ấy. Vừa thấp lửa vừa lo tro không kịp tàn, thấy khói lại có pháo binh dội đến.
Người phụ nữ ngồi trước nồi cơm lửa tàn. Lưng địu đứa con vừa tròn vài tháng. Hai đứa nhóc được vài tuổi đầu chạy sang nhà đối diện tìm phút vui chơi giữa trời lửa đỏ. Hồn nhiên. Không biết tương lai nào đợi chờ.
Ầm mmm. Một tiếng bom dội. Ngôi nhà đối diện tan hoang, chỉ còn khói lửa cháy lên. Người phụ nữ hoảng loạn giữa màu hoang lửa đỏ. Cuống cuồng. Tìm con.
Nó thấy vai bà khẽ rung lên xúc cảm của những ngày tháng hoang mang, cảnh đấy người đây mà như vừa thấy. Bàng hoàng. Thời gian bước qua không dừng lại trên thân thể đã đi qua chiến tranh. Đồi mồi điểm da.
Gào thét gọi tên con giữa hố bom, lửa đạn. Hai thằng nhóc gọi mẹ trong một bụi tre già. Hoảng loạng. Chạy ù đến mẹ. Lúc ấy. Có phải nhờ khôn lanh mà anh em chạy trốn khi nghe tiếng pháo binh, hay có phải vì chiến tranh đào tạo mà những đứa con thơ dại biết chạy giặc, tránh bom thế nào? Ôm vào lòng, nghẹn ngào hai dòng nước. Tưởng mẹ đã mất con.
Ăn chưa ấm lòng, mẹ con lại tiếp tục lên đường. Chay giặc. Thuận An mới là đích đến dù chưa một lần đến đó bao giờ, tính từ thuở ấu thơ đến khi vào đời trở thành mẹ của ba con. Người phụ nữ vừa đi, vừa hỏi trong những con người chạy giặc. Đồng hành. Gió, khói, máu và hào sâu. Người phụ nữ ấy cứ miệt mài suốt một ngày một đêm. Quãng đường hơn mười cây số. Chạy vòng. Một mẹ, ba con. Giữa trời hè đỏ lửa.
- Người phụ nữ ấy giờ ngồi trước nó. Thả mắt nhìn trời đầy những áng mây bay. Có trắng, có đen. Có báo hiệu mưa giông tìm đến. Không còn sợ hãi bởi suốt cuộc đời nắng, mưa đã từng. Không còn sợ hải bởi nắng đạn, mưa bom nhưng hỏi nếu làm lại thì bà sợ hãi khi nghĩ về. Chiến tranh. Hai từ ám ảnh. Đến tận giữa thời bình.
( P/S: Tốc ký một trưa hè nắng đã đi hoang, chỉ còn có mây tàn lạc lối về một hồi ức xưa kinh hoàng )
( Ảnh : Sưu Tầm )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét