Chiến Phan

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Đồng Gió!

Vén mùng. Thả chân. Bà đong đưa trên ván gỗ như một đứa trẻ con. Ngẩng mặt xem tivi. Nói
Thái Lan lũ lụt hơn cả quê mình nữa kìa ông!? Nhìn thấy người ta đi trong lũ, lặn hụp tội nghiệp quá trời. Xa quá nếu gần, già già chắc cũng phụ một tay. Nghe phát thanh viên nói đã có hơn ba tram sáu mươi người chết rồi đó. Trận lũ này lớn thiệt. Hôm rồi đi chùa nghe sư phụ nói, trận lũ mười năm giờ quay lại. Đúng thật.
Photobucket
Ông nhìn bà đong đưa chân như trêu đùa với dòng nước bên dưới. Cười.
Lo sao được mà lo. Người ta ở xa muốn chết. Giờ ở nhà mình còn lo chưa xong nữa là, lo chi qua tới tận bên Thái Lan không biết nữa. Trận lũ này đúng là lớn thật. Nước cũng lăm le muốn vào nhà mình rồi, sáng rồi thức dậy thấy nó liếm tới thềm mất tiêu. Nhìn mấy nhà xung quanh thì nước vào hết rồi, bà con trong xóm bì bõm thấy tội. Nhà mình cũng nên chia sẽ khó khăn với bà con xung quanh. Bán bà con xa, mua láng giềng gần, thấy họ tội quá mà. Năm nay lũ thế này, không biết năm sao thế nào nữa. Nghe cái câu năm thìn nước lụt lại thấy lo lo.”
Bà tiếp tục đong đưa cái chân. Hai cái tay chống lên ván gỗ. Đong đưa chân mạnh hơn.
Thì lúc thằng Tư nó về, nghe mấy chú ở dưới phường kêu gọi đóng góp. Nó đại diện cho nhà mình đóng góp năm mươi phần, mỗi phần là mười kg gạo đó ông. Thằng vậy mà cũng có lòng, dạo này nó làm ăn được, biết nghĩ đến bà con xóm giềng, đã vậy nó còn sợ thiếu khi bà con nghe có mạnh thường quân đóng góp sẽ kéo đến nhiều hơn, sợ người có kẻ không lại thấy buồn, nó mua trừ hao thêm hai mươi phần. Thằng vậy mà hay lo. Mà bà mẹ! Tưởng vậy chia sẽ bớt khó khăn với hàng xóm, phường nó lại gọi điện thoại lên cho thằng Tư, xin thêm ba mươi phần nữa cho anh em chống lũ. Ông nội nó! Nghe muốn chữi thề, ở trong thị xã thì làm gì lụt to mà chống, chỉ có ở những vùng sâu vùng xa nhìn bà con sống trên mái nhà kìa, thấy mấy đứa nhỏ đi chống lũ, cứu đê thấy thương, còn ở đây lũ đâu mà chống. Chọc tôi điên, tôi không cho thêm gì ráo”
Photobucket
Ông nhìn bà với tay lấy cái lược nhỏ trên bàn. Xõa tóc ra chảy. Cười.
Mà thôi mặc kệ đi. Đời mà, có cảnh này cảnh kia như xem cải lương vậy. Lắm lúc thấy ngạo đời. Thằng Tư mần ăn được cùng cám ơn trời đất thương cho, chứ nhìn nó sang nước người ta làm ăn tui cũng lo, rừng thiên nước độc, lại một thân một mình. Cái thằng láu lĩnh từ nhỏ đến lớn không bỏ, nhờ vậy cũng bớt lo. Thấy nó cũng thương, được cái nó cũng lo cho nhà, biết nhớ anh, nhớ em. Cái thằng miệng cứ bô bô, thấy khỗ. Thằng hai cứ nghe cái miệng nó là lại càu nhàu.
Bà xõa mái tóc ra, chãy đều. Chân vẫn tiếp tục đong đưa. Mấy cái khớp trở chứng nhức buốt.
Cái thằng Hai cũng vậy thôi. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Lúc không có thằng Tư thì không thằng Hai cũng thằng Ba thế chỗ, miệng bô bô quăng lựu đạn khí thế. Thiệt…tình. Tui điên lên chữi tụi nó, tui bây nói be bé cho tao nhờ. Nói rồi, được vài ngày lại đâu vào đấy, nói như nước đỗ lá môn.
Photobucket
Ông nhìn bà lấy tay lướt trên miệng lược. Những sợi tóc phai màu đứt, vương lại. Thấy thương
Thôi kệ tụi nó đi. Tụi nó lớn rồi, cái quan trọng là còn biết anh em một nhà. Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ. Mừng. Thằng nào cũng như thằng nào, mới đó mà lẹ quá. Mới ngày nào anh, em tụi nó còn chạy rần rần, rộ rộ ở dưới ghe. Đứa này nói, đứa kia nói, cứ nhoi nhoi như dòi. Trước cứ la bọn nó ồn ào, giờ thấy vắng vẻ sao. Không quen. Đứa nào cũng có nhà riêng, có con, lại phải lo cho con cái. Bởi người ta nói nước mắt chãy xuôi là đúng rồi. Thấy mấy đứa cháu cũng thấy ham, hôm qua cũng nhao nhao như mấy thằng cha của nó ngày trước. Nhắc chuyện mấy đứa cháu mới nói, phải thương con Năm nhiều vào, nhà có mỗi nó là gái thôi, hai vợ chồng con Năm vẫn chưa có mụn con nào.
Photobucket
Bà nắm mấy sợi tóc phai màu, đưa lên nhìn. Một lúc. Thả xuống dòng nước đã bò vào nhà. Đưa tay búi lại tóc. Không còn chấm lưng.
Con đứa nào lại chẳng thương. Con gái lại càng thương, còn chuyện con gái thì cái đó còn phải hỏi ông trời thôi. Không biết trước được. Biết đâu nó làm một phát năm đứa tui với ông ngày trước. Hì hì. Có lo thì lo cho thằng Út, nó chưa có gia đình, cứ ở đâu miết trên Sài Gòn, chẳng biết ăn uống ra sao, sống thế nào? Chẳng phải ông nói, giàu út ăn nghèo út chịu sao. Giờ nhà cũng kha khá mà thấy thằng Út cứ cười khà khà mỗi lần tui hỏi sống ra sao. Cái thằng y chang ông, chả nói cái gì cứ ngửa cổ cười khà khà. Thiệt tình.
Ông nhìn bà. Tay uốn mấy vòng điệu nghệ, làm thành một búi tóc, cài thêm vài cái kẹp, không búi lại rơi. Nhớ. Ngày xưa chẳng cần kẹp.
Nói vậy thôi. Đứa nào cũng thương hết thôi mà. Sợ nhất là ngồi như vầy, xem tivi, nghe cải lương nó hát tuồng gì thảm thế không biết. Cái gì mà mẹ lê thân già hết đến nhà đứa con này sang nhà đứa con khác. Ở như tui có hay không, ở một mình một nhà, buồn thì xem tivi, nhớ đứa nào thì lấy điện thoại gọi cho đứa đó. Mà thiệt là…dạo này già rồi ông à, không nhớ được số đứa nào hết. Giờ sao đây ông!? Ông đi trước tui vậy mà cũng có cái hay, giờ không phải ngồi đây nhớ số tụi nó như tui lúc này. Mà sao không thấy đứa nào gọi. Nhớ quá.
Photobucket
Hình đen trắng lộng khung. Tivi đang phát một tuồng cãi lương mẹ yêu với câu vọng cổ não nề. Giọt nước ngắn dài. Dòng nước dưới ván gợn vài vòng tròn liên tiếp.
( Ảnh: Sưu Tầm )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...