Chiến Phan

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

GIÃ TỪ VŨ KHÍ

Một buổi trưa nắng không len qua lá khi bị vài đám mây che mất. Nó được nghe một bài hát từ một thời “chinh chiến tàn”. Một bài hát đã từng nghe ở một sương đêm phố núi bãng lãng. Lời bài hát đầy ý nghĩa và quá nhiều tâm sự. Nó không hiểu hết.
Gọi là anh. Thực tế. Anh hơn nó hai mươi năm tuổi đời. Hai mươi năm vừa đủ để khói lửa chiến tranh ám màu áo lính chưa phai, súng trường nào làm đôi tay chai sạn vẫn còn đấy, vác oằn vai một quá khứ. Hào hùng. Chinh chiến đi qua đời trai tráng. Mở đầu câu hát bằng giọng hát mộc không đệm đàn giữa trời giăng những áng mây đen. Lờ lững. Bao nhiêu năm rồi kể từ ngày ấy nhũ lòng:
Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn
Anh chẳng còn chi, chẳng còn chi ngoài con tim héo em ơi
Dứt câu. Lửa ánh đầu điếu thuốc. Nói nó nghe về giai thoại bài hát đã bị cấm phổ biến từ thời chinh chiến đến khi hòa bình lập lại, khúc hát vẫn không được vang vì sợ cái không khí“chinh chiến tàn” còn đeo bám, giết đi khí thế hứng khởi đương thời. Buồn. Rối ren tâm sự. Sợ lạc lối. Không hay.
Bỏ mây bay, rớt vài giọt nước. Khói bay lên. Nói. Anh nhớ về đồng đội. 
Những con người của những đêm vượt đồng đến điểm tập kết, bỏ qua những mệt mõi vì nợ nước nhà quên cả ánh trăng. Cùng anh. Những đồng đội liên hoan nào hát giữa rừng, ngọn lửa nhỏ ấm áp tình đồng chí, quàng vai hát ca vang vui cả tháng ngày, để rồi gối đầu bên nhau “ tao kể mày nghe chuyện ở quê tao” giọng nghẹn ngào. Hẹn một ngày “hết giặc rồi, tao dẫn mày về quê tao chơi.”.
Xin trả lại đây, bỏ lại đây thép gai giăng với lũy hào sâu
Lổ châu mai với những địa lôi, đã bao phen máu anh tuôn
Cho còn lại đến mãi bây giờ .
Thấy tầm nhìn rơi nhẹ. Giọng hạ đi vài phần. Trầm. Lắng.
Đến mãi bây giờ.. đứa về quê… đứa nằm lại ở nơi nào đó trên mãnh đất quê hương. Có đứa tìm được hài cốt đem về, có đứa vẫn nằm im nơi miền đất lạnh không có khói nhang cho ấm áp một vong hồn chiến trận. 
Nghẹn ngào, chao đảo khói bay theo làn gió, có những chiếc lá me li ti hòa cùng, như lắng nghe niềm tâm sự. Nó nghĩ “ ai ra đi mà không ước hẹn ngày về”
Photobucket
Trả súng đạn nầy khi sạch nợ sông núi thù
Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao
“ Người ra đi đầu không ngoảnh lại, sao lưng thềm nắng lá rơi đầy” ( Quang Dũng ). Sao cái tâm trạng đó đau đáu, nợ sông núi nên tuổi thơ chỉ còn là phần nhỏ trong cuộc chiến. Nghĩ thấy hay sao. Lúc ấy. Đầu gác ba lô kể nhau nghe câu chuyện tao hồi nhỏ - thằng làm diều số một, thằng bắt cá bằng tay hay thằng ra đồng vui cùng rơm rạ... Kể nhau nghe chỉ dám kể thầm. Sợ bị phạt. Sợ tâm trạng ấy lây lan như một loài virus, khiến “chí làm trai dặm nghìn da ngựa” lại nặng lòng vì những gì bỏ lại. Biết thế nhưng vẫn hẹn lòng đấy không phải ước ao.
Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu với cây đa
Khóm trúc hàng cau, với con đê có chiếc cầu tre
Đã bao năm vắng chân anh, nên trở thành hoang phế rong rêu
Photobucket
Theo gió đu đưa, nụ cười nào bỏ nhỏ cho câu chuyện bớt phần thương đau.
Đêm trước ngày ra quân là đêm chất chứa nhiều nổi niềm nhất. Nằm thức trằn trọc với nung nấu và khát khao. Những thằng “ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau” thân thiết đến lạ, không cùng cha mẹ sao lại gần gũi anh em. Nói nhau nghe những gì thầm kín nhất.
Thấy gió không đưa hết những tâm sự buồn. Nó. Đốt lửa. Chuyển đề. Đời lính có tình yêu không. Anh nhìn nó, xoa đầu, bàn tay không còn đủ ngón. 
Có đầy những mối tình lính chiến buồn, vui đủ cả. Màu sắc tình yêu thấm đẫm hơn những trang văn lãng mạn nhất. Anh nói có những bài hát thể hiện phần nào những mối tình ngày ấy. Anh bảo nó nếu đã nghe bài này thì nên nghe luôn cả Hai mùa mưaĐưa em vào hạ. Bao nhiêu là mối tình thời bom đạn.
Anh lính chiến nào ra chiến trường  mà chẳng mang theo lời hẹn ước nơi quê nhà bỏ lại, cứ hẹn nhau ở một mùa. Mùa mưa. Anh lính đi qua vùng kháng chiến, gửi lại con tim cho người em gái để phải bước qua vùng kháng chiến khác. Nhạt nhòa. Có khi. Anh linh gửi thư nhà từ chiến trường xa, gửi luôn cả con tim cho cô giao liên gặp ở chiến trường hôm nọ...
Vậy là hẹn, vậy là chờ.
Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miến cau, với miếng trầu ta làm lại từ đầu
Photobucket
“ Quê hương đau nắng hạ cũng buồn. Nước sông ngăn đôi sơn hà, còn gì em“ vì yêu quê hương anh lặng lẽ bước chân đi“ như bao anh hùng hiên ngang ra sa trường”, “anh nói một năm nữa anh về”. Vậy mà…
Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn
Bạn anh đó đang say ngủ yên
Xin cám ơn, xin cám ơn người nằm xuống .
Bất chợt lại hát vang lên một khúc hát. Giữa chừng. Có mấy hạt mưa bay đậu trên làn da đã sạm nắng những chừng ấy năm chưa nhã. Thiết tha. Anh sống tiếp một cuộc đời. Sợ khi lìa trần có mấy người thân. Bình thường. Anh với cả nhà đến nghĩa trang mỗi năm vào ngày thương binh liệt sỹ. Tự hào. Giới thiệu với vợ anh, kể cho con anh nghe những người anh em đã cùng anh đi suốt chiến trường dài. Giờ đây họ nằm lại. Những câu chuyện năm não, năm nào vẫn lôi ra kể lại.
Để có một ngày, có một ngày cho chúng mình
Ta lại gặp ta, còn vòng tay mở rộng thương mến bao la
Chuông chùa làng xa chiều lại vang bếp ai lên khói ấm tình thương
Bát cơm rau thắm mối tình quê, có con trâu, có nương dâu
Thiên đường nầy mơ ước bao lâu ...
Photobucket
Xe cứ chạy trên đường dài tấp nập, nhưng con đường không nằm im nơi phố thị ồn ào. Đã qua bao năm rồi, đất nước đã lột xác phát triển mạnh mẽ. Thay đổi rồi em ơi. Mọi thứ càng đi qua quá lâu khiến con người ta càng nhạt nhòa. 
Quá khứ như tàn tro. Bị gió thời gian làm cho bay mất không tịnh lại chút gì
Nó không nói gì chỉ im lặng vì nó chưa từng “bước trên quê hương điêu tàn” để hiểu cảm giác “ trăm họ ước mơ, mơ mái nhà chiều khơi lửa ấm”, nơi mà “bát cơm rau thắm mối tình quê, có con trâu, có nương dâu..” một thiên đường bình dị. Nó nói với anh biết khi nào “ ta lại gặp ta, còn vòng tay mở rộng thương mến bao la” để “ thương những người giết giặc ngày đêm”. Anh cười sảng khoái. Bảo chắc ở một sớm mai nào đấy. Không phải kiếp này. Thả khói bay lên trời, hòa với mây.
 ( Ảnh: Sưu Tầm )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...