Cuộc sống có những sự trùng hợp. Liên tiếp nhau. Trở thành định mệnh.
Viên đạn xoáy sâu vào trong trí óc tôi. Hai mươi hai năm. Chiến tranh Việt Nam đã đi qua để lại trong đầu tôi là một vết thương không bao giờ lành. Không một bác sĩ ngoại khoa nào có thể gắp ra viên đạn đó cho tôi. Viên đạn ghim thẳng vào đầu tôi.
“ Anh ta bắn [vào đứa bé] với một khẩu a.45. Nhưng trượt. Chúng tôi cùng cười. Anh ta tiến thêm khoảng 1 mét rồi lại bắn trượt. Chúng tôi cười. Cuối cùng anh ta dí súng vào đầu đứa bé và cho nó ăn kẹo đồng. ”
Chúng tôi nhận được lệnh “đánh mạnh vào đây, tiến gần kẻ địch và xóa sạch chúng” từ cấp chỉ huy. Đầu xuân năm 1968. Việt Nam. Khắp nơi đón xuân bằng một trời khói lửa.
Sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ. Tôi mười bảy. Tình nguyện tham gia đi lính. Không quá vĩ đại vì tình yêu đất nước lớn lao, mà đơn giản tôi muốn trốn thoát khỏi nước Mỹ, khỏi cuộc sống hiện tại. Ba và mẹ tôi đã ly dị. Tôi mười lăm tuổi. Bỏ học. Bước ra đường làm du đảng, làm quen với súng đạn, gái và ma túy. Hai năm. Cay nghiện ra, bạn gái đã chết vì ma túy. Tất cả đều tan biến, tôi muốn quên đi. Đời lính có thể cho tôi một liều thuốc tẩy não. Tạm thời.
Việt Nam hoàn toàn xa lạ và năm mới ở đây khác xa năm mới ở quê nhà, với những đóa hoa mai nở rực rỡ thay một màn tuyết phũ bao quanh và trên bàn đầy ắp các món ăn truyền thống, nhưng không có ly rượu sóng sánh cùng thịt xông khói. Người nơi đây hân hoan chào đón năm mới dù đang bị chiến tranh giày xéo, không hiểu nhau trên mọi khuôn mặt đều rạng rỡ những nụ cười tin yêu.
Với tôi, không chắc mình có nở được nụ cười hiền hòa đó không khi tôi phải làm một việc bằng lý trí chấp hành mệnh lệnh.
Giết họ.
Máy bay thả chúng tôi tại một làng quê được mật hiệu là Pinkwill, sau này mới biết đó là Sơn Mỹ. Tôi thuộc sư đoàn bộ binh số 23. Tiến vào làng. Say máu. Tôi phải dùng từ như thế. Tất cả gần như điên loạn, họ xả súng vào bất cứ ai họ gặp sau khi chỉ huy thực hiện phát súng khai màn xuyên tim một người đàn ông đang núp co ro bên vách nhà. Tất cả hò hét xả súng.
Càng giết họ càng điên loạn.
Trong những giây phút ám ảnh nhất đời mình. Tất cả đồng đội đang chờ tôi bóp cò. Chỉ huy nhìn tôi và gật đầu ra lệnh. Trong cuộc đời sống bằng nắm đấm, tôi chưa hề khiếp sợ trước một đối thủ nào trong những lần đối kháng và trong đời lính của mình tôi chưa bao giờ chùn tay khi bóp cò giết kẻ thù. Khả năng tự vệ và bảo vệ đồng đội thúc đẩy tôi buộc bóp cò, nhưng giờ trước mắt tôi là những con người không có vũ khí: đàn ông, đàn bà, trẻ con và người già. Đầy rẫy. Những ánh mắt sợ hãi càng khiến đồng đội tôi khoái trí, họ đang chờ tôi nã đạn vào đầu người phụ nữ đang ôm một đứa bé.
Tôi hớp một ngụm rượu thấm ướt cổ họng đang khô khốc, cảm giác giống như tất cả nước trong cơ thể đã theo mồ hôi thoát hết ra ngoài. Linh hồn đang khô cạn.
Đùng. Phát đầu tiên đi trượt qua phía bên trái, viên đạn ghim thẳng vào mặt đất, đầu súng vẫn còn tỏa khói. Người phụ nữ đang run lên vì sợ hãi và đứa bé khóc thét khi nghe tiếng súng. Mồ hôi tôi lại vã ra như tắm. Tôi tiếp sức cho mình bằng một ngụm rượu nữa.
Đùng. Phát thứ hai tôi bắn ở một khoảng cách gần hơn. Lại trượt. Đồng đội phía sau tôi đang cười rú lên. Phía trước tôi, người phụ nữ đang nhìn tui cầu cứu trong ánh mắt đau thương và đứa bé nín bặt. Tay tôi run lên khi bắt gặp ánh mắt ấy. Mồ hôi ngưng chãy, thay vào đó là cảm giác lạnh lẽo đang xâm chiếm tận linh hồn sau khi lướt qua thể xác.
Tôi tiến lại gần họ hơn. Trút cạn rượu. Phía sau là tiếng cười của đồng đội.
Đùng. Viên đạn xuyên qua lưng người phụ nữ và đứa bé. Máu chảy ra, cặp mắt trợn tròng. Họ đã chết. Bằng một viên đạn xuyên qua tim.
…
Tôi không đau lòng vì quá khứ hạnh phúc hay hiểm nguy cận kề. Nỗi buồn khổ lớn nhất là tôi chẳng để lại sau lưng thứ gì khiến người ta phải rơi lệ.
Hai mươi hai năm. Linh hồn tôi bị hành hạ mỗi đêm sau khi trở về từ cuộc chiến anh vô nghĩa ấy. Tất cả mùi súng, đạn, khói lửa và chết choc dần lùi lại phía sau, chỉ còn một đôi mắt và viên đạn ghim ngày càng sâu vào đầu tôi theo ngày tháng.
Tôi tìm cách thoát khỏi được sự dằn vặt chính mình trong những ngày tháng trở về. Trở thành một con chiên ngoan đạo, tuy thế vẫn không thể rửa hết tội lỗi mà tôi đã gây ra. Một ngày nắng vàng trời tháng sáu, trút hết lòng mình tôi xưng tội với cha về những gì tôi đang bị dằn vặt.
Tôi cần một sự thứ tha.
Cha nói: con chỉ được thứ tha khi con nhận được sự tha thứ từ những người con gây ra tội lỗi mà thôi, con à. Chiều ấy, tôi ngồi giữa giáo đường nhìn đức Chúa trầm luân đời mình trên thánh giá đóng đinh. Tôi quyết định trở về nơi mình đã gây ra tội lỗi. Việt Nam.
Từ lúc bước chân lên máy bay, những hình ảnh của một chiến trường xưa hiện về. Gào thét. Một cảm giác sợ hãi đang len lõi vào đầu tôi như một ngọn lữa tàn đang bùng cháy lên dữ dội khi máy bay tiếp đất. Cảm giác sợ trả thù. Hàng trăm cảnh tượng nhảy múa trong đầu tôi. Họ sẽ bắt giam, xét xử, rồi nã đạn từng phát vào đầu tôi để cho tôi niếm mùi sợ hãi mà đã từng gieo cho người khác. Tôi nhắm mắt mặc kệ bước ra khỏi phòng hành lý để tiếp xúc với đất nước này. Tôi sẽ bị giết hay cái gì tồi tệ hơn thế xảy ra như thế nào đi chăng nữa, thì nó sẽ giúp linh hồn tôi sẽ được thanh thản hơn.
Tôi mở mắt nhìn bầu trời phía trên đầu, từng áng mây đang thả trôi yên lành, một luồng không khí dịu mát đang di chuyển qua phế quản. Từng cơn. Cảm giác sợ hãi ấy dần tan biến khi tôi bắt gặp những ánh nhìn tò mò, trên đôi môi đang gắn một nụ cười như đóa hoa xuân đang nở giữa hạ.
Tôi mạnh dạn bước đi trên đất nước đã từng rượt đuổi trước đây, trong những lần càn quét. Đẫm đau thương. Bắt một chuyến xe buýt, mất hơn mười lăm tiếng đồng hồ, xe băng qua những con đường ghồ ghề, hai bên những cánh đồng lúa xanh thăm thẳm cứ lướt qua. Tôi về lại ngôi làng trong ký ức đầy máu với hy vọng tìm gặp một ai đó còn sống sót, mà thật sự ra chính tôi cũng không biết họ là ai để biết ai còn sống. Tôi biết. Tôi đang lừa chính tôi.
Những người tôi gây ra tội họ đều đã chết. Không một ai thoát khỏi trận càn quét ấy. Giờ họ đang nằm lại dưới chân tôi với những cái tên được khắc trên bia mộ và chắc chắn còn một số người nữa không biết họ đã nằm lại đâu đó ở ngôi làng này vẫn chưa tìm ra được. Một mái trường đang đứng sừng sững trước làng như thách thức đau thương. Trước mắt tôi. Ký ức năm xưa như một trận cuồng phong ùa ngược trở lại theo hơi thở tiến thẳng đến tim, đập phá lồng ngực. Tôi cảm thấy khó thở, mắt lưng tròng nhưng không dám tiết ra thành lệ vì không biết gọi là lệ gì đây, khóc cho điều gì thế này!?
Họ không phải người thân tôi nhưng họ đã vì tôi mà chết. Giờ đây sự sống vẫn còn tiếp tục trên những đau thương.
Tôi ngồi đấy đến tận chiều tàn.
Vẫn chưa tìm được sự thứ tha.
Tôi trở lại Sài Gòn ngay sau khi thấp một nén hương theo tập tục nơi này. Tôi sẽ về lại quê nhà để linh hồn tiếp tục bị hành hạ. Không còn cách nào hơn. Tôi lững thững trên đường phố Sài Gòn sáng hôm sau trước một hôm ngày trở về nước, chẳng hiểu sao tôi lạc vào bảo tàng di tích chiến tranh.
Bảo tàng đầy những xác máy bay và xe tăng sau trận chiến. Tôi với tay chạm nhẹ vào những con quỷ sắt đã từng sánh vai chiến đấu, cảm giác lạnh toát hồn ngày xưa trở lại dồn dập. Đột nhiên, có tiếng nói kéo tôi thoát ra vũng lầy ký ức buồn đau. Tôi bắt gặp một cô gái đang nói cười trong nắng mới, tà áo dài phía sau đang nghịch đùa cùng gió đu đưa. Hồn tôi tự nhiên lơ lững. Tôi hòa vào đoàn người đang theo sau em, lắng nghe em kể về những gì của chiến tranh đã từng.
Sau một hồi, tôi chen ngang vào một câu hỏi: Em có thù hận người Mỹ vì những gì họ đã để lại không!?
Em sững người nhìn tôi vài giây, rồi nở nụ cười làm mây bay chợt đứng lại nhìn ngẩn ngơ. Em nói: Có hận thù thì vẫn chẳng đổi thay được gì. Đau thương đã qua đi, thay vì cứ mãi nghĩ về thù hận của hôm qua, thì tại sao không nghĩ làm gì cho hôm nay để bù đắp những đau thương. Hận thù là một tính từ, người Việt chúng tôi hiếm khi dùng.
Câu nói làm tất cả người nghe cười hiền lành.
Tôi ghi vào lòng câu nói em. Trưa buồn dìu dắt tôi lại chùa Vĩnh Nghiêm cổ kính. Nơi tôi mong muốn tìm được sự giải thoát dù chỉ là ích thôi, khi đọc đâu đó có câu triết lý của nhà Phật “sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình”.
Tôi ngồi yên lành dựa tường nhìn những tượng Phật trong một cõi bình yên, khói nhang làm không gian thêm trầm tịch, thoáng kéo tôi ra khỏi ký ức đeo bám.
Một lần nữa. Có tiếng nói kéo tôi rời khỏi những suy tư. Nụ cười trong nắng thanh tao, vạt áo dài nghịch đùa cùng gió lưa thưa đưa hồn tôi lơ lững tiếp.
Tôi bỏ đi gửi lại em một nụ cười hiền.
Tối đơn côi dụ dỗ tôi tìm đến quán bar, kiếm chút hơi men như một thói quen giúp cho tôi thoát khỏi những cơn ác mộng đeo bám hằng đêm. Tôi gọi một ly bia nhấp nháp vài ngụm khói cay, ánh mắt tôi bị níu kéo về sân khấu bởi một tiếng hát ngọt lành. Hotel California. Người ca sĩ đang thả hồn theo tiếng guitar quyến rũ. Tôi thấy nhớ nhà khôn xiết.
Tôi gặp lại em. Cô gái hướng dẫn viên. Ngồi đối diện bên kia quầy bar cười sóng sánh rượu pha. Em khác lạ so với ban ngày, gợi cảm hơn trong chiếc áo thun dài tay bó sát người nhưng tuyệt nhiên không hở cổ, kết hợp với chiếc váy jean bụi bặm.
Em bắt gặp ánh nhìn của tôi, nhận ra người quen – một lần. Em chủ động đến chào tôi và cụng ly. Ma mị. Tôi chếnh choáng bởi hơi cồn, khói cay và đôi môi gợi tình. Khách sạn tôi về có hai chiếc bóng hòa vào nhau. Ma mị.
Dưới ánh sáng vàng hất hủi hai con người đang khám phá động tình. Bàn tay tôi nhẹ nhàng lướt qua da thịt em, đôi môi tôi dừng lại ở vết sẹo lồi bên ngực trái em. Em kéo tôi trở lại mộng tình bằng đôi môi thoát tục, quên đi vết sẹo trên ngực em. Khiếm khuyết bay đi. Tôi như sống lại thời trai trẻ bỏ quên. Thoát thai khỏi thân thể già lụ khụ, đón em vào vòng tay và chơi trò ân ái. Em sóng sánh như một ly rượu vàng. Trút cạn. Thăng hoa.
…
Tôi đón em qua Mỹ. Từng làn đạn ký ức đẫm máu bắn vào giấc mộng hàng đêm thưa dần kể từ ngày tôi có em. Tôi như được sinh ra lần thứ hai trong một gia đình mới với em và đứa con nuôi. Đứa con ấy cũng sinh ra từ mãnh đất bị chiến tranh càn quét. Việt Nam. Tôi và em giữ gìn những gì có thể cho con trai mình về một đất nước thấm nhiều máu và nước mắt vì tôi nghĩ: Dẫu quá khứ là đau thương hay hạnh phúc, thì không một ai được quyền tước đoạt đi những gì của ký ức từng mang vì đó là một hành trang sống quí giá sẽ theo ta đến cuối đời.
…
P/s : Cám ơn em! Catherine – người đã cho anh một cuộc sống thứ hai. James Colburn.
( Bài viết đã sử dụng tư liệu của Wikipedia )
( Ảnh: Sưu Tầm )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét