Chiến Phan

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

TONLE SAP – Một trái tim Việt giữa miền quê Xiêm Riệp

Những đứa con lưu lạc 
Photobucket  
Ngồi nhìn từng dòng khói thuốc bay lên trong cái ánh đèn vàng nhạt nơi góc vườn nhỏ của Guest House, nằm khuất trong một con đường của Xiêm Riệp yên bình. Hình ảnh của bữa trưa nắng cháy giữa hồ Tonle Sap với nó vẫn còn là một nỗi ám ảnh. Nỗi ám ảnh ấy sẽ không bao giờ quên.
Đọc vài thông tin tìm kiếm. Tonle Sap. Được biết đến là một hồ nước khổng lồ. Đến rồi mới thấy nơi hồ ấy còn chồng chềnh những cuộc đời lênh đênh – những người con đất Việt xứ xa.
Photobucket


Chiếc ghe tiến về ngã ba sông. Lòng háo hức tìm hiểu một thắng cảnh lại trở thành một nỗi niềm mênh mông. Khi thấy. Có đứa em nhỏ tuổi đời chưa quá bảy, nhảy qua nhảy lại cùng chú khỉ trên vay như một tay xiếc thạo nghề đón chào những du khách. Phụ họa. Bán vài lon nước, tìm kiếm những đồng bạc đầu đời mặc lưng trần hứng nắng. 
 
Nước uống không còn tỏa ra hơi lạnh nhưng đánh tan những con tim giá lạnh  nhưng làm tan cả nắng cháy khi nghe một lời chào. Tiếng Việt. Những con người nghe được thứ ngôn ngữ mẹ đẻ phát ra từ trên đất nước bạn, với nó, không còn là sự thích thú mà thay vào đó là nghèn nghẹn chắn ngang cuống họng khi nghe lời chào từ đứa trẻ quá sớm để vào đời. Mênh mông.
Photobucket


Bỏ tầm nhìn xuống dòng nước sóng sánh. Dòng nước nơi đây không giống dòng nước quê nhà, với màu xanh trong vắt của một con sông quê yên bình ít ra vẫn còn trong trí nhớ trẻ thơ, hay màu đen kịt của con kênh thành thị đi vào guồng máy công nghiệp phát triển để rồi chết đi, mà dòng nước nơi này xanh xanh một màu rêu loang lỗ bởi váng dầu. Khó tả.
 
Những mãnh đời chắp vá, gắn kết nhau trên những chiếc ghe nhỏ nằm rãi rác khắp hồ. Như một bức tranh điểm các họa tiết buồn trên một màu nền xanh loang lỗ.
Những số phận gắn liền với dòng nước loang lỗ, bồng bềnh không nhẹ trôi. Một đời. Thu nhập lên xuống tùy theo dòng người đến đây nhiều ít. Thu nhập đầy vơi tùy theo khách đến tham quan lòng có vơi đầy, gửi chút tình cho mỗi lần ngữa tay khi sinh nhai chài lưới không đủ no lòng. 
Photobucket
Nó bỗng nhớ đến nỗi niềm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Mâu thuẫn. Giữa phát triển và chậm tiến. Giữa sinh sống và sống sinh. Khi làng quê nghèo lại trở thành địa điểm tham quan, người đến nhìn mãnh đời tơi tả trong bức tranh ghép đời tả tơi. Lạ lẫm. Chụp một tấm hình. Một mái nhà tranh rách nát, một chiếc ghe chống chọi nắng mưa vách vá bao lần, một chiếc xuồng con xuôi ngược nước tát cạn đáy vì có ai hay dầu chai cũng phai theo dòng nước theo thời gian…còn con người thì áo rách sờn vai. Lạ. Như chưa từng thấy một lần đời thực. Chua chát. Khi người đủ đầy đến xem người tả tơi thế nào. Ngược ngạo. Hiếu kỳ giữa khóe mắt cay cay.
“..Thói đời, tre già măng mọc làm sao hết những thằng du côn?”
Câu hỏi của Nam Cao ngày nào giờ như sống dậy nơi đây. Mãnh đất nghèo, cái nghèo sản sinh ra những Chí Phèo con, Chí Phèo cháu. Láu lĩnh hơn đời cha ông. Chưa lớn đã biết sao vật vạ kiếm tiền qua những pose hình khách tham quan nhìn ngắm chụp gần, xa. Mặc cả. Nhiều khi nghĩ đời có qua có lại. Ăn cháo trả tiền. Biết sao.
Nghèo ghì chặt sát đất thì việc sản sinh ra những thằng đầu bò có gì phải quá ngạc nhiên.
Vài viên kẹo, vài đô la quăng lại chỗ em ngồi – ngồi theo số phận, nhận ban phát chút tình thương từ những con người khắp nơi trên thế giới đến nơi này. 
Có người thật lòng, có người xót xa và cũng có người bỏ ra mua được trò vui vài đồng. Rồi họ nói, họ cười một điều gì đó. Không biết nữa. Hình như là mĩa mai.
Photobucket

Phía cuối trời xa, những đám mây không hình dạng, long đong trôi như những kiếp người nơi đây không biết sẽ đi về đâu. Có ai thoát khỏi một trong những biển hồ lớn nhất thế giới này không? Một câu hỏi vô vọng!?
Nó lắng tai nghe bài hát bằng headphone, bài hát đang vào những giai điệu đẹp của một đất nước đổi mới. 
Gió chiều rung nhẹ bông lúa vàng, ...
Đồng quê ngát hương đang êm ru muôn âm thanh dịu dàng.
Nắng chiều tô đẹp đôi má hồng, ...
Người em mến thương gieo trong tôi muôn khúc nhạc vấn vương.

Ngậm ngùi. Những đứa con đất Việt còn đây, có biết chăng quê nhà đang chào mừng một khúc hoan ca ngày đại thắng 30/4 của 35 năm về trước:
Có tìm về?
“Có tiền đâu mà về” là câu trả lời khi người đồng hành hỏi “sao không về lại Việt Nam”. Trả lời trong cái nắng chói chang, người mẹ trẻ đèo con trên lưng tiếp tục chèo xuồng tìm khách. Bỏ đi. Vội vã sau khi nhận tiền. Có giọt nước nào ngấn ở cuối khóe mi sau câu trả lời.
Photobucket

Ở đằng xa, vài chiếc xuồng khác đang tìm đến. Làm cùng một công việc. Ngữa tay. Nắng làm ngã bóng. Xiêu vẹo.
Ghé ngang qua “ngôi trường nổi trên sông". Nghe kể lại có người Việt Kiều hảo tâm dành chút tấm lòng cho những người con cùng dòng máu Lạc Hồng. Lạc dòng. Đám mây cuối trời như đứng lại, nó bỏ mặc cái nắng xuyên qua da để cảm nhận phần nào sự chịu đựng và sức sống của đồng bào nơi này. Ran rát phận người.
Chiến tranh đã đi qua và dư âm còn lại
Nó tự hỏi vì sao những người con của đất Việt lại lưu lạc chốn này, nơi mãnh đất không đồng âm, đồng tiếng!? Có phải bởi chiến tranh mà những người con của đất Việt tìm đến nước bạn giải phóng khỏi một chế độ Pon Pốt bạo tàn để rồi dòng cạn, không thoát được khỏi nơi đây!? hay có phải bởi chiến tranh mà những người con của đất Việt ra đi tị nạn , nghĩ rằng tìm một bến bờ tươi sáng, đâu ngờ giữa mênh mông sông nước không thấy bờ đâu? Và nhiều câu hỏi nữa…
Bởi chiến tranh ư!? Dường như là không phải.

( Edit lại giữa một ngày đứng giữa biển mênh mông )

( Ảnh: Sưu Tầm )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...