Họ - những con người phải sống vì một lối về.
Chặng đường của người Sales không trải đầy hoa hồng trên những bước chân đi. Nhiều khi, người Sales phải gập lưng lại vì một thanh chắn sống giữa đường đời hay phải cúi đầu trước một thanh ngang trên bậc thang danh vọng, dẫu thật lòng con tim không chấp nhận. Bởi hơn ai hết, họ là những con người ý thức được việc ở và đi một cách rõ ràng như phân biệt giữa ngày và đêm.
Việc xin giá tốt để bán không hiếm gặp. Đó là một trong hình ảnh bắt gặp thường xuyên trong các căn phòng kinh doanh, người nhân viên trong đồng phục chỉnh chu của màu cờ sắc áo; thường là áo trắng - quần xanh hoặc xanh đen, khoác lên một áo vest đồng màu, đứng khúm núm để xin một giá tốt cho khách hàng trước người quản lý. Điều đó có thể hiểu là tất cả các nhu cầu của khách hàng đều không giống nhau.
Lý lẽ thường bị bắt bẻ. Những người quản lý thường trang bị kinh nghiệm trước các tình huống đưa ra để biết được đâu là nhu cầu, đâu là “bánh vẽ”. Có những cái gật đầu ngay lập tức, có những câu hỏi đặt ra không chỉ để tìm hiểu mà còn để từ từ thay đổi cách nghĩ của một người làm trước cán cân lợi ích của khách hàng và công ty. Có những lời nói vô tình làm tổn thương.
Nói xấu sếp là sướng nhất! Chuyện đấy cứ được mang ra bàn cafe hay bàn nhậu để kể lại, dù bản thân biết rằng trong lúc tranh luận về lý lẽ ấy nhiều khi phải lặng im vì…đuối lý.
Ngộ nghĩnh. Rất đời. Tôi thấy những nụ cười vẫn nở trên môi, ánh mắt lấm lét, cử chỉ thập thò trước khi đối diện với quản lý của mình. Đứng trước một người kinh nghiệm ai cũng phải kiêng dè. Mở đầu câu chuyện với những khó khăn trong đàm phán để đưa ra giải pháp đề nghị với quản lý, cấp trên. Thấy. Ngẫm. Ngộ.
Sự trung thực tạo thành tin tưởng. Ở một đất trời Toyota Đông Sài Gòn, người đàn ông quản lý mang tên Minh họ Võ áp dụng rõ ràng nhất điều đó trong sự yêu mến của những nhân viên mình. Dẫu rằng, thời gian trôi, tre già măng mọc, tôi không biết liệu rằng có bao nhiêu nhân viên còn nhớ đến tên anh đủ đầy, hay đôi khi chỉ đơn giản là một cái gật đầu chào mỗi khi gặp lại. Như thằng nhóc viết những dòng này, cứ nói sắp xếp nhiều lần để đến gặp anh; đến giờ vẫn chỉ là một lời hứa…giữa tôi và tôi.
Tôi có một sự thuận lợi ở ngoài hình, đấy là ấn tượng ban đầu. Nhược điểm chí mạng lại nằm ở chính ngoại hình mang lại cho bản thân sự tự tin, tôi không mang đến được sự thiện cảm và chân thành. Sự láu lỉnh đâu đó bộc lộ từ sự chỉn chu, cứ ép mình vào khuôn khổ và thể hiện. Sự thân thiện và chân thành thiếu vắng ở những khoảnh khắc đầu. Tôi phải mất nhiều thời gian để chứng minh sự thân thiện và chân thành của mình với việc phải nỗ lực để đàm phán thành công từ trong ra ngoài. Tôi đã phải tung hê; nhiều khi quá đà về một khách hàng của mình.
To be or not to be. Người bán hàng hiểu câu nói của William Shakespeare hơn ai hết.
Thực tế và thực dụng.
Đừng nói chuyện với sales về tiền! Đó là một trong những điều tôi rút ra thấy những người, anh, chị em hiểu rất rõ về giá trị của đồng tiền như tấm huân chương luôn cho hai mặt. Việc “đụng” một khách hàng là chuyện “thường ngày ở huyện”. Có những cách sắp xếp giữa hai người, có những lúc phải cần can thiệp. Tóm lại, mọi thứ rõ ràng thì vạn sự yên.
Người bán hàng thấy không có nhiều lắm những vách ngăn phân cách trong cách nghĩ, cách làm; để rồi ngó nhìn những ánh mắt rẽ khinh, tảng lờ thêm chút thờ ơ như dặn lòng làm sao ta sống được lòng hết tất cả bao giờ. Nuốt vào trong.
Ức nghẹn.
Khinh thường dấu sao đều cảm nhận được hết. Người bán hàng được trang bị một trực giác nhạy cảm để có thể đánh giá khách hàng của mình, người bán hàng mở rộng ra luôn cả với những người xung quanh. Đơn giản. Vì việc đó đã trở thành một phản xạ có điều kiện. Ngôn ngữ cơ thể là một trong những cách người bán hàng tự trang bị cho mình dựa trên các khóa huấn luyện, hoặc quá trình làm tích lũy thành kinh nghiệm hoặc cả hai. Toyota là nơi có guồng máy đào tạo tốt.
Omotenashi - cách hành xử, giao tiếp chào đón một khách hàng luôn được mang ra để đào tạo từ những ngày đầu ở những khóa huấn luyện nhân viên bán hàng của thập niên đầu của thế kỷ 21.
Từ nhân viên bán hàng cho đến lễ tân, bảo vệ của tất cả các đại lý Toyota đều được đào tạo về cách giao tiếp.
Nổi bật nhất nét văn hóa Nhật Bản là Toyota Hiroshima Tân Cảng, nơi sống mãi một huyền thoại. Ông cụ quản lý dáng người nhỏ bé mang văn hóa Nhật đến nơi đây ở buổi bình minh và hoàng hôn tắt nắng trong câu chuyện của người quản lý trực tiếp và người chị đồng nghiệp trong một buổi thăm hỏi về công việc của thành viên bán hàng của Tài Chính Toyota được gửi đến đây.
Đại diện của tất cả bộ phận gửi lời chào đến những vị khách đầu tiên và cuối cùng. Ngày nào cũng như ngày nào, ông cụ đã vượt qua ngưỡng đời của Y Vân đi bộ từ con đường Lê Thánh Tôn đến Nguyễn Hữu Cảnh; nơi tọa lạc của showroom nằm dưới chân cầu Sài Gòn để thực hành nghi thức thiêng liêng ấy trước khi bắt đầu hoặc kết thúc công việc của một ngày. Điều đó đã trở thành một nét văn hóa của Toyota Hiroshima Tân Cảng. Những anh, chị, em bán hàng bước ra từ đây không khó để hòa nhập vào một trong những đại lý hoặc công ty Nhật khác.
Tôi ngồi uống trà với anh Hậu, một trong những thành viên bán hàng của Toyota Hiroshima Tân Cảng ngày nào giờ trở thành một quản lý ở đất Long An. Toyota vẫn là mái nhà của anh, như đi để trở về. Anh vẫn nhớ về những bài học xưa. Tôi gật đầu công nhận, thế hệ bán hàng của anh, chị, em bán hàng của thập niên đầu thế kỷ 21 ấy; đều có một vị trí nhất định ở dưới mái nhà của Toyota, của vùng trời kinh doanh xe ô tô hay thậm chí bước ra lĩnh vực khác. Việc đó chỉ được tường thuật qua lời kể trong lúc hỏi thăm nhau, có một điều tôi phải tin vào đó là cách cư xử - giao tiếp đúng mực đều ăn vào máu họ như cách tôi phải tập tành học lại trong những ngày sau.
Dale Canergie nói: quẳng gánh lo đi mà vui sống. Biết là thế nhưng làm không dễ. Bởi lối đi về có quá nhiều thứ để nghĩ suy.
Một con đường trẻ với suy nghĩ về tương lai, làm sao bám trụ lại bằng mọi giá để biết rằng chỉ có hôm nay dựng xây, không thể chờ đợi ở một tương lai như một khung cửa kính đang bị bao phủ bởi màn sương.
Một con đường chững lại với những suy nghĩ về hiện tại phần nhiều. Ở cuối con đường, có tiếng trẻ gọi mẹ, cha, ê a trong những lần về. Thấy vơi đi tất cả những gì chất chứa của một ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét