Ngày 20 tháng 7 năm 2021.
Sài Gòn bắt đầu nói về cái chết. Đâu đó, lời kêu gọi người dân “tiếp tục ủng hộ, tin tưởng, cảm thông” văng vẳng bên tai của chủ tịch đương nhiệm Nguyễn Thành Phong.
Người sống theo dõi số người chết. Trong các câu chuyện lan truyền trên mạng xã hội facebook hay chỉ là câu chuyện của hàng xóm bắt ghế ngồi nói chuyện với nhau trước nhà về một đề tài chưa kiểm chứng về số liệu.
Thuyết âm mưu về giấu số liệu bùng nổ; ám ảnh từ sự kiện đã từng diễn ra ở Trung Quốc trước đó một năm âm ỉ lại bùng phát ở đất nước mình.
Sự hoang mang dâng tràn như cơn xả lũ. Một cơn lũ hung bạo càn quét tất cả mọi thứ trên đường đi sau một thời gian tích trữ thông tin đủ lâu. Một năm rưỡi chứng kiến dịch bệnh Covid diễn biến trên mọi miền đất nước hình chữ S, những nhà phân tích chuyên - không chuyên xuất hiện như nấm mọc sau mưa và giờ là một tháng đã ở nhà tính từ tháng 6 năm 2021, sự dồn nén cảm xúc đã thành đỉnh điểm.
Con người ta nhạy cảm với tin đồn. Tôi bắt đầu có thể cảm nhận được vì sao tin tiêu cực dưới dạng tin đồn chưa kiểm chứng, về những cái chết trong khu cách ly khu điều trị như chất xúc tác cực mạnh giúp cho tin đồn ngày càng được lan xa cùng với sự hoài nghi vô độ.
Dường như, càng không biết con người ta càng tin vào những lời đồn chỉ đơn thuần dựa trên các lập luận tưởng chừng logic, chẳng qua chỉ là sự tích tụ của hoài nghi khi đã từng đánh rơi sự tin tưởng mà thành.
Càng hoài nghi, càng chia sẻ nhiều hơn những thông tin tiêu cực. Với sự hỗ trợ của công nghệ đã đẩy tin tức lan xa theo cấp số nhân. Sự vô tình hoặc cố ý khiến công nghệ trở thành ngu ngốc khi chỉ tập trung ở vấn đề thu hút sự quan tâm nhiều nhất; việc đúng, sai được xem như thứ, phụ, hoặc không đang quan tâm.
Công nghệ đưa các gợi ý về chủ đề người đọc quan tâm. Các mạng xã hội hay các ứng dụng đọc báo, tiếp tục gợi ý cho người xem những tin tức tiêu cực liên quan để mong muốn người dùng xem tiếp, chia sẻ với gợi ý để tiếp cận nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, đó là một vòng luẩn quẩn.
Sức mạnh của công nghệ đã bắt đầu mang đến sự trải nghiệm cho người dùng như một con dao hai lưỡi, ở đây là lưỡi thứ hai sắc nhọn.
“Khi lìa trần có mấy người đưa”. Vũ Thành An chắc chắn sẽ không thể tưởng tượng ra là có nhiều người rơi vào tình cảnh mà mình đã nghĩ và viết ra cho một bài “không tên số 4”. Nhiều người đã ra đi không có người thân bên cạnh; có chăng chỉ là một cái vuốt mắt từ một người xa lạ đến từ bác sĩ, y tá, thực tập sinh hay là một tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch.
Điều may mắn nhất người mất có thể nhận được đó chính là những lời kinh hoặc lời nguyện cuối để gửi gắm sự siêu thoát theo đúng nghi thức tôn giáo của mình đã chọn, khi tôn giáo phổ biến là đạo Phật hay Thiên Chúa với những con người tình nguyện tham gia như thể “ta không vào địa ngục thì ai vào”. Để rồi, người mất sẽ được nằm trong bọc kín, chuyển ra đi trên một chuyến xe cuối cùng. Tất cả nằm cạnh nhau trong một không gian bọc kín để đến điểm cuối cùng của một đời người. .
Hỏa táng là lựa chọn duy nhất. Một trong những cách an táng ít rủi ro và an toàn nhất cho những cái chết trong dịch bệnh là hỏa táng, thay cho thổ táng mà người Việt thường chọn đối với những gia đình có điều kiện, phương pháp an táng khác như thủy táng, điểu táng .. gần như không hiện diện ở đất nước này.
Một đứa em cho hay đã nhận lại hủ cốt của người bà mình sau khi đã qua đời vì suy hô hấp bởi nhiễm Covid19 cùng với một cơ thể bệnh nền và một cơ thể già yếu bị thời gian bào mòn. Hũ tro cốt sẽ trả lại cho người thân sau khi đã hoàn thành những công đoạn ghi chép về số liệu, số ca, người đã mất.
Điều còn lại duy nhất là hủ cốt được dán nhãn với tên tuổi của người đã mất.
Tôi nhận ra rằng khi dịch bệnh xảy ra thì tiền bạc chỉ là thứ yếu; trớ trêu thay, người giàu hay người nghèo tìm được sự bình đẳng là tất cả đều như nhau khi ai cũng có khả năng bị nhiễm bệnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét