Chiến Phan

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

[Đời Sales] Từ Tâm Dịch - Cơm đường, cháo chợ

 


Họ - Không từ chối dù chỉ là một cuộc gọi đến  

Cuộc gọi đến từ nửa đêm. Khi phố thị lên đèn và đã đi vào giấc ngủ sâu, đường phố thở hâm hấp sau một ngày bị nắng lưu manh giày xéo hay thở rỉ rả vì mưa dầm không dứt. 

“Chửi thề làm bóng bẩy câu văn”. Tôi luôn dùng câu nói đùa này để biện hộ cho cách nói chuyện của một gã thanh niên gầy gò, dong dỏng cao; xuất thân từ gia đình tha phương lập nghiệp, đến với nghề bán xe tải trước khi chuyển qua bán xe ô tô. 

Sự ngổ ngáo bộc lộ hẳn ra ngoài bộ đồng phục chỉnh tề khoác lên, ở một sớm trời Hiroshima Tân Cảng, gã thanh niên ngồi trên chiếc đặt trước bàn quay ngang nhìn ra bên ngoài cửa kính, bắt chéo chân, nhịp giò và kể về cuộc gọi của đêm qua trong ánh mắt sáng lên.  

Chiếc xe của khách hàng xảy ra tai nạn. Khách hàng gọi cho gã lúc vào giai đoạn chập chờn trước khi đi vào giấc ngủ sâu, khách hàng xin lỗi vì đã làm phiền nhưng gấp quá không biết xử lý thế nào nên gọi cho người đã bán xe của mình. Các bước cần làm là giữ nguyên hiện trường, gọi công an, lấy biên bản để làm thủ tục sau này được gã thanh niên hướng dẫn. 

Gã thanh niên nở nụ cười khi quay lại nhìn, tôi thấy trong ánh mắt đó không có gì buồn phiền, ngược lại như lời chốt: vui vì khách nhớ đến mình khi cần. Đây không phải là một câu chuyện chỉ diễn ra ở gã thanh niên, đã trở thành bạn. Tôi và gã thanh niên như hai phiên bản đối lập của cuộc đời. Tôi thích sự ngông nghênh, thẳng thắn và cách suy nghĩ về khách hàng của một người bán hàng; bỏ qua những chuyện “chửi thề làm bóng bẩy một câu văn”.

Hay cuộc gọi đến từ đầu sớm. Khi mặt trời vẫn còn nằm trong chăn ngủ vùi, trăng tàn treo lơ lửng, vài giọt sương đêm còn nằm phủ phê trên tàu lá. 

Đó là lúc bắt đầu xuất hiện những cuộc gọi khách hàng tìm đến họ - nhân viên kinh doanh – những con người không thể để khách hàng chờ đợi. Từ chết máy, tai nạn đến tìm số hotline trong một chặng đường khách đi qua gặp sự cố… cần một sự giúp đỡ, người đầu tiên khách hàng liên lạc không ai khác đó chính là người bán hàng. 

Sẽ là nói quá nếu nói người bán hàng nghe tất cả các cuộc gọi từ khách hàng dù là khen ngợi hay phàn nàn, vì vẫn còn đấy những cuộc gọi không bắt máy nhưng đằng sau đấy là một tâm trạng nặng nề của những con người vốn sinh ra để chiến đấu, như đứa con dâu đứng giữa hai bên chồng và mẹ. Điên khi bất lực. Tức khi bị động. Người bán hàng chịu đựng áp lực ấy cao hơn ai nhất khi đứng giữa công ty và khách hàng. Họ đứng giữa và mang trên mình nhiệm vụ làm sao để vẹn cả đôi đường, nhu cầu công ty và khách hàng tìm đến được với nhau. Lắm lúc. Người bán hàng giống như kẻ đưa đò, làm sao để khách qua sông phải đắm đò vì nhu cầu không được đáp ứng kịp thời và đủ đầy.

Cơm đường, cháo chợ… 

Trước giờ. Câu nói dân gian cứ tưởng dành cho cánh tài xế. Giờ đây. Câu nói ấy gộp luôn cả phần của những người bán hàng. Trên những cung đường qua, giữa trời quen đất lạ, từ dốc núi bảng lảng sương chiều đến đêm về biên giới ngồi cạnh mốc cắm nghe mưa buồn tỉnh lẻ, từ phố biển rì rào, mằn mặn mùi gió biển bám lên tóc còn vương đến đồng bằng dậy sóng lao xao, phù sa ngọt ngào bám vào áo còn ghi. 

Có khách là đi thôi. Tôi rong ruổi trên những con đường của mảnh đất miền Nam ở những năm đầu bước chân vào mái nhà của gã khổng lồ Toyota. Lúc thì bám sát theo đuôi bằng chiếc xe dream Trung Quốc cà tàng đang “khóc than” vì sương gió rượt đuổi theo mấy chiếc Honda SH, Vespa của anh, chị, em bán hàng; lúc thì ngồi ở yên sau, băng sau để đến nơi khách hàng vừa dành thời gian để lắng nghe tư vấn về xe, giới thiệu sơ qua về tài chính. Anh, chị, em bán hàng cần có một sự an tâm thì bên cạnh mình có một thằng nhóc biết chút về tài chính hoặc chỉ đơn giản là để giới thiệu với khách hàng; toàn bộ cuộc chuyện trò gần như là sân khấu của anh, chị, em bán hàng với khách hàng. Tôi biết mình cần phải lắng nghe; dù bản thân cũng muốn tỏ ra mình có ích trong việc đóng góp vào việc tìm kiếm được một khách hàng. 

Ăn ngon cứ theo đuôi xe tải. Lời của ông anh rút ra từ những năm tháng ngồi sau vô lăng cũng diễn giải đúng với những người bán hàng. Sau những buổi gặp khách hàng hay có chút khoảng thời gian trống, tôi thường “đu” theo, để biết được những hàng, quán ăn ngon. Có những hàng quán nằm ngay mặt đường, có những quán hàng nằm tít sâu trong hẻm nhỏ; cứ thế đi ngay khi có khách hàng. Nói cười sang sảng giữa đất trời tự do như tháng ngày không tồn tại việc trôi nhanh. 

Không mệt mỏi trong việc tìm kiếm khách hàng. Không tiếc nuối những gì đã cho đi. Rồi nhiều khi khi chiều về khuất bóng, ngồi ở một quán ven đường, chụp vài tấm hình kỷ niệm, check in facebook để sẽ chia, lưu lại một ký ức, giữ gìn một cảm xúc về nơi đã từng đi qua, ở một miền đất lạ, có một niềm vui khó tả khi đã có khách hàng, song hành như người bạn trên cung đường đã qua. Hạnh phúc giản đơn. 

Sales – Những người lính giữa đời bình. Cuộc sống gắn với cơm, áo, gạo, tiền. Mỉa mai. Hạnh phúc lại gắn liền với khách hàng từ những gì giản đơn. Một buổi cơm chiều nơi rừng già sương đêm phủ bóng đến bát cháo gừng, hành nơi mốc biên giới chiều mưa. Một buổi cơm trưa hải sản ngon lành đến dĩa rau xào tươi xanh chấm mắm ớt vẫn còn nghi ngút khói… 

Sáng ven rừng, chiều biên giới. Trưa phố núi, tối đồng bằng. Lắng mình trên những chuyến xe đi. 

 

Quà về ấp ôm những kỷ niệm là một câu chào ấm áp yêu thương, câu đùa ngộ nghĩnh tối ngủ vẫn còn cười khì khì nghĩ lại hay bữa cơm dưa cà với gà vườn vừa bắt làm mấy món nhâm nhi… Tạm gọi là tri kỷ, mấy khi chia sẻ một niềm vui về một chiếc xe vừa lăn bánh về nhà làm rộn ràng một khu phố, góc làng. 

Ánh mắt và nụ cười đi đôi trong lời kể. Khi tôi đặt những cánh bông so đũa xanh màu lúa non vào nồi canh chua đang sôi là lúc anh nói về người khách đã ủng hộ mình đến chiếc xe thứ ba ở một buổi chiều tà cuối năm. 

Giấy tờ sẽ là không đủ để chứng minh. Năng lực của khách hàng không phải lúc nào cũng thể hiện đủ đầy trên tờ giấy. Tôi chỉ rút ra điều đó khi đã không làm tròn việc kể lại câu chuyện của khách hàng một cách đủ đầy bởi việc khai thác thông tin. Thông tin không chỉ nằm ở khách hàng mà còn ở người bán hàng; nơi khách hàng tin tưởng gửi gắm như một đứa em, đứa cháu ở trong nhà. Riêng tôi, một gã bán tài chính thì là không, khách hàng suy nghĩ rằng chỉ cần đưa ra những gì họ nghĩ là đủ vì nếu quá nhiều trở thành việc phô trương không cần thiết. Lòng tin không thể có trong một lần. 

Quà về ấp ôm những ký ức ngọt ngào từ một buồng chuối cau hay thúng xoài vừa hái sau vườn, mấy thằng cu tí lí nhí núp sau nhà hay rộn ràng ngoài sân chạy quanh món quà là chiếc xe cha chú, cậu, anh vừa mới mua về cho thỏa niềm đam mê sở hữu. Bất chợt. Lắng lòng. Nhớ đến người thân chờ đợi ở đâu đó ở quê nhà, có người vợ ngóng từng tin nhắn đổ về, có người cha ấp ôm từng hình ảnh trẻ thơ miệng còn vương sữa cười toe, có người chồng, người mẹ…ấp ôm nỗi niềm ở những chuyến xe đi vì một điều giản đơn, hiểu hơn ai hết: đấy là đời sales. Thế thôi. 

“Cô tư” không biết có nhớ không? Tôi thì nhớ. Nhớ mãi. Cô tư là cách xưng hô của người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Đông, mua xe sợ vay nhưng nghĩ lại tiếp tục vay để cho đứa con mình có một trách nhiệm nào đó ở tương lai; tương lai không phải cho cô mà là cho nó. Cô nói ở một buổi ban đầu. 

Cô “lùng” kiếm tôi ở showroom. Đầu xuân. Lì xì. Trái cây cô vừa hái từ vườn của mình từ miền Đông nắng rạn, mang lên đất trời quận hai. Cô tư cười khi gặp thằng nhóc bán tài chính của hôm nào đã giúp cho cô vay được một khoản vay. Cô tư trả hết nhanh sau đó. Tôi vẫn nhớ hoài một giỏ trái cây. 

(Trích Đời Sales)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...