Chiến Phan

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

[Đời Sales] Từ tâm dịch - Sống đơn giản, chết giản đơn



Nghĩa tử là nghĩa tận. Tôi học được điều này từ người quản lý trực tiếp của mình. Cứ như là một chiếc máy đã lập trình sẵn, mỗi khi tôi thông báo về việc có một ai đó quen biết vừa từ giã cuộc sống này thì câu trả lời của chị là “chị muốn đi”. 

Con người ta khắc sâu cái đầu tiên và cuối cùng.  

Hai thằng tôi phóng như bay trên đường. Sài Gòn cuối năm. Các con đường chật kín người đi từ quận 1 sang quận Tân Bình. Chúng tôi muốn chia tay một người anh em.  

Anh gầy và nhỏ người, lọt thỏm giữa một đội ngủ phòng kinh doanh hơn ba mươi người của Toyota Bến Thành. Ấn tượng về anh với tôi chỉ có bao nhiêu đó sau không biết bao nhiêu lần gặp mặt, giao nhau để rồi cứ nháo nhào về phía công việc và cuộc sống. Đánh cấp. Cảm xúc.

 

Sống đơn giản, chết đơn giản. Thằng bạn nói về anh như thế ở một tối đông tàn sau khi đã thông báo cho tôi biết rằng anh đã ra đi. Cuộc đời anh đơn giản với từng nghĩa cử anh mang sau những lần bán hàng đụng khách anh sẽ lựa chọn cách nhường lại cho đồng nghiệp của mình bất kể đấy là trẻ hay già, cách xử sự khiến nhiều người nghiêng mình cũng lấm kẻ dựa vào đấy vượt lên để khẳng định bản thân. 

Cuộc đời anh đơn giản để rồi chính anh mờ nhạt trong khái niệm giản đơn khi vốn dĩ không lấp lánh ánh hào quang (đôi khi tự tạo, đôi lúc giả tạo) của một người sales thường (phải) có vì cuộc sống và công việc vương mang. Trọng bề ngoài. 

Sống đơn giản dưới nếp nhà là một gã đàn ông sống cùng hai đứa con xa mẹ ở một vòng trái đất, cuộc đời anh - cuộc đời sales của anh vượt qua chặng đường mười năm cùng các anh em gắn bó với Toyota Bến Thành đã từng. Tôi bắt đầu lục tung ký ức trên con đường gió lạnh lướt qua như muốn đóng băng bộ não sắp già cõi và chẳng chịu nghe lời để tìm kiếm một hình ảnh anh. Sợ nhầm. 

Anh gầy và nhỏ người, lọt thỏm giữa căn phòng rộng những đồng nghiệp xoay quanh anh ở một khung cảnh chiều tàn. Đó lại là lần họp cuối của tôi và anh ở giữa một tập thể kinh doanh phòng kinh doanh của Toyota Bến Thành.

 

Dẫu biết cuộc đời có sinh tử nhưng có mấy cuộc ra đi khiến ta phải ngậm ngùi. 

Chết đơn giản giữa phố phường đông đúc. Có người nói, anh tự ngã đập đầu. Có kẻ kể, anh bị té đập đầu…rồi ra đi. Những lời giải thích chẳng làm rõ nguyên nhân chỉ biết một điều anh lỡ mất “giờ vàng” theo thuật ngữ ngành y. Bệnh viện không có sẵn xe cứu thương để chuyển viện. Nhịn. Khi nghe thằng bạn đã buông câu chửi đổng giùm. Sài Gòn se se lạnh lòng.

Dẫu biết cát bụi trở về với cát bụi nhưng có mấy ai đưa tiễn ta lúc giã biệt hồng trần

Sống như một gia đình. Tôi phát hiện ra điều đó ở mái nhà của Toyota Bến Thành, nơi phòng kinh doanh với ba mươi thành viên của những năm đầu thập niên 2000 và 2010. 

Tôi đến thấp cho anh một nén nhang ở đêm đông tàn lạnh cảm, căn nhà anh nằm trong một căn hẻm nơi quận Tân Bình. Tôi nhận ra bản thân không phải là kẻ đầu tiên đến gặp anh. Các đồng nghiệp ở bên anh từ lúc tỉnh lúc mê, từ lúc hoàn hồn đến khi tạ thế. Tính chất. Cá nhân. Thấy ấm áp một tình đồng đội, thấy cuộc đời sales đầy tính nhân văn, nghĩa tình.

Bỏ công việc ra là cuộc sống. Đón đưa anh có những đồng nghiệp đã trở thành anh em. Cảm giác. Đâu đó gia đình anh không phải chỉ ở nếp nhà có mỗi gà trống với hai con. Đâu đây anh còn có một gia đình thứ hai, nơi cũng đầy hỉ, nộ, ái, ố khi luôn có những mục đích, mục tiêu ban đầu…còn điểm cuối cùng ở đâu gần như không ai biết, nhưng cứ tự thôi miên hoặc miên man đi tìm, gán ghép cho một điểm cuối cùng của mục đích và mục tiêu.

Tôi nhìn tới nhìn lui, chẳng nguôi cảm xúc khi thấy từng người đến thấp cho anh một nén nhang, màu áo trắng của đồng phục Toyota Bến Thành phũ đầy trong căn nhà trong hẻm. Chợt nhớ lời chị từng nói rằng chính ở nơi đây: sự gắn bó nẩy mầm từ lâu & rễ đã cấm chặt sâu. Kiểm chứng từ một cuộc chia ly.  

Hồng trần đã dứt. Thôi thì vì cuộc đời có quá nhiều chữ nếu với giá như…Vậy nếu như không được sống thanh thản, chết nhẹ nhàng thì có lẽ giống như anh sống đơn giản, chết đơn giản cũng đã ngoài tầm với. 

Viết lại vài dòng cảm xúc cho riêng anh, chưa thể là điếu văn cho người tạ thế chỉ để nhắc nhở rằng cảm xúc vẫn còn đâu đây ở cuộc sống bon chen đầy tự tạo. 

Vĩnh biệt anh, yên nghỉ anh nhé. 

(Sài Gòn, ngày 27/01/2015 – ngày anh về với cát bụi)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...