Chiến Phan

Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

[Đời Sales] Từ Tâm Dịch - Những con người phải sống

 


Le bonheur, c'est un choix

Hạnh phúc là sự lựa chọn

David Sandes

 

Câu danh ngôn tôi chưa bao giờ hiểu hết đủ nghĩa. Kể từ khi đọc được câu này. Mười năm. Tính từ lúc tôi rời xa chiếc ghế giảng đường để bước vào đời trong cái nhìn ngây ngô để rồi thấm đẫm những sự thay đổi khi bước ra ngưỡng cửa của đời học và đời làm.

Thời gian trôi như một hơi thở. Năm, mười, mười lăm, hai mươi…Nhẫm đếm. Đời trôi.

Khi bước vào đời, tôi hiểu phần nào nghĩa của một câu danh ngôn. Bước vào thế giới của Sales – nhân viên kinh doanh, thế giới của những con người đi trước về sau, đứng mũi chịu sào, nghẹn ngào lắm khi. 

Họ nói về chỉ tiêu của tháng sau buổi họp. Quán cafe “Huệ”, tên của cô chủ quán, nằm trong một căn hẻm của con đường Kinh Dương Vương bận rộn. Anh chị em phòng kinh doanh đủ mọi thành phần và lứa tuổi; bắt đầu buổi sáng của mình bằng mấy món ăn vội, ly cafe và khói thuốc lá. Họ nói về những người khách, về những áp lực của chỉ tiêu đang rượt đuổi từng ngày. Thiếu đủ. Tất cả cứ cười trên hy vọng. Tôi nhớ hết tên của từng con người khi đó; trong đầu mình cứ nhảy múa câu hỏi tại sao họ có thể tồn tại. 

Kinh nghiệm được sẽ chia trực tiếp và gián tiếp. Sư phụ, sư huynh, sư tỷ (gần như tất cả các loại “sư”)... xuất hiện ở đây. Thế hệ bán hàng mới học hỏi thế hệ bán hàng cũ, cứ thế đặt sự tôn trọng vào trong cách xưng hô. Cách thức bán hàng của Ogilvy của những năm 90 ở Mỹ được  áp dụng một cách triệt để và thăng hoa ở Việt Nam. Bán hàng qua thư và đăng báo. Người bán xe Toyota hầu hết đều lựa chọn phương thức này bởi nói hiệu quả. Tôi bắt gặp thường xuyên những con người ngồi miệt mài xếp, gấp những thư ngỏ gửi đi; hay các đầu báo quen dần với doanh số đăng tin của bộ phận bán hàng mang lại. Những lá thư gửi đi có thư tìm được điểm đến, có thư gửi trả lại bởi một địa chỉ giờ không tồn tại từ cuốn danh bạ vàng hay một nguồn khai thác được.  

Điều mong đợi là những cuộc điện thoại tìm về. Hỏi han. Giá cả một món hàng là hình ảnh của một chiếc xe được lồng vào hay đôi khi chỉ là thư ngỏ và bảng giá của các mẫu xe Toyota của những năm 2000. Đong đếm. Tiền đầu tư vào thư gửi và mẫu tin. Anh chị em bán hàng nói về chỉ tiêu, tiền đầu tư và nhận lại. Một vòng xoay gần như vô tận. Sen sẻ nhau những kinh nghiệm, chỉ bảo nhau một cách thức tìm, giúp đỡ nhau để “chốt” một khách hàng.  

Đó là một thế giới phù hoa và ma mị với nhiều nỗi niềm của những con người thuộc một bộ phận của công ty nói riêng, thuộc một tầng lớp xã hội mới nói chung. 

Toyota Hùng Vương nằm ở cửa ngõ đón khách miền Tây lên Sài Gòn. Khuôn viên chật hẹp không bó chặt được sức sống. Những con người bán hàng của những năm 2000 bước ra trong sự ngước nhìn từ những thứ họ khoác lên mình từ hành trang trong công việc đến từ kết quả bán hàng, cho đến hành trang trong cuộc sống đến từ những cuộc chơi. 

Tôi đưa ánh sáng tự tạo của người bán hàng vào mấy cuộc sẽ chia sau này cho thế hệ bán hàng tiếp theo. Sự tự tin trong nói cười như ngạo với nhân gian. Huy chương ghi nhận cho mấy việc làm treo đầy trên mấy bức tường hay góc bàn của một cá nhân. Danh hiệu về những cá nhân bán xe tính bằng trăm, ngàn đều có mặt ở nơi đây.   

 

Ở lưng chừng cuộc sống.

 

Họ - những con người phải sống phía sau nụ cười đắng chát khi thường xuyên nghe những lời nói vô tình hay ác ý như: có gì lạ vì đó là sales, bọn sales thế là thường, ma mãnh. 

Vì cuộc sống là cơm, áo, gạo, tiền. Mấy ai định nghĩa được tốt lành hay xấu xa, và thế nào là đúng phẩm giá và nhân cách một con người? 

Đạo đức. Hai từ người Sales tạm gác qua một bên để lắng nghe miệng đời cay nghiệt; đôi khi lắm lúc lại quên mất, biết cay nghiệt, chỉ trích thế vẫn phải cười để ấp ủ một mục tiêu ban đầu làm sao để tồn tại khi đặt chân vào nghề Sales như đặt chân vào giấc mơ đầu đời; dù rằng đời không như là mơ.

Dịu ngọt. Những lời nói chân tình, những hành động chứa chan tình cảm riêng mang từ khách hàng mang lại. Đó là những câu chuyện mà khách hàng đối xử với người Sales như là một bạn tri âm, tri kỷ; có gì họ kể hết. Bản thân đã được may mắn nghe nhiều về những câu chuyện họ kể về những tháng ngày gian khó bắt đầu một ngành nghề, trước khi bước lên đỉnh vinh quang để rồi mua một chiếc xe như một huân chương lao động cho bản thân hay thành viên trong gia đình.  

Đời Sales lắm khi không chỉ có bạc tiền làm ta hạnh phúc. Yêu nghề hơn bởi có những lúc thăng hoa trong tâm trạng khi bắt gặp những hành động chứa chan tin yêu. Một lời nói, một cái bắt tay hay vài món quà phi vật chất. Gửi gắm tin yêu. Đôi khi là

Một lời giới thiệu với những gì đã từng thấy, làm và tin tưởng để gửi gắm tiếp một niềm tin bắc cầu đến một mối quan hệ khác. Đó là giới thiệu một khách tiếp theo. “Tự dưng, thấy yêu nghề lạ. Một người xa lạ bỗng tự dưng thân, không biết tự kiếp nào, thấy như một phần của cuộc sống. Riêng mình.” Tôi ngồi nghe bộc bạch từ anh Vũ Hồng Quyền - một trong những nhân viên bán hàng lâu năm của đại lý Toyota Hùng Vương bộc bạch ở một trưa trời Sài Gòn ủ nắng. Hai mươi năm sau, anh vẫn còn làm ở nơi đây với nghề này.

Một lời chúc tốt lành gửi vào một sáng chớm lạnh khi sương còn ủ lá, giữa một trưa hè nắng ngang tàng không chấp nhận một cơn mưa qua hay giữa ánh lam chiều báo hiệu đông tàn, xuân sang…Tôi ngồi ở giữa phòng kinh doanh, thấy nụ cười nở trên gương mặt rạng rỡ của người phụ nữ bán hàng nhận được tin chúc mừng sinh nhật đến từ khách hàng của mình như một món quà hơn cả giá trị vật chất mà mọi người đang gửi đến. 

...

Những lúc đó, giá trị tin yêu được nhân lên, trừ đi gượng gạo, chia bớt nghiệt cay, cộng hết vào nụ cười. 

Những nụ cười thổi bay hạ, lạc thu, mất đông, chỉ còn lại mỗi xuân. 

Nồng nàn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...