Chiến Phan

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2022

[Đời Sales] Không có gì là mãi mãi


Không có gì là mãi mãi.Tôi nhìn nhận sự việc ở một góc độ tâm linh, về khái niệm vô thường của nhà Phật. Tôi đã nghe đến câu nói này ít nhất hai lần trong cuộc đời Sales của mình.

Em có biết khi người ta sắp chết cảm giác mang đến thường là gì không? Đó chính là một cảm giác tiếc nuối; đây là lần đầu tiên, một người anh dưới mái nhà Tài Chính Toyota đã từng hỏi tôi và cho tôi biết một thực nghiệm của bản thân.

Người anh mà tôi muốn nói đến với tên đầy đủ là Trương Văn Rong - cựu giám đốc tín dụng của công ty tài chính Toyota, với vẻ ngoài quắc thước, điềm tĩnh, sắc bén trong lý luận luôn khiến những cuộc tranh luận luôn vỡ ra một vấn đề mới cần phải tìm tòi khám phá bởi sự thú vị trong góc nhìn từ anh. Ngồi lắng nghe những câu hỏi hay chia sẻ từ anh, tôi có cảm giác mình trở lại ghế giảng đường đại học, trước mặt là một giáo sư yêu nghề và ham học hỏi. Còn chúng tôi - đám sinh viên cứ nguệch ngoạc mấy câu thơ “truyền đời” với mở đầu luôn là: học làm chi thi cử để làm gì?  

Anh bắt đầu học lại về code. Khi mái đầu đã bắt đầu nhuộm khói lam chiều của một hoàng hôn tuổi tác, anh vẫn tìm đến các khóa học và mài mò những đoạn mã văn bản lập trình ở một lớp học FPT. Anh chia sẻ khi gương mặt anh bừng sáng trong cái ánh nắng của trưa cuối hạ, đầu thu.

“Tôi nghi tất cả những gì tôi chưa rõ”. Một trong những câu nói của anh làm tôi ấn tượng và ghi nhớ mãi khi dấn thân vào con đường tài chính; tìm hiểu nhiều hơn để làm mạnh cho các quyết định đưa ra, quyết định liên quan đến tiền và khoản vay cho một chiếc xe là một khoản tiền lớn; chiếm đến 70% tại thời điểm những năm cuối thập niên 2000. Trong câu nói ấy có một sự đam mê, tìm tòi, khám phá mọi thứ không ngừng nghĩ hơn là sự thiếu vắng một niềm tin. 

Anh là một trong những người đầu tiên, dựng xây nền móng của công ty tài chính Toyota về sản phẩm, chính sách tín dụng, tổ chức các bộ phận…như một người đứng đầu. Người đứng đầu đã mang trên mình kinh nghiệm từ một tổ chức tài chính nước ngoài trước khi về Tài chính Toyota và sự ham học hỏi. Tôi học cách cúi đầu trước sự học. 

Anh cũng là một trong hai người đã phỏng vấn tôi buổi đầu tiên trước khi bước chân lên con tàu của Tài Chính Toyota phi về phía trước.

Sài Gòn ban trưa của một ngày cuối hạ, đầu thu; tiết trời của tháng 8 năm 2008; như cô nàng đỏng đảnh cứ chợt nắng rồi chợt mưa. Chiếc điện thoại Nokia 8250 đang rung lên trong túi quần khi tôi đang hòa vào dòng người trên con đường Đinh Tiên Hoàng nhộn nhịp, trước một Lăng Ông, Bà Chiểu bắt nắng rợp ánh vàng như tôn lên vẽ tôn nghiêm và thiêng liêng vốn có của mình. 

Tiếng nói dịu dàng của một người con gái cất lên ở đầu dây, cô bé giới thiệu mình là nhân viên của công ty tuyển dụng nhân sự Navigos muốn gửi đến chú nhóc một lời mời phỏng vấn tuyển dụng. 

Giấc mơ thoát nghèo giờ thành tồn tại. Làm sao để tồn tại nghĩa là trụ lại được ở Sài Gòn của một sinh viên tỉnh lẻ, bắt đầu choáng ngợp với sự bức phá trong học tập của bạn bè. Tất cả đều giỏi về mặt phân tích, tư duy, thậm chí là giao tiếp cho một ngành nghề lựa chọn là xuất nhập khẩu của khoa ngoại thương. Tiếng Anh trở thành một thách thức lớn đối với sinh viên tỉnh lẻ. 

Những quyển sách Headway, Streamline…như giáo trình giảng dạy nặng về phần ngữ pháp được đem ra học đi học lại, nghe và nói cứ thế tụt dần, tôi bắt đầu cải thiện nó bằng việc lê la đến nhà văn hóa thành niên, mấy góc công việc của phố Tây - nơi con đường Phạm Ngũ Lão có nhiều sự hiện diện của người nước ngoài để bắt đầu bập bẹ động từ “to quơ”. 

Ba năm miệt mài học tiếng Anh và thêm ba năm để tìm kiếm tất cả các công việc mình ưa thích sau khi từ bỏ chuyên ngành xuất nhập khẩu bởi những tiêu cực bản thân chứng kiến khi theo các anh, chị giao nhận đến hải quan và ra cảng với đầy ắp những container hàng hoàn tất một thủ tục khai báo. Tôi đã bỏ lại công việc sales đầu tiên là bán cước của một đại lý hãng tàu khi đã có lượng khách hàng vừa đủ cứ thế vòng lặp công việc cứ lặp đi lặp lại, bỏ lại cả việc phụ trách marketing của một công ty phân phối theo mô hình OEM, rồi trở thành sales của dự án bất động sản. Tôi trở lại với cuộc phỏng vấn của một người bán hàng tài chính.  

Một người đàn ông đĩnh đạc với dáng ngồi vững chãi, ánh mắt sáng lên phía sau cặp kính cận, nụ cười của anh cho tôi có cảm giác như một ông giáo hơn là chức danh anh giới thiệu là giám đốc tín dụng. 

Tôi luôn bị thu hút bởi những con người tìm tòi say mê nghiên cứu, đến độ là đọc sách của các “tiền nhân” mà cứ tưởng tượng như mình đang ngồi đó nhâm nhi một ly trà hay một chén rượu; lắng nghe những chia sẻ về kiến thức và trải nghiệm của cuộc sống. 

Anh tỏa ra sức hút từ kiến thức chuyên môn, mặc khác anh và tôi thường xuyên sẽ là nằm ở hai chiến tuyến khác nhau trên cùng một hành trình đưa con tàu Tài Chính Toyota tiến về phía trước. Tôi là bán hàng, còn anh là tín dụng phê duyệt. Nghĩa là tôi tìm kiếm càng nhiều khách hàng (chất lượng) càng tốt; còn anh sẽ đưa ra quyết định phê duyệt càng ít rủi ro càng tốt dựa trên những khách hàng tôi mang về, nghĩa là có một sự lược bỏ nhất định.   

Quan điểm cũng như chiếc đồng hồ vậy: mỗi cái chỉ một kiểu nhưng mỗi người chúng ta chỉ tin vào cái của mình (A. Poup)


Tôi và anh không nói được với nhau nhiều, có lẽ vì quan điểm khác nhau tạo thành một khoảng cách vô hình trong tâm trạng khi cả hai cùng làm dưới mái nhà của tài chính Toyota. Vui có, buồn có, và cả ức chế vương mang. Từ lúc bắt đầu, tôi ngang tàng với nghĩ suy, quan điểm của riêng mình, những suy nghĩ và quan điểm vẫn chưa đủ dày và sâu cho một nghề nghiệp đòi hỏi những trải nghiệm cho đời Sales bền lâu.

 

Tôi tranh cãi với anh trong một ngày trời đổ nắng ngang tàng, mang theo cái gió bụi lang thang, đem về trút cạn nơi một góc văn phòng với những suy luận trẻ đời của riêng mình về một khách hàng kinh doanh muối Tây Ninh (tôi sẽ nói đến ở những chương sau). Ấm ức. Những lý luận không thuyết phục được người nghe, là anh. (Sau này mới hiểu là những lý luận và dẫn chứng thiếu mấy phần logic liên kết lại để thuyết phục được anh)

 

Tôi nghi tất cả những gì tôi chưa rõ. Thà phải tìm hiểu sự thực suốt đêm còn hơn phải nghi ngờ nó suốt đời.

F. Engels

Trên con đường anh chọn ấy, không có chuyện mập mờ đánh lận con đen hay những nhỏ nhen bỏ sang phần tính toán. Có cảm tính phần nào, có khách quan suy xét, những đứa trẻ sống lâu như tôi trong một tập thể phòng kinh doanh ngang tàng - có thể vì sàng sàng cùng độ tuổi thanh xuân như nhau, vài đứa đi hoang trong tâm trạng, những đứa trẻ sống chưa gắn kết hết gần nữa đời mình với những con số. Bởi hơn hai mươi năm anh gắn bó với nghề, ăn ngủ cùng những con số với những rủi ro, gắn cho mình một niềm tin vĩnh hằng về điều đó. 

Nếu ai đó gọi niềm tin là lý thuyết thì với anh niềm tin là mạch sống của đời mình, niềm tin không đi vào trong công việc mà còn cuộc sống với những logic nghĩ suy. Anh là vậy với những tính chất riêng mang mà không ai bàng hoàng trong những ngày đầu gặp gỡ. 

Những gì của ngày hôm qua. Chóng nhanh. Mới đó mà đã ba năm vượt mất mười ngày tính từ lúc anh bước chân lên con tàu của Tài Chính Toyota. Cũng từng ấy thời gian, tôi đi ngang qua quãng đường tín dụng với những nét riêng mang, còn anh vẫn cứ đi trên con đường suy nghĩ của riêng mình.

(Giờ đây - tôi phải bỏ đi hai từ này bởi cảm xúc này đến mang tính thời điểm), anh dừng lại bước xuống một sân ga mà con tàu TFS chỉ vừa mới ghé ngang. Tạm dừng. Tôi nhìn cái nắng ngỡ ngàng, mưa gió xô ngang. Sững sờ. Đêm về ở một góc quán Sài Gòn, tôi và những ai còn lưu luyến anh, gửi một lời say goodbye để hẹn một ngày gặp lại trên một sân ga nào đó, ai biết chừng chỉ là say hello khi gặp gỡ tình cờ. Tiếng còi lại hú vang, tôi và những người còn lại tiếp tục một chuyến đi xa với những dự định của riêng mình và nó không biết mình sẽ xuống ở một sân ga nào đấy không chỉ biết gửi lại anh một lời chúc với những gì tin yêu.

Suy nghĩ gặp lại ở một sân ga nào đó; giờ lôi ra đếm lại đã là mười năm hơn khi tôi viết những dòng này, như lời ca anh hát trong một đêm đông của nhạc sĩ Bắc Sơn “xin sống lại tình yêu đơn sơ”

(Gửi tặng anh Trương Văn Rong: Ex – TFS VN Credit Director)


[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...