Chợ nằm ở một cụm. Sang lắm thì được bán trong nhà lồng, còn lại ngồi bán ở xung quanh…lồng. Bán mai ở vòng ngoài, lang thang trong chợ bán bao lì xì với bùa nêu.
Hai mươi bảy Tết. Thằng nhỏ lúi cúi sắp xếp mấy quả cà, dưa; củ kiệu chất thành đống sao cho lút đầu vẫn đẹp. Hàng cứ phơi ra như thóc phơi chờ sấy. Ngất ngây một ánh nhìn.
Thằng nhỏ của người tình đứng thứ ba; là thằng khỏe nhất nhà, chiến đấu dữ nhất với người tình ở mấy trận cuối năm. Thằng nhỏ đội, vác; cần xé hoặc thúng đầy tính bằng tấn, từ cầu tàu cho đến sạp hàng, mong người tình bán sạch không còn phải chờ đến hết mấy ngày mùng, lo chẳng còn tươi rói như lúc vừa lên khỏi lòng ghe.
Hai mươi tám Tết. Thằng nhỏ vừa cất mấy tiếng rao ngọt ngào; tay vừa gọt ngọt mấy bẹ xanh để chị em thấy bên trong trắng phổng phao của một củ su hào hay một trái bắp cải, nhà vườn vừa cắt đêm qua, chong đèn, nổ máy đua cho kịp mấy phiên chợ cuối cùng.
Thằng nhỏ của người tình đứng thứ tư; là thằng lanh lẹ nhất nhà, máu lửa nhất với người tình ở mấy trận cuối năm. Mấy chị, mấy em, mấy cô, mấy dì cười, nói thằng gì mà dẻo miệng…thấy thương mấy câu như kiểu: gió đưa cành trúc la đà, thanh niên mua bán thiệt thà dễ thương…
Nói giá, lựa hàng, rôm rã.
Hai mươi chín Tết. Đứng bóng. Cô, chú, mợ, dì xem như xong trận cuối cùng của năm. Lăn lê mấy món hàng còn sót lại, gom góp để cúng dường không thì về làm thêm được một món ăn ở ngày cuối cùng của năm. Tết mà! Nghĩ ngơi trước khi chọn ngày để khai trương. Lấy hên, người tình với thằng nhỏ ngồi dò..lô tô, tiếng gọi vang cả một nhà lồng. Mợ, dì, chú cô…ngồi cười khì dò mấy con số.
Người tình tóc bạc hay lãng quên nhưng có những thứ khiến bà không thể quên lãng.
Chợ giờ đã sang sông; chẳng phải dời đi, bởi con sông không còn nữa. Chợ giờ sạch sẽ với bê tông, mấy sạp nào nguyên hàng giờ lác đác như giấc mộng chẳng tròn một giấc say. Chợ phân chia như pháo bông bắn ra từng cụm.
Hai mươi bảy Tết. Thằng nhỏ giờ là thằng cháu, chẳng phải là thằng con. Thằng nhỏ thứ ba; thẳng khỏe nhất ngày nào miệt mài với những chuyến xe đi, giờ… đi trước. Thằng nhỏ chắc về vui với ông, người đàn ông mà cả cuộc đời người tình định bụng rằng thể thứ tha cho đến những ngày tóc hóa mây bay, bên khói nhang tàn. Nhẹ nhàng. Nói như thì thầm. Tôi tha thứ cho ông. Vừa đủ để thằng nhỏ nghe.
Hai mươi tám tết. Thằng nhỏ phụ một gian hàng. Người tình tóc bạc nhìn sang đứa con gái giờ cũng bắt đầu lấm tấm sương phai mái đầu; thằng nhỏ gọi bằng cô, ngó sang con dâu thì thấy cũng bắt đầu héo hon dần mòn, thằng nhỏ gọi bằng mẹ.
Hai mươi chín tết. Lo nhớ rồi buồn. Thằng nhỏ cứ quanh quẩn bên người tình. Thằng nhỏ là thằng hai, thằng đứng đầu lo mấy chuyện ăn uống của người tình, chăm như một trẻ con. Hay giận, hay hờn. Giọng cứ lo lo. Chẳng biết thằng nhỏ hay người tình. Ai hờn, ai giận.
Chợ giờ trải bạt, ngồi dọc trên con sông lấp. Thẳng tưng, chia ô, kẻ cột. Vắng. Chợ cứ thế sắp xếp những con người ngồi cạnh nhau, chia nhau những ngày cũ.
Thằng nhỏ khỏe nhất vậy mà cực. Cả đời. Mẹ chưa cho nó được gì. Người tình tóc bạc chia sẻ với thằng nhỏ út như thể gì đó phận vẫn chưa tròn. Người tình nói ở một trời ba mươi.
Trả giá, cân hàng, rộn ràng.
Người tình cứ thế cười. Thằng nhỏ đầu vậy mà được. Người tình cười ti hí ở chợ chiều hai mươi bảy Tết.
Bán mấy nhành mai, chiết cành. Mấy thằng nhỏ tranh thủ một mùa Tết, cứ thế đừng ở đầu chợ, chờ mấy người vừa mới dạo chợ xong, xách về là tiện.
Bán mấy bao lì xì với bùa nêu. Chờ giờ vắng cả một tiếng rao, giờ chẳng ai thi nhau mua bao lì xì của thằng nhỏ, chẳng buồn bởi giờ nhiều chỗ bao đó người ta phát không khi mua hàng. Cửa hàng tạp hóa cứ thế mọc lên đủ đầy như thể sông chảy thì phải lấp sông đi. Nước cụt.
Chợ dời đi mấy bận. Hết xuống rồi lại lên. Thằng nhỏ cứ lui cui chạy theo mẹ mình. Dọn hàng. Chờ sáng. Chiến đấu những ngày cuối năm. Thắng thua và được mất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét