Đời công bộc ít ngắm mây trời. Ở tầng 5, trung tâm thương mại đã bắt đầu ngập người, chìm đắm trong những món ăn và mấy câu chuyện chẳng đầu, chẳng cuối.
Làn khói bốc lên tan dần; anh bắt đầu vạch một đường trên miếng bao bì của khăn ướt đã xé.
Anh nói: Điểm đầu và điểm cuối của chúng ta đều như nhau?
Chúng tôi duy trì liên lạc với nhau. Ba con người; hai thế hệ, tương quan về góc nhìn và quan điểm hầu hết là khác nhau.
Tôi thường hay ngắm nhìn cả hai anh, chị. Anh với gương mặt gần như vuông vức, đôi mắt sáng đặt sau gọng kính cận, của vầng trán cao, râu lốm đốm mọc quanh hàm trên làn da trắng hồng như muốn làm nổi bật một mái tóc hoa râm. Thoát thai, nhẹ lòng trong một buổi chiều tà của tuổi tác. Chị với gương mặt nhỏ nhắn, đôi mắt càng híp lại mỗi khi nở nụ cười trong mấy câu chuyện kể, thường sáng lên khi nói về điều tâm đắc như mấy câu chuyện bà kể cháu nghe, hay đôi khi là những dòng văn của Nguyên Ngọc không được xuất bản thấy con người đấy viết những điều đúng, chân thật đến rạch ròi; tóc được nhuộm lại một màu đen thẫm như để tôn lên làn da trắng của con gái Hà thành, trong cái dịu dàng như gìn giữ những gì của một nét thanh lịch xưa.
Tôi nhìn để soi vào bản thân. Tự hỏi, liệu ở một mai ngồi trong nắng đời hoàng hôn tuổi tác, tôi có mắn may được tắm táp trong chiều ký ức thong dong và tự tại? Tự nhắc, rằng ở một ngày ngồi trong chiều tuổi dần tan, tôi có được cùng một người đồng điệu, thưởng thức sẻ chia từ quá khứ đến hiện tại, đôi khi có một chút gì đó tương lai không phải về mình?
Chuyện về một cuộc chiến tranh. Thành thật mà nói; như bao lần, tôi là người lắng nghe nhiều hơn chuyện trò và sẻ chia quan điểm của riêng mình. Anh, chị nói, tôi nghe. Vậy là đủ. Hơi khói cứ tỏa bay nhẹ nhàng như thể khói bay lên hòa với mây trời, gió thổi thì mây trôi. Mọi người vẫn cứ rộn ràng với những câu chuyện của mình, âm vang nằm trong một khối nhà lớn.
Ukraine và Nga; chuyện về một chiếc cầu vừa bị phá hủy bởi chiến tranh. Trong ký ức xa xăm của dòng người du học; anh chị thuộc những thế hệ đầu qua Nga - Liên Xô cũ, con tàu kết nối những miền xa xôi của đời xa xứ. Đâu đó, bài hát “nước ngoài” của Phan Mạnh Quỳnh tự vang lên trong đầu mình, dù rằng câu chuyện đấy là khác nhau giữa quá khứ và hiện tại. Quá khứ, con người đi tìm tri thức để mang về dựng lại một tương lai. Hiện tại, con người đi tìm đồng tiền để mang về đổi thay một hiện tại.
Chuyện về rút tiền và cạn xăng. Sự kiện ầm ĩ gây chấn động trong cả giới siêu giàu về một nơi chốn đi về, lòng tin tự nguyện đánh rơi dẫn đến một sự kiện rút tiền ồ ạt đến ngay cả bản thân cũng nhầm lẫn giữa tên của hai ngân hàng; thấy sao mà hờ hững với tiền. Lấy chân đạp đất, nhận ra vẫn ở trên sàn bê tông, nhì thoảng trong làn khói tỏa của một món hấp vừa thay, chuyện về những chiếc xe tìm kiếm xăng đổ, anh cũng nhẹ nhàng như chú nhóc ngồi ở bàn kế bàng quang vì đi xe…đạp.
Quà kip trao nhau; em làm vừa kịp lúc. Sự vội vã trở thành chủ đề tiếp theo. Tôi nhận ra tên của cảm giác mình là gì nhờ anh. Cảm giác của những sớm mai thức dậy, hai cha con vun vút trên đường để đến lớp, đến chỗ làm của một đời công bộc.
Anh nói khi ngón tay đi vào đoạn giữa của miếng bao bì khăn ướt: chúng ta gặp nhau ở đoạn này gọi là duyên.
Anh thiền tự và thoát ra. Nhìn lại tất cả những gì đã trải qua gần như cả cuộc đời chúng ta đều đã làm gần như…sai hết; mặc định và gán ghép trong những suy nghĩ và khái niệm dựng xây, tự do bị đánh mất. Cao quá với không tới, đó là những gì nhận định khi bản thân chia sẻ cùng đứa em đồng nghiệp cũ.
Tất cả là tự nguyện từ bỏ.
Cảm giác đã được đặt tên; tôi bắt đầu nhìn rõ từng bước đi dưới chân mình. Thênh thang và nhẹ nhàng, thấy rõ những lằn vân và ánh sáng lóa lên từ bề mặt đã được lau sạch nhiều lần; sau khi đã chào anh, chị để bước đi, trở lại công việc của mình nơi một góc bàn, có tiếng tích tắc đếm thời gian.
Chiều sẽ đến. Cha con lại trở về trên một chuyến xe; luồn lách giữa dòng người kín mít như một phiên chợ đông. Một lối đi về, nhiều hướng rẽ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét