Ba thương Nên vì Nên giống mẹ! Mẹ thương Nên vì Nên giống ba.
Cô gái nhỏ nằm cuộn trong lòng ông già, như một chú mèo con, mấy sợi tóc ương ngạnh thoát ra khỏi chùm tóc đung đưa. Sài Gòn đang trút nước từ trời, đường phố dậy lên một màu đen thẫm khi hòa quyện với nước, những đoàn xe không ngưng nghĩ cứ chạy đến, dừng lại rồi chạy đi.
Ngày xưa ba có hát bài này với con không? Thằng nhóc với gương mặt tròn phụng phịu, hỏi khi ánh mắt thả trôi về bầu trời đêm vẫn còn vài áng mây trôi như dùng dằng như chẳng chịu mưa đêm.
Có chứ! Đứa nào cũng hát. Thay tên từng đứa: Merci rồi đến Lavie. Ông già quay lại nhìn thằng nhóc của mình, từng thớ thịt đang vật lộn với chiếc áo như muốn được thoát ra. Từng đứa, ông già đã thay tên ba lần cho một bài hát của nhạc sĩ Phan Văn Minh.
Cả nhà ta đều thương yêu nhau, xa là nhớ gặp nhau là cười. Cô gái nhỏ nhoẻn miệng cười, cuộn sâu trong lòng ông già như chú mèo Mốc trong nhà thích cuộn tròn trong chậu trống chưa để cây vào của sân vườn nhỏ trên cao. Ông già tiếp tục hát cho tròn bài
Ba! Nếu mà quay trở lại được con sẽ sửa sai! Thằng nhóc với gương mặt sáng lên như chiếc áo màu vàng trời, đang thả trôi ánh mắt như về một miền xa xăm; phố thị giăng đèn như một vệt sáng của sao trời vừa lướt qua. Thằng nhóc đang chiêm nghiệm như hai người bạn với ông già. Thằng nhóc em vẫn chẳng thiết tha, cứ nằm kế bên để lắng nghe câu chuyện của ông anh nói với ông già. Câu chuyện về việc quay ngược thời gian.
Có ba điều thằng nhóc sẽ làm nếu quay trở lại. Thằng nhóc muốn quay trở lại để sửa sai.
Ông già thả ánh mắt về phía trời xa xăm. Ôm cô mèo con ở trong lòng mà cứ nghĩ không thôi nghĩ về chú mèo máy Doreamon; chính xác hơn là ngăn bàn, mở ra, nhảy vào để quay ngược trở lại với thời gian của thằng nhóc.
La hét lúc tặng một món quà không vừa ý. Thằng nhóc quay về ở một thuở lên ba. Điều giống nhau bắt gặp cả ở hai anh chàng: Nobita và Merci. Chú nhóc Nobita muốn quay trở lại để vá lại lỗi lầm trong cách cư xử với người bà, thằng nhóc Merci của ông già muốn quay trở lại để vá lại lỗi lầm trong cách cư xử với ông già và em.
Ông già ngạc nhiên về trí nhớ của thằng nhóc. Ông già tự hỏi lúc lên ba, ông già thế nào? Ông già dường như không có kỷ niệm với điều khóc la; bởi đa phần toàn những món quà tự tạo từ trí tưởng tượng mà ra, thành ra khóc la là điều gì hiếm hoi, khó nhớ.
La hét lúc tặng một món quà không ưng ý, thằng nhóc của ông già đã la to trong buổi tiệc sinh nhật của chính mình, trước sự bối rối của ông già, em, cô giáo với bạn bè. Em ôm thằng nhóc của mình vào lòng, dỗ dành rồi một mai sẽ có một món quà thằng nhóc thích.
Ai lại chẳng thích quà! Nhất là ở dịp sinh nhật. Trong trí nhớ đã bào mòn, ông già chẳng còn nhớ nổi sinh nhật là gì, dường như đi qua suốt cuộc đời mình, sinh nhật chỉ được biết đến ở thời sinh viên, đám bạn cùng lớp nói về một dịp đặc biệt này. Họ tìm đến, chung vui; thằng nhóc sống lâu chưa trải sự đời bắt đầu thấy thích thú với điều này như trở lại thuở một, hai muốn nói với cả thế giới này rằng tôi cũng có một ngày sinh. Cái gọi là đám của ông già, đếm đủ vừa tròn một bàn tay.
Thời gian lần mòn, ông già phủ phê với những gì nhận được, như vốn tính của con người; cả thèm thì chóng chán, sinh nhật là khoảnh khắc ông già chỉ muốn tìm trong khoảng trống riêng của mình, ông già thưởng thức ngày sinh nhật mình cùng những quyển sách đọc thỏa thuê đam mê tìm tòi. Khoảnh khắc đấy của riêng ông già thích phiêu lưu
La hét lúc bạn lấy tay lẹm mất một phần bánh kem. Chiếc bánh xe hình chiếc xe tăng, mẹ của thằng nhóc đặt làm riêng như dành một điều đặc biệt cho một ngày đáng nhớ. Thằng nhóc nhớ. Nhớ chiếc bánh, nhớ ông già, nhớ em ngồi cạnh bên thằng nhóc để hoàn tất những tấm hình được ghi lại cùng cô giáo và bạn bè. Thằng nhóc nhớ bạn bè và hơn hết thằng nhóc nhớ về khoảnh khắc đấy; khoảnh khắc được thương yêu.
Ai lại chẳng cần yêu thương. Ông già chẳng buồn giận; chắc chắn là em cũng vậy. Ai lại giận một tình yêu bất chợt tìm đến, cho đến cả khi đã xuất hiện những tình yêu mới. Em và ông già nhiều lần ngắm nhìn, cười, rồi hỏi chẳng cần lại lời đáp: ở đâu xuất hiện dưới nhà này.
Xuất hiện sự gắn kết bằng trách nhiệm! Em và ông già có thêm một mục đích cho đời mình, thử thách và ý nghĩa. Nhiều khi gán ghép, mục đích trở thành lý do để…tiếp tục một hành trình; biện giải cho điều mình tiếp tục, né tránh mấy từ yêu thương, như thể càng lớn con người ta ngại ngùng thể hiện sự thương yêu, ít nhất là bằng lời. Với những tình yêu bất chợt tìm đến, lời nói lại dễ dàng tuôn ra như nước từ trời cứ nặng là rơi, cứ rơi là thấm, thấm sâu đến tận cùng đến khi nhập dòng thì thôi.
Ông già lặng im, ngắm nhìn mưa rơi trên phố. Ông già hiểu rằng, thằng nhóc muốn tìm lại thương yêu.
La hét vì những điều vô cớ. Thằng nhóc đánh chân lên xuống, tay chống vào cạnh giường, thả ánh mắt tiếp về phía khoảng trời bắt đầu điểm tô bởi những ánh đèn đêm. Thằng nhóc như đọc thoại; rằng một mai nếu quay lại thằng nhóc sẽ không làm lại nhưng điều đó. Như hẹn, như thề.
Tại sao con lại muốn sửa sai!? Ông già đứa ngón tay vờn qua mấy sợi tóc con, cô nhóc vẫn cứ nằm gọn trong lòng, cuộn mỗi lúc sâu hơn như thể cảm nhận được cái kết của câu chuyện và muốn khẳng định. Ông già là của cô nhóc; không phải thằng nhóc nào.
Mẹ giờ ít tặng quà cho con; vì con hay làm sai! Thằng nhóc tiếp lời của ông già.
Con muốn được ba mẹ thương!? Ông già hỏi lại như một thói quen, tìm lời khẳng định; đâu hay đôi môi ông già đang vẽ một hình bán nguyệt như một ánh trăng trốn dưới nếp nhà lúc trời mưa.
Thằng nhóc gật đầu.
Yêu thương không phải lúc nào cũng ôm ấp con trai ạ! Ông già vọt miệng; bắt đầu vá víu sợ triết ý lắm điều làm trẻ phải nghĩ suy. Con trai giờ còn có bạn bè; bạn bè sẽ chọc ghẹo thằng nhóc lớn rồi mà còn được ẵm, bồng.
Con thấy có sao đâu, con sẽ giảm cân! Thằng nhóc của ông già mặc kệ; dường như chẳng mảy may suy nghĩ nhiều hơn, yêu thương cần là hành động thấy được, chạm được chứ không chỉ là lời nói.
Ông già gom tụ. Ôm cả ba. Sài Gòn bắt đầu rút nước từ trời. Cuộc sống chẳng cho quay trở lại, thì giờ làm lại có sao đâu.
Cả nhà ta đều thương yêu nhau, xa là nhớ, gặp nhau là cười!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét