Chiến Phan

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

[Sách] Hà Nội 36 phố phường - Thạch Lam


Nó lửng thững đi sau, lắng nghe Thạch Lam nói về những món hàng của Hà Nội. "Miến lươn là thức quà ăn bổ âm, nhiều người bảo thế...Tình nghĩa đầm thắm vợ chồng, đôi khi có thể lấy đi ít nhiều miến lươn mà đo được...Đặc biệt nhất của Hà Nội 36 phố phường: đó là thức quà bún chả." 
Một gã cao 1m70, điển trai trong dáng đi không lẩn vào đâu của xuất thân từ một gia đình trung lưu, một trong những đứa con của ông bà Phán Nhu; đam mê văn chương, với một văn phong nhẹ nhàng như bưng một tách trà chiêm nghiệm, tế nhị trong mấy cách tả của riêng mình dù đấy là nói về một nghề làm gái đi chăng nửa thì gã cũng gọi họ là chị em "số đỏ, như sợ làm tổn thương một kiếp người đã quá nhiều thương tổn. Đó mới là Thạch Lam, không lẫn vào đâu được trong nhóm Tự lực văn đoàn, khác xa với hai người anh của mình là Nhất Linh và Hoàng Đạo. 
Đó là nó thích gã, để hôm nay lửng thững đi sau nghe gã nói về Hà Nội, đến món bún chả nó thích nhất, lần nào nó cũng phải thưởng thức khi ra đây, gã cứ thao thao bất tuyệt và không cho nó chèn vào ý của mình như thể sẽ chia cái tinh túy của ngàn năm văn vật, ý gã là đã đủ.
"Phải, cái thức quà tầm thường đó, sáu tỉnh đường Trong, bốn tỉnh đường Ngoài, chẳng có đâu ngon bằng ở kinh đô....Một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn góc lên Hà Nội, đã phải ứng khẩu đọc hai câu thơ như thế này, khi ngửi thấy mùi khói chả:
"Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long
Bún chả là đây có phải không?
Nó nói với theo: Ông đồ đấy có phải là thầy không hở Thạch Lam? Còn phân biệt đường Trong với đường Ngoài có phải chỉ là cách chia của người Pháp?
Gã im lặng một chút, rồi đi, giới thiệu tiếp cho nó về một Hà Nội 36 phố phường. 
"Đêm đêm, các phố vẫn vang động tiếng rao của người bán hàng lục tầu xá và người bán chè sen... 
Hà Nội là động tiên sa,
Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần, 
Vui nhất là chợ Đồng Xuân"
Đến đây khi đã dạo một vòng. Đi qua các phố, thưởng thức các món ăn, nó phải chào tạm biệt Thạch Lam để trở về một hiện tại, nó không muốn nói điều cuối cùng sợ người đang yêu mến và tự hào đất Hà Nội ấy vốn dĩ đã đa cảm lại thêm đa sầu. Thạch Lam ơi! Hà Nội khác nhiều rồi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...