Sài Gòn Pearl đón nắng hạn chưa từng có, tôi nói với anh Rong - cựu giám đốc tín dụng; người tiền bối đã xây dựng nền móng cho Tài Chính Toyota mà tôi đã kể lúc ban đầu. Tôi vẫn duy trì sự liên lạc với anh để học hỏi, trong sự kính nể về kiến thức, kinh nghiệm của anh.
Sự phân loại người đi làm, chủ đề thu hút sự quan tâm đối với thằng nhóc sống lâu như tôi và thật sự muốn lắng nghe ý kiến của một người kinh nghiệm như anh. Bầu trời bắt đầu đón hơi nước đã bắt đầu bốc lên.
Người đi làm được chia ra làm ba loại: cực giỏi, cực khéo và cuối cùng khéo và giỏi mỗi thứ 50/50 sẽ lại là người quản lý hai loại kia.
Anh được đánh giá thuộc “cực giỏi” và nhiều khi cực đoan. Tôi đồng ý với cách đánh giá đó, bởi không ít lần đã thấy anh tìm tòi như chơi đùa với con số trên bảng tính excel để thiết kế ra những công cụ hỗ trợ bán hàng, hay tạo ra những sản phẩm tài chính hoặc chỉ đơn thuần là trong việc tra lần ra các vấn đề trong hồ sơ của khách hàng như một thám tử tư. Tranh luận với anh, tôi thường thua.
Hôm nay, tôi hỏi anh: Trong suốt cuộc đời mình, cho đến tận bây giờ đã đi hơn hai phần ba đời người, anh có hối hận không khi lựa chọn con đường trở thành một người “cực giỏi”?
Anh dừng lại vài giây trước khi trả lời câu hỏi. Quán bắt đầu tiếp nhận những dòng người vào cho một buổi ban trưa.
Để có thể trả lời câu hỏi đó thì cần phải làm rõ mục đích sống là gì?
Sự logic và hoạch định trong não bộ của anh hoạt động. Tôi nhận ra rằng não bộ mình cũng vào guồng chạy chung, tuy nhiên khác hệ điều hành, hiển nhiên, “máy” anh chạy ngon và nhanh hơn. Tôi ngớ người khi chưa hiểu rõ hết ý vì nghĩ rằng câu hỏi mình khá đơn giản và ép anh phải lựa chọn cho một câu hỏi đóng. Mong muốn được thắng anh về lý lẻ trỗi dậy trong những cuộc tranh luận, phiếm đùa.
Dựa vào mục đích sống để chia làm ba loại người.
Một loại người sinh ra, lớn lên, làm việc & chết đi vẫn thật sự không biết mục đích sống của mình là gì và cuộc đời họ thanh thản vì hoàn toàn không biết điều đó.
Một loại người thứ hai biết mục đích sống là quan trọng nhưng khi thấy một mục đích nào khác cảm nhận tốt hơn sẽ từ bỏ mục đích đã xác định ban đầu; đấy sẽ là loại người hối hận khi nhìn lại.
Anh giải thích rõ nghĩa hơn về câu nói của mình. Tôi nhìn thấy nụ cười nở trên môi anh khi giải quyết vấn đề, khi não bộ của tôi đang bắt đầu hoạt động bởi phần nhiều triết lý đặt vào trong cách trả lời. Triết lý đi ra từ thực tiễn, tồn tại bền bỉ mà thành. Ở đây, kinh nghiệm đắp xây thành triết lý, ít nhất là sự công nhận từ bản thân mình, tôi đã viết lại điều này. Điều đó là quá hiển nhiên.
Chiêm nghiệm điều thú vị. Tôi im lặng lúc cái nắng bắt đầu bò qua khung cửa để lắng nghe câu chuyện phân chia loại người. Sài Gòn chắc đang thèm những cơn gió nhẹ lướt trên sông.
Với anh thì không, không hối tiếc. Anh vừa trả lời câu hỏi, vừa lập lại như để khẳng định cho sự kiên định của mình. Sự kiên định đó như kéo tôi quay trở về những ngày đầu làm việc cùng anh.
Từng ở hai tuyến gần như đối nghịch nhau, một bận thằng nhóc ngổ ngáo như tôi tuôn trào những cảm xúc thể hiện bằng ngôn ngữ để bảo vệ cách đánh giá của mình về khách hàng; một trong những khách hàng mà tôi cố gắng bảo vệ là kinh doanh muối Tây Ninh đã kể trước đó; trước anh – người đầy ắp những kinh nghiệm gần như một phần ba đời người của Y Vân, để rồi ức chế sau cuộc tranh luận cùng anh, ấm ức vì thấy đâu đó chưa thỏa lòng của một thằng nhóc ngông nghênh, bỏ đi ánh nhìn trải khắp văn phòng để thả ánh nhìn dõi xuống ngã ba Minh Khai ngày ấy.
Chúng tôi đã có những cuộc tranh luận to tiếng ở văn phòng. Tuy nhiên, tranh luận là tranh luận; mục đích không nhằm để gây hấn hay thù địch dù thú thật rằng sự ấm ức là dai dẳng.
Đâu hay, sự tranh luận một mất một còn đấy lại trở thành kỷ niệm và như một nỗi niềm riêng để tôi trân trọng giữ gìn một mối quan hệ cuộc sống. Như thể chưa đánh nhau chưa quen biết vậy!
Khéo là một tính từ xấu. Tôi dự định kéo anh đến chủ đề của mình muốn hướng đến; rõ ràng, trong vấn đề dẫn dắt này tôi đã bị tổ trác và bị dẫn dắt đến đề tài khác: sự hối hận. Dẫu vậy, đề tài cũng thú vị không kém.
Con người ta khi hấp hối thường hối hận. Đa phần họ hối hận về người thân. Anh nói về một khám phá mới, kéo tôi quay trở lại với hiện tại về khoảnh khắc hối hận của một con người.
Tôi thấy cái cảm xúc của gã nhạc sĩ Hoài An như là minh chứng cho sự khám phá này, với ca từ của bài hát Nếu chỉ còn một ngày để sống ngay ở đầu bài.
Nếu chỉ còn một ngày để sống. Người đưa tôi về đến quê nhà. Để tôi thăm làng xưa nguồn cội. Cho tôi mơ, mơ tiếng mẹ cha.
Gia tài để lại là mối quan hệ. Tôi trả lời anh có lẽ vì vậy mà tôi lựa chọn giữ gìn những mối quan hệ như gia tài để lại dành cho con mình.
Tôi thưởng thức điều thú vị. Gia tài và nhận thức mới trong suy nghĩ ở Sài Gòn trời ngưng gió. Tôi sẽ là ai và chọn là ai trong những cách phân loại đó khi thấy ở một nửa phần đời đi qua theo định nghĩa Sáu mươi năm cuộc đời? Đã có quá trễ không để bắt đầu lại? Phải chăng ta có lúc vội vàng nên ra đi chưa được bình an?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét