Chiến Phan

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2022

[Đời Sales] Từ Tâm Dịch - Phát tờ rơi


Trở lại vùng đất khác của Chiêm Thành. Nếu như đã từng phải ngập ngừng che dấu cảm xúc ở một Nha Trang nắng hạ, thì giờ đây tôi bắt đầu lập lại ở một Bình Thuận thu sang.

Phải tính từ lúc nhận tin. Toyota Bình Thuận báo tin kết nối Tài chính Toyota là ở một trời hạ vừa sang, số lượng anh em bán hàng ban đầu chỉ vỏn vẹn con số sáu. 

Anh Võ Hữu Minh gọi điện để lên kế hoạch đào tạo từ một vùng trời quận hai dưới chân cầu Rạch Chiếc, trong sự nhiệt tình hỗ trợ thế hệ quản lý tiếp theo. Đó là một trong những lý do mà thế hệ tiếp theo nhớ đến anh, thậm chí sẽ là canh cánh nếu thiếu một cái gật đầu chào, chuyện này sẽ kể sau.

Thế hệ quản lý tiếp theo sinh ra từ Đông Sài Gòn. Cảnh Quang Ngọc là một thằng nhóc với dáng người nhỏ nhắn, gương mặt tròn luôn đặt nụ cười ở trên môi suốt mấy mùa xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân ấy. Sự thẳng thắn, chân thật đến tận cùng gần như tưng tửng. Tôi thích sự tưng tửng đó. 

Từ một độ làm cùng, tôi và thằng nhóc ngồi ở đầu thuyền - vị trí bán hàng, mỗi người một tay chèo với một khách hàng cần được chăm sóc.  Như mưa dầm thấm lâu, sự tưng tửng, chân thành và nụ cười luôn là sợi dây kết nối kể từ ngày thằng nhóc bước chân vào phòng bán hàng của quận 2 sau khi đã đi du học từ Nhật về, cho đến tận giờ. Các buổi gặp nhau, thằng nhóc phải chịu đựng mấy lời “xa xả” từ một thằng nhóc sống lâu như tôi về một góc nhìn, một cách làm đặt vào hy vọng sự chịu khó và chân thành cần được nhận một phần thưởng xứng đáng, không chỉ là sự ghi nhận mà còn là thử thách mới đặt vào để tiến xa khi thừa hưởng sẵn ở mình một lợi thế bệ phóng.  

Khi nghe tin việc thay đổi trong đời sales của thằng nhóc, tôi biết rằng mình phải làm gì đó cho đám nhỏ sẽ sống và làm ở đất trời Bình yên Thuận hòa này. 

Trở lại anh em bán hàng Bình Thuận. 

Lần đầu tiên gặp gỡ.

Dưới cái nóng của trời quận hai. Anh em chúng tôi dùng tạm căn phòng họp chuyên phục vụ cho những buổi họp chi bộ, ảnh Bác Hồ treo trang trọng ở trên vị trí trung tâm như ngắm nhìn tôi chuyện trò với thế hệ bán hàng tiếp theo của Toyota. Những mái đầu trẻ, đa số vừa bước ra khỏi ghế giảng đường.

Mấy gương mặt ngơ ngác làm lo lắng. Nếu phân loại bao đồng, tôi ắt hẳn nằm trong nhóm đầu, đặc biệt với anh, chị, em bán hàng ở bất kể vai trò gì; có thể gọi chung là đại lý, tôi nói như thể thời gian là hữu hạn đến độ mấy đứa nhóc đồng nghiệp làm cùng càm ràm: anh nói vậy chắc đã hiểu hết đâu? anh chia sẻ chi nhiều về quản lý, chắc gì họ đã nhớ đâu? hay quy ra thóc là nhớ liền, thay vì anh chỉ nói miễn phí?...rất nhiều điều đám trẻ bức xúc thay trước sự ơ hờ, thờ ơ khi quét mắt trước đối tượng ngồi lắng nghe trong cùng một căn phòng. Vì đám trẻ cũng là dân trong nghề bán hàng, trực giác luôn là cực nhạy. 

Tôi tự dưng đeo trách nhiệm vào người, như sợ những đứa trẻ ngơ ngác của bây giờ sẽ lỡ bước ở một sớm mai nào đó với hấp lực của đồng tiền và sự cám dỗ rình rập người sales. Ở đây là một sự đánh đổi, như tấm huy chương luôn có hai mặt. Đám trẻ lần đầu bị hút vào chân trời được tô hồng dưới thương hiệu Toyota, quá mới và quá lớn đến gần như ngộp thở với những đứa con của một Bình Thuận phũ. 

Giá trị món hàng càng cao, sự đánh đổi để tồn tại của người bán hàng càng lớn. Cả đám như dặn lòng phải cố gắng sau mấy lời sẻ chia như thể viết một đề từ cho đời sales sắp tới của đám trẻ, rằng phải nhớ mục đích ban đầu. Tôi chỉ nhắn rằng tất cả hãy cố lên và hẹn ngày gặp lại.

Ngày gặp lại ở một thu sang; sau khi đại lý Toyota Bình Thuận đã khai trương chính thức vào năm 2015. 

Tôi tìm đến nơi đây một lần nữa, sự thiên vị đặt vào bán hàng trẻ, đại lý mới thấy rõ khi số lượng đại lý đã bắt đầu tăng lên. Tôi bước vào căn phòng khang trang, còn nồng nàn mùi sơn mới, đặt ghế, tựa lưng lắng nghe mấy nỗi niềm ở một góc phòng. 

Cảm xúc của người bán hàng luôn tuôn trào, khi tôi đặt câu hỏi tìm khách hàng ra sao. Như máu chảy về tim, sự sống bắt đầu từ đây.

Đám trẻ đi theo lại tiếp tục càm ràm. Giờ đào tạo lại tiếp tục “cháy” giờ. Lâu dần chán không thèm nói, đám trẻ cứ để mặc tôi trôi theo dòng cảm xúc. Đâu hay, tôi trân trọng những giây phút gặp gỡ, vì nhân duyên trùng phùng được mấy bận ở một kiếp nhân sinh? 

Sống lâu để nói, để kể; miễn là đừng có lê thê, dài dòng. Dẫu là nói riết thành chán, nói dai thành nhàm, nói mãi thành xàm. Biết nhưng thôi kệ. Lầm lũi. Tôi nên làm trong khả năng có thể, để những con người không phải loanh hoanh như bản thân đã trải qua lúc đầu, cho những con người mình gặp, lựa chọn cùng một con đường bán hàng. Lựa chọn một đời Sales.

Các bạn trẻ nói về việc phát tờ rơi ở trưa về oi ả. 

Câu chuyện kể về đi khai thác thị trường – gọi tên cho sang chứ thật ra tìm đủ cách để kiếm khách hàng cho bằng được, thường thấy là việc phát tờ rơi. 

Lố nhố mấy chàng trai, cô gái khoác lên chiếc áo ủi thẳng ly, giặt trắng tinh để thu hút một ánh nhìn, phấn son tô điểm lúc đầu rồi mồ hôi rịn áo, phấn son trôi lạc mấy lần không hay khi vào công việc …phát tờ rơi. Tôi xót xa. Dẫu biết rằng đấy là chuyện nên làm, sự bận rộn của người bán hàng trong những lần đón, đưa một tờ giấy khiến bản thân chạnh lòng tự hỏi những câu vô nghĩa: kiến thức có cần không? học vấn có cần không? 

Quá nhiều câu hỏi tuôn trào. Đau đáu. Thấy bán hàng tham gia vào một trò chơi với tổng bằng không!

Ngồi nghe trẻ kể. Những đứa trẻ phát tờ rơi từng xóm, len lách mình qua những cánh cửa cao sau khi ngó thấy nhà nào có xe hay trực giác báo tiềm năng. 

Mấy bận, những đứa trẻ đối mặt với những cái lắc đầu. 

Mấy lượt, những đứa trẻ bỏ chạy vì chó nhà quên xích. 

Hồn vía lên mây, ấy thế mà chẳng nề hà, ròng rã tiếp tục đi vì một con đường đã chọn…Có lẽ vì thế mà xóm, phường chẳng nỡ quên tên. Có lẽ vì thế mà sõi, đá vẫn in hoài trong tâm trí người sales. Họ nhớ rõ từng gốc cây, ghềnh đá như những con thuyền ra khơi luôn miệt mài ghi nhớ một chỗ neo đậu bao năm.  

Đổi lại, tôi thấy đấy là may mắn được trãi qua những tháng ngày thử thách và ắt hẳn cả cuộc đời của người sales sẽ chẳng bao giờ quên. Khó khăn đấy, thử thách đấy trở thành động lực để họ không cho phép mình từ bỏ dù chỉ là một khách hàng! 

Như tôi nhắn gửi lại: Thanh xuân chỉ một lần. Điều cần làm là đừng lãng phí một phút giây.

(Trích: Đời Sales)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...