Sáu năm trôi vèo như một giấc chiêm bao. Tôi đắn đo có viết tiếp hay không. Đó là khi cảm xúc ngày càng vơi đi, bị phụ bạc bởi thời gian và sự thay đổi của thời cuộc đang biến thành thử thách cho bản thân, cuối cùng thì viết lại chiến thắng như một cách giải tỏa căng thẳng như mục đích đầu tiên tìm đến.
Những tưởng sẽ khó khăn tìm lại cảm xúc; đâu hay cảm xúc như đứa trẻ thích chơi trò trốn tìm, ấn nấp ở một góc đời nào đó rồi tủm tỉm cười khi phát hiện; cảm xúc tìm về ở những chuyến đi, tôi gặp gỡ những con người trẻ tuổi đời và tuổi nghề.
Chuyện từ một độ nắng xiên rát hồn của một biển trời chói chang năm 2015
Sales - Những con người chọn cho mình một kiếp bôn ba!
Tôi đến vùng đất của Chiêm Thành ngày xưa; Nha Trang vừa đón một mùa xuân. Tôi thưởng thức hơi thở của đất trời, hơi biển và hơi nóng táp vào mặt, bỏ qua sự cách ngăn của kính chắn khi chiếc xe bắt đầu như bắt nhịp cùng tài xế khiêu vũ trên đường đèo quanh co.
Toyota Nha Trang chính thức tham gia vào mái nhà Toyota, từ những năm đầu của thập niên 2013 sau khi đã thành lập từ năm 2011, dựng xây và đánh giá trước khi trở thành anh em một nhà của Toyota. Mái nhà của gã khổng lồ Toyota đã có thêm một đại lý ở miền Trung Nam Bộ khi trước đây chỉ có vỏn vẹn mỗi Toyota Đà Nẵng nằm ở vùng đất này. Tôi đến đây để tìm hiểu thêm về mảnh đất “hòn ngọc biển Đông”, con người ở đây ra sao, sự phát triển thế nào, hiển nhiên là để phát triển về một thị trường cho vay.
Hơi nóng len lỏi vào bên trong căn phòng. Tôi đảo mắt nhìn quanh, vỏn vẹn chưa đến mười lăm con người của một tập thể hai mươi nhân viên bán hàng đại lý đang có, đó là cả một sự cố gắng cô bé Quyên phụ trách công việc admin để tập họp anh chị em bán hàng từ ở hai nơi: khu vực Lâm Đồng (Đà Lạt) và khu vực Nha Trang.
Bốn bể là nhà. “Cơm đường, cháo chợ..” là cụm từ tôi vay mượn để miêu tả cuộc sống của người bán hàng; bởi cuộc sống thứ hai này gần như tương tự. Di chuyển là miêu tả công việc giữa người tuyển dụng và ứng cử viên gần như được trao đổi ban đầu, có thể dùng từ gì đó sang hơn là “công tác”, cho đến khi điều đó trở thành mặc định. Bán hàng là gắn liền với di chuyển. Tìm kiếm và chăm sóc khách hàng là định nghĩa được gán cho.
Đầu hôm, sớm tối; cung đường nào của đất nước không in dấu chân sales? Tôi thấy anh, chị, em bán hàng đi hết; lúc ở phố núi bảng lảng sương chiều, lúc ở cửa biển lộng gió một chiều đông, hay ở một cửa sông sóng chạy lăn tăn trên mặt nước…Anh, chị, em bán hàng ở đó; cười nói như một kiếp nổi trôi. Kiếp nổi trôi phụ thuộc một món hàng được bán. Món hàng càng giá trị sự nổi trôi càng cao nhiều. Tôi thấy ở những anh, chị, em bán món hàng hữu hình giá trị cao như chiếc xe, căn nhà, căn hộ…, hay bán món hàng vô hình giá trị cao như du dịch, nhà hàng, khách sạn; tất cả gần như không có ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ cho bản thân lúc đầu. Người ta nghĩ thì tôi làm. Như một trong những yêu cầu của công việc, như một trong những yêu cầu đánh đổi cần phải xác định ngay lúc đầu.
Như thể đi rồi sẽ đến. Họ cứ như một cánh chim bay mãi, có lúc vui tươi, có lúc mệt nhoài…tự nhũ mình rồi sẽ có một ngày bay về; ngày đó là khi nào rất ít người trong “họ” biết rõ, chỉ thấy mênh mông cái hẹn một cuối đông, cái hẹn của chim bay về ở một mùa làm tổ.
Phòng kinh doanh hiếm khi tập hợp đủ mỗi khi đào tạo. Tất cả đều bận rộn ở một góc nào đó của đời sales, bận rộn với khách hàng của mình sau khi đã gieo gặt một niềm tin là một trong những điều tôi thích nhất; bởi vì điều đó có nghĩa là người bán hàng đã có khách hàng, vượt qua sự ranh giới sống còn để một mai tôi có thể gặp lại.
Tôi yêu những điều đó. Bởi xuất phát điểm là sự chịu khó đã được tôi luyện mà thành.
Tôi ngồi xuống lắng nghe. Mấy câu chuyện và tâm sự về một ngành nghề trót mang từ nhóm anh em đến từ Đà Lạt; nơi thị trường được giao khai phá, như hiểu rằng họ không có một nơi để gọi là cơ quan, công ty cho đến những khi tập họp như thế này. Định kỳ được hiểu là tháng.
Nhà tôi ở đâu? Tôi cảm nhận được sự chạnh lòng trong nụ cười pha chút chua chát trong câu trả lời khi tôi hỏi về đại lý có một chi nhánh bán ở tại Lâm Đồng. Đó chỉ là một tập hợp anh chị em bán hàng khai phá vùng đất mới; một chiếc xe đặt tại một điểm đông người, thế là xong. Tất cả sẽ tìm kiếm khách hàng ở xung quanh, lúc là tờ rơi khi là tin mạng được phát đi.
Tôi luôn gặp sự phản ứng khi chào hàng. Ở đây, chính là sự phản biện về một món hàng tôi bán; gói vay của tài chính Toyota, trong mấy buổi đào tạo nói về ưu điểm của sản phẩm, dịch vụ mà công ty đang chào.
Sự hiếu chiến tồn tại trong gen vị kỷ. Thú thật, sự hiếu chiến luôn tồn tại trong tâm tính của mình, bởi là một người bán hàng tôi biết rằng tôi phải tin, một niềm tin gần như mù quáng, cuồng tín để bảo vệ sản phẩm, dịch vụ hay thậm chí là công ty mình. Đơn giản, nếu tôi không tin vào sản phẩm, dịch vụ hay công ty mình đang làm vậy thì tôi sẽ bán được cho ai khi điểm kết thúc của việc bán hàng là niềm tin cho đi và nhận lại; điều tôi luôn chia sẻ ban đầu gói trọn trong một chữ Tin.
Tôi luôn tự hứa với lòng mình, khi bước vào bàn đàm phán (thường là một buổi đào tạo, gặp gỡ những anh, chị, em trong nghề, những điều mê hoặc, thôi miên thường không tác dụng khi họ đã quá am tường), thì như một diễn viên bước lên sân khấu, tôi phải là người rạng rỡ nhất dẫu cho sân khấu ấy thiếu đèn đến đâu.
Ấy vậy, tôi phải biết điểm dừng. Trạng thái win-win sẽ chẳng bao giờ xuất hiện, nếu tôi cứ giữ cho mình sự hiếu chiến, quyết tâm ca, hát về sự hoàn hảo của sản phẩm, dịch vụ và công ty mình làm. Hoàn hảo vốn dĩ không tồn tại. Điểm dừng là cảm xúc trào dâng khi lắng nghe mấy câu chuyện của anh, chị, em bán hàng. Câu chuyện của đời Sales xứng đáng được lắng nghe.
Tôi thích nghe chuyện người bán hàng kể. Câu chuyện của bán hàng kể rất đời; mộc mạc, chân thực và đối khi miêu tả rất thô, rất tục trên nụ cười đậu ở khóe môi cay. Câu chuyện của bán hàng sẽ hiếm khi đẩy cảm xúc lên đỉnh điểm như người nghệ sĩ đẩy cảm xúc của người xem lên cao là những giọt nước mắt hay nụ cười giòn tan; cảm xúc của câu chuyện người bán hàng cứ ở lưng chừng như một thói quen được hình thành có điều kiện. Bởi người bán hàng đã được học, được hành về một cách làm sao để giữ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống; giữa khách hàng và công ty; thói quen từ đó mà hình thành.
Tôi thích các câu chuyện kể; đặc biệt là của người bán hàng. Chuyện của một em gái ngồi xuống ở một buổi chiều tà sau khi đã miệt mài tiếp cả một gia đình đến cả bỏ ăn trưa, đi hết từ giới thiệu một món hàng, sang những dịch vụ được gắn vào trong món hàng được bán ở một showroom nhìn ra phố thị đã lên đèn. Chuyện của một em trai gọi về khi đang trú mưa dưới một mái hiên, gió tạt từng cơn lạnh, bức xúc về một suy đoán thành suy diễn bất lợi về thái độ một khách hàng của em tìm kiếm, em bảo vệ, em bức xúc và kể ra như một cách để giải tỏa…và nhiều câu chuyện khác. Tôi may mắn là người được lắng nghe.
Tôi bám vào gương mặt, vóc dáng, làn da… để nhắc nhở mình phải chú ý lắng nghe. Lắng nghe để có chủ kiến của riêng mình, để nói và để làm trong khả năng có thể. Trên bước đường đổi thay và thay đổi, tôi cứ phải đặt mình vào để làm sao cân bằng lợi ích của đôi bên khi bản thân được gửi gắm một vai trò; ở đây là quản lý, chuyện đấy sẽ kể sau. Chuyện lúc tôi tìm kiếm lý lẽ thuyết phục bản thân lắng nghe; như liệt kê, đó là khi nhìn thấy một làn da nắng cháy đen như khét, đó là minh chứng rõ ràng cho thấy sự bôn ba, chịu khó dưới cái nắng lưu manh không chỉ cướp đi mấy giọt mồ hôi mà muốn cướp luôn cả hồn người bán hàng khi nhiều khi tủi thân lạc lối nghĩ suy; vất vả thế này để làm chi? chịu khó thế này để làm gì? hay thậm chí tiêu cực hơn là thấy sao đời bạc…
Tôi may mắn là người được lắng nghe lúc đó; để nói với anh, chị, em tôi rằng sẽ sớm thôi sẽ được đáp đền, còn nếu không thì hãy nhớ lại ta bắt đầu vì sao, để không mãi ấm ức và đòi hỏi cho đi cần nhận lại.
Trở lại căn phòng hầm hập nóng. Tôi tự hỏi lòng ai đó và khi nào mở một Toyota Đà Lạt - Lâm Đồng để anh, chị, em tôi - những con người chọn kiếp bôn ba có được mái nhà?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét