Ngày 26 tháng 07 năm 2021
Cấm ra đường sau 18h. Sài Gòn bắt đầu chính thức áp dụng như một công đôi việc của việc vừa hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời hạn chế luôn hiểm họa tiềm tàng, khi con người ta khốn cùng sẽ bắt đầu làm bừa như trộm, như cướp để sống sót.
Ngắm Sài Gòn về đêm trên mạng xã hội. Tôi tham gia vào dòng người ngắm đường phố về đêm vắng lặng như mặt hồ gợn một chút sóng khi thỉnh thoảng một vài chiếc xe máy lướt qua những khung hình camera như tiếc nuối một điều gì đó đã qua, đã mất đi. Một cảm giác quá xa lạ với khung cảnh đang chứng kiến bỡ ngỡ và bàng hoàng.
Riêng bản thân mình, có một dòng cảm xúc gì đó bâng khuâng, bùi ngùi, nghẹn ngào và đầy mâu thuẫn. Ở lưng chừng cảm xúc, gặp phải một khung cảnh đã từng khát khao tìm một không gian yên bình nơi quê nhà giờ đây gặp lại nơi cuộc sống phố thị vốn rộn ràng, vội vã bị xô đi theo guồng quay của cuộc sống nhanh nơi mảnh đất này, để rồi thèm khát những khoảnh khắc vắng lặng và bình yên, cho đến khi khoảnh khắc mong muốn có được lại thấy đau đau khi biết rằng điều đó phải đánh đổi bằng sự hy sinh nhiều thứ. Tự hỏi, sao bản thân thật khó hiểu!?
Mấy đứa trẻ con quanh quẩn xung quanh, không hiểu sao ông già là tôi cứ ngồi nhìn trước màn hình nhìn ngắm một khung cảnh gần như bất động chẳng có gì thú vị. Bởi Sài Gòn của hôm nay khác quá.
Sài Gòn không còn tiếng xe qua. Tiếng máy rồ rồ tăng tốc của những thú vui về đêm, con người tìm đến những hàng quán thưởng thức mấy món ăn chỉ mở lúc đêm về, xì sụp trong những tô chén nghi ngút khói. Mấy bạn trẻ bắt ghế ngồi ở lề đường nói về đến vô cùng tận hay tiếng đàn hòa trong tiếng hát từ một quán ven lề trong khi mấy địa điểm ăn chơi bắt đầu những tiếng đếm một, hai, ba để làm hết một trăm phần trăm, hay đôi khi chỉ là tiếng sàng sạc của mấy người công nhân quét rác chìm nghỉm trong tiếng rộn ràng trước cửa một quán bar bắt đầu đón khách làng chơi ghé đến.
Sài Gòn đã bắt đầu đi ngủ. Thấp thỏm trong lòng mỗi người chờ đợi trận dịch sẽ sớm qua đi, để Sài Gòn sớm trở lại với mọi người về việc sẽ rộn ràng và gần như chẳng có một phút nào cho một giấc ngủ tròn đầy.
Tôi lướt facebook tìm kiếm mấy người thân sau khi đã ngắm chán chê hình ảnh của Sài Gòn đêm về, mấy đứa nhóc đã bắt đầu thiêm thiếp chuẩn bị cho một giấc mộng con. Tìm kiếm, hỏi han như một gã cuồng tín tìm kiếm những điều tin yêu, lật giở những trang nhật ký ghi lại cảm xúc của đời mình; một đời Sales.
Sự Trung Thành
Tôi ngồi ở lầu một nhìn nắng bắt đầu lan vào Starbucks ở một trưa cuối tuần, thả hồn lướt đi cùng gió cho ngập tràn cảm xúc như những chiếc xe xuôi dọc trên con đường Phan Xích Long bên dưới. Tôi thấy khá bối rối để sắp xếp lại ý từ khi bắt đầu tham lam thay đổi góc độ viết – góc độ từ một người quản lý (hay còn gọi được với danh từ “sếp”).
Lúc nảy sinh việc thay đổi này là khi tôi may mắn có cơ hội được gặp và nói chuyện với nhiều người “sếp” trong guồng máy của gã khổng lồ Toyota và được họ chia sẻ những suy nghĩ. Một phần. Tôi nghĩ đấy là tài sản vô giá cần được viết ra, ghi chép lại để những con người trẻ sống lâu như tôi bớt lanh quanh trên con đường danh nghiệp.
Từ một trưa trời nắng hạ, trên nóc nhà SAMCO ấy. Tôi ngồi ăn trưa cùng anh - người đàn ông tóc đã nhuộm màu khói bay, tuổi đã đi qua phía bên kia triền dốc vẫn trẻ trai cùng khói óc hài hước qua từng mẩu chuyện hóm hỉnh được kể với gương mặt tỉnh bơ khiến người nghe bật cười. Anh là giám đốc của Xí Nghiệp Toyota Bến Thành.
Anh làm việc đến từng tuổi này thì tiêu chí nào của một nhân viên được anh đánh giá cao nhất? Tôi tò mò hỏi như kiếm câu chuyện để làm quà.
Sự trung thành. Không do dự dù chỉ một phút, anh trả lời.
Tôi thấy chới với vì nhận được câu trả lời quá nhanh. Tôi nhìn người ngồi trước mặt, nghĩ ắt hẳn trên con đường đi đấy, không ít lần anh phải nếm trải sự cay đắng vì bị phản bội hoặc vong ân. Tiêu chí hàng đầu không phải là kỹ năng và kinh nghiệm. Tôi thấy chữ “tin” mình hay sử dụng trong những buổi chia sẻ với những mái đầu trẻ nên mở rộng ra luôn cả định nghĩa này; dù rằng bản thân nếu đặt khía cạnh này như góc nhìn của anh có chút kỳ vọng cho đi và nhận lại theo một cách sòng phẳng nhất có thể.
Nhưng trong một tập thể nhiều nhân viên như thế này làm sao anh phân biệt được ai có ai không? Tôi tiếp tục truy vấn và phát hiện ra mình đang hỏi một câu khá thừa sau khi nói.
Vì ở một tập thể với thời gian gắn bó trên mười năm không còn là chuyện xa lạ ở nơi anh làm và dựng xây thì câu hỏi kia là thừa thãi.
Biết chứ sao không em, lính mình mình biết chứ. Nhiều đứa trước mặt thì cười nói với mình, sau lưng nó chửi liền sau khi nói chuyện vừa xong. Anh đủng đỉnh vừa trả lời rừa hớp một miếng nước khi ánh mắt bỏ đi ra ngoài trời nhìn những chiếc xe chơi vơi đang đợi vài người khách đến xem.
Như bao lần tôi thấy hứng thú khi lắng nghe được suy nghĩ của một con người trải nghiệm. Sự trải nghiệm được trả giá bằng thời gian.
Tôi nhìn đôi mái tóc ấy cười khà hỏi: Vậy anh có thấy rằng em nịnh anh không?
Anh cười: Mày nịnh anh thì được gì?
Khoảng trưa trên căn gác mái đấy, thằng nhóc sống lâu biết được suy nghĩ anh – tổng giám đốc của một xí nghiệp – sự trung thành là tiêu chí hàng đầu để lựa chọn một nhân viên.
Tôi lắng nghe & im lặng. Sự tôn trọng là cần thiết đối với một người như anh. Dù rằng bản thân nó biết rõ việc đó rất khó xác định và lý thuyết cần được kiểm chứng trước khi được viết ra.
….
Ở một buổi trưa khác mang quà về từ biển cả, gặp lại gương mặt người phụ nữ là “lính” anh khi ấy trong ánh mắt rạng ngời với cuộc sống mới, tôi kiềm chế mình lại không nói về những gì đã diễn ra để cho buổi trưa ấy chỉ lắng nghe những câu chuyện khi nhịp đời thay đổi thế nào. Sợ. Tâm trạng tồi tệ lại về với người phụ nữ ấy đã phải chịu quá nhiều nghĩ suy.
Sự trung thành – tôi trung không bán chủ
…
Em nhìn tôi, thú nhận rằng không nghĩ một người như anh - một trong những quản lý của đại lý Toyota Hiroshima Tân Cảng đã từng nhận của chị - là “sếp” của anh khi đó nhiều thứ, quanh quẩn bên chị như một bạn đồng thuyền, lại gạt bỏ đi tất cả lúc người mới lên tàu với khẳng định một điều kết quả hiện tại là sự cố gắng duy nhất của bản thân. Chua chát. Tôi kiềm chế không phát ra những điều đang giận dữ, sợ làm ảnh hưởng đến một nghĩ suy một chiều. Đó là lần tiếp nhận thông tin về việc thay đổi cấp quản lý cấp cao của đại lý Toyota Hiroshima Tân Cảng từ một đứa em đồng nghiệp chia sẻ.
…Lần hai
Tôi nhìn email, tin nhận trong vài ngày, lan chạy khắp công ty, người mới chưa đi, cự ly được xác định, gạt ngang không thương tiếc, phũ phục dưới dòng “cc” như một kẻ biết điều. Chết lặng. Tôi để ý đến sau lần kể đấy, thấy rằng điều đó không phải là ngẫu nhiên cho một sự thay đổi về vị trí được nhân sự thông báo mà bản thân mình không biết.
Thế thời, thời thế, thời phải thế. Câu nói của Võ Tắc Thiên chẳng lẽ là tuyên ngôn dành cho phụ nữ? Dường như không phải vậy, người phụ nữ ấy hiểu rõ vấn đề “nợ thế, nợ thời” trước câu nói ấy. Câu nói ấy không phải chỉ diễn tả sự thức thời!
Thấy sự trung thành bị lung lay. Sự trung thành đối kháng sự thức thời – chuyển hóa nhẹ nhàng qua ngôn ngữ đời thường thành sự ăn ở - điều tồn tại vốn thường ở cái gọi chợ cơ quan. Ai cũng biết, hỏi – biết điều có không? Đôi khi phải biết khấu đầu, gật sâu và hiểu đâu nắm quyền sinh sát là yếu tố để tồn tại lâu dài? Rối rắm.
Tôi muốn hỏi hai con người ấy lại thôi vì nghĩ câu trả lời vẫn là nụ cười nhẹ nhàng khi cuộc đời đã nếm trải những điều ấy. Như một sự tiên đoán trước người phụ nữ ấy - chính là “sếp” quản lý trực tiếp của tôi khi đó, sẽ kể cho mọi người sau, đã từng dặn dò tôi cách đó ba năm: Em phải làm sao để quản cô này! Đâu hay ngày này đến vội, lúc tôi vẫn còn loay hoay tập tành quản lý rồi bỏ quên.
Quá nhiều để một điều bất thường trở thành bình thường. Sự trung thành vì thế mà đắt đỏ và không phải ngẫu nhiên trở thành thứ đầu tiên người quản lý đang kiếm tìm!?
Kiểm chứng điều anh nói, đau đáu chẳng nói được gì ở buổi trưa nắng đầu xuân rọi xuống hòn ngọc Sài Gòn ấy, chỉ muốn bỏ ra ngoài, gọi điện nói với anh rằng: sự trung thành em chưa học tới vì sự trung thực em đang cần phải học xong.
(P/s: Cám ơn anh Nguyễn Văn Tết – Giám đốc của Toyota Bến Thành & chị Trần Thị Yên Châu – Phó Giám Đốc của Toyota Bến Thành đã cho em được tham gia một buổi cơm trưa trên gác mái đầy ý nghĩa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét