Ngày 25 tháng 07 năm 2021
Sài Gòn siết chặt hơn. Việc phòng chống dịch Covid-19 nhắm đến việc quản lý shipper (xe ôm công nghệ). Shipper không còn được phép hoạt động liên quận.
Công nghệ là then chốt, những không ai biết công nghệ ở đây là gì một cách rõ ràng. Shipper là một trong những giải pháp không dễ nhận ra từ lúc ban đầu. Sự cơ động của đội ngũ xe ôm công nghệ chính là một trong những giải pháp cứu cánh cho Sài Gòn ở giai đoạn giãn cách xã hội triển khai quyết liệt sau đó.
Tôi nhận được chuyến hàng cuối cùng từ gia đình mình từ dưới quê gửi lên. Việc vận chuyển liên tỉnh sẽ không được phép thực hiện một cách dễ dàng sau ngày hôm nay.
Sài Gòn buổi đấy nhốn nháo, con người ta đổ xô nhau để mua nhu yếu phẩm thiết yếu; bất kỳ ai cũng dễ dàng thấy sự nhốn nháo, vội vàng rõ ràng nhất ở các hiệu thuốc, siêu thị hay cửa hàng bán thực phẩm như đang chuẩn bị trước cho một cuộc chiến, người sẽ cố thủ, người sẽ ra đi, ai cũng đều muốn chuẩn bị tốt nhất có thể. Mọi người đều muốn dự trữ cho khoảng thời gian giãn cách chống dịch sắp tới. Thời gian dài hay ngắn không ai biết trước.
Tâm trạng muốn thoát khỏi tâm dịch. Tôi đứng ở ngã ba đường Bà Lê Chân và Hai Bà Trưng đang nhốn nháo người, xe vội vã. Tôi không biết những con người nhốn nháo ngoài đó có cùng tâm trạng với mình hay không? Tôi tự hỏi liệu nhạc sĩ Hoài An có mường tượng đến cảnh này để viết ra một bài “nếu chỉ còn một ngày để sống” khi tôi muốn về lại với quê nhà ở bên người thân của mình. Dù rằng, ý thức trong đầu quyết định ở lại Sài Gòn bởi không biết bản thân mình có mang mầm bệnh hay không, sợ rằng sẽ lây lan bệnh cho người thân của mình khi về quê hay không. Quê và ảnh hình của người tình tóc bạc cứ khiến con tim tôi bồi hồi. “Buồn vì ai, ta làm ai buồn; xin bao dung tha thứ vì nhau”
Thấp thoáng thấy hồn bay giữa đồng, chân trần chạy trên ruộng vừa cắt chỉ còn gốc bám lấy đất như yêu tự bao giờ chẳng muốn rời đi. Đám trẻ chơi trò đuổi bắt, trốn tìm sau những ụ rơm vàng ủ nắng hầm hập. Mấy ngọn gió lướt qua tàng lá bạch đằng kêu rào rạc, thổi nhẹ vài đợt sóng nhỏ lăn tăn.
Vợ tôi luôn nói bản thân tôi sống khá hờ hững; tôi cũng phải công nhận ít nhất là với...nơi mình ở. Tôi có hai nơi: Đồng Tháp và Sài Gòn. Với cả hai nơi này, tôi vẫn như một người khách lạ vẫn chưa hiểu hết về nơi mình đã sinh ra, lớn lên, lập nghiệp...đến những cung đường đi về không đếm nổi trong trí nhớ, vẫn lạc mất một lối đi khi chỉ cần bỏ xuống ở giữa một chặng đường.
***
Tôi có được cơ hội để hiểu hơn về vùng đất mình sinh ra và lớn lên trong hành trình Đời Sales của mình khi tham gia chuyến thẩm định kết hợp nhiều khách hàng cùng bộ phận tín dụng như một nhân viên thẩm định thực địa.
Trở lại một làng quê
Xứ Dừa - Bến Tre
Tôi bước xuống xe, đi theo anh Thắng phụ trách phê duyệt tín dụng về hướng biển. Những rặng dừa biến mất, thay vào đó là những ao tôm được nuôi trồng luân canh và công nghiệp. Anh nói tôi rằng: Cuộc sống đã đổi thay. Nơi đây. Nơi xứ dừa này.
Tự lâu rồi, tôi nghe nhiều về nơi xứ sở Bến Tre với những rặng dừa đưa đẩy hồn người trong những buổi trưa hè gió lộng võng đưa, vị ngọt ngào làm lưu luyến lòng người đi bởi một dòng nước mát lành lỡ đưa vào trong dạ. Nhớ hoài. Xứ sở ấy. Giờ nơi đâu, tôi thấy nơi này trở nên xa lạ không giống trong sự hình dung ban đầu qua lời kể đã từng nghe hay bài viết đã từng đọc.
Gió từ biển tạt vào, lướt qua đung đưa tất cả những gì lướt qua, không có những tàu dừa đung đưa, chỉ có một đợt sóng nhỏ lăn tăn lướt trên vuông nước vô hồn, có tôm trú ẩn dưới đáy hồ sâu, nước lợ.
Bước ra cửa biển, nhìn cho rõ hơn. Mặt đất đầy sình, dậy lên mùi nghèo khó, biển vẫn ở tít xa, chỉ pha một dòng nước đục hững hờ.
Trời đất chuyển giông, như giận một cái nhìn. Tiếc nuối từ tôi. Bước vội lên xe, bỏ cơn gió với những đợt sóng lăn tăn vuốt trên vuông nước vô hồn, tôi ngóng tìm một rằng dừa còn sót lại. Ơ thờ. Lẻ loi một mình.
Có điều gì đó đang bị đánh mất, có thứ gì đó đang tàn phá một ngày xưa. Người bỏ ruộng, kẻ bỏ dừa. Thơ thẩn. Tôi tiếc nuối một điều gì đó, như luyến tiếc một món đồ để trong ngăn tủ xa xưa không còn nữa, tôi thấy như bản thân mình bị mất của. Của trời.
Làng Bột - Sa Đéc, Đồng Tháp
Nhìn theo ngón tay anh. Bên phải là sông với những dòng khói ngút trời, những lò nung gạch đỏ từ đất mẹ sinh ra. Nhìn tiếp. Bên trái là rạch với những mái lá vẫn còn lụp xụp trong cái đói, nghèo chưa được lột xác. Hiếm hoi. Giống như bản thân anh vẫn còn kinh doanh nghề bột.
Nhẫm tính đã mười năm. Nghề theo anh, anh theo nghề. Lắm nhiêu khê, nhiều trắc trở nhìn đời thở than. Ngày xưa là làng bột đếm không xuể những nhà làm, giờ đây nói đến những nhà làm đếm tới đếm lui, chục lần vẫn không sót.
Mấy nhà làm bột, chỉ còn chống chọi xay bột để kiếm tạp nuôi heo, cho đỡ một kiếp nghèo. Người ta nói. Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt. Chẳng mong gì giàu, khá thôi là được. Sa Đéc dân tình, cứ gồng mình lên theo từng con nước qua. Đứng nhìn. Một làng nghề đã dần mai một. Tự bao giờ, bao giờ rồi không nhớ.
Đất thở than, ruộng than thở. Gạo hóa thành bột trong một tiếng nỉ non phận đời. Đừng nói về đời, chỉ nói về bột thôi. Bột vẫn còn, nhưng không còn được như những gì của ngày xưa. Tưng bừng. Cười nói trong tiếng xay bột ngày, đêm. Người qua, kẻ lại. Ghe tới, xuồng lui. Nói cười. Thấp thoáng suốt đường làng, người bê bết bột.
Tôi nhíu mắt cận, cố thấy xa hơn. Mái ngói đâu thấy, mái lá còn đây, chỉ thấy cỏ cây đưa tiễn một ngành nghề.
Khi nghĩ đến shipper tôi nghĩ người bán hàng cũng không khác biệt mấy trong cách vận chuyển nhu cầu của hai bên: khách hàng và công ty tìm kiếm được điểm chung, trong những lý thuyết kinh tế họ gọi đó là trạng thái win-win.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét