Mục đích đầu tiên là để tồn tại. Ai cũng cần bán hàng. Ấy vậy mà tuyển dụng người bán hàng; nhiều và ít tùy theo quan điểm. Tiêu chí cũng không đặt nặng nề ở khía cạnh chuyên môn, vì vậy áp lực của đào thải được đẩy lên một nấc. Bước vào đời Sales không vì mục đích nào khác hơn là để sinh tồn.
Tôi lựa chọn nghề bán hàng vì dễ tìm việc. Tôi cần một công việc để tồn tại, trụ lại và sống tiếp ở Sài Gòn sau khi tốt nghiệp.
Tôi lớn lên giữa sông nước mênh mông và phiên chợ của một tỉnh lẻ miền Tây.
Ký ức trong tôi là những tháng ngày lắng nghe sóng vỗ dưới lườn ghe(*) mỗi khi có chiếc ghe máy nào chạy ngang qua, cảm nhận cái chòng chành của chiếc ghe theo con sóng như võng đưa ở trưa hè, phảng phất trên đầu mũi mình mùi phù sa sau mỗi mùa nước lũ qua đi, trong những ngày tắm sông với mấy trò chơi của trẻ nhỏ dưới cái nắng vàng rực rỡ, ướp đầy mắt là sắc vàng của mùa lúa chín trong cái khói đốt đồng sau mùa bay lên lơ lửng ở tầng không vọng vào lòng từng đứa trẻ nơi đây một âm vang thơ ấu còn ngân mãi sau này. Sóng vỗ vào tuổi thơ.
Giai điệu tuổi thơ có những nốt lặng xen lẫn.
Đám trẻ lớn lên cùng những điều đáng để nhớ, không thể quên và có những đứa trẻ phải dừng lại mãi mãi ở tuổi thơ.
Trẻ sẩy chân chết đuối là chuyện của quanh năm. Mấy người thanh niên vác đứa trẻ trên vai để chạy từ đầu làng đến cuối xóm như mấy bao lúa đong đầy căng cứng…lặng im. Đôi khi, thi thể trẻ sơ sinh trôi trên sông dạt bờ như khát khao lên mặt đất vì tắm mình dưới nước quá lâu. Không có những đám tang, chỉ có mấy tấm vải nhỏ quấn quanh rồi chôn vội ở nghĩa địa ở cuối xóm, đằng sau người lớn là mấy đứa nhỏ lúc nhúc chạy theo tò mò. Trẻ chết trôi dạt bờ kết thúc một cuộc hành trình của một kiếp nhân sinh.
“Cháu lên ba cháu đi mẫu giáo” là khúc hát mấy đứa trẻ như tôi thuộc làu. Khúc hát của một thời hòa bình lập lại, giao thời của chế độ công - nông nghiệp. Ba mẹ rơi những giọt mồ hôi ở những nhà máy, xí nghiệp; ông bà rơi nước mắt với ruộng đồng trong mấy mùa nông được mất. Đám trẻ chúng tôi chưa đến trường khi...chưa lên ba; tất cả đều giống nhau, vô tư, chẳng ai giữ, tụ tập chơi những trò chơi chẳng hiểu ở đâu ra. Trẻ con luôn chơi mấy trò tưởng tượng. Bọn trẻ được trông đợi vào sự để mắt của xóm giềng thi thoảng. Nhà cửa mở toang hoang khi người lớn đều phải lo làm.
Lũ trẻ chúng tôi lớn lên bên cạnh những dòng sông. Cuộc sống gắn với thủy triều lên xuống, mỗi lần nước lớn nước ròng như mỗi lần như tâm trạng của bọn trẻ cứ hết giận nhau đầu sớm thì chiều về lại thấy tụ lại chơi với nhau. Sinh tồn trong dòng nước mát lành như sữa mẹ của những buổi trưa hè thi nhau bơi lội, hay những lần vọp bẻ rồi đuối nước cuốn trôi trong sự ngó chừng của một ai đó mà không phải người nhà bởi tất cả phải bận rộn với mưu sinh.
"Sự phong phú trong cuộc đời" chính là một ân huệ mà nghề phục vụ mang lại cho tôi" - Câu nói của Yaginuma Kenichi như nói thay tôi, chỉ khác biệt đôi chút là tôi đến với nghề bán hàng sớm hơn (như thể).
***
Tôi sinh ra như để bán hàng. Tuổi thơ không quanh quẩn ở những con sông với những chiếc ghe tấp nập cập một cầu tàu để hàng hóa lên xuống, thì ắt là ở một góc chợ nơi hàng hóa được chất đầy trên các sạp của cô, chú, mợ, dì sau khi được khuân vác thẳng từ điểm trung chuyển là cầu tàu.
Tôi học được nhiều ở chợ, nơi học được cách nhận biết sự tươi ngon của từng món hàng lơ ghim (*) qua sắc màu, độ bóng hay đơn giản chỉ là hình dáng của từng loại; học cách sắp xếp sao cho nhìn mướt mắt thu hút ánh nhìn của người mua từ đăng xa từ việc phối màu bằng vị trí từng loại rau, củ, quả đến việc sắp xếp thấp cao trên mấy chiếc sạp con, và học nhiều thứ mà bản thân khi đã già vẫn còn đang chiêm nghiệm...phát hiện ra sách vở bước ra từ đời, đời Sales bước ra từ chợ.
Chợ của cô, dì, chú, bác cứ làm một công việc lập đi, lập lại đó trong ký ức của thằng nhóc nhỏ là tôi, lớn lên quanh quẩn ở các sạp của bác, chú, cô, dì.
Có một thằng nhóc là tôi sẽ lăn ra ngủ khò trong tiếng nhộn nhịp của góc chợ xôn xao từ hừng đông cho đến tối muộn cùng anh chị và mẹ mình.
Tôi được bảo bọc bởi chợ, nơi của mẹ, chị, cô, dì, chú, bác gọi nhau bằng những ngôi thứ luôn dõi theo thằng nhóc lớn lên từng ngày.
***
Ai rồi cũng phải lớn! Cứ đi rồi sẽ đến!
Quyết tâm vào đại học là khẩu hiệu được dán trước bàn học. Khẩu hiệu được viết bằng trang giấy trắng học trò với mực tím. Tôi phải đến với Sài Gòn.
Trong suốt thời niên thiếu, số lần tôi đến Sài Gòn hay còn gọi là nơi phố hội phồn hoa trong mấy câu ca cải lương mà mẹ tôi hay nghe đếm trên đầu ngón tay.
Một trăm năm mươi cây số là khoảng cách từ quê lên Sài Gòn. Chặng đường từ mảnh đất Tháp Mười nổi danh với loài hoa gắn liền với Phật giáo là sen để đến với Sài Gòn. Một chặng đường phủ đầy gió bụi đong đưa trên chiếc xe đò cửa sổ mở toang hoang trên con đường lởm chởm các “ổ gà”, “ổ voi” như cảm giác đang ngồi cùng hơn bốn mươi chín người trên một con ngựa sắt khổng lồ băng qua những con đường, con sông, con rạch...khi tôi khi theo chân mẹ mình lên phố để chào tiễn biệt một người cha, hay là một người chú.
Có lúc, tôi ngồi phía sau anh trai thứ ba trong gia đình năm anh em, rong ruổi trên quãng đường dài vào một dịp Tết đến Xuân sang. Như thể anh muốn khoe cho cả thế giới biết về gia tài quý giá nhất của mình sau những tháng ngày tích cóp được từ việc chở đồ thuê.
Tôi đặt tên cho gia tài của anh là“con ngựa sắt”; dù rằng thấy anh nâng niu như một người tình khi từng ngày một khoác lên con ngựa sắt của mình từng mảnh áo mới. Lúc thì bọc lại một cái yên xe, thay một bộ phuộc nhún, một “dàn áo” với màu sơn mới, cái thắng tay ... sau khi anh mua lại cái xác xe chỉ còn máy là chạy tốt. Từng ngày anh gắn từng món đồ sau những tháng ngày giọt mồ hôi của anh tuôn chảy ướt đẫm lưng áo với hàng tá cần xé vác quằn vai anh từ chổ ghe hàng neo đậu đến sạp hàng.
Sài Gòn - nơi phố hội phồn hoa và hấp lực từ sự thoát nghèo.
Khẩu hiệu quyết tâm vào đại học đã thành sự thật. Khi tôi ngồi yên ở ghế phụ tài xế của chiếc xe dù mười sáu chỗ để lên Sài Gòn, là lúc anh tài xế kể lại rằng giọt nước mắt của mẹ và chị tôi đã rơi trên gương mặt đã sạm nắng, mưa. Tôi cứ đâm đắm nhìn về phía trước, suốt dọc đường đi khi tiếng chuyện trò của những người buôn hàng từ tỉnh này qua tỉnh khác vẫn không ngớt trong suốt đoạn hành trình. Tôi biết rằng mình đang ấp ôm giấc mơ của mẹ, của chị, của anh, của tất cả người thân trong gia đình.
Giấc mơ tỉnh lẻ của gia đình muốn thoát nghèo. Con đường học vấn phải đến với Sài Gòn như vạch xuất phát ăn vào tiềm thức của đứa con miền sông nước. Mỗi năm khi phượng nở, hè về, lũ rút là đám trẻ vừa tốt nghiệp phổ thông lại cùng người thân lũ lượt kéo nhau lên Sài Gòn để tìm kiếm vạch xuất phát đầu tiên của cơ hội thoát nghèo. Tôi đi một mình.
Sài Gòn lần trở lại này vừa háo hức khi bắt đầu một chặng đường mới - tự đi, vừa hồi hộp khi sự vội vã của con người ở nơi đây vẫn vậy. Tôi không biết vì sao họ vội vã. Dòng người cứ qua lại như thể họ cứ thế đi, chạy đến một bến bờ vô tận; chỉ có một thằng nhóc là tôi đang mang trên mình sự kỳ vọng của người thân và gia đình đang đứng giữa đường đặt trong lòng câu hỏi vì sao.