Em bình tĩnh nghe anh nói nhé! Gã đàn ông đã bước qua nửa ngưỡng đời của Y Vân. Đời có sáu mươi năm. Gã đàn ông thả ánh mắt ra sân gạch đang sáng lên dưới ánh trăng soi, ngọn tre rủ xuống một gió lượn ngang.
Bình tĩnh gì, anh nói đi. Cô gái của tuổi đôi mươi, kém người đàn ông của đời mình đến mười năm năm; trong chiếc áo bà ba bằng vải sa tanh đang ngắm nhìn hai đứa nhóc nhỏ chơi trước hàng ba, dưới ánh trăng soi, liễu đang rũ trước cửa vào.
Lòng anh đầy mâu thuẫn.
…
Người con gái đi theo gã đàn ông lớn hơn mình, lớn hơn cả một con giáp từ Quảng Trị vào Đà Nẵng chơi trong tiếng rù rì của cánh tài xế xe tải rằng em đã bị bỏ bùa yêu. Gã đàn ông cũng đi theo như những ngày buôn hàng Huế vào Quảng Trị; ghé quán của người con gái ở một góc chợ.
Ăn một dĩa cơm mười lăm ngàn, đưa năm chục, gửi lại để lần sau. Gã đàn ông cứ ăn rồi gửi lại. Tình. Quán ăn nhỏ nằm ở góc chợ, mở từ đầu sớm, tiếp lần lượt những sĩ quan quân đội, đến cánh xe tải, cuối cùng thì người ở chợ mới mua được cơm mang về lúc ấy mặt trời đã treo ở trên đầu ngọn tre.
Con có gặp thằng Liên không! Ông cụ quắc thước, mỗi bận giao nước mắm cho bạn hàng ở chợ trời Quảng Trị cứ ghé sang quán, hỏi cô chủ trẻ. Mỗi ngày. Cô chủ phải trả lời: Con có biết Liên nào đâu? Ấy thế, ông cụ cứ hỏi. Mỗi ngày. Gã đàn ông ăn rồi gửi. Ông cụ cứ hỏi thăm. Gã đàn ông là con trai ông. Kẻ gửi, người hỏi; cứ thế dần dần cô chủ nhỏ dọn hàng theo gã đàn ông ấy, không còn gửi những tiền dư để lại, mà giờ thành gửi gắm mấy đứa con.
Gã đàn ông ấy đã có một đời vợ. Một người phụ nữ đã lỡ thời, theo sau gã từ nơi nào giờ trở lại làng Sình. Cứ thế, rùng rình thì cũng sinh được hai con. Gã đàn ông ấy giờ theo đuổi một cô chủ nhỏ bán hàng ở chợ trời Quảng Trị đến tận sáu năm.
Cô chủ nhỏ cười khi nghe nói dính bùa yêu. Lấy nhau về ở thượng thành, nghe người mẹ chồng mới biết là anh đã cũng có một lần vợ con. Chuyện. Giờ đã sang sông, không biết có đấm đò. Cô chủ nhỏ cứ thế bán buôn ở Thượng thành, trong mấy chuyến xe hàng buôn đồ Mỹ, gã đàn ông ngồi ở bên tay lái, cô chủ nhỏ ngồi ở giữa trong lời chọc ghẹo của gã sĩ quan ngồi bên phụ xế: Xe qua ổ gà, anh em mình ngã vào một hướng. Gã đàn ông cứ thế ngồi im.
Cô chủ nhỏ yêu cái tính khí ấy. Bạn bè ai cũng nói: tao thấy nó theo mi! Từng cười. Làm gì có chuyện đấy. Ấy vậy, giờ đã đi theo gã đàn ông không hút thuốc, bạc bài, uống rượu…chỉ còn chuyện gái gú.
…
Lòng đầy mâu thuẫn đấy làm vang cả góc nhà! Khi cô chủ nhỏ khuyên người mẹ chồng về chuyện anh ấy còn có một đứa con.
Sao mày ngu vậy? Gái miền Nam, cái áo cũng bán cái tơi cũng cầm! Người mẹ chồng chửi rống lên khi nghe con dâu thuyết phục chuyện nhận nhìn về một đứa con gái, sinh ra ở miền Nam trong những ngày gã đàn ông ở tù Côn Đảo. Có em năm tía lia yêu anh hai lạnh lùng! Trót yêu, trót nảy mầm một sinh linh khi gã đàn ông về lại mảnh đất miền Trung, nghĩ tình đấy đã thoáng bay.
Người mẹ chồng nghĩ đến phận đàn bà. Bà cũng đã từng yêu một ông giáo làng, cũng vì cấm cản mà bà đã gạt ngang chuyện gã đàn ông cứ mỗi đêm lội sông sang, bước ngang với một người đàn ông mạ chọn, giờ thấy thương đứa con dâu. Cám cảnh. Chuyện biết đã muộn về con trai bà đã có một lần vợ con; giờ nghe đứa con dâu bà thuyết phục về làng ở với bà để tránh những lần thượng cẳng tay hạ cẳng chân của chồng có thêm một lần trai, gái khác.
Đó là máu huyết của ảnh! Mạ cứ cho ảnh nhận đi! Cô gái nhỏ quấn lại tóc sau đầu trả lời người mẹ chồng sau hai buổi ngồi trong suy nghĩ, mới bước sang nói chuyện nhận nhìn của con trai bà để anh bớt “lòng đầy mâu thuẫn”.
Nghe con dâu nói, lòng bà vừa giận vừa thương. Tức chuyện con gái miền Nam một, tức chuyện con trai hai, mà tức chuyện con dâu gấp bội lần. Mạ thấy sao mày ngu vậy?
Cô chủ trẻ cứ thế nhìn mạ cười. Chua chát. Liễu rũ ở ngoài rào, có bao giờ liễu mọc cao hơn tre.
…
Sau cái câu “lòng đầy mâu thuẫn ấy”. Chuyện đời của gã đàn ông cứ hết nay buôn ở làng này, mai buôn ở làng kia; lúc thì trời Quảng Trị, lúc thì trời Quảng Nam. Bình Trị Thiên ngày ấy in đầy dấu chân của gã đàn ông.
Gã đàn ông ôm cô chủ nhỏ vào lòng. Thì thầm. Em có yêu anh!?
Cô chủ nhỏ đẩy nhẹ vòng tay của gã đàn ông. Quấn lại tóc sau đầu. Chửi. “Ghét Việt cộng mà không biết Việt cộng ở trong tay áo”
Trăng đã lên cao, hàng ba núp sáng, chỉ còn có một khoảng sân nhuộm đầy ánh trăng. Hai đứa con nằm ôm nhau ngủ. Chuyến đấy đã gần sáu mươi năm. Một đời người theo định nghĩa của Y Vân.
…
Thằng nhóc cười: Ăn mười lăm ngàn, đưa năm chục ngàn, gửi luôn năm đứa.
Cô chủ trẻ giờ tóc hóa sương bay. Cười. Hàm răng giờ như hến lạc sau khi cào ở một khúc sông. Chuyện kể của hai mươi bảy Tết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét