Chị khỏe không? Người phụ nữ gọi về từ một đất trời Cali đang chuyển mùa, cái lạnh đã dần buông.
Khỏe, em có khỏe không? Người phụ nữ ở một mảnh đất miền Tây sông nước, trả lời bên chiếc điện thoại “cục gạch” lúc trời se se lạnh; mai chuẩn bị cho một sớm mai lặt lá đón xuân.
Em khỏe chị ạ! Nghe chị nói vậy em mừng quá; giờ này chỉ cần nghe khỏe là vui rồi. Chị ơi! Cháu nó có ra thăm anh không chị? Người phụ nữ đất nước cờ hoa, mân mê tà áo bà ba nằm trong chiếc áo bông dày, giọng như theo gió đưa mây ngàn bay. Nhẹ nhàng và đằm thắm.
Ừ! Giờ chị em mình còn nói chuyện với nhau là vui rồi! Thằng Hai nó có thăm em à! Người phụ nữ thả ánh mắt kèm nhèm của mình lên tầng không như tìm kiếm giữa không gian ấy gương mặt của người phụ nữ ở đầu dây; giọng ngắn và dứt khoát.
***
“Bạc Liêu giấc mơ tình yêu, dân gian ca rằng Bạc Liêu là xứ cơ cầu” Cô gái trẻ bên anh, bên biển; ngân nga tiếng hát về một miền quê nằm sát ở quê mình - Cà Mau. Cô gái hát bên tiếng sóng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức như được dạy dỗ từ đầu, con gái phải lấy đoan chính làm đầu, nên mấy câu yêu anh cô gái chỉ biết gửi gắm vào mấy trang thơ, lời hát.
Cô gái trẻ chọn con đường gắn liền với phấn trắng, bảng đen. Cô gái luôn nở nụ cười trên bục giảng với tà áo lất phất bay trong những buổi áo mồ hôi thấm ước có ngọn gió nào vừa ghé qua một lớp học của cô gái gõ đầu trẻ ở một bán đảo có sông, biển mênh mông.
Cô gái đem lòng trao cho chàng trai trẻ chọn đường binh nghiệp. Chàng trai khoác lên mình màu áo của Công Hòa; ngồi bên sóng vỗ, nắm lấy tay cô gái thì thầm “Chừng nào em lớn như anh, đường tình em sẽ thương ai?”
Cô gái ngừng hát. Cười. Đưa bàn tay còn lại vén tóc nói “anh biết ai rồi mà còn hỏi”. Ba mẹ cô gái cũng vừa lòng như thế “gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Hỏi. “anh đi tập kết rồi về đúng không”
Chàng trai có đứng thứ tám trong một gia đình đông con. Cười. Gật. “Anh đi tập kết rồi rước ba mẹ sang nhà em”
***
Chị à! Em định về thăm mà dịch quá? Người phụ nữ gọi về từ một đất trời Cali ngắm bình minh vừa chớm. Cô giáo năm nào giờ đã trở thành mẹ của hai đứa con trai đã trở thành bác sĩ ở một đất nước cờ hoa. Ngày lên máy bay, nhìn về đất mẹ từ từ xa dần trong tầm mắt là nước mắt lã chã tuôn rơi, chẳng hiểu ở đâu ra mà chảy không ngừng, chảy như rút cạn nước tâm tình của thương yêu.
Ừ! Việt Nam giờ cũng dịch giã tùm lum. Em ở trong nhà cho đám nhỏ nó yên tâm. Mà thăm chị hay thăm anh? Người phụ nữ ở một mảnh đất miền Tây sông nước vừa nói vừa cười. “Định về cạo gió cho bỏ tức hay sao!?”
***
Mãi là người tình
Tập kết. Thư từ vẫn gửi đi. Chàng trai của lời thề hẹn với đất trời ngày nao vẫn nhận được. Ấy vậy, chiến sĩ sương gió dạn dày; lại thua cái bao tử khi ghé nhà hàng xóm có bác cứ hay chuẩn bị một buổi ăn, để rồi tối trời chàng trai của phong ba bão táp không bào mòn được tinh thần chiến, lại chất chìm yêu thương sau một lần …“cạo gió”. Họ lấy nhau. Cô dâu không phải là cô giáo.
Cô giáo thì ngậm ngùi chia tay một mối tình đầu.
Ba mươi năm trôi như một hơi thở. Cô giáo giờ tóc đã hóa mây bay; tìm về lại nơi bán đảo Cà Mau. Nghe người ta nói, chàng trai lính chiến đã đi rồi, không còn ở lại nơi đây. Hỏi lòng. Trang thư ngày ấy chắc có còn giữ không, hay đã theo khói đốt đồng bay xa hay đã theo sóng nước khơi xa về với trùng khơi?
Thăm hỏi. Sau ngày hòa bình lập lại; cuộc gọi tìm về sau khi về lại miền quê năm nào không thấy. Cô giáo không bỏ cuộc. Hỏi han. Mới biết người lính của ngày nào giờ phiêu dạt cùng gia đình của mình từ Cà Mau lên Đồng Tháp; cuộc sống từ trại dời ra chợ.
Cuộc đời chàng lính vác súng ngày nào giờ là những bó rau, không còn nao nao tiếng súng nhưng lòng vẫn giữ những tác phong của quân ngũ: chỉnh tề từ trong từng cọng rau được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn. Mấy cô đi chợ cứ hay ghé vào; dù giá cao vẫn mua. Mấy cô giao rau cứ hỏi: “ôm” không anh Tám?
Đời người lính của hôm nay là những nụ cười gửi trao trong mấy câu chuyện giữa chợ đời “ôm gì nhiều vậy” lúc mấy bạn hàng giành nhau mấy bó rau ôm được chở lên chợ giao cho từng sạp. Có sạp của người lính giờ đã lên chức “ông Tám”.
Ông Tám đã một vợ, ba con. Dặn dò. Con nhỏ cháu ở sạp kế bên mỗi khi cô giáo gọi về điện thoại nghe nhờ: “mày đừng kể mợ tám nghe”. Dặn. Cô giáo gọi tránh đầu hôm sớm mai, lúc này ông tám bận nhận mấy cái “ôm”; hay chiều về lúc dọn hàng, trưa trưa thì ông Tám có thể bước sang nghe nhờ. Con nhỏ cháu sạp bên nhờ vậy mà biết …người tình ngày nào của ông. Cười. “Con méc mợ tám”
Cô em gái nhỏ của ngày nào, giờ vẫn giữ một tập thơ. Lần dò. Tìm về thăm “ông Tám” ở một buổi chiều Xuân. Chắc vui vì mãn nguyện. Hai năm sau thì ông bỏ đi.
***
Chị này! Giờ mà còn “cạo gió” gì nửa, chỉ còn là bạn bè thôi? Người phụ nữ gọi về từ một đất trời Cali lén lén nhìn ánh mắt của mấy đứa trẻ thấy mẹ mình sao có gì đó như thẹn thùng. Tuổi nào rồi còn nói chuyện yêu thương; chẳng qua giữ gìn những gì là ký ức.
Em yên tâm đi. Thằng hai nó lo tròn vo từ lúc ông ấy nhắm mắt ra đi, thấy cũng nhẹ nhàng vì giờ cũng nhà cửa đàng hoàng, con nhỏ em định giới thiệu bác sĩ giờ cũng đã có chồng, con cái cũng có công ăn việc làm rồi. Để chị dặn nó thấp nhang cho. Người phụ nữ ở một mảnh đất miền Tây sông nước nhớ hình ảnh của ông Tám một đời cơ cực ấy, từng sống “ké” trên cùng một chiếc ghe, cứ hay lôi thằng hai ra để dạy dỗ chuyện đời đúng sai, có lẽ vì điều may mắn đó mà thằng sợ ma nhất nhà cũng lo cho ông Tám lúc ra đi gọn gàng từ chiếc hòm cho đến huyệt chôn.
Dạ, chị giữ sức khỏe, có gì em gọi về! Người phụ nữ của bên kia bờ đại dương, nhìn ra chồi xanh của hàng hiên nhìn như tư lự như ngọn cỏ của hôm nào mọc quanh mộ ông. Thằng hai đưa cô giáo của hôm nào đến thắp cho một nén nhang. Ở một khúc giao mùa. Nhìn vào bia mộ. Tuổi nào rồi còn nói chuyện yêu thương; chẳng qua giữ gìn những gì là ký ức.
Thằng hai hỏi chọc lúc ấy: “Bà tha thứ cho ông Tám chưa?”
Người phụ nữ cười: “Có oán hận thì mới có tha thứ. Tuổi nào rồi mậy. Hai này! Mai này về, nhớ chở dì ra tiếp đây”
Cao Lãnh, ngày 01 tháng 01 năm 2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét