Tôi về rồi đây ông! Nhớ tui hông? Người đàn bà chầm chậm đặt xuống đất cái rổ tre được đan tròn, thẳng tắp và lên nước ngã một màu cơm cháy còn ủ hơi nóng như làn da của mình. Rổ tre để thức ăn đầy vung.
Người đàn bà quấn lại tóc, gió từ trên núi ùa xuống, lướt qua đám cỏ rồi không ngừng nghịch đùa với mái tóc nhuộm khói lam chiều ấy. Gió bắt đầu vỗ về gương mặt lấm tấm đồi mồi, đôi mắt vốn dĩ đã híp giờ càng híp lại hơn khi nở nụ cười, làm lộ hàm răng lỗ chỗ như vùng đất hai màu mưa nắng này. Gió từ miền bảy núi.
Người đàn ông tư lự; im lặng và ngắm người đàn bà ngồi bên cạnh mình, trên cái ụ đất cỏ mọc giăng đầy, ngồi dưới tàn cây như kiên nhẫn như cây thốt nốt trần trụi cứ thế vươn mình lên với nắng như cái tính thẳng của mình, lắng nghe lời thủ thỉ của người đàn bà ngồi cạnh.
Cả hai ngắm nhìn vùng bảy núi. Mẹ thiên nhiên đã kiến tạo vẻ đẹp nơi này bằng nứt nẻ, sụt lún, như những vết chân chim trên vầng trán của bà, như làn da lấm tấm đồi mồi của một ngày nào ông dịu dàng vuốt ve.
Đây không phải là nơi bắt đầu của cả hai.
Đô thị có tuổi đời tương đương với Sài Gòn, chợ Sắt là nơi của ánh mắt trộm nhìn nhau đôi khi, nơi khúc chợ gần sông, có người trai trẻ ngắm cô phụ hàng mang trên mình dàn da và nét ngài lai giữa Á, Âu.
Nhìn gì dữ vậy? Cô phụ hàng như có giác quan thứ sáu, giật mình hỏi một gã đang nhìn mình lom lom, túi áo xanh nổi bật một hoạt tiết thuê vàng rực hình chiếc cánh cầm gươm, tên gọi Long nằm trên túi áo, dáng dấp cao ngồng trên gương mặt thư sinh, kết chung với bộ đồ màu xanh rằn ri như kiểu rồng mắc đọa ở nhân gian.
Nhìn gái đẹp! Gã cười tít mắt, nhìn làn da trắng pha màu trà của cô phụ hàng, đến hung dữ cũng khiến người ta thu hút kỳ lạ. Chiếc áo bà ba không giấu hết một khuôn ngực của xuân thì lấp ló, đôi mi dài cong vút như lúa chín ngoài đồng.
Làm ơn đi cho tui nhờ. Cô phụ hàng thấy máu nóng từ đâu ùa về; hừng hực nhưng khác cái nắng của mấy buổi trưa hè của ấu thơ chạy đồng, rượt đuổi mấy đứa trẻ trong xóm vì mấy lời trêu ghẹo chuyện mồ côi.
Mồ côi cha ăn cơm với cá. Mồ côi mẹ lót lá mà nằm. Cô phụ hàng chẳng có lá và cả cơm. Cô phụ hàng chỉ biết tên mình gọi là Phụng, chẳng biết ai đặt, cứ nghe mọi người gọi riết biết là tên. Bình thường như mấy đứa ở trong xóm thì không lọi tay, cũng ăn vài cái tát. Hôm nay, có gã khùng khùng tự dưng dám trêu ghẹo,. Chẳng hiểu sao với gã khùng khùng này, cô phụ hàng nhỏ nhẹ đến giật mình.
Lời qua, tiếng lại. Lời trêu, tiếng ghẹo. Lân la. Lòng lành, vậy rồi thân đến yêu. Đếm. Hết một mùa gió lộng.
Đất Chợ Sắt không giữ chân được cả hai. Nghe đâu, lúc bỏ Chợ Sắt đi thì cũng là lúc người ta tìm đến vì một quyển sách hay câu chuyện Người Tình của một người Pháp nào đó viết.
Tháng ngày tiếp theo là như gió lướt theo con sông, cặp bờ trên mấy ngọn lúa vàng phất phơ, nơi cả hai bắt đầu vun đắp những tháng ngày sinh tồn sẽ ra sau khi ở chung một nhà.
Một trời thương nhớ. Nỗi nhớ thường ngắn.
***
Bà biết vì sao tôi thương bà không? Ông ngồi cạnh bà, ngắm đàn chim đang mượn gió bay lên, đám lá cây xào xạc như thể tò mò muốn nghe ông kể chuyện tình. Chuyện tình của người trai lính.
Chuyện từ năm thìn bão lụt, tự dưng lôi ra hỏi vậy cha? Bà đưa ngón tay kéo thẳng tà áo, tiếp đến vuốt nhẹ vòng quanh nan rỗ, như nâng niu một đứa trẻ nằm gọn trong lòng mình, cảm giác chưa bao giờ có được.
Gió lướt nhẹ trên gương mặt bà, mấy nếp da mặt đang chuyển động.
Mà bà có biết vì sao tui thương bà không? Ông lặp lại, ngồi sát cạnh bên người bà, cảm nhận hơi ấm của người phụ nữ đã giúp cho ông bớt lạnh.
Biết chứ sao không? Ông thương hại tôi không có mẹ, có cha; sống cứ rày đây mai đó chứ gì. Bà vừa nói vừa mang từng món trong rổ ra như chuẩn bị cho một phiên chợ sớm; nào cam, nào quýt …để ông ăn cho có “xê”, nào chuối, nào bưởi…để ông ăn cho “nhuận tràng”.
Bà cứ nói huyên thuyên chẳng rõ mình đang nói gì. Bởi khoảng trời không muốn nhớ lại, cảm giác ai đó thương hại mình luôn chầu chực, mà cũng đúng thôi với một đứa lấy trời làm mềnh, lấy đất làm nhà, cứ bạ đâu là ngủ đó. Trời thương, người thương cho tá túc sống, cứ thế mà lớn khôn, rồi gặp ông thấy cuộc đời bước sang một ngã khác.
Thương hại gì ở đây chèn! Thú thật, lúc đầu thương vì nhìn thấy “ngon cơm” . Ông thục nhẹ vào người bà trong lúc bà vẫn mân mê những món đồ, như chiếc rổ thần kỳ chứa không biết bao nhiêu món trong đó. Miệng ông mở rộng, lộ ra hàm răng trắng toát.
Cha tào lao! Ba cười, nép nhẹ vào người ông; bắt đầu mang những món ăn ra. Tất cả là đồ chay. Thứ đồ ăn bà phải tìm hiểu để học; học rồi nấu, nấu rồi ăn thử trước khi cho ông ăn, thành ra bà cũng ăn luôn đồ chay cho tiện, đỡ phải nấu một lần hai ba món rồi phân biệt mặn chay.
Chẳng qua cũng là nuốt vào bụng, rồi cũng ra thôi mà.
Nên đến lúc hết “ngon cơm” thì bỏ tui đi tìm con khác chứ gì!? Bất chợt, bà thả mắt về xa xăm, mấy dải núi như cuộn mình vào trong đám mây chiều, lưng lửng trôi về với tháng ngày bà không muốn nhớ đến. Tháng ngày tìm kiếm ông.
Lấy nhau sau hẹn ước hòa bình.
Hòa bình đến thật; đám cưới cũng giống…thật.
Anh trai lính cũng dẫn em phụ hàng về ra mắt gia đình, bà con với bạn bè. Cô gái vẫn nhớ mình mặc bộ đồ bà ba màu tím hoa cà, đẹp nhất trong những bộ đồ còn sót lại, được người chủ hàng thương tình đã may ở một mùa xuân mới.
Ai cũng cười tít mắt, rồi nhăn mặt. Bà hiểu lúc hỏi han chuyện gia đình, tròng mắt đến màu da.
Cô gái trở thành cô dâu, mặc kệ những ánh mắt dò tìm từ lan da cho đến mắt mi, chiếc áo cô dâu cứ như thủy tinh trong suốt trong cách mấy ánh mắt dò tìm.
Tình yêu chợt đến bất ngờ như một tiếng bom, dội vang như sấm rền khiến con người ta không biết chuyện gì xảy ra rồi đột ngột vắng lặng, chỉ để lại một lõm sâu hoáy, nhiều khi ghim chặt sâu đến tận cùng.
Tình yêu chợt đến rồi cũng chợt đi như tiếng bom, ngạo nghễ cất tiếng rền vang rồi chìm lặng trong vô hồn, chỉ có lưa thưa khói bay lên như tiễn đưa những linh hồn vô tội về với trời xanh.
Ở với nhau dưới mái nhà yên ấm, cánh đồng trước nhà cứ hết lại trơ trọi ở một mùa gieo mạ, lên mầm, lại rộn ràng mấy đợt trổ bông vàng rợp đến đường chân trời.
Anh trai lính giờ thành ông Sáu. Mọi người gọi cô dâu thành bà Sáu.
Duyên phu thê, nghĩa vợ chồng. Một ngày, nắng rọi ở trước sân, gà cứ túc tắc kiếm thóc còn vươn sót ở mấy bồ lúa vừa đong bán hết xong, chim hót líu lo trên cành tre uốn cành như muốn ghì sát đất thì thầm mỗi khi gió lướt nhẹ qua.
Ông ngồi uống trà, bà ngồi khâu lại chiếc nút áo.
Ông sáu nhìn về phía trời xa, vượt qua cả mấy ngôi mộ vừa quét vôi lại một màu trắng tinh. Tư lự. Chắc là tui sẽ đi tu!
Bà không nói gì vì đưa ngón tay vừa bị kim khâu ghim vào, nút như muốn rút cạn dòng máu nóng.
Sớm hôm sau, bà phải đi tìm chồng.
***
Bà này, chuyện cũ cứ nhắc hoài. Ông lắc nhẹ người bà. Tui là tui thương cái nết thật thà dễ thương đó tèn.
Thôi đi, già hết rồi ông ơi. Chứ không phải thấy con này hung dữ quá nên bỏ đi tìm con khác à? Bà đứng dậy, sắp xếp gọn gàng các món trước mặt ông. Mà tui nói cho mà biết, con này hung dữ nhưng trước sau vẫn là như vậy, chứ không phải nay vầy mai khác. Mà ai hốt ông thì tui lại tui cám ơn còn không hết.
Ba nhớ rõ ngày ông đi mất. Sớm đấy, bà ngồi dậy quấn lại tóc sau đầu, thấy nhà trống hẳn ra, bước ra sau nhà, lấy gáo nước vừa rửa mặt vừa làm một ngụm mát lịm tim. Bà thấp một nén nhanh trên bàn thờ Phật, trên bàn thờ cũng vừa tàn hết một cây nhang, sau đấy thì bà bắt đầu tìm.
Tìm từ những người xung quanh, bà con, họ hàng trong mấy lời xì xầm. Bà bán luôn nhà để đi tìm ông.
Gặp lại ông ở vùng bảy núi. Ông lập một thiền am nằm cheo leo trên vách núi, ông ngồi dưới chân Phật. Bà ngồi cùng với ông, chẳng nói gì nhiều hay hỏi tại sao.
Bà leo lên rồi leo xuống. Về phố thị, kiếm nơi tá túc, tìm kế sinh nhai, gói ghém gửi cho ông hay thỉnh thoảng về với ông, lúc ở một trời đông, lúc thì ở một trời hạ.
Bà leo lên rồi leo xuống. Về phố thị, thỉnh thoảng, bà gọi điện chửi đổng rầm trời. Thế rồi, bà lại tiếp tục leo xuống rồi lại leo lên. Về phố thị, kiếm nơi tá túc, tìm kế sinh nhai, gói ghém để về đập mộ cho ông. Sau một trận dịch giả, bà ở bên ông cho đến phút lìa đời. Thấy gió lén trên vùng bảy núi.
Tôi về rồi đây ông! Nhớ tui hông?