Chiến Phan

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2022

Nhật ký Dubai (3) - Abu Dahbi: Bây giờ và ở đây



 Abu Dahbi, 3h30 phút chiều.

Mày nghĩ gì về nơi đây? Gã đứng đầu cất tiếng hỏi, sau lời nó mời ngồi khi đã kết thúc một vòng khám phá làng di sản của Abu Dahbi. Sự khác biệt của các tiểu vương quốc không tồn tại, trong tâm trí của mình, nó chẳng nhận ra các tiểu vương quốc là sự hình thành từ một sự đồng thuận của bảy quốc gia hồi giáo, như thể muốn làm đối trọng với những quốc gia lớn hơn là Arab Saudi, Iran, Irag, Quatar nằm ở cạnh. Chẳng cần phải xa trông, sự phân biệt trong tâm trí giữa Dubai và Abu Dahbi là không có cho tận khi đến đây.

Chuyến xe mất gần hai giờ từ Dubai đến Abu Dahbi, nơi sở hữu diện tích lớn nhất và thịnh vượng nhất trong các tiểu vương quốc.

Nó vẫn chưa quen với giờ Dubai, một múi giờ lệch chậm ba tiếng so với giờ Việt Nam. Nó thức sớm vào lúc 3h45 giờ Dubai, được bà vú thức dậy vì đến đón Merci, nó không ngủ tiếp mà thay vào đó ngồi viết lách.

Đến đây, tao nghĩ về con người! Nó trả lời khi tiếng gọi nguyện cầu ở một buổi xế chiều đang phát ra từ loa của làng di tích. Làng di tích dài chừng năm trăm mét, được dựng lên sát bờ biển với những nét văn hóa còn lưu lại của một lịch sử Ottoman đã khiến họ tự hào chứ không phải chỉ còn là những gì trên lưng lạc đà, chơi vơi giữa biển cát sa mạc của một đời du mục. Từ quá khứ vói những nấm mồ bằng đá sắp xếp tạo hình như để gợi nhớ người ra đi, cho đến hiện tại được diễn giải từ những công cụ cho đến bộ sưu tập tiền cổ hay vật dụng của vua mang; thậm chí là những chiếc Patek Phillip cầm tay của những gã thuộc địa Anh một thời tìm đến.

Ý mày là Dubai hay Abu Dahbi? Gã đứng đầu muốn làm rõ như một thói quen, trong lúc nó lắng nghe tiếng gọi nguyện cầu vừa dứt; ở bên cánh tay trái từ mặt lưng nó xoay về biển, có một căn nhà để nguyện cầu được tách riêng cho đàn ông ở một gian nhà lớn và phụ nữ ở một gian nhà cửa kín chỉ chừa vừa đủ mắt nhìn ra, chính giữa là lối vào khu vực để những người con ngoan đạo tẩy rửa bụi trần, làm sạch gương mặt, đôi tay và cả đôi chân mình trước khi ngồi xuống nguyện cầu. Nó bước ra và ngồi xuống gian nghĩ mát, để không làm phiền chốn thiền tu, cho đến khi gã đứng đầu bước vào và bắt đầu hỏi han.    

Cả hai. Nó trả lời trong lúc những gì phục dựng chạy ngược vào đầu nó; mắt nó băng qua cổng vào, vượt qua con đường trãi nhựa trước mặt, để tìm đến biển hồ nhân tạo ở phía đằng xa, nơi đang nâng niu nhưng chiếc du thuyền của nhà vua ở một bến vắng.

Thế mày nghĩ gì về người ở đây? Gã tiếp tục hỏi để thỏa trí tò mò và tạm quên đi những gì của một gã đứng đầu bị bủa vây trong đầu mình phải nghĩ suy và tìm cách giải quyết. Điều ấy là chẳng nghĩ ngơi dù đang ở một chuyến đi mang ý nghĩa là thư giản.

Họ hạnh phúc. Nó trả lời gã khi các hình ảnh trong đầu bắt đầu chạy ngược.

Gương mặt của anh chàng đang tuổi thanh xuân, ngồi trước cửa nhà vệ sinh nhìn ơ hờ về phía trước trong lúc lần lượt người ra, kẻ vào để giải tỏa nổi niềm. Một làn da đặc trưng, màu của ngọc trai đen, anh chàng đến từ lục địa đen theo lớp người di cư tìm kiếm một cơ hội đổi đời. Trong lúc, người mẹ Ý đang hướng dẫn ba đứa con của mình về một lịch sử Ottoman với chiếc áo lụa trắng tung bay mỗi khi gió biển thổi vào

Gương mặt của anh chàng “cool” ngầu trong đồng phục vest đen, đứng hướng dẫn người ra khỏi đại Thánh Đường và lối đi vào toilet nằm ngầm bên dưới. Đại Thánh Đường ở Abu Dahbi là một trong những niềm tự hào của người Hồi giáo; nó đến đây ở một buổi ban trưa, theo dòng người rồng rắn từ một lối vào ở phía trên, đi theo thang cuộn xuống bên dưới hầm để qua cửa an ninh, điều luôn thực hiện ở những điểm tham quan, như thể nhà vua muốn mọi người nhìn ngắm từ dưới lên trên mặt đất.

Nhìn ngắm chặng đường dựng xây Thánh Đường, chạy dọc con đường ngầm là những bức hình trên tường cao đến bốn mét, xen kẽ với những trụ rực ánh sáng vàng của đá được đính lên như định hình một kiến trúc Moiac, với những vị lãnh tụ của thế giới về mặt chính trị đến tôn giáo đã từng ghé đến đây. Đọng lại trong đầu là hình ảnh cuối cùng, trước khi đi thang cuốn lên đại Thánh Đường là hình ảnh những đứa trẻ được dạy dỗ ngay từ nhỏ về tôn giáo. Sự khắc nghiệt là bài học trân quý; dạy về sự thiếu thốn, ăn và uống thì ai cũng như nhau, lễ chay của người Hồi cũng không gì khác ngoài bài học này.

Thánh Đường với những đỉnh chóp trên khối tròn, đặc trưng của kiến trúc Ba Tư, con đường ở giữa đón dòng người tham quan với hai bên là hai hồ nước hình chữ nhật chứa dòng nước xanh thẩm của màu trời. Hoa sa mạc phũ đầy khắp nơi; từ những hình vẽ trên tường cho đến những cột trụ được cẩn lên như lớp phù hoa bao bọc nhằm muốn tôn lên sự vương giả, đá swaroski lấp lánh trên những ngọn đèn chùm, như một sự trùng hợp cố tình khi tất cả đều là nhân tạo.

Nó bước ra với cái nắng gắt sa mạc, gọi video về cho những người thân yêu. Nhớ. Cả cuộc đời nhưng con người đó chưa có một chuyến đi thế này; nhưng nguyện cầu thì chưa bao giờ dứt cho những lắng lo từ cuộc đời mang đến. Họ gánh vác những lo toan, gửi gắm vào nguyện cầu. Phát hiện ra, tất cả đều giống nhau; chẳng phân biệt màu da hay nơi ở.

Bên cạnh nó, gã đàn ông mang dáng dấp của trời Âu, đang cố gắng chật vật để chứa các vật dụng vào chiếc túi Gucci, trong lúc cô bạn gái đang đung đưa chiếc túi LV lấp lánh ánh vàng. Thả ánh mắt vào trong, gã thanh niên của làn da lục địa đen vẫn miệt mài với vai trò chỉ đường đã được giao.    

Hạnh phúc? Gã đứng đầu muốn xác nhận lại, câu hỏi đưa nó trở lại với những tòa nhà chọc trời với đủ những kiến trúc hiện đại nhất của Abu Dahbi với bãi biển nhân tạo trở thành một niềm tự hào về một lời khẳng định: chẳng có gì là không thể…và còn tiếp.

Hạnh phúc với việc kiếm tiền của mình. Nó đáp lời gã đứng đầu; sự nghèo khó bủa vậy, thành phần di cư đến đây trong một sự phân biệt đối xử chủ, tớ, từ lục địa đen đến những quốc gia hồi giáo nghèo khó khác như Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ …cho đến cả vùng Đông Nam Á như Philippine, Việt Nam…tất cả đều hiểu vị trí của mình trong cuộc sống ở Abu Dahbi và thậm chí cả Dubai. Kiếm tiền để chăm lo gia đình, như bác tài xế trên chuyến xe đưa.

Nó tránh xa đà vào bàn luận về hạnh phúc của cuộc đời. Đơn giản chủ đề đó quá nặng nề cho một chuyến đi; chưa kể sự khác biệt trong cách nghĩ của mọi người.

Thế còn mày, mày có vui không? Gã bắt đầu chấp chới những câu hỏi thường khi dò tìm một cảm xúc chen ngang

Bây giờ và ở đây. Nó trả lời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...