Ngày 31 tháng 07 năm 2021
Màn hình phủ kín bởi các ổ cửa sổ nhỏ. Khi dịch covid-19 bùng phát chính là thời điểm của công nghệ và các phương thức giao tiếp online lên ngôi; họp trực tuyến diễn ra ở khắp mọi nơi.
Thế giới thực giờ như dịch chuyển hoàn toàn lên không gian mạng.
Đời người đi làm phải làm quen với cụm từ work from home (làm việc tại nhà). Đó là hình ảnh của một con người nhìn chằm chằm; rồi nói, rồi cười... trước một màn hình máy tính hay điện thoại một cách thường xuyên nếu như không muốn nói là cả ngày. Tôi soi vào gương, thấy mình là một ví dụ hoàn hảo minh chứng cho hình ảnh đấy.
Google Meet là phương tiện liên lạc với sinh viên. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó để góp chút sức trong khả năng của mình, đối tượng tôi chọn là sinh viên đang mắc kẹt lại tại Sài Gòn. Bằng phương thức trực tuyến, với những công việc chẳng đầu chẳng đuôi được bản thân tôi nghĩ ra nhằm để có việc cho sinh viên làm…kiếm sống.
Tôi không thích sự ban ơn. Vì chính điều đó nên khi đặt mình vào hoàn cảnh của sinh viên, tôi nghĩ đến việc tạo ra một “công việc” để các bạn làm và được trả lương như thành quả của việc lao động. Sự thật thì ai cũng biết, khi dịch bùng phát thì chẳng có việc gì làm. Một trong những công việc tôi giao cho các bạn là…đọc sách rồi thuyết trình.
Mỗi ngày ba mươi phút, tôi đều đặn gặp những bạn sinh viên kẹt lại ở Sài Gòn trên ô cửa sổ nhỏ online, phần để kiểm tra việc thực hiện “công việc” (tránh suy nghĩ về những thông tin tiêu cực làm hoảng loạn thêm), và phần để xem có thành viên nào mắc Covid không. Việc phát hiện và hỗ trợ sớm sẽ giúp ích nhiều cho các bạn, tôi suy nghĩ ngây ngô như thế trong hoàn cảnh bản thân cũng tham gia việc giãn cách xả hội tại nhà. Riêng các bạn sinh viên, đứa ở ký túc xá, đứa thì ở nhà trọ; tất cả đều duy trì sinh hoạt trong một phạm vi hẹp trong sự lo lắng của người thân.
Số lượng ô cửa sổ màn hình bắt đầu tính bằng chục. Nhẫm lại hành trình, thấy ít nhất đã có sinh viên của hơn mười trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh đi cùng mình.
Trong đám sinh viên ấy, tôi đặc biệt chú ý đến đứa nhóc sinh viên được vợ tôi quý mến bởi sự chịu khó đang học dở dang chuyên ngành 3D tại đại học FPT.
Chú nhóc ở tuổi đôi mươi, sóng mũi cao, gương mặt sáng đến từ mảnh đất miền Trung. Thanh Hóa là nơi chú nhóc được sinh ra, giờ kẹt lại Sài Gòn trong căn nhà trọ chưa đến 10 m2; món ăn định kỳ là mì tôm ấy. Tôi thường len lén chuyển tiền lương thêm với lời kêu gọi động viên cố lên. Để rồi, trãi qua một trận dịch, thằng nhóc vẫn tiếp tục đồng hành cùng với vợ tôi để học hỏi về chuyên môn nghiệp nghề.
Nụ cười là động lực. Tôi thích nụ cười của sinh viên; không quá già để có những khách sáo chen vào trong suy nghĩ, không quá trẻ để có những ngây ngô đặt trong tâm thức người nhìn.
Sớm đấy, đám trẻ báo tin, ký túc xá đại học Bách Khoa đã phong tỏa. Màn hình vẫn phủ kín các ô cửa sổ nhỏ. Đám nhóc miệt mài thuyết trình sách đọc vừa xong.
…
Phường Tân Định, Quận 1, nơi tôi ở. Mỗi ngày có ít nhất 2 người chết. Thông tin đến từ nhưng cô, dì bắt ghế ngồi trước cửa kể nhau nghe.
Ít nhất hai người chết như hai ly café tôi uống mỗi ngày để chiến đấu trong các buổi họp online. Quả thật, mức độ căng thẳng của làm việc tại nhà không thua làm việc tại văn phòng.
Đó là một sự đảo lộn không còn phân biệt được rõ ràng thời gian nào là thời gian của công việc, thời gian nào là của cá nhân, gia đình. Tất cả cứ thế lộn tùng phèo.
Theo một trong những báo cáo của các tổ chức bảo hiểm đã chỉ ra rằng con người sẽ cảm thấy áp lực; tinh thần dẫn đến tiêu cực khi sống với dịch cùng thế giới trên mạng. Dẫu biết vậy nhưng bản thân tôi cũng không thoát khỏi sự đảo lộn này.
Tôi tranh thủ lướt tin ở đầu ngày.
Thành phố chuẩn bị phương án phục hồi sản xuất kinh doanh.
Các địa phương chia sẻ nguồn vaccine đối với tỉnh, thành đang bùng phát dịch bệnh. Tất cả người dân trên 18 tuổi sẽ được tiêm ngừa vaccine.
Sở Công Thương tăng cường tổ chức bán hàng lưu động.
Trên 5000 người tình nguyện đăng ký tham gia chống dịch. Tôi biết trong nhóm người ấy, chắc chắn có những người bạn của mình. Tôi thích họ vì có chung một điểm giống nhau. Tất cả không ai bảo ai nhưng đều tự nguyện góp một tay chống dịch.
Có một sự hoảng loạn ngày càng dân cao trong tâm trí của mỗi người với những thông tin họ thể hiện và truyền tải trên mạng được sự giám sát nghiêm ngặt bởi những an ninh mạng.
Những vụ thông tin chính xác hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để chống phá nhà nước cũng đầy rẫy bởi những vết thương từ quá khứ để lại; một bộ phận phải tha hương và ôm nỗi tiếc nuối về một đất nước Việt Nam huy hoàng của ngày nào đâu mất, tang hoang sau chiến tranh rồi hồi phục dần nhưng trong suy nghĩ của những con người tha hương ấy vẫn chưa thoát khỏi cuộc sống trong ký ức của mình.
Đâu đó, mấy câu chuyện vỡ trận được nói ra rả trên mạng truyền thông không chính thống; lan truyền ngày một nhiều hơn.
Tôi không biết bản thân sắp vào cuộc chiến đấu sinh tử; mà chắc chắn rằng bản thân sẽ không muốn nhớ lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét