Chiến Phan

Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

[Review Sách] Nhượng quyền kinh doanh - Carl Reader

Nhượng Quyền Kinh Doanh - Con Đường Ngắn Nhất Ra Biển Lớn | Tiki 

Vốn dĩ đã bị hấp lực của những thương hiệu nổi tiếng như các chuỗi ăn uống thu hút mấy đứa nhóc của nó ở nhà như McDonald, KFC, Loteria ...cho đến những cửa hàng tiện lợi 24h như 7Eleven...rồi đến cả những thương hiệu Nhật, Hàn tràn vào Việt Nam với sự chống chọi của các thương hiệu Việt; thoi thóp có cả một thương hiệu Phở ngày xưa đã từng là nhà tiên phong.

Điều đó khiến nó hứng thú để tìm hiểu về đề tài nhượng quyền, có một chút gì đó hụt hẫng như đứa nhóc dành phần ngon nhất của món ăn để ăn cuối rồi đánh rơi khi quyển sách nói đến những ưu và nhược điểm, cũng như những điều cần lưu ý từ cả hai góc độ mua và bán nhượng quyền, chỉ có điều lại quá gắn chặt vào hệ thống nhượng quyền của Anh để phân tích và viết lên quyển sách.

"Một trong những trở ngại lớn khi bắt tay xây dựng nhượng quyền là tìm được cơ sở phù hợp"

[Review Sách] Cứ viết đi - Greta Solomon

 Review cuốn sách Cứ Viết Đi - Greta Solomon - 15 reviews

Thích viết nên gặp chủ đề về viết thì chắc chắn rằng bản thân nó sẽ không bỏ qua. Phải thú nhận rằng đề tài đơn giản vậy nhưng những quyển sách nó có thể tìm đọc thì đếm trên đầu ngón tay như nắng hạn chờ mưa.

Và cơn mưa tới, học cách viết tưởng đùa nhưng rất thật với. Khi quyển sách của Greta Solomon đã làm được điều đó với nó, hướng dẫn những điều rất cơ bản như viết ra danh sách, tạo ra phép ẩn dụ ..từ các cụm từ, đồ vật, hoặc sự vật với những đặc điểm và tìm kiếm những thứ khác có cùng đặc điểm

"Đừng nghĩ quá nhiều hoặc rơi vào tình trạng tê liệt phân tích về những gì cần viết...Hãy viết những điều mà ạn đam mê, bất cứ điều gì và tất cả mọi thứ"

[Review Sách] Agatha - Anne Catherine Bomann

 Agatha | Tiki

Một câu chuyện nhẹ nhàng về những ngày còn lại trước khi về hưu của vị bác sĩ tâm lý. 

Agatha là một trong những bệnh nhân cuối cùng, người đã làm xáo trộn tâm lý của vị bác sĩ trước những ngày cuối đời của mình hay như chính trong tâm trạng của vị bác sĩ đã có sẵn những xáo trộn để rồi tự mình nhận ra như chính Agatha mang lại một cứu cánh cho ông để nhận ra chính mình: muốn gì và cần gì. 

"Mặc dù tôi đã cố hết sức nhưng vẫn không cách nào phớt lờ được một sự thật: nổi lo âu của tôi đang ngày càng trầm trọng...Tôi bước đi một cách vô định khắp phòng khám. chính tại đây, lần đầu tiên trong đời tôi đã tìm thấy điều gì đó thuộc về mình, điều mà tôi thậm chí có thể làm tốt"

[Review Sách] Nym - Tôi của tương lai - Nguyễn Phi Vân

NYM - Tôi Của Tương Lai | Tiki

Hạn hữu đọc sách về các tác giả người Việt; đây là một trong những quyển sách được người chị đồng nghiệp giới thiệu cho nó để đọc. Vỡ ra, đọc để học và đọc để hiểu về một thế giới hiện tại vận hành; bắt nhịp kịp với cuộc sống và những con người trong cuộc sống mới này. Cuộc sống vận hành với sự hỗ trợ của công nghệ đang đổi thay chóng mặt. Như một thông điệp, nếu như chúng ta không bắt kịp thì chúng ta sẽ bị rớt lại và đào thải đến thảm thương

Tác giả là một người Việt, sử dụng thủ thuật cá nhân hóa một nhân vật robot tên là Nym để chia sẻ về góc nhìn sự thay đổi của công nghệ lên cuộc sống hiện cũng như chia sẻ về các thuật ngữ trong cuộc sống mới từ một cách chính thống đến không chính thống. 

"Người còn có quá nhiều định kiến, thiếu tư duy mở, thiếu trái tim bao dung, lại hay ghen ghét đố kỵ nữa, nên nghệ thuật của người là nghệ thuật đóng"

"Tự học, tự thử nghiệm tự ngộ - tự quyết định cuộc đời mình"

P/s: Chất lượng của in ấn và rọc giấy là điểm trừ

[Review Sách] Branding - Bill Chiavalalle, Barbara Findlay Schenck

Sách Branding For Dummies | Yes24 Việt Nam

Quyển sách được dịch sang tiếng Việt với ghi nhận về một trong những topic của Marketing là Branding với sự tổng quan về chủ đề thương hiệu; bỏ qua những khởi nguồn của thương hiệu một cách chi tiết, để cập nhật những chuyển biến về thương hiệu qua thời gian, tập trung khai thác về góc nhìn phân tích cách thức triển khai thương hiệu ở thời hiện tại. 

Quyển sách dẫn dắt người đọc từ lúc bắt đầu cho đến việc thực hiện các bước thu hút người tiêu dùng với thương hiệu, đến việc chăm sóc và bảo vệ thương hiệu ra sao

"Thương hiệu là lời hứa, tạo òng tin có một không hai, sống đúng với lòng tin, tăng cường và củng cố lời hứa" 

Đó là một quà trình xây dựng thương hiệu:

(1) Xác định đối tượng (20 Nghiên cứu sản phẩm hoặc dịch vụ (3) Định vị sản phẩm và dịch vụ (4) Định nghĩa về tuyên bố giá trị (5) Khi nhận dện ra (6) Ra mắt nội bộ và các bên liên quan để (7) Quản lý (8) Tái tổ chức lại thương hiệu

[Review Sách] Sự đủ đầy của giản đơn - Andy Couturier


Sách - Sự Đủ Đầy Của Giản Đơn - Triết Lý Sống Từ Vùng Quê Nhật Bản | Shopee  Việt Nam

Một thế hệ Nhật thời hậu chiến mang theo những trăn trở của Tuổi Trẻ trong hành trình tự tìm tòi và khám phá về cuộc sống, đi tìm mục đích của riêng mình.

Một thế hệ bước vào cuộc sống với những ám ảnh và hoang mang như một bức tranh ghép bị xáo trộn bởi chết chóc, đau thương với tiếng đạn bắn, bom rơi trên đầu; từ từ ghép lại từng mãnh ấu thơ nghèo đói đến trưởng thành với những câu hỏi luôn khắc sâu trong đầu về cái đã được truyền dạy. 

Thế hệ đó bắt đầu dịch chuyển và nhận ra được mục đích của cuộc sống mình nơi đất Phật thiêng liêng như tìm được mãnh ghép cuối cùng cho bức tranh cuộc sống mới, tự do và gần gũi với thiên nhiên. Cuộc sống mà sự cám dỗ của đồng tiền bị bỏ lại phía sau như vốn dĩ chưa hề tồn tại hoặc có chăng cũng chỉ là một phương tiện trao đổi như đúng bản chất ban đầu của chúng; chứ không phải là hành trang trên con đường mang lại sự tư do trong bản ngã và tâm hồn. 

Thế hệ đó bắt đầu phân rã sau khi tìm đến đất Phật rồi trở lại Nhật Bản, có người quay trở lại với guồng quay của cuộc sống - họ chấp nhận đưa mình trở lại cuộc sống "bình thường" với những cuộc sống xoay quanh với cơm, áo, gạo, tiền với lý lẽ cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn bằng nhiều học thuyết vỗ về; có người đi tiếp với sự phát hiện của mình về một cuộc sống mới: giản đơn, tự do và gần gũi với thiên nhiên trong cách nhìn "thiếu thốn" của những con người chọn con đường thứ nhất.  

Quyển sách là hành trình ghi chép lại mười cuộc phỏng vấn của tác giả với mười con người mang trên mình cùng một suy nghĩ về cuộc sống chọn con đường thứ hai. Tự do, giản đơn là chân ái tìm về.

Từ một thở gốm theo chủ nghĩa vô trị "nói ra thật to lòng biết ơn của mình về một ngày rực rỡ và đáng quý này"

Một Atsuko Watanabe là mộ người mẹ, một nhà hoạt động có nguyên tắc sống của riêng mình "nếu anh cứ tiếp tục di chuyển, cuối cùng thì chẳng ổn định được, anh không thể nào thấy an tĩnh"

Một Phật tử như Kogan Murata - bạn sẽ cảm nhận được tiếng sáo hòa với đất trời tự do

Wakano Oe - một nghệ nhân tạo hình từ các con sối mà "đôi khi chỉ cần chạm vào Đất mẹ là đủ đầy"

Một nhà sưu tập gốm sức Gufu Watanabe thích ghi chép bởi "nếu không ghi chép lại thì bạn sẽ dần mất đi cảm giác về nơi đó"

(Nó gặp lại) Triết gia của những cánh đồng lúa Koichi Yamashita: "Khi bạn viết một cuốn sách, đó là sự thảo luận của bạn và chính bản thân"

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

[Review Sách] Phương thức Samsung Way - Taeyang Song, Kyungmook Lee

The Samsung Way - Đế Chế Công Nghệ Và Phương Thức Samsung | Tiki

Tìm hiểu về quá trình vận hành và phát triển của một trong những gương mặt hàng đầu trong ngành điện tử tiêu dùng đến từ Châu Á trên bản đồ các công ty đa quốc gia trên thế giới. Công ty SamSung hiện diện cả một nhà máy sản xuất nằm trên mãnh đất hình chữ S, nơi nó sinh sống. Đó là một trong những vùng ký ức gợi lại về những chuyến xe lướt ngang qua vùng đất Bắc Ninh, logo Samsung trãi dài như muốn gọi với theo: tôi đây, đang ở trên đất nước của bạn này. 

Điều đó chẳng phải đã thu hút sự tò mò của nó để tìm hiểu về nền văn hóa công ty Hàn Quốc này sau khi đã tìm hiểu nhiều về những văn hóa của các công ty Nhật Bản.

Đó là một sự kết hợp giữa phương thức quản trị kinh doanh kiểu Nhật và Mỹ "Các đặc trưng của SamSung như coi trọng chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh sản xuất, đào tạo đội ngũ nhân lựu ưu tú...là kết quả của việc tiếp thu phương thức quản trị kiểu Nhật ...Tái cấu trúc thường xuyên dựa trên nguyên tắc tập trung và chọn lọc, tuyển dụng nhân tài nồng cốt, nhờ chết độ lương thưởng táo bạo dựa trên năng lực và thành tích ...chính là khía cạnh chịu ảnh hưởng bơi phương thức quản trị kiểu Mỹ "


Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

[Review Sách] Ở quán cafe của tuổi trẻ lạc lối - Patrick Modiano

Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối (Tái Bản) | Tiki

Có một sự trùng hợp khi đám trẻ đọc một trong những quyển sách viết về tuổi trẻ - Trạm dừng ở nhà ga tuổi trẻ, thì nó cũng đang ngồi đọc quyển sách "Ở quán cafe của tuổi trẻ lạc lối", dường như nổi cô đơn bám lấy những con người trẻ trước ngưỡng cửa của cuộc đời

Sự xáo trộn của trường học và trường đời đã làm những con người trẻ choáng ngợp trước sự đổi thay; họ bối rối không biết phải xoay sở thế nào để rồi thấy mình như bế tắc trong chính sự cô đơn tự tạo này.

"Ở quán Le Condé, chúng tôi không bao giờ hỏi nhau về nguồn gốc xuất thân. Chúng tôi còn quá trẻ, chúng tôi không có quá khứ để hé lô, chúng tôi sống ở thì hiện tại...Khi thực sự yêu một người, thì ta cần phải chấp nhận cái phần bí ẩn của người ấy ...và chính là thế mà ta yêu người ấy"

[Review Sách] Ho'oponopono - Carole Berger


Ho'oponopono: Sống Như Người Hawaii - Chấp Nhận, Biết Ơn và Tha Thứ - Carole  Berger | NetaBooks

"Sống như người Hawai chấp nhận, biết ơn và tha thứ" Đó là hành trình của Carole Berger tìm tòi, phát hiện rồi đam mê khi sinh hoạt với người địa phương suốt bốn thán để tìm trãi nghiệm về văn hóa địa phương. 

Thuật ngữ đã tìm thấy trong hành trình phiêu lưu ngôn ngữ, nhưng đến quyển sách này thì nó hiểu rõ hơn những tập quán sinh hoạt của con người Hawai, gần gũi, biết ơn với mẹ thiên nhiên đến dường nào để rồi ai cũng thấy khát khao và quý trọng cuộc sống từng ngày khi mở mắt thức dậy, cho đến khi đêm về chuẩn bị vào giấc ngủ say. 

"Hành trình để có được cái nhìn thông suốt có thể sẽ đau đớn...Lòng tin (Hilina'i) cho phép chúng ta hiểu và chấp nhận một sự thật rằng chúng ta không hề cô đơn trong cuộc đời này. 

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

[Review Sách] Quản trị Marketing - Kotler & Keller

Quản Trị Marketing Philip Kotler - Phiên Bản Lần Thứ 15 - Năm 2020 |  Lazada.vn 

Vốn dĩ đã là thích Marketing nên khi bắt gặp quyển sách cùng chủ đề của mình thích thì nhất thiết không thể bỏ qua nhưng cái sự na ná của các quyển sách ngập tràn trên thị trường luôn là điều khiến nó phải đắn đo trong lựa chọn.

Nếu nói về tác giả Kotler thì hàng tá quyển sách được viết dưới dạng công tác, Kotler đã làm đúng như cái cách mình giới thiệu với tất cả độc giả về chủ đề"tiếp thị". Liệu chúng ta có lắng nghe một người chia sẻ ác kinh nghiệm mà bản thân họ chưa từng thử qua? Câu trả lời quá rõ ràng đúng không?

Ở đây, điều thu hút nó ngoài việc cùng một lúc hai tác giả Kotler và Keller; đó chính là độ dày của quyển sách và tên cảu tác giả là "tập thể giảng viên khoa kinh doanh Quốc tế - Marketing, đại học Kinh Tế TP.HCM (phiên bản được in lần thứ 15), chẳng hiểu sao cảm giác nó cứ như mình vừa trúng mánh khi tìm được trog tầng tầng lớp lớp những sách cùng thể lọa có một quyển sách giúp nó có cái nhìn tổng quát nhất về marketig được cập nhật đầy đủ của một thời hiện đại với ba phần được chia thành 23 chương cho tất cả.

Nhật ký của cha - Julie - Ngủ đi, mộng bình thường

 

Sài Gòn đi chầm chậm vì bị thu hút bởi âm thanh phát ra từ căn nhà bên trong hẻm nhỏ; trước mùa dịch, hẻm nhỏ nằm trên Sài Gòn khá giống nhau, ngoằn ngoèo, quanh co, uốn lượn như mấy đường đèo trên một ngọn núi cao; cái điểm ăn tiền là luôn có lối vào thì sẽ có lối ra; giờ trong mùa dịch hẻm nhỏ bắt đầu khác nhau ở kẽm gai giăng lối. 


Sài Gòn bắt đầu dồn hết thính lực để nghe; không phải là tò mò, bởi tính Sài Gòn tuyệt đối không nhiều chuyện, chỉ là ai kể thì nghe, rồi bắt mấy đứa hứa, thề “không kể ai nghe”. Sài Gòn càng đi vào sâu bên trong căn hẻm, càng nghe thấy âm thanh này khác xa mấy tiếng chuyện trò thường nghe. Âm thanh phát ra từ trong căn nhà của ông già, em và ba đứa nhóc.


Tiếng dương cầm trong căn nhà nhỏ. 

Nghe tiếng dương cầm, Sài Gòn nhớ Hà Nội. Sài Gòn tự nhiên có tình cảm bởi cái nét rêu phong, hoài cổ của Hà Nội; đâu đó có con người được gọi là nhà thơ Phan Vũ đã viết rồi đến một con người gọi là nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc cho “Em ơi Hà Nội phố!”, cũng có câu “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân”

Nhưng không, Sài Gòn nghe lại.

Tiếng nhạc nghe quen lắm, bài này hình như khá thịnh hành với mấy đứa trẻ con thì phải. Sài Gòn hé mắt nhìn vào, thấy ông già ngồi bên cạnh thằng nhóc lớn, tập tành bài nhạc “bầy bi sác” (baby shark), nghe thằng nhóc lớn quay sang nói với ông già mình đánh còn thiếu một nốt la. 

Thấy ông già phản ứng, chắc già thua trẻ nên đăm “quê”, tự ái đây mà. Bỏ ngang. Thằng nhóc bắt đầu đánh tiếp bài nhạc còn dang dở, nghe đâu như là bản giao hưởng số năm của Beethoven. 

Sài Gòn nhìn mấy ngón tay múp của thằng nhóc lớn lọt thỏm trên các phím đàn, chưa kịp thuộc hết nốt xong, đánh đàn mà như đánh trận, nhìn mấy giọt mồ hôi lăn thấm qua tóc, lăn xuống hai bên thái dương, tuôn ra như mưa rỉ rả của hạ về ở nơi đây, vậy mà cứ luôn miệng nhắc ông già về nốt trắng với nốt đen. Đến đây, thấy mặt ông già nghệch ra đến tội. 


Tèo, tèo, tèo téo teo teo teo.

Sài Gòn nghé nhìn qua phía đối diện, có thằng nhóc giữa bắt đầu hát theo điệu hát của một clip hài, trên màn hình đang là một người Nhật với mấy trò ngây ngô. Vậy mà mê, bắt chước theo mấy điệu nhạc. Đúng là trẻ con, bắt chước như một phản xạ. Vậy mà chê, Thằng nhóc lớn cứ hay định nghĩa giai điệu đó là ...tào lao. 

Sài Gòn thấy ông già và em lơ luôn mấy khoảnh khắc đó.


Nắng rọi xuống thềm, Sài Gòn ngồi nghỉ ở trước hiên. Đợi chờ. Mấy câu chuyện trong nhà của con người sẽ còn diễn ra.

Tiếng nhạc ngừng phát khi những ngón tay lướt đàn chán chê, mỏi mệt như đàn cũng cần phải căng dây, chỉnh nhịp sau những phút giây tạo phím, kết âm. 

Thằng anh nhảy qua tiếp tục mấy trò lắp ráp của mình với mấy mảnh lego; từ kiếm cho đến xe; từ đồ chơi cho đến con vật. Thằng em cũng nhào ra lấy gạch lego để xây nhà như không muốn thằng anh cứ thế ngồi chơi phớt lờ, bỏ qua mình; có cô nhóc nhỏ ngồi mê dán lên người ở góc nhà với mấy miếng dán nhỏ, to; nghe đâu con người gọi là sticker 

Sài Gòn thấy ngộ! Ông già cứ đực mặt vào trong màn hình vi tính; ngồi nhìn, tay gõ, miệng nói cứ như một gã lên đồng. Ngộ. Giờ người không thích nói chuyện với người nữa sao ta? 

Sài Gòn bắt đầu ngửi thấy mùi hương của bếp nhà đang lên; chắc là em đang chuẩn bị cho một buổi trưa kịp giờ. 

Chán chê. Đám nhóc bắt đầu thay đổi mấy trò từ xếp gạch thành bắn nhau ì đùng, rồi méc, rồi đánh, rồi khóc, rồi cười. Liên tục khiến Sài Gòn chóng mặt khi định hỏi ông già và em sao không nhảy vào để xử phân.

Sài Gòn thấy ông già và em lơ luôn mấy khoảnh khắc đó.


Loay hoay xem vậy mà thôi hết ngày! Chiều dần buông xuống, bếp nhà là ngát hương bay cho một buổi cơm chiều. Ba đứa nhóc như hồi sinh, sống dậy sau khi được tiếp cơm đủ đầy như mấy siêu nhân, người máy được nạp thêm năng lượng chiến đấu. Cuộc chiến lại bắt đầu.


Sài Gòn bắt đầu chú ý đến ông già, tự dưng lấy viết vẽ nguệch ngoạc gì ra gạch mấy vòng tròn; đặt cái lõi giấy gọi là lon. Sài Gòn thấy ngộ sao đám nhóc lại hứng thú với trò này, cứ lấy dép đi trong nhà tạt tới tạt lui.

Sài Gòn chưa kịp hiểu thì thấy ông già bắt sang trò mới; vẽ một đường vạch ngang nhà; chia làm hai phe; ông già và cô nhóc đối kháng với hai cậu nhóc ở bên kia lằn vạch. Nghe âm thanh “u”, “u” gì đó trong miệng của từng người mỗi khi bước qua vạch ngang giửa nhà

Sài Gòn thấy vậy chứ cũng chịu khó cập nhật công nghệ, sợ bản thân lỗi thời mà sau mấy trò này không thấy mấy đứa trẻ con giờ chơi khi nào. 

Sài Gòn chưa kịp tiêu thụ mấy trò vừa thấy, lại thấy ông già chuyển sang đứng xếp lại thành hàng, cứ đứa đối diện tìm bắt đứa ở cuối hàng ...nghe mấy câu đầu “rồng rắn” gì đó “lên mây”


Đến đây thì Sài Gòn lên mây thật, thấy lùng bùng hai cái lỗ tai. Tưởng đâu mò xuống đây để xem một nếp nhà con người sinh sống ra sao, nghĩ dịch này chắc là sầu đau, sầu đâu, sầu đó nhưng cũng có nếp nhà đầy những thanh âm. Lạ lùng. Sài Gòn thấy đêm về dịu nhẹ. Thằng nhóc anh ngồi hí hoáy với những nét vẽ của mình từ chuyện em bày cho mấy chuyện “lây ơ” (layer) vẽ trên màn hình; thằng em thấy vậy cũng ngồi đòi vẽ say sưa, cô nhóc cầm bút ngoáy gạch những dòng trên trang giấy trắng tinh. Chỉ có ông già ngồi nói gì như càm ràm “nghệ sĩ kiểu này thì chỉ đói rách thôi” trong cái liếc xéo của em ở bên máy tính bàn như thể muốn nói: chuyện đời chưa biết ai nuôi ai.


Vậy thôi là hết ngày, đi ngủ. Dưới cơn mưa rào, Sài Gòn vẫn nghe ông già và em nói về “hồi đó” trong những ánh mắt thả vào trần nhà chuẩn bị đi vào giấc mộng con. Dịu dàng. Sài Gòn nói như dặn dò: ngủ đi, mộng bình thường!


Que sera sera! Cái gì đến sẽ đến, mọi thứ rồi sẽ qua!

Sài Gòn mở mắt ra từ từ khi vừa từ trong khoảng không gian thiền định tìm hiểu về bên trong bản ngã của mình bước ra, đã hiểu mấy điều giản đơn mà con người đến tận cuối đời vẫn chưa trả lời được: Tôi là ai? và cuộc sống là gì?

Trong thâm thẩm của suy tư, Sài Gòn tìm về ngày xưa chôn dấu; đọc mấy văn tự xưa viết, thấy mình vốn dĩ được Lễ Thành Hầu -  Nguyễn Hữu Cảnh khai sinh ra, ghi rõ là từ hoang sơ nuôi dưỡng mà thành, chẳng hiểu lắm từ ngữ viết “vùng đất khai hoang” trong ngữ cảnh viết về mình.


Sài Gòn tự hỏi thế tên mình ở đâu ra? Câu hỏi xuất hiện ở trong đầu khi thấy sử sách ghi chép ông cụ Nguyễn Hữu Cảnh khai sinh, đặt tên là Gia Định; rồi đến tranh luận của ông Huỳnh Tịnh Của là tên Sài Gòn từ nơi sống mà ra Sài nghĩa của “củi”, Gòn tức của "cây bông gòn"; với ông Trương Vĩnh Ký là tên phiên âm từ “Prei Nokor” của người Khmer, đọc đến đoạn này thấy có văn tự bắt qua chuyện khác và thêm từ khó hiểu về “lịch sử chính trị”.


Thật lòng, Sài Gòn thấy sao rối rắm, sao cứ phải dán nhãn đặt tên khi bắt đầu đã là hoang sơ nuôi dưỡng mà thành, vốn dĩ đã chẳng có tên, sao cứ phải gắn tên để rồi phải cãi nhau thế này.  

Sài Gòn nếu chọn chắc là thích cái nghĩa của ông Huỳnh Tịnh Của - nơi của vùng đất đầy những cây bông gòn có thể chặt ra làm củi đó; nghe dung dị và gần gũi như tính cách của con người sống ở nơi đây. Mà thôi, Sài Gòn thấy sao con người cứ hay phức tạp vấn đề lên, sống đơn giản không phải dể thở hơn sao, nên thôi, dừng lại chuyện xem ai khai khẩu, đặt tên cho mình.


Nói đừng giận, Sài Gòn thấy mình như sống lại một thời của hoang sơ của văn tự cổ, được hòa với thiên nhiên, cảm giác đó đến trong những ngày con người bắt đầu ở yên trong nhà mình, nhà ai ở nhà đó, có chuyện cần lắm mới ló ra ngoài.


Trong buổi thiền định kéo dài, mở mắt đã một tuần trôi qua; Sài Gòn nghe con người nói rằng Sài Gòn bị bệnh. 

Sài Gòn muốn nói: Đâu có đâu mấy cha. Sài Gòn có bệnh gì đâu, cái này là bệnh liên quan đến con người mà, sao ghép tui vào. Nghĩ. Chắc là cho đủ tụ. 

Sài Gòn nghe con người hát - có một gã giáo viên hát bài “Sài Gòn tôi sẽ” đầy tha thiết, quạnh quắn, cô đơn...nghe não lòng như Sa Mưa Giông buồn não nề của cố nhạc sỹ Bắc Sơn; chuyên viết cho mấy đứa miền Tây; mấy con người sống ở đó nghe đâu cũng giống mấy con người sống cùng tui, phải ở nhà chống dịch.

Nói thiệt, Sài Gòn muốn nói cái này: Đâu có đâu mấy má! Tui có buồn quái nào đâu mà nói sao nghe gì thảm thiết, thê lương; cô đơn hay hạnh phúc; trống trải hay đủ đầy; do mọi người tự mang vào, dán lên mặt tui rồi nói tui buồn, thấy chẳng liên quan gì đến tui. 

Chưa hết, nghe mấy đứa trẻ khắp nơi nghe đi nghe lại bài hát: Sài Gòn đau lòng quá! Đọc tựa đề thôi cũng chẳng thấy khác gì so với "Sài Gòn tui sẽ"; cũng y chang chuyện vừa nói; lại cô đơn lạc lõng não nề, ba cái vui buồn là do con người tự chọn, liên quan gì đến Sài Gòn tui mà gán ghép vào. 

Ừ thì tuổi trẻ hay mang một nổi buồn. Ừ thì hoàn cảnh mang cảm xúc đến cho con người ta! Nhưng mà,

Story pin image

Nếu là Sài Gòn tui, trẻ chút thì nghe gì đó tích cực hơn, giai điệu hừng hực sức sống chút, để tiếp lửa cho mấy con người chạy ngược, ngang trên khắp các con đường với một màu áo giống nhau. 

Nếu là Sài Gòn tui, lớn hơn chút nữa thì nghe chút gì đó lắng đọng, đánh thức mấy cái suy nghĩ sáng tạo nằm sâu trong tiềm thức, hay lên tầm xíu, nghe mấy bản nhạc thiền để thấy mình tĩnh tâm trong không gian tù động, cứ ngồi lâu không vững lòng thế lại có họa sinh. Không thì thôi cứ đơn giản, im lặng, ngồi thiền giống Sài Gòn tui, lắng nghe từ chính bên trong mình. Hiểu mình xong rồi thì hành động, chắc kiếm gì đó mà làm cho mình, cho nhà, cho người ta.


Tóm lại, ba cái chuyện này thế nào cũng sẽ nhanh chóng qua thôi qua, sao bi quan dữ vậy, cái gì nó tới để nó tới đi; khóc lóc ỉ ôi để làm gì.


Sài Gòn thấy ngộ! Bắt đầu tìm hiểu mấy chuyện ở xung quanh của con người, đến với căn nhà nằm trong hẻm nhỏ của ông già, em và ba đứa nhóc. Ngộ. Có năm mạng thôi mà rần rần suốt ngày, suốt đêm như dịch dã chỉ là ba chuyện thứ yếu, chuyện chính là giải quyết cho xong ba cái chuyện giặc nhà: ăn, ngủ với cãi nhau, ầm ĩ cả một góc trời. Sài Gòn tui không muốn nghe cũng không được. Vui. Vậy đi cho đời bớt khổ? Cái gì đến sẽ đến, mọi thứ rồi sẽ qua. Rồi ngày mai sẽ khác!



Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

[Review Sách] Con tàu ma của thế chiến II - Robert Kurson

Cuốn Sách Phiêu Lưu Khoa Học Hấp Dẫn Khám Phá Bí Ẩn Của Con Tàu U-Boat:  Shadow Divers: Con tàu ma của Thế Chiến II ( 2021 ) | Tiki 

Thể loại hồi ký luôn có sức hút mãnh liệt với nó; ở quyển sách Con tàu ma của thế chiến II, nó bắt đầu học hỏi được một nghề mới - nghề lặn, với những khát vọng tìm kiếm lịch sử còn nằm lại dưới đáy đại dương.

Những con người đam mê nghề lặn đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau để rồi có người đi đến tận cùng của cuộc khám phá, có người nằm lại dưới đáy đại dương về tâm hồn đôi khi là thân xác trước sự nguy hiểm của môn lặn này. 

Đó là những con người đã từng đi qua tuổi trẻ, đặt câu hỏi cho bản thân "mình sẽ muốn ở đâu 10, 20 năm tới? Mình sẽ nghi gì về quyết định này khi mình về già?"

Trong đó "quyết định tồi tệ nhất là bỏ cuộc" 

"Khi mọi thứ dễ dàng thì người ta sẽ không hiểu chinh mình. Chính hành động của con người ở thời khắc vật chất mới cho anh ta thấy mình là ai"

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Đời Sales: Covid lần 4 và Tin Yêu


Sài Gòn thở chậm lại. Sài Gòn lắng nghe từng nhịp thở vào, ra như thiền định cùng với bầu trời, gió thoảng mây trôi. Nhẹ nhàng. Sài Gòn bắt đầu thiêm thiếp, vài lúc giật mình với tiếng xe cứu thương vụt va; tiếng động bất thường khác và với nhịp điệu ồn ào vốn dĩ đã quen. Sài Gòn chưa quen lắm với nhịp điệu này.


Sài Gòn của ngày đầu tiên thực hiện chỉ thị 16, nhà cách nhà; tổ dân phố cách tổ dân phố…, trong căn hẻm nhỏ, nó dứt điểm một trong những ổ bánh mì thịt cuối cùng còn bán ở Sài Gòn, tham gia họp online của một ngày làm việc tại nhà khi dịch Covid diễn ra.

Một ngày. Hai câu hỏi cùng một ý. 

Câu hỏi của gã đứng đầu về một chỉ tiêu đưa ra có thực tế hay không?

Câu hỏi của đồng nghiệp cùng một bộ phận hỏi rằng chỉ tiêu có đạt được không? 

Một ngày. Hai ý cho một câu trả lời.


  1. Con đường đi vốn dĩ chỉ có một hướng về phía trước!

Đó chính là con đường của đời Sales.

Nó - một gã đã đi qua quá nửa cuộc đời theo định nghĩa của Y Vân, đi dọc các con đường của đất nước, luôn nói điều đó với những con người mình gặp gỡ. Bán buôn. Anh, chị, em cùng chung một cuộc đời buôn bán, đời gọi tên họ với nhiều chức danh. Con đường đi đó như một mũi tên được bắn ra; chỉ tiến về phía trước trước dù khoảng cách xa, gần khác nhau. 

Nó chia sẻ, hỏi han, nhắn nhủ rằng: bước vào cuộc đời này đã sẵn sàng chưa? Lo. Chuyện đấy như dạy đời! Ngẫm. Có quá nhiều lắng lo đã từng!

Hãy còn trăng gió, gió trăng

Đừng lo lắng thanh xuân bất tái

Nó lục lại từng mái tóc, gương mặt, nụ cười còn lại trong trí nhớ. Cùng mình, những con người nếm trải. Thanh xuân đến rồi đi. Con số đến rồi đi. Chỉ riêng đời họ - đời Sales cứ thế tiến về phía trước như một nghiệp đã vận vào mình. Bán buôn. Nghe từ miêu tả như lam lũ, nhưng lại thấy bình dị đến nao lòng khi tràn ngập những nụ cười nuốt đi mấy nỗi niềm riêng mang, lại chứa chan đến ngỡ ngàng khi ngập tràn những ánh mắt sáng lên những niềm tin cuồng tín, lúc đã gạt đi mấy giọt nước chạnh lòng cho một phận.  

Nó đếm lại từng mái tóc, gương mặt, nụ cười còn lại trong trí nhớ. Cùng nhau, những tháng ngày cười nói. Có người ở lại dưới mái nhà của gã khổng lồ, có người đã ra đi, vài người chuyển nghề, vài người vẫn ở nghiệp đó cho một món hàng khác được dán nhãn, gắn tên, tô màu, dậm nét, ẩn dụ đến thậm xưng từng giá trị. An nhiên. Trấn an bản thân, ngang nhiên vào trận chiến mới. Nó và tất cả tiến tới chứ không lùi. Nó yêu sự cuồng tín đó.

Sự cùng thông, bĩ, thái bởi tự trời

Sông có khúc, con người ta có lúc 

  1. Con đường đi vốn dĩ cần có tin yêu trước khi nhận nhìn! 

Từ sự cuồng tín của đời Sales mang đến, nó không cho phép mình được phép bước lùi chân. Khó khăn thay phần định nghĩa lại, thử thách thế vào như định nghĩa bất phân; chẳng qua là đổi nghĩa trong một cách nhận nhìn. 

Tin vào một thể chế! Có gì đó không có nhiều cho một sự lựa chọn nhưng ở đằng sau đó vẫn cần phải vượt qua dù ngụy biện thế nào. Nếu như không thể đưa ra được một giải pháp, thì điều cần làm là hợp tác với việc triển khai. Ở trong nó chảy một dòng máu lính, với những bức xúc của đời mình, anh em cùng dòng máu nếm trải trong uất hận, thì có một điều cuồng tín về đất mình vẫn sục sôi là thứ không thể phũ định đi. Như đốt nén nhang thơm, dạ nhớ người, dòng máu tin yêu ấy của ông cụ vẫn còn sục sôi trong lòng. 

Nó tin rằng mọi thứ sẽ được kiểm soát được dịch bệnh đang tràn lan! Nó tin rằng mọi thứ rồi sẽ qua… và đó sẽ không là mù quáng khi

(i) Đất nước này hiện hữu đầy những tinh hoa kiệt xuất! Nó gắn họ bằng mấy từ dị nhân trong cách nghĩ cách làm. Từ trong tâm dịch, nó thấy họ đã bước ra và không còn ẩn mình; họ nói, họ viết, họ làm...Tất cả để góp phần chiến đấu và vực dậy từ những đau thương như đã từng đi qua một thời chinh chiến. Đâu đó, một trong những dị nhân chia sẻ với nó rằng đây là một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba với thương vong nhiều hơn rất nhiều lần. Đâu đó, có thể tất cả tinh hoa bước ra không phải vì thế chế nhưng thấy rõ rằng đó là vị nhân sinh. Đâu đó tất cả vì bóng hình của đất nước!

Biết rằng ai đã trải hơn ai

Cho hay muôn sự tại trời 

(ii) Lời kêu gọi niềm tin được hồi đáp! Can đảm bỏ qua vấn vương hoài những dư âm cũ, chẳng giải quyết được gì với hoài bão, tiếc nuối và đến bắt đầu ước ao thay đổi một quá khứ vốn đã định hình. Ở nhà, dõi theo và chống dịch.

Yêu thương được trở về! Con người bắt đầu hỏi han nhau. Nó nhớ Sài Gòn trước ngày thực thi chỉ thị 16, con người ta đồn nhau về mấy chuyện cấm chợ, ngăn sông; sự hoảng loạn dâng lên trong lòng thành phố, người với người nối nhau đi tìm cho mình sự an toàn qua những món hàng dự trữ. 

Anh gọi nói về những đoàn xe xếp dài như thác đỗ; cánh bác tài cứ qua điện thoại í ới gọi hỏi thăm nhau.

Chị gọi nói về những món ăn được làm vội; dặn canh giờ chờ đón những chuyến xe trở lại với Sài Gòn.

Em gọi nói về những tin tức trong ngày, thăm hỏi khi dịch đã về đến tận những miền quê.

Nó gọi nói về những đứa trẻ đang sống cùng mình với sách và mấy món đồ chơi mua vội.


Tất cả đều bắt đầu với tin yêu!


Sài Gòn nhìn xung quanh, thấy những hàng rào kẽm gai, dây giăng khắp mọi nẻo, đường đi thưa vắng người qua. Sài Gòn đảo mắt lại nhìn quanh, thấy những bờ cỏ giờ mọc xanh um, mấy cánh chim bay lượn, đạp trên dòng nước trong để sang bờ tìm kiếm thức ăn, mấy chú cá bắt đầu đớp nước nhiều hơn thay vì phải lặn sâu vì cần câu đặt xuống nhiều quá theo dọc mây con kênh. Sài Gòn thấy ngộ! Ngộ. 

Thiên sinh nhân, hà nhân vô lộc. 

Địa sinh thảo, hà thảo vô căn. 

Ngẫm. Mấy thứ kế bên mình, gặp hoài mà tưởng đã quên tên. 

Sài Gòn lắng nghe từng nhịp thở vào, ra như thiền định cùng với bầu trời, gió thoảng mây trôi. Nhẹ nhàng. Sài Gòn bắt đầu thiêm thiếp, vài lúc giật mình với tiếng xe cứu thương vụt va; tiếng động bất thường khác và với nhịp điệu ồn ào vốn dĩ đã quen. Sài Gòn chưa quen lắm với nhịp điệu này.

Sài Gòn của ngày đầu tiên thực hiện chỉ thị 16, nhà cách nhà; tổ dân phố cách tổ dân phố…, Sài Gòn của giãn cách toàn xã hội 

Sài Gòn lắng nghe câu trả lời của thằng nhóc sống lâu trả lời hai câu hỏi khi đám trẻ con ngồi chơi dưới nền nhà cãi nhau chí chóe. Sài Gòn cười! Vậy mà vui.


Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

[Review Sách] Những sai lầm đắt giá trong Marketing - Jack Trout

 

Những Sai Lầm Đắt Giá Trong Marketing

Nó hứng thú với những quyển sách dạng này vì qua đó mình có thể học hỏi và tránh thay vì những quyển sách nhan nhản cách hướng dẫn về thành công. Thành công nào không có thất bại? 

"Bạn tin vào điều mà mình muốn tin. Bạn nếm thứ mà bạn muốn nếm. Marketing là cuốc chiến của những ý niệm, không phải hương vị

Những dự đoán mong manh về khả năng thu lời, tăng trưởng thường dẫn tới việc các mục tiêu bị bỏ lỡ, vốn bị xé lẻ và thậm chí số liệu kế toán cũng phải làm giả"

[Review Sách] Tái tạo doanh nghiệp - Aaron Dignan

Tái Tạo Doanh Nghiệp - Một Hành Trình Quả Cảm | Tiki

"Nghĩ và làm là hai điều tách biệt. Và suy nghĩ cũng khác với chứng nghiện dự đoán. Với hàng loạt mệnh lệnh. Với sự hội tụ tất cả những điều ấy dưới hình thức một ngân sách khắc khe. Giữa các lý thuyết và đóng góp của những bậc trí giả tạo, chúng ta hầu như không xây dụng được gì nhiều cho công việc hiện tại"

Để thực hiện cho công cuộc đó, tác giả xác định chiến lược, nguồn lục, hội họp, thông tin, tư cách thành viên và lương bổng để làm sao vận hành để thổi một luồng gió mới cho một guồng máy trì truệ là những gì tác giả nói đến

Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

Nhật ký của cha - Julie - Nếp nhà và Covid

Sài Gòn bắt đầu mùa chống dịch, các con số cứ không ngừng tăng, mấy ca điều tra dịch tễ cứ phát sinh hàng ngày như chưa đi đến cùng tận nguồn của lây lan từ khi giãn cách xã hội đến còn mỗi ba người trong một phạm vi. 

Ông già đếm nhân khẩu. Cười. Nhà này chắc phải lên phường uống trả vì vị phạm chuyện tuân thủ số người trên một phạm vi. 


Sài Gòn, ông già nghe mấy chiếc xe phường gắn loa phát nên ở nhà, chuyện cần làm là hạn chế đi đâu. Sài Gòn chưa bao giờ vậy. Ngoài đường lưa thưa người đi lại, mảnh đất của nhịp sống rộn ràng giờ như một cô nàng đang bắt đầu thiêm thiếp đi vào giấc ngủ say, như lấy lại sức của mình sau từng ấy tháng ngày phải oằn mình lên với nhịp đời vội vã.

Ông già ngồi xem lại, thấy nếp nhà cũng đổi thay. 


Gọi đò ơi!  

Như đến hẹn là gọi! Mấy bận. Cơm nước chuẩn bị xong, ông già và em thì nhau gọi mấy tình yêu của đời mình xuống cho kịp mấy món lên mâm, còn khói bốc tỏa hương thơm lừng từ thực phẩm tranh thủ xếp hàng mua từ siêu thị hạn chế số lượng người vào, khi chợ giờ phải dừng lại. Dinh dưỡng như một phần chống dịch. Em và ông già cứ thể gọi những cái tên đã từng phải bỏ thời gian tìm tòi để đặt cho mấy tình yêu của đời mình. Gọi mãi chẳng nghe trở thành gào.

Em nói: Gọi tụi con như gọi đò

Đứa anh hỏi: Gọi đò là gì mẹ?

Trong lúc em giải thích, Ông già thấy xuôi về miền Tây sông nước, thấp thoáng bóng dáng của người ở bên kia bờ, vẫy tay gọi với sang bờ bên kia, nơi có chiếc xuồng nhỏ chờ đưa khách sang sông. 

Bến vắng, đò thưa. Nhiều khi mưa gió làm cho người lái đò càng chờ đợi khách sang sông. Mấy bận, ngủ quên; cứ thế mà đò chờ một tiếng gọi đưa sang. Rồi các con sông mọc lên những chiếc cầu bắt ngang. 

Bến mất, đò đi. Giờ thì Đò đi qua lại trên một “dòng sông chảy tràn trong trí nhớ, làng anh bên lở, làng em ở bên bồi” của một Đinh Trâm Ca. Nhớ. Đếm. Thêm hai tháng nữa là đến mùa nước lênh; mấy mảnh đời nơi sông nước lại bềnh bồng. 


Hai thằng nhóc đi lựng tựng xuống, bỏ lại mỗi cô nhóc vẫn còn chưa biết nói sau gần ba mươi sáu mùa trăng, cứ chậm nói giống như mấy ông anh mình cũng bắt đầu gọi lại. 

Gọi người ơi.

Bằng mấy trò con trẻ, cô nhóc ném những miếng lego lăn lông lóc xuống từng bậc cầu thang tao tiếng vang như để gọi một con người, sẵn sàng mở rộng một vòng tay ôm; không em thì cũng là ông già. Ngoài đường, tiếng còi của xe cứu thương hú vang vọng một góc trời. 


Ông già ngồi nhìn lại, thấy đổi thay một nếp nhà. Tranh thủ. Những buổi cơm ngày ba bữa quây quần; trừ mấy bận ông già phải tranh thủ làm cho một công việc tại nhà. Ông già và đám nhóc; như chạy giặc của ngày xưa. 

Hình dung, ngày xưa người tình tóc bạc ôm con chạy mỗi lần nghe tiếng loa phát rằng dịch giã sắp đên hay tiếng máy bay quần vũ ở trên đầu; ngày nay em ôm ba đứa nhóc mỗi lần nghe ông già nói chuẩn bị họp một buổi họp online hay âm thanh đồng nghiệp phát ra từ máy tính đặt giửa nhà. 

Thỉnh thoảng, mấy âm vang của cuộc sống chen vào; mấy tiếng chuyện trò, mấy tiếng cãi nhau, mấy tiếng khóc òa vì ức chen vào trong mấy buổi làm việc online cùng với đồng nghiệp của một thời công nghiệp nghe đâu gọi là bốn chấm không; tiếng trẻ cứ vang lên vọng vào. Chuyện đấy cứ thường xuyên.

Chuyện làm ở nhà như chạy giặc. Đám nhóc xuống lầu, ông già chạy lên. Đám nhóc chạy lên, ông già chạy xuống. 

Em phụ. Lúc nếp nhà đổi thay, nhường lại buổi sáng để cho ông già làm việc ở nhà cho kịp những cái tiến độ với giờ làm. 

Em làm. Lúc nếp nhà đổi thay, sau mấy câu chuyện kể, đám nhóc đi vào những giấc mơ con. Rồi. 

Em quên. Mấy bài của sinh viên chờ đến sáng chưa được sửa; hay mấy bài tập về nhà chưa kịp làm cho mấy buổi học online khi đám nhóc đi vào giấc ngủ say mèm thì em cũng như Sài Gòn đi vào thiêm thiếp giấc ngủ say như lấy lại sức của mình sau từng ấy tháng ngày phải oằn mình lên với nhịp đời vội vã

Cứ thế cãi, dặn nhau trong mấy ngày dịch dã khi lắng nghe tiếng trẻ rộn ràng chuyển thành tiếng ngáy say sưa. Em và ông già. Tự thầm. Chuyện rồi cũng sẽ qua.


Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Người tình tóc bạc - Vì lý do dịch nên về chắc trễ

 

Cao thành, chiều man mác với nắng bạc; con người đi lưa thưa sau một trận dịch càn qua trên những con đường bê tông hóa, dưới căn nhà cấp bốn, có một dáng người phụ nữ ngồi gối một chân lên ghế nhìn ra phía con đường lưa thưa người đi 


Ông nói: Bà thấy tui sao, còn ngon lành ha? 

Bà nhìn người đàn ông dáng dong dỏng cao; tóc chải gọn gàng theo nếp bảy, ba; đang vừa đi vừa cười từ ngoài ngỏ bước vào, vài hòn đá nhỏ lạo xạo dưới gót chân đang mỉm cười với bà rồi buông ra một câu hỏi: còn ngon lành ha? 

Bà trả lời: Ngon hay không ngon thì giờ cũng lạt miệng rồi! Hàng qua tay mấy bận; hàng quá lửa cũng chục lần. 

Người phụ nữ của mái đầu mang dấu vết của mây trời của tháng ngày bão giông, trắng, xám đan xen. Ngắm nghía. Người phụ nữ thủng thỉnh hạ giọng nói với người đàn ông còn giữ nguyên nụ cười sau câu trả lời đó: Thôi, ông tranh thủ ăn đi không kẻo nguội! Bữa nay, Tui làm đơn giản vài món thôi

Ông vừa bỏ áo khoác ra, vừa nói cười: Đơn giản của em cũng là ba món, một canh à! Em vẫn như ngày nào. Ông kéo chiếc ghế, ngồi đối diện bà. 

Bà nhìn ông; bắt đầu xỏa tóc ra, rồi quấn lại sau đâu, lâu lắm rồi mới nghe từ em. Lâu lắm của bà chắc cũng phải đến bốn mươi, năm mươi năm; từ cái thời tóc bà vẫn còn mượt mà như một tấm lụa đen, giờ thì tóc đi vào mùa giông bão - mây trắng, mây đen chen nhau quần vũ trên mái đầu.   

Bà nói: Thôi, ông tranh thủ ăn đi không kẻo nguội! Ăn cho khỏe để còn đi với gái!

Ông khẽ dừng đũa, rụt cổ về sau, nhíu mày: Em cứ vậy hoài! Tuổi này còn cơm, cháo gì nổi? 

Bà nói: Tôi sao biết được. Thằng hai chắc thấy ông nên nó kiếm chuyện đi rồi, chắc nó nghĩ để cho ba nó hâm nóng các kiểu; thằng rảnh thiệt. Bà đưa tay nhấp miếng nước trong lúc ông bắt đầu lùa đũa đầu tiên, món thịt bò xào với rau củ vừa đủ như thể trăm năm vẫn không quên một ngọn lửa thế nào cho mỗi món ông ăn. 

Ông nói: Con tôi mà, nó phải biết tính tôi chứ.

Bà đáp: Ừ, đúng rồi, cái thằng mà ông đá một phát văng lên bàn bi da đó. Thằng đó giờ trở tính, bắt đầu biết lo; nó chăm sóc tôi từng bữa ăn đấy. Con vợ nó nhìn mà phát ghen đến phát hơn; có thằng con giờ cũng đi theo đường của ông nội nó; làm cho công ty Mai Linh nghe đâu cũng dính dáng đến nhà nước, đến Đảng của ông đấy. 

Ông nói: Em cứ vậy, tính tôi nóng, dạy con nhiêu khi đụng tay đụng chân thôi chứ đứa nào mà chẳng thương. Mà em cứ chì chiết hoài, chuyện cũ mình bỏ qua đi em.


Cao thành, chiều man mác trôi theo cái nắng bạc, con người đi lưa thưa sau một trận dịch càn quét qua quê; đường đã vắng giờ lại càng vắng.


Ông ngắm nghía người phụ nữ của lúc quay người qua một bên, chiếc áo bà ba khẽ lắc lư vạt áo, nhìn về phía con đường bên ngoài. Nhà nhỏ, bàn ăn đặt trước ngay ở cửa bước vào, nên nhờ thế mà ông tìm lại khoảnh khắc tưởng rằng đã trôi vào một quá khứ êm đềm.

Ông nói; Anh thích mấy lúc em thế này? 

Bà trả lời chẳng thèm quay lại nhìn ông: Là mấy lúc nói đến con ông à?

Ông cười: Không. Là mấy lúc em thả mắt nhìn, có cái gì đó xa thâm thẩm. Anh thấy cái nhìn đó không có gì khác so với cái nhìn trên dòng sông của cô gái ngồi ở một bên bờ chiến trận ngày ấy, hàng tre rì rào ngồi bên như muốn ôm ấp em vào lòng lúc ở cạnh một dòng sông. Anh thích ánh nhìn của một O nhỏ ngồi bán ở chợ chiều Đông Ba, em nhìn về một phía xa xôi như tự hỏi khi nào chiến tranh qua vậy. Anh giờ gặp lại cái nhìn đó của em như muốn hỏi bao giờ thì dịch qua, bao giờ thì chúng ta lại.. gặp nhau. 

Bà cười: Mắc mệt! Tôi nói với ông nhiều rồi, giờ tui chả có nghĩ gì đến ông đâu mà ham. Giờ tôi chả còn nghĩ gì nữa, chỉ giờ dịch thì lo cho mấy đứa nhỏ thôi! 

Ông hỏi: Em nói thằng ba, thằng tư, con năm hay thằng út?

Bà như tự nói với mình: Đứa nào cũng lo! Thằng ba vừa rồi chân nó sưng to quá; nhức đi không nổi, thiệt tình cái thằng có ăn nhậu gì đâu vậy mà bị cái bệnh gout đó. Thấy nó đi cà nhắc mà tôi thương. Cái thằng đó nó còn giận ông lắm đó; giận cái ngày nó đói xỉu trên đường về quê. Con tui cũng con ông, nó nói ông tui chỉ biết im.  

Thằng tư, con năm thì đợt rồi tui bệnh nằm viên; hai đứa cũng loắn xoắn lo thấy cũng thương. Thằng tư nhìn nó nằm dưới đất thấy thương! Tui kể thằng út nó nghe, thằng út nó nói sao bằng lúc nó chăm anh nó ở bệnh viện, nằm còn thảm hơn. Mấy anh em nó cứ như vậy, chả đứa nào chịu thua đứa nào. Mấy anh em năm nào cứ rôm rã như mưa rào mỗi đợt ông về. Giờ dịch; thằng tư với thằng út mắc kẹt ở Sài Gòn; tui lo cho mấy đứa cháu không biết thế nào. Nhà nhỏ, chật chội, nghĩ tội cháu tôi. 

Ông nhìn bà, mắc sáng lên, lặng im nghe theo từng câu nói: Em à! Tụi nhỏ nó lớn rồi, có gia đình hết, em lo cho mình đi 

Bà im lặng, quay hẳn lưng về phía ông rồi cất tiếng: Có gì ông phù hộ cho con cháu mình! 


Cao thành, chiều lặng thinh, nắng bạc bắt đầu chìm dần theo bóng hoàng hôn; chạy thật nhanh dưới ánh đèn lên.  

Gã đàn ông làn da đen rám nắng là thằng hai; vừa chạy chiếc xe vào trước sân hỏi: Sao rồi chị tư? Anh, chị tâm sự xong chưa; nhang tàn rồi để con đốt giấy tiền vàng bạc xuống cho ông ba kiếm thêm vài bà, xong rồi về nằm nghỉ. 

Đâu đó, trên màn hình zalo, thằng ba chụp hình mâm cơm cúng ông gửi thằng út ghi thêm caption: “vì lý do dịch nên về chắc trễ”


[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...