Chiến Phan

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

Que sera sera! Cái gì đến sẽ đến, mọi thứ rồi sẽ qua!

Sài Gòn mở mắt ra từ từ khi vừa từ trong khoảng không gian thiền định tìm hiểu về bên trong bản ngã của mình bước ra, đã hiểu mấy điều giản đơn mà con người đến tận cuối đời vẫn chưa trả lời được: Tôi là ai? và cuộc sống là gì?

Trong thâm thẩm của suy tư, Sài Gòn tìm về ngày xưa chôn dấu; đọc mấy văn tự xưa viết, thấy mình vốn dĩ được Lễ Thành Hầu -  Nguyễn Hữu Cảnh khai sinh ra, ghi rõ là từ hoang sơ nuôi dưỡng mà thành, chẳng hiểu lắm từ ngữ viết “vùng đất khai hoang” trong ngữ cảnh viết về mình.


Sài Gòn tự hỏi thế tên mình ở đâu ra? Câu hỏi xuất hiện ở trong đầu khi thấy sử sách ghi chép ông cụ Nguyễn Hữu Cảnh khai sinh, đặt tên là Gia Định; rồi đến tranh luận của ông Huỳnh Tịnh Của là tên Sài Gòn từ nơi sống mà ra Sài nghĩa của “củi”, Gòn tức của "cây bông gòn"; với ông Trương Vĩnh Ký là tên phiên âm từ “Prei Nokor” của người Khmer, đọc đến đoạn này thấy có văn tự bắt qua chuyện khác và thêm từ khó hiểu về “lịch sử chính trị”.


Thật lòng, Sài Gòn thấy sao rối rắm, sao cứ phải dán nhãn đặt tên khi bắt đầu đã là hoang sơ nuôi dưỡng mà thành, vốn dĩ đã chẳng có tên, sao cứ phải gắn tên để rồi phải cãi nhau thế này.  

Sài Gòn nếu chọn chắc là thích cái nghĩa của ông Huỳnh Tịnh Của - nơi của vùng đất đầy những cây bông gòn có thể chặt ra làm củi đó; nghe dung dị và gần gũi như tính cách của con người sống ở nơi đây. Mà thôi, Sài Gòn thấy sao con người cứ hay phức tạp vấn đề lên, sống đơn giản không phải dể thở hơn sao, nên thôi, dừng lại chuyện xem ai khai khẩu, đặt tên cho mình.


Nói đừng giận, Sài Gòn thấy mình như sống lại một thời của hoang sơ của văn tự cổ, được hòa với thiên nhiên, cảm giác đó đến trong những ngày con người bắt đầu ở yên trong nhà mình, nhà ai ở nhà đó, có chuyện cần lắm mới ló ra ngoài.


Trong buổi thiền định kéo dài, mở mắt đã một tuần trôi qua; Sài Gòn nghe con người nói rằng Sài Gòn bị bệnh. 

Sài Gòn muốn nói: Đâu có đâu mấy cha. Sài Gòn có bệnh gì đâu, cái này là bệnh liên quan đến con người mà, sao ghép tui vào. Nghĩ. Chắc là cho đủ tụ. 

Sài Gòn nghe con người hát - có một gã giáo viên hát bài “Sài Gòn tôi sẽ” đầy tha thiết, quạnh quắn, cô đơn...nghe não lòng như Sa Mưa Giông buồn não nề của cố nhạc sỹ Bắc Sơn; chuyên viết cho mấy đứa miền Tây; mấy con người sống ở đó nghe đâu cũng giống mấy con người sống cùng tui, phải ở nhà chống dịch.

Nói thiệt, Sài Gòn muốn nói cái này: Đâu có đâu mấy má! Tui có buồn quái nào đâu mà nói sao nghe gì thảm thiết, thê lương; cô đơn hay hạnh phúc; trống trải hay đủ đầy; do mọi người tự mang vào, dán lên mặt tui rồi nói tui buồn, thấy chẳng liên quan gì đến tui. 

Chưa hết, nghe mấy đứa trẻ khắp nơi nghe đi nghe lại bài hát: Sài Gòn đau lòng quá! Đọc tựa đề thôi cũng chẳng thấy khác gì so với "Sài Gòn tui sẽ"; cũng y chang chuyện vừa nói; lại cô đơn lạc lõng não nề, ba cái vui buồn là do con người tự chọn, liên quan gì đến Sài Gòn tui mà gán ghép vào. 

Ừ thì tuổi trẻ hay mang một nổi buồn. Ừ thì hoàn cảnh mang cảm xúc đến cho con người ta! Nhưng mà,

Story pin image

Nếu là Sài Gòn tui, trẻ chút thì nghe gì đó tích cực hơn, giai điệu hừng hực sức sống chút, để tiếp lửa cho mấy con người chạy ngược, ngang trên khắp các con đường với một màu áo giống nhau. 

Nếu là Sài Gòn tui, lớn hơn chút nữa thì nghe chút gì đó lắng đọng, đánh thức mấy cái suy nghĩ sáng tạo nằm sâu trong tiềm thức, hay lên tầm xíu, nghe mấy bản nhạc thiền để thấy mình tĩnh tâm trong không gian tù động, cứ ngồi lâu không vững lòng thế lại có họa sinh. Không thì thôi cứ đơn giản, im lặng, ngồi thiền giống Sài Gòn tui, lắng nghe từ chính bên trong mình. Hiểu mình xong rồi thì hành động, chắc kiếm gì đó mà làm cho mình, cho nhà, cho người ta.


Tóm lại, ba cái chuyện này thế nào cũng sẽ nhanh chóng qua thôi qua, sao bi quan dữ vậy, cái gì nó tới để nó tới đi; khóc lóc ỉ ôi để làm gì.


Sài Gòn thấy ngộ! Bắt đầu tìm hiểu mấy chuyện ở xung quanh của con người, đến với căn nhà nằm trong hẻm nhỏ của ông già, em và ba đứa nhóc. Ngộ. Có năm mạng thôi mà rần rần suốt ngày, suốt đêm như dịch dã chỉ là ba chuyện thứ yếu, chuyện chính là giải quyết cho xong ba cái chuyện giặc nhà: ăn, ngủ với cãi nhau, ầm ĩ cả một góc trời. Sài Gòn tui không muốn nghe cũng không được. Vui. Vậy đi cho đời bớt khổ? Cái gì đến sẽ đến, mọi thứ rồi sẽ qua. Rồi ngày mai sẽ khác!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...