Chiến Phan

Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

Đời Sales: Covid lần 4 và Tin Yêu


Sài Gòn thở chậm lại. Sài Gòn lắng nghe từng nhịp thở vào, ra như thiền định cùng với bầu trời, gió thoảng mây trôi. Nhẹ nhàng. Sài Gòn bắt đầu thiêm thiếp, vài lúc giật mình với tiếng xe cứu thương vụt va; tiếng động bất thường khác và với nhịp điệu ồn ào vốn dĩ đã quen. Sài Gòn chưa quen lắm với nhịp điệu này.


Sài Gòn của ngày đầu tiên thực hiện chỉ thị 16, nhà cách nhà; tổ dân phố cách tổ dân phố…, trong căn hẻm nhỏ, nó dứt điểm một trong những ổ bánh mì thịt cuối cùng còn bán ở Sài Gòn, tham gia họp online của một ngày làm việc tại nhà khi dịch Covid diễn ra.

Một ngày. Hai câu hỏi cùng một ý. 

Câu hỏi của gã đứng đầu về một chỉ tiêu đưa ra có thực tế hay không?

Câu hỏi của đồng nghiệp cùng một bộ phận hỏi rằng chỉ tiêu có đạt được không? 

Một ngày. Hai ý cho một câu trả lời.


  1. Con đường đi vốn dĩ chỉ có một hướng về phía trước!

Đó chính là con đường của đời Sales.

Nó - một gã đã đi qua quá nửa cuộc đời theo định nghĩa của Y Vân, đi dọc các con đường của đất nước, luôn nói điều đó với những con người mình gặp gỡ. Bán buôn. Anh, chị, em cùng chung một cuộc đời buôn bán, đời gọi tên họ với nhiều chức danh. Con đường đi đó như một mũi tên được bắn ra; chỉ tiến về phía trước trước dù khoảng cách xa, gần khác nhau. 

Nó chia sẻ, hỏi han, nhắn nhủ rằng: bước vào cuộc đời này đã sẵn sàng chưa? Lo. Chuyện đấy như dạy đời! Ngẫm. Có quá nhiều lắng lo đã từng!

Hãy còn trăng gió, gió trăng

Đừng lo lắng thanh xuân bất tái

Nó lục lại từng mái tóc, gương mặt, nụ cười còn lại trong trí nhớ. Cùng mình, những con người nếm trải. Thanh xuân đến rồi đi. Con số đến rồi đi. Chỉ riêng đời họ - đời Sales cứ thế tiến về phía trước như một nghiệp đã vận vào mình. Bán buôn. Nghe từ miêu tả như lam lũ, nhưng lại thấy bình dị đến nao lòng khi tràn ngập những nụ cười nuốt đi mấy nỗi niềm riêng mang, lại chứa chan đến ngỡ ngàng khi ngập tràn những ánh mắt sáng lên những niềm tin cuồng tín, lúc đã gạt đi mấy giọt nước chạnh lòng cho một phận.  

Nó đếm lại từng mái tóc, gương mặt, nụ cười còn lại trong trí nhớ. Cùng nhau, những tháng ngày cười nói. Có người ở lại dưới mái nhà của gã khổng lồ, có người đã ra đi, vài người chuyển nghề, vài người vẫn ở nghiệp đó cho một món hàng khác được dán nhãn, gắn tên, tô màu, dậm nét, ẩn dụ đến thậm xưng từng giá trị. An nhiên. Trấn an bản thân, ngang nhiên vào trận chiến mới. Nó và tất cả tiến tới chứ không lùi. Nó yêu sự cuồng tín đó.

Sự cùng thông, bĩ, thái bởi tự trời

Sông có khúc, con người ta có lúc 

  1. Con đường đi vốn dĩ cần có tin yêu trước khi nhận nhìn! 

Từ sự cuồng tín của đời Sales mang đến, nó không cho phép mình được phép bước lùi chân. Khó khăn thay phần định nghĩa lại, thử thách thế vào như định nghĩa bất phân; chẳng qua là đổi nghĩa trong một cách nhận nhìn. 

Tin vào một thể chế! Có gì đó không có nhiều cho một sự lựa chọn nhưng ở đằng sau đó vẫn cần phải vượt qua dù ngụy biện thế nào. Nếu như không thể đưa ra được một giải pháp, thì điều cần làm là hợp tác với việc triển khai. Ở trong nó chảy một dòng máu lính, với những bức xúc của đời mình, anh em cùng dòng máu nếm trải trong uất hận, thì có một điều cuồng tín về đất mình vẫn sục sôi là thứ không thể phũ định đi. Như đốt nén nhang thơm, dạ nhớ người, dòng máu tin yêu ấy của ông cụ vẫn còn sục sôi trong lòng. 

Nó tin rằng mọi thứ sẽ được kiểm soát được dịch bệnh đang tràn lan! Nó tin rằng mọi thứ rồi sẽ qua… và đó sẽ không là mù quáng khi

(i) Đất nước này hiện hữu đầy những tinh hoa kiệt xuất! Nó gắn họ bằng mấy từ dị nhân trong cách nghĩ cách làm. Từ trong tâm dịch, nó thấy họ đã bước ra và không còn ẩn mình; họ nói, họ viết, họ làm...Tất cả để góp phần chiến đấu và vực dậy từ những đau thương như đã từng đi qua một thời chinh chiến. Đâu đó, một trong những dị nhân chia sẻ với nó rằng đây là một cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba với thương vong nhiều hơn rất nhiều lần. Đâu đó, có thể tất cả tinh hoa bước ra không phải vì thế chế nhưng thấy rõ rằng đó là vị nhân sinh. Đâu đó tất cả vì bóng hình của đất nước!

Biết rằng ai đã trải hơn ai

Cho hay muôn sự tại trời 

(ii) Lời kêu gọi niềm tin được hồi đáp! Can đảm bỏ qua vấn vương hoài những dư âm cũ, chẳng giải quyết được gì với hoài bão, tiếc nuối và đến bắt đầu ước ao thay đổi một quá khứ vốn đã định hình. Ở nhà, dõi theo và chống dịch.

Yêu thương được trở về! Con người bắt đầu hỏi han nhau. Nó nhớ Sài Gòn trước ngày thực thi chỉ thị 16, con người ta đồn nhau về mấy chuyện cấm chợ, ngăn sông; sự hoảng loạn dâng lên trong lòng thành phố, người với người nối nhau đi tìm cho mình sự an toàn qua những món hàng dự trữ. 

Anh gọi nói về những đoàn xe xếp dài như thác đỗ; cánh bác tài cứ qua điện thoại í ới gọi hỏi thăm nhau.

Chị gọi nói về những món ăn được làm vội; dặn canh giờ chờ đón những chuyến xe trở lại với Sài Gòn.

Em gọi nói về những tin tức trong ngày, thăm hỏi khi dịch đã về đến tận những miền quê.

Nó gọi nói về những đứa trẻ đang sống cùng mình với sách và mấy món đồ chơi mua vội.


Tất cả đều bắt đầu với tin yêu!


Sài Gòn nhìn xung quanh, thấy những hàng rào kẽm gai, dây giăng khắp mọi nẻo, đường đi thưa vắng người qua. Sài Gòn đảo mắt lại nhìn quanh, thấy những bờ cỏ giờ mọc xanh um, mấy cánh chim bay lượn, đạp trên dòng nước trong để sang bờ tìm kiếm thức ăn, mấy chú cá bắt đầu đớp nước nhiều hơn thay vì phải lặn sâu vì cần câu đặt xuống nhiều quá theo dọc mây con kênh. Sài Gòn thấy ngộ! Ngộ. 

Thiên sinh nhân, hà nhân vô lộc. 

Địa sinh thảo, hà thảo vô căn. 

Ngẫm. Mấy thứ kế bên mình, gặp hoài mà tưởng đã quên tên. 

Sài Gòn lắng nghe từng nhịp thở vào, ra như thiền định cùng với bầu trời, gió thoảng mây trôi. Nhẹ nhàng. Sài Gòn bắt đầu thiêm thiếp, vài lúc giật mình với tiếng xe cứu thương vụt va; tiếng động bất thường khác và với nhịp điệu ồn ào vốn dĩ đã quen. Sài Gòn chưa quen lắm với nhịp điệu này.

Sài Gòn của ngày đầu tiên thực hiện chỉ thị 16, nhà cách nhà; tổ dân phố cách tổ dân phố…, Sài Gòn của giãn cách toàn xã hội 

Sài Gòn lắng nghe câu trả lời của thằng nhóc sống lâu trả lời hai câu hỏi khi đám trẻ con ngồi chơi dưới nền nhà cãi nhau chí chóe. Sài Gòn cười! Vậy mà vui.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...