Cao thành, chiều man mác với nắng bạc; con người đi lưa thưa sau một trận dịch càn qua trên những con đường bê tông hóa, dưới căn nhà cấp bốn, có một dáng người phụ nữ ngồi gối một chân lên ghế nhìn ra phía con đường lưa thưa người đi
Ông nói: Bà thấy tui sao, còn ngon lành ha?
Bà nhìn người đàn ông dáng dong dỏng cao; tóc chải gọn gàng theo nếp bảy, ba; đang vừa đi vừa cười từ ngoài ngỏ bước vào, vài hòn đá nhỏ lạo xạo dưới gót chân đang mỉm cười với bà rồi buông ra một câu hỏi: còn ngon lành ha?
Bà trả lời: Ngon hay không ngon thì giờ cũng lạt miệng rồi! Hàng qua tay mấy bận; hàng quá lửa cũng chục lần.
Người phụ nữ của mái đầu mang dấu vết của mây trời của tháng ngày bão giông, trắng, xám đan xen. Ngắm nghía. Người phụ nữ thủng thỉnh hạ giọng nói với người đàn ông còn giữ nguyên nụ cười sau câu trả lời đó: Thôi, ông tranh thủ ăn đi không kẻo nguội! Bữa nay, Tui làm đơn giản vài món thôi
Ông vừa bỏ áo khoác ra, vừa nói cười: Đơn giản của em cũng là ba món, một canh à! Em vẫn như ngày nào. Ông kéo chiếc ghế, ngồi đối diện bà.
Bà nhìn ông; bắt đầu xỏa tóc ra, rồi quấn lại sau đâu, lâu lắm rồi mới nghe từ em. Lâu lắm của bà chắc cũng phải đến bốn mươi, năm mươi năm; từ cái thời tóc bà vẫn còn mượt mà như một tấm lụa đen, giờ thì tóc đi vào mùa giông bão - mây trắng, mây đen chen nhau quần vũ trên mái đầu.
Bà nói: Thôi, ông tranh thủ ăn đi không kẻo nguội! Ăn cho khỏe để còn đi với gái!
Ông khẽ dừng đũa, rụt cổ về sau, nhíu mày: Em cứ vậy hoài! Tuổi này còn cơm, cháo gì nổi?
Bà nói: Tôi sao biết được. Thằng hai chắc thấy ông nên nó kiếm chuyện đi rồi, chắc nó nghĩ để cho ba nó hâm nóng các kiểu; thằng rảnh thiệt. Bà đưa tay nhấp miếng nước trong lúc ông bắt đầu lùa đũa đầu tiên, món thịt bò xào với rau củ vừa đủ như thể trăm năm vẫn không quên một ngọn lửa thế nào cho mỗi món ông ăn.
Ông nói: Con tôi mà, nó phải biết tính tôi chứ.
Bà đáp: Ừ, đúng rồi, cái thằng mà ông đá một phát văng lên bàn bi da đó. Thằng đó giờ trở tính, bắt đầu biết lo; nó chăm sóc tôi từng bữa ăn đấy. Con vợ nó nhìn mà phát ghen đến phát hơn; có thằng con giờ cũng đi theo đường của ông nội nó; làm cho công ty Mai Linh nghe đâu cũng dính dáng đến nhà nước, đến Đảng của ông đấy.
Ông nói: Em cứ vậy, tính tôi nóng, dạy con nhiêu khi đụng tay đụng chân thôi chứ đứa nào mà chẳng thương. Mà em cứ chì chiết hoài, chuyện cũ mình bỏ qua đi em.
Cao thành, chiều man mác trôi theo cái nắng bạc, con người đi lưa thưa sau một trận dịch càn quét qua quê; đường đã vắng giờ lại càng vắng.
Ông ngắm nghía người phụ nữ của lúc quay người qua một bên, chiếc áo bà ba khẽ lắc lư vạt áo, nhìn về phía con đường bên ngoài. Nhà nhỏ, bàn ăn đặt trước ngay ở cửa bước vào, nên nhờ thế mà ông tìm lại khoảnh khắc tưởng rằng đã trôi vào một quá khứ êm đềm.
Ông nói; Anh thích mấy lúc em thế này?
Bà trả lời chẳng thèm quay lại nhìn ông: Là mấy lúc nói đến con ông à?
Ông cười: Không. Là mấy lúc em thả mắt nhìn, có cái gì đó xa thâm thẩm. Anh thấy cái nhìn đó không có gì khác so với cái nhìn trên dòng sông của cô gái ngồi ở một bên bờ chiến trận ngày ấy, hàng tre rì rào ngồi bên như muốn ôm ấp em vào lòng lúc ở cạnh một dòng sông. Anh thích ánh nhìn của một O nhỏ ngồi bán ở chợ chiều Đông Ba, em nhìn về một phía xa xôi như tự hỏi khi nào chiến tranh qua vậy. Anh giờ gặp lại cái nhìn đó của em như muốn hỏi bao giờ thì dịch qua, bao giờ thì chúng ta lại.. gặp nhau.
Bà cười: Mắc mệt! Tôi nói với ông nhiều rồi, giờ tui chả có nghĩ gì đến ông đâu mà ham. Giờ tôi chả còn nghĩ gì nữa, chỉ giờ dịch thì lo cho mấy đứa nhỏ thôi!
Ông hỏi: Em nói thằng ba, thằng tư, con năm hay thằng út?
Bà như tự nói với mình: Đứa nào cũng lo! Thằng ba vừa rồi chân nó sưng to quá; nhức đi không nổi, thiệt tình cái thằng có ăn nhậu gì đâu vậy mà bị cái bệnh gout đó. Thấy nó đi cà nhắc mà tôi thương. Cái thằng đó nó còn giận ông lắm đó; giận cái ngày nó đói xỉu trên đường về quê. Con tui cũng con ông, nó nói ông tui chỉ biết im.
Thằng tư, con năm thì đợt rồi tui bệnh nằm viên; hai đứa cũng loắn xoắn lo thấy cũng thương. Thằng tư nhìn nó nằm dưới đất thấy thương! Tui kể thằng út nó nghe, thằng út nó nói sao bằng lúc nó chăm anh nó ở bệnh viện, nằm còn thảm hơn. Mấy anh em nó cứ như vậy, chả đứa nào chịu thua đứa nào. Mấy anh em năm nào cứ rôm rã như mưa rào mỗi đợt ông về. Giờ dịch; thằng tư với thằng út mắc kẹt ở Sài Gòn; tui lo cho mấy đứa cháu không biết thế nào. Nhà nhỏ, chật chội, nghĩ tội cháu tôi.
Ông nhìn bà, mắc sáng lên, lặng im nghe theo từng câu nói: Em à! Tụi nhỏ nó lớn rồi, có gia đình hết, em lo cho mình đi
Bà im lặng, quay hẳn lưng về phía ông rồi cất tiếng: Có gì ông phù hộ cho con cháu mình!
Cao thành, chiều lặng thinh, nắng bạc bắt đầu chìm dần theo bóng hoàng hôn; chạy thật nhanh dưới ánh đèn lên.
Gã đàn ông làn da đen rám nắng là thằng hai; vừa chạy chiếc xe vào trước sân hỏi: Sao rồi chị tư? Anh, chị tâm sự xong chưa; nhang tàn rồi để con đốt giấy tiền vàng bạc xuống cho ông ba kiếm thêm vài bà, xong rồi về nằm nghỉ.
Đâu đó, trên màn hình zalo, thằng ba chụp hình mâm cơm cúng ông gửi thằng út ghi thêm caption: “vì lý do dịch nên về chắc trễ”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét