Chiến Phan

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

Nhật ký của cha - Julie - Ngủ đi, mộng bình thường

 

Sài Gòn đi chầm chậm vì bị thu hút bởi âm thanh phát ra từ căn nhà bên trong hẻm nhỏ; trước mùa dịch, hẻm nhỏ nằm trên Sài Gòn khá giống nhau, ngoằn ngoèo, quanh co, uốn lượn như mấy đường đèo trên một ngọn núi cao; cái điểm ăn tiền là luôn có lối vào thì sẽ có lối ra; giờ trong mùa dịch hẻm nhỏ bắt đầu khác nhau ở kẽm gai giăng lối. 


Sài Gòn bắt đầu dồn hết thính lực để nghe; không phải là tò mò, bởi tính Sài Gòn tuyệt đối không nhiều chuyện, chỉ là ai kể thì nghe, rồi bắt mấy đứa hứa, thề “không kể ai nghe”. Sài Gòn càng đi vào sâu bên trong căn hẻm, càng nghe thấy âm thanh này khác xa mấy tiếng chuyện trò thường nghe. Âm thanh phát ra từ trong căn nhà của ông già, em và ba đứa nhóc.


Tiếng dương cầm trong căn nhà nhỏ. 

Nghe tiếng dương cầm, Sài Gòn nhớ Hà Nội. Sài Gòn tự nhiên có tình cảm bởi cái nét rêu phong, hoài cổ của Hà Nội; đâu đó có con người được gọi là nhà thơ Phan Vũ đã viết rồi đến một con người gọi là nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc cho “Em ơi Hà Nội phố!”, cũng có câu “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân”

Nhưng không, Sài Gòn nghe lại.

Tiếng nhạc nghe quen lắm, bài này hình như khá thịnh hành với mấy đứa trẻ con thì phải. Sài Gòn hé mắt nhìn vào, thấy ông già ngồi bên cạnh thằng nhóc lớn, tập tành bài nhạc “bầy bi sác” (baby shark), nghe thằng nhóc lớn quay sang nói với ông già mình đánh còn thiếu một nốt la. 

Thấy ông già phản ứng, chắc già thua trẻ nên đăm “quê”, tự ái đây mà. Bỏ ngang. Thằng nhóc bắt đầu đánh tiếp bài nhạc còn dang dở, nghe đâu như là bản giao hưởng số năm của Beethoven. 

Sài Gòn nhìn mấy ngón tay múp của thằng nhóc lớn lọt thỏm trên các phím đàn, chưa kịp thuộc hết nốt xong, đánh đàn mà như đánh trận, nhìn mấy giọt mồ hôi lăn thấm qua tóc, lăn xuống hai bên thái dương, tuôn ra như mưa rỉ rả của hạ về ở nơi đây, vậy mà cứ luôn miệng nhắc ông già về nốt trắng với nốt đen. Đến đây, thấy mặt ông già nghệch ra đến tội. 


Tèo, tèo, tèo téo teo teo teo.

Sài Gòn nghé nhìn qua phía đối diện, có thằng nhóc giữa bắt đầu hát theo điệu hát của một clip hài, trên màn hình đang là một người Nhật với mấy trò ngây ngô. Vậy mà mê, bắt chước theo mấy điệu nhạc. Đúng là trẻ con, bắt chước như một phản xạ. Vậy mà chê, Thằng nhóc lớn cứ hay định nghĩa giai điệu đó là ...tào lao. 

Sài Gòn thấy ông già và em lơ luôn mấy khoảnh khắc đó.


Nắng rọi xuống thềm, Sài Gòn ngồi nghỉ ở trước hiên. Đợi chờ. Mấy câu chuyện trong nhà của con người sẽ còn diễn ra.

Tiếng nhạc ngừng phát khi những ngón tay lướt đàn chán chê, mỏi mệt như đàn cũng cần phải căng dây, chỉnh nhịp sau những phút giây tạo phím, kết âm. 

Thằng anh nhảy qua tiếp tục mấy trò lắp ráp của mình với mấy mảnh lego; từ kiếm cho đến xe; từ đồ chơi cho đến con vật. Thằng em cũng nhào ra lấy gạch lego để xây nhà như không muốn thằng anh cứ thế ngồi chơi phớt lờ, bỏ qua mình; có cô nhóc nhỏ ngồi mê dán lên người ở góc nhà với mấy miếng dán nhỏ, to; nghe đâu con người gọi là sticker 

Sài Gòn thấy ngộ! Ông già cứ đực mặt vào trong màn hình vi tính; ngồi nhìn, tay gõ, miệng nói cứ như một gã lên đồng. Ngộ. Giờ người không thích nói chuyện với người nữa sao ta? 

Sài Gòn bắt đầu ngửi thấy mùi hương của bếp nhà đang lên; chắc là em đang chuẩn bị cho một buổi trưa kịp giờ. 

Chán chê. Đám nhóc bắt đầu thay đổi mấy trò từ xếp gạch thành bắn nhau ì đùng, rồi méc, rồi đánh, rồi khóc, rồi cười. Liên tục khiến Sài Gòn chóng mặt khi định hỏi ông già và em sao không nhảy vào để xử phân.

Sài Gòn thấy ông già và em lơ luôn mấy khoảnh khắc đó.


Loay hoay xem vậy mà thôi hết ngày! Chiều dần buông xuống, bếp nhà là ngát hương bay cho một buổi cơm chiều. Ba đứa nhóc như hồi sinh, sống dậy sau khi được tiếp cơm đủ đầy như mấy siêu nhân, người máy được nạp thêm năng lượng chiến đấu. Cuộc chiến lại bắt đầu.


Sài Gòn bắt đầu chú ý đến ông già, tự dưng lấy viết vẽ nguệch ngoạc gì ra gạch mấy vòng tròn; đặt cái lõi giấy gọi là lon. Sài Gòn thấy ngộ sao đám nhóc lại hứng thú với trò này, cứ lấy dép đi trong nhà tạt tới tạt lui.

Sài Gòn chưa kịp hiểu thì thấy ông già bắt sang trò mới; vẽ một đường vạch ngang nhà; chia làm hai phe; ông già và cô nhóc đối kháng với hai cậu nhóc ở bên kia lằn vạch. Nghe âm thanh “u”, “u” gì đó trong miệng của từng người mỗi khi bước qua vạch ngang giửa nhà

Sài Gòn thấy vậy chứ cũng chịu khó cập nhật công nghệ, sợ bản thân lỗi thời mà sau mấy trò này không thấy mấy đứa trẻ con giờ chơi khi nào. 

Sài Gòn chưa kịp tiêu thụ mấy trò vừa thấy, lại thấy ông già chuyển sang đứng xếp lại thành hàng, cứ đứa đối diện tìm bắt đứa ở cuối hàng ...nghe mấy câu đầu “rồng rắn” gì đó “lên mây”


Đến đây thì Sài Gòn lên mây thật, thấy lùng bùng hai cái lỗ tai. Tưởng đâu mò xuống đây để xem một nếp nhà con người sinh sống ra sao, nghĩ dịch này chắc là sầu đau, sầu đâu, sầu đó nhưng cũng có nếp nhà đầy những thanh âm. Lạ lùng. Sài Gòn thấy đêm về dịu nhẹ. Thằng nhóc anh ngồi hí hoáy với những nét vẽ của mình từ chuyện em bày cho mấy chuyện “lây ơ” (layer) vẽ trên màn hình; thằng em thấy vậy cũng ngồi đòi vẽ say sưa, cô nhóc cầm bút ngoáy gạch những dòng trên trang giấy trắng tinh. Chỉ có ông già ngồi nói gì như càm ràm “nghệ sĩ kiểu này thì chỉ đói rách thôi” trong cái liếc xéo của em ở bên máy tính bàn như thể muốn nói: chuyện đời chưa biết ai nuôi ai.


Vậy thôi là hết ngày, đi ngủ. Dưới cơn mưa rào, Sài Gòn vẫn nghe ông già và em nói về “hồi đó” trong những ánh mắt thả vào trần nhà chuẩn bị đi vào giấc mộng con. Dịu dàng. Sài Gòn nói như dặn dò: ngủ đi, mộng bình thường!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...