Chiến Phan

Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

Nhật ký của cha - Julie - Nếp nhà và Covid

Sài Gòn bắt đầu mùa chống dịch, các con số cứ không ngừng tăng, mấy ca điều tra dịch tễ cứ phát sinh hàng ngày như chưa đi đến cùng tận nguồn của lây lan từ khi giãn cách xã hội đến còn mỗi ba người trong một phạm vi. 

Ông già đếm nhân khẩu. Cười. Nhà này chắc phải lên phường uống trả vì vị phạm chuyện tuân thủ số người trên một phạm vi. 


Sài Gòn, ông già nghe mấy chiếc xe phường gắn loa phát nên ở nhà, chuyện cần làm là hạn chế đi đâu. Sài Gòn chưa bao giờ vậy. Ngoài đường lưa thưa người đi lại, mảnh đất của nhịp sống rộn ràng giờ như một cô nàng đang bắt đầu thiêm thiếp đi vào giấc ngủ say, như lấy lại sức của mình sau từng ấy tháng ngày phải oằn mình lên với nhịp đời vội vã.

Ông già ngồi xem lại, thấy nếp nhà cũng đổi thay. 


Gọi đò ơi!  

Như đến hẹn là gọi! Mấy bận. Cơm nước chuẩn bị xong, ông già và em thì nhau gọi mấy tình yêu của đời mình xuống cho kịp mấy món lên mâm, còn khói bốc tỏa hương thơm lừng từ thực phẩm tranh thủ xếp hàng mua từ siêu thị hạn chế số lượng người vào, khi chợ giờ phải dừng lại. Dinh dưỡng như một phần chống dịch. Em và ông già cứ thể gọi những cái tên đã từng phải bỏ thời gian tìm tòi để đặt cho mấy tình yêu của đời mình. Gọi mãi chẳng nghe trở thành gào.

Em nói: Gọi tụi con như gọi đò

Đứa anh hỏi: Gọi đò là gì mẹ?

Trong lúc em giải thích, Ông già thấy xuôi về miền Tây sông nước, thấp thoáng bóng dáng của người ở bên kia bờ, vẫy tay gọi với sang bờ bên kia, nơi có chiếc xuồng nhỏ chờ đưa khách sang sông. 

Bến vắng, đò thưa. Nhiều khi mưa gió làm cho người lái đò càng chờ đợi khách sang sông. Mấy bận, ngủ quên; cứ thế mà đò chờ một tiếng gọi đưa sang. Rồi các con sông mọc lên những chiếc cầu bắt ngang. 

Bến mất, đò đi. Giờ thì Đò đi qua lại trên một “dòng sông chảy tràn trong trí nhớ, làng anh bên lở, làng em ở bên bồi” của một Đinh Trâm Ca. Nhớ. Đếm. Thêm hai tháng nữa là đến mùa nước lênh; mấy mảnh đời nơi sông nước lại bềnh bồng. 


Hai thằng nhóc đi lựng tựng xuống, bỏ lại mỗi cô nhóc vẫn còn chưa biết nói sau gần ba mươi sáu mùa trăng, cứ chậm nói giống như mấy ông anh mình cũng bắt đầu gọi lại. 

Gọi người ơi.

Bằng mấy trò con trẻ, cô nhóc ném những miếng lego lăn lông lóc xuống từng bậc cầu thang tao tiếng vang như để gọi một con người, sẵn sàng mở rộng một vòng tay ôm; không em thì cũng là ông già. Ngoài đường, tiếng còi của xe cứu thương hú vang vọng một góc trời. 


Ông già ngồi nhìn lại, thấy đổi thay một nếp nhà. Tranh thủ. Những buổi cơm ngày ba bữa quây quần; trừ mấy bận ông già phải tranh thủ làm cho một công việc tại nhà. Ông già và đám nhóc; như chạy giặc của ngày xưa. 

Hình dung, ngày xưa người tình tóc bạc ôm con chạy mỗi lần nghe tiếng loa phát rằng dịch giã sắp đên hay tiếng máy bay quần vũ ở trên đầu; ngày nay em ôm ba đứa nhóc mỗi lần nghe ông già nói chuẩn bị họp một buổi họp online hay âm thanh đồng nghiệp phát ra từ máy tính đặt giửa nhà. 

Thỉnh thoảng, mấy âm vang của cuộc sống chen vào; mấy tiếng chuyện trò, mấy tiếng cãi nhau, mấy tiếng khóc òa vì ức chen vào trong mấy buổi làm việc online cùng với đồng nghiệp của một thời công nghiệp nghe đâu gọi là bốn chấm không; tiếng trẻ cứ vang lên vọng vào. Chuyện đấy cứ thường xuyên.

Chuyện làm ở nhà như chạy giặc. Đám nhóc xuống lầu, ông già chạy lên. Đám nhóc chạy lên, ông già chạy xuống. 

Em phụ. Lúc nếp nhà đổi thay, nhường lại buổi sáng để cho ông già làm việc ở nhà cho kịp những cái tiến độ với giờ làm. 

Em làm. Lúc nếp nhà đổi thay, sau mấy câu chuyện kể, đám nhóc đi vào những giấc mơ con. Rồi. 

Em quên. Mấy bài của sinh viên chờ đến sáng chưa được sửa; hay mấy bài tập về nhà chưa kịp làm cho mấy buổi học online khi đám nhóc đi vào giấc ngủ say mèm thì em cũng như Sài Gòn đi vào thiêm thiếp giấc ngủ say như lấy lại sức của mình sau từng ấy tháng ngày phải oằn mình lên với nhịp đời vội vã

Cứ thế cãi, dặn nhau trong mấy ngày dịch dã khi lắng nghe tiếng trẻ rộn ràng chuyển thành tiếng ngáy say sưa. Em và ông già. Tự thầm. Chuyện rồi cũng sẽ qua.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...