Chiến Phan

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2022

[Đời Sales] Từ tâm dịch - Kẻ đưa đò thuê


Người sales như một kẻ đưa đò; có khách cần qua và có người đợi khách ở bên sông. 

Chờ đợi ở một bến sông; người bán hàng phải tự ngồi đó để đong đưa con đò, chiếc đò đưa to nhỏ thế nào phụ thuộc vào công ty gửi cho và phần bản thân người bán hàng o bế. O bế sao cho một chiếc đò, sang theo dòng, hèn theo lúc, đưa người khách qua sông trong cái ngóng trông của chủ đò xem bao giờ đò có khách qua sông. 

Người bán hàng không phải là chủ một con đò, chẳng bao giờ là người ra quyết định cuối cùng, chỉ biết được là cứ thế như thoi đưa theo những gì người chủ đò mong muốn, nên nhiều khi lỡ lời hứa hẹn với khách sang sông. 

Khách đi, đò ở lại, kẻ đưa đò lỡ dở với lời hứa chẳng thế định mong, mắc kẹt với chủ đò trong sự đề phòng cho một người khách tiếp theo. Vậy nên, người bán hàng thôi đừng hứa hẹn, bởi như nói lúc đầu chúng ta chẳng phải người quyết định cuối cùng.   

Tôi từng ví von như thế. Trong mấy cuộc sẻ chia ban đầu cho mấy kẻ lần đầu gặp gỡ, tình cờ hay mơ mộng về một giấc mơ sales (bán hàng). 

Hấp lực lấp lánh ánh hào quang, khiến người khác phải ngưỡng mộ với ánh nhìn của con ngươi đang mở to nhất có thể từ vóc dáng bề ngoài đến tác phong của người bán hàng dù trong mỗi cuộc chơi, chuyện trò luôn là người nổi bật.

Vì đấy là những thứ cơ bản cần có, người bán hàng cần có để ở lại trong mắt tất cả mọi người, ít ra là với khách hàng để rồi trong ngổn ngang già, non đoán bắt hình dong đó, người bán hàng muốn lưu giữ lại một hình ảnh trong tâm trí của một kẻ muốn quên mình.

Toyota khoác lên đồng phục cho nhân viên, ở những năm đầu của thập niên 2010, trang phục đó là áo trắng, quần (váy cho nữ) màu đen hoặc xanh đen; khoác thêm chiếc áo vest bên ngoài vào làm tăng thêm sự chỉnh chu, hớp hồn khách đến ở buổi ban đầu. 

Sức mạnh của đồng phục được dịp thể hiện; sức mạnh của thương hiệu thể hiện từ logo Toyota trên ngực áo hay những huy hiệu được cài lên làm gia tăng sức mạnh của đồng phục như công cụ để trang bị cho người bán hàng, sẵn sàng cho một món hàng giá trị là chiếc xe. Chiếc xe là một tài sản ở thời điểm này.  

Sự hài hước làm lấp lánh một con người. Tôi chưa gặp người bán hàng nào thiếu sự hài hước, thậm chí có người gần như là một năng khiếu.

Tôi là gã nói nhiều, nhưng khi tham gia với những người bán hàng, thường tôi chỉ ngồi nghe và cười, bởi năng khiếu hài hước của họ là vượt bậc. Tôi không có cơ hội để có thể “chêm” vào một vài từ hoặc một vài câu để thấy bớt lẻ loi trong mấy câu chuyện ngồi cùng.

“Hẹn chiều nay mà sao… không thấy lên” Câu hát trong bài “chuyện hẹn hò” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã được “chế” lại. Đó là khoảnh khắc của việc đợi của người bán hàng với một cái hẹn của khách sẽ nói rằng ghé đến showroom xem xe và chờ mãi không thấy.

“Tôi xin người cứ gian dối, nhưng xin người hãy …trả tiền cho tôi”. Người đàn ông phốp pháp dùng câu hát để…đòi tiền bạn đồng nghiệp, chẳng ai có thể giận vì làm mất mặt trước đám đông. Tôi nghĩ đến nhạc sĩ Duy Quang cũng phải bật cười vì không thể nào tưởng tượng một ngày khúc hát mình được hát lại trong tình cảnh này. Trái ngang. 

Tôi nhớ anh - Nguyễn Thế Vỹ. Tôi nhớ người đàn ông hào sảng của một Toyota Hùng Vương những năm đầu thập niên 2010 đó. Tôi thích lẽo đẽo tham gia những nơi anh đến trong buổi cafe hay buổi nhậu, chỉ để ngồi nghe rồi cười, chỉ đấy thấy rồi học…học cách hào sảng trong anh. Chất bán hàng thể hiện rõ nhất ở năng khiếu hài hước là đây.

Tôi nhớ anh - Nguyễn Thế Vỹ. Tôi viết ra vì sợ rằng thời gian bào mòn trí nhớ, sợ mình cư xử như một khách qua sông, chỉ lụy đò một lúc, rồi đi, chẳng nhờ gì…dù là một cái tên.

Học tôn trọng là thử thách của người bán hàng. Thật lòng đi ra từ trong nhận thức không dễ dàng, bởi áp lực của kẻ đi sang đò và người cho mượn một chiếc đó để chở thuê.

Thằng nhóc với vóc dáng cao, gương mặt sáng và đang chuyển màu sang sắc đỏ, mắt xuất hiện những đường chỉ đỏ tiến vào căn phòng, đâu đó như báo hiệu tuyến lệ bị ngăn chặn giữa chừng, giọng run run hỏi: có cần thiết phải vậy không anh, chẳng ai, chẳng ai…

Tôn trọng mình! Tôi tiếp lời. Vốn dĩ đã quá quen với những ngày đầu như thế, những ức chế vẫn chưa nhạt phai, những bế tắc vẫn còn lẩn quẩn đâu đây ở cảm giác ban đầu ấy nên câu chuyện của những mái đầu trẻ không còn là chuyện lạ với tôi. 

Sự tôn trọng dành cho người bán hàng là hiếm, đó là sự thật cay đắng dù nói như thế nào đi nữa. Sự cay đắng thể hiện từ trong cả ngôn từ đôi khi đến cả hành động. Tôi dị ứng khi phải nghe từ “đám, bọn, tụi” …rồi gắn chữ sales nghe khinh miệt, ít nhiều, chỉnh vài người quen nhưng dần nhận ra thói quen đó đã ăn sâu, khó thể bào mòn, thay thế.  

Như một tấm mề đay có hai mặt, sự tôn trọng phải đến từ hai phía. 

Tôi bắt đầu ngăn dòng cảm xúc trẻ lại với những thứ chưa từng gặp, với những việc chưa từng nghĩ sẽ xảy ra với mình…như vậy. Thấy vị chua chát làm tê đầu lưỡi khiến môi run không thể nói hết trọn lời. 

Tôi chưa đủ già để dạy đời một đứa trẻ kém chưa đủ chục. Tôi chưa đủ chín để nói về những triết lý thâm sâu; đại để: muốn người khác tôn trọng mình, mình phải tôn trọng họ trước đã.

Khó quá bỏ qua. Tôi dặn lòng trong cái ráng chiều đang không thể len lỏi trong căn phòng của chúng tôi ở một góc Bitexco tầng 12 khi đó, nơi trụ sở của văn phòng tài chính Toyota thay đổi từ Nguyễn Thị Minh Khai dời về.  

Thằng nhóc cần giải pháp. Đó là thứ quan trọng lúc này chứ không phải là triết lý thâm sâu, người bán hàng chỉ cần thứ gì đó đơn giản và tức thì. Tôi cho giải pháp, nhưng lưu ý cân nhắc thời điểm, hay chính xác hơn là tâm trạng. Sự cân bằng trong tâm trạng, hay nói chính xác hơn là cảm xúc. Tôi chia sẻ rằng sẽ tốt hơn khi thằng nhóc không phải giải quyết với tâm trạng thế này. Đâu đó, kêu gọi quay lại với vị trí mình chọn – kẻ đưa đò. Tôi cần một sự bình tĩnh từ thằng nhóc, bắt đầu tiếp công việc đó.

Việc cần làm không phải là buông bỏ, điều này hơn ai hết là tối kỵ với người bán hàng. Họ có rất nhiều lý do để cố gắng. Điều đó không nằm hẳn hoàn toàn ở chỉ tiêu, thứ chỉ có đi lên mà không bao giờ đi xuống. Chưa kể ở đằng sau là cả cơm, áo, gạo, tiền; người bán hàng hiểu giá trị của đồng tiền hơn tất thảy. 

Thằng nhóc nhíu mài, lắng nghe, im lặng, mắt thỉnh thoảng thả về một khoảng không.

Tôi cho em một lý do nữa: Nghĩ đến sales (tôi muốn nói đến nhân viên bán xe của đại lý) và khách hàng, hãy tiếp tục vì họ nữa chứ không chỉ riêng em. Những con người xứng đáng để qua gặp kẻ ở bên sông - quá xa để nhìn thấy, quá mờ để có thể nhận ra dáng hình của kẻ sắp qua sông; chỉ có những kẻ như tôi và thằng nhóc may mắn có được điều đó thì việc còn lại là phải cố gắng vững tay chèo để lèo lái con đò đưa khách qua sông. Thuận dòng; không nghịch nước, khéo chòng chành nửa đường làm lỡ khách qua sông. Đủ gần để nhìn thấy, đủ rõ để làm cùng từ người chờ ở bên sông.

Thế thôi là đủ rồi!

Thế thôi là tôn trọng!

Thế rồi ở một hôm nào đấy, khách qua sông tìm đường quay trở lại, đứng ở đầu bên ấy, cất tiếng to vang gọi đúng tên chứ không còn hai chữ: đò ơi!

(P/s: (1)Viết từ một độ Sài Gòn bắt đầu giận lẫy với những cơn say nắng giữa ngày để chiều về lất phất ngắm mưa bay rồi đêm về nặng hạt ngập khắp một ngỏ quanh. (2) Thằng nhóc mà tôi nói và tự hào vì sau khi luân chuyển sang bộ phận phê duyệt và làm việc ngon lành với những ý tưởng cải tiến liên tục - Ưng Thanh Phú)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...