Chiến Phan

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

[Đời Sales] Từ Tâm Dịch - Bao cấp thời hiện đại


 Ngày 30 tháng 07 năm 2021 

“Ông bà anh” làm bùng nổ sân khấu Sing My Song 2016. Khi chàng trai chuyển giới Lê Thiện Hiếu hát, thu hút được người nghe đến bài hát với giai điệu bắt tai và ca từ kể câu chuyện thời gian với sự khác biệt trong cách bày tỏ tình yêu ấy của…người xưa và người nay. Chuyện của một thời bao cấp đã qua. 

Tưởng rằng bao cấp chỉ còn là hoài niệm; thì năm năm sau, tôi được sống lại những ngày tháng của cha mẹ, ông bà lúc “sáng cả nước lo việc nhà, tối về lo việc …hứng nước ấy”. Không chỉ đất nước mà còn là mỗi nhà đóng cửa để chống một thứ “giặc” gần như vô hình.

 

Niềm tin về một thể chế vẫn không lung lay, tin tức tốt đẹp vẫn đến khi thành phố thông báo tập trung nguồn lực tối đa giảm ca tử vong, làm rõ một các hướng dẫn phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng trong phòng chống dịch Covid-19. 

Hoạt động thiện nguyện trong và ngoài nước được kêu gọi, không chỉ là ở cấp chính quyền. Thật ra, mọi người không chờ được kêu gọi để hành động, tất cả trái tim biết rung động đã hành động trước lời kêu gọi. 

Bếp vẫn luôn rực lửa. Cô bạn thời đại học, cùng người chị mình vẫn miệt mài với nhóm thiện nguyện đặt tên Sala; tên loài hoa mang sắc hồng nở như một đóa sen con ở giữa lưng chừng trời, theo tương truyền là nơi Đức Phật được sinh ra dưới gốc cây Sala. Hình ảnh vẫn được cập nhật đều đặn, gia đình ba thế hệ vẫn miệt mài đóng gói từng hộp cơm để phát cho người khó khăn giữa lúc Sài thành phong tỏa. 

Tất cả nhóm thiện nguyện vào cuộc, địa điểm giúp đỡ người khó khăn bắt đầu xuất hiện ở khắp ngõ ngách của Sài thành, sự chia sẻ và chung tay giúp đỡ không chỉ từ bên trong thành phố, có cả những chuyến hàng đến từ khắp nơi trên đất nước hình chữ S đổ về. Ông anh thứ ba chụp hình, quay clip khoe nó về chiếc xe tải anh vừa cập ở một quận 10, theo một đoàn thiện nguyện, cách chỉ vài km, anh em chỉ có thể trao đổi với nhau qua màn hình Zalo. Tình yêu thương thay không còn phân biệt tôn giáo, tất cả đều chung tay.


Tình yêu thương và tình đồng bào vượt biên giới; Kiều bào bắt đầu theo dõi tin tức của quê nhà, gửi đến những kênh quyên góp mà mình biết, chuyện có sử dụng đúng mục đích đều gác lại ở phía sau.  

Tuyến đầu được ưu tiên, Bộ Y Tế tiếp tục phân bổ 2,9 triệu liều vaccine, gửi công văn không giới hạn số lượng tiêm vaccine mỗi ngày. Các tỉnh thành ưu tiên tiêm vaccin cho lực lượng y tế tư nhân chống dịch.

Tìm hiểu về nguồn cung khan hiếm, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng được nói đến như một đề tài đang nóng. Đằng sau sự đứt gãy, chính là các phương tiện vận chuyển nối đuôi nhau trong việc chờ cấp thẻ nhận diện “luồng xanh”. 

Cảng Cát Lái quá hạn hàng tồn kho. Nhiều ngân hàng cho nhân viên ăn ngủ tại chi nhánh, phòng giao dịch. Nơi tôi làm, mọi người vẫn sắp xếp luân phiên để đảm bảo duy trì trong khả năng tốt nhất có thể. 

Thành phố mười triệu dân, sự khan hiếm do đứt gãy và tin tức của những chuyến xe nối dài, giá cả tăng chóng mặt đã khiến lòng người hoang mang. Sự nhỏ giọt của tin tức càng làm gia tăng sự hoài nghi. Tâm lý bất ổn đã hình thành và ngày càng tăng cao.  

Đại học Sư Phạm thực hiện dự án tư vấn tâm lý cho người dân khu cách ly, phong tỏa, tên gọi SpyCare.


Nhà bắt đầu hết đồ ăn, đồ ăn dự trữ một tuần đã cạn. Việc dự trữ những mặt hàng tươi sống chỉ đủ một tuần đối với gia đình năm miệng ăn, vẫn có một tâm lý chủ quan nghỉ rằng mọi thứ..sẽ qua, như câu chuyện của năm trước vẫn còn đó. Đất nước trọn niềm vui vì kiểm soát được đại dịch. 

Ai cũng muốn sống. Giữa cái đói và cái chết chọn cái nào, câu hỏi bắt đầu nhảy nhót trong đầu và tất cả đều có cùng một đáp án. Sự e ngại nhiễm Covid khi muốn ra ngoài đã ít nhiều sụt giảm. Tìm kiếm đồ ăn cho gia đình, thấy mọi người vẫn cùng một tâm trạng, tìm cách để sống rồi chống…dịch, mọi người buôn bán và trao đổi với nhau những nhu yếu phẩm. 

Vật bất ly thân, phiếu đi chợ và tiền. Câu chuyện của ông bà dường như xa lạ, hôm nay quay trở lại hiển hiện rõ, như đã từng được nghe kể lại từ một người là đối thủ trong công việc với một thằng nhóc chập chững bước đầu đến tài chính Toyota và làm việc tại Toyota Đông Sài Gòn ở những năm đầu cuối cùng của thập niên 2000, ở một chiều Sài Gòn lất phất mưa rơi bên ngoài khung cửa kính nằm nơi quận 2 ấy.   

 

 

Anh phụ trách giải quyết vay mua xe. Tên anh cùng tên với một quản lý kinh doanh khi đó - Nguyên. Tổ ngân hàng của Toyota Đông Sài Gòn thành lập với hai thành viên đảm đương. Gã đàn ông với dáng người dong dỏng cao, cặp kính làm tôn lên nét trí thức với mái tóc luôn lúc cắt sát gọn gàng, đồng phục áo trắng quần xanh dương đậm càng như thể anh sinh ra để trở thành một dân văn phòng vậy. Một trí thức của Sài Gòn xưa sống giữa thời hiện đại là cảm giác anh mang đến cho tôi khi đó. 

Chẳng có kẻ thù nào là mãi mãi. Ngoài công việc, cả hai phải chiến đấu để giành giật khách hàng vay về cho tổ chức mình, tôi là kiếm khách cho tài chính Toyota, anh là hàng tá các đối tác ngân hàng nằm trong danh sách chờ, những ngân hàng đã làm việc với anh lâu, sẵn sàng đáp ứng những gì cao nhất có thể. Điểm chung duy nhất, tôi và anh đều phải giải quyết vấn đề vay cho khách hàng mua xe của Toyota Đông Sài Gòn. 

Anh kể, tôi nghe

Vội vã trở về vội vã ra đi.

Tôi mở lời rằng thích nhạc vàng và thích lắng nghe những con người “ngày cũ” kể chuyện “cũ ngày xưa”. Bạn của tôi đa phần lớn tuổi. Tôi thích thế. Bởi kẻ sống lâu đầy ắp những câu chuyện đời.  

Tôi kể anh nghe về một trong những người bạn. Tôi chỉ tóm tắt dùng đại từ danh xưng “anh”. 

Anh thường nhắc lời nhạc Phú Quang của Hà Nội ngày trở về. Lời nhạc như viết cho anh. Kẻ rong chơi trên những nẻo đường đất nước. Cứ đến hàng năm gần đến ngày độc lập. Anh về lại với Sài Gòn. Đến hẹn. Tôi lùng anh để lắng nghe câu chuyện của ngày xưa thân ái. Tưởng đã nhạt nhòa, vậy mà cứ sống lại qua từng ấy năm. Nghêu ngao. Nghe lời anh kể, giữa gió bụi tha hương.

 

Anh kéo ghế, ngồi đối diện khi tôi kể xong chuyện một người bạn. Nghe anh kể khi cơn mưa đầu mùa chợt đến. Rĩ rã. Anh kể về đời anh. Phong trần gió bụi vương mùi bùn đất quê hương. Tôi chỉ thích câu chuyện của anh sau ngày độc lập. Ngày đất nước trọn niềm vui.

 

Câu chuyện như một cuốn phim tư liệu đen trắng được anh dùng lời kể chiếu lại cho người nghe bằng những hình ảnh tưởng tượng. Sống động. Nếu không nói chuyện với anh, chắc chẳng bao giờ tôi biết được những gì của quá khứ hôm qua từ ngày lá cờ bay trên nóc dinh Độc lập, và hơn hết là tôi biết: anh có tài kể chuyện. Không giống như ngày đầu. Tôi chẳng ưa anh.

 

Khắc khẩu với anh từ ngày đầu gặp mặt, rồi công việc cuốn đi tạo điều kiện tiếp xúc mà thành thân. Lúc nào không hay. Tôi hiểu hơn về con người đa cảm này, khác cái vẻ bề ngoài khô cằn hay cáu gắt ấy. Qua anh biết được.

 

Thì ra có một thời gian khó. Ăn độn bobo cho qua bữa, thịt thà trở thành món vật lạ. Khát thèm. Những gia đình cán bộ, mọi thứ đều gắn theo một khuôn khổ với những khẩu phần cấp riêng, lớn lên trong một gia đình như thế anh thấy mình đi trước tuổi thanh xuân. Háo hức. Mong đến ngày phát phiếu lãnh thức ăn, nhớ chân sáo về nhà mang lạng thịt với mở phần nhiều, được buộc dây cẩn thận. Đong đưa. Trong tay thằng nhóc áo thun ba lỗ không còn nhận ra màu gì trong chiếc quần luồn thun, chỗ vá chỗ lành. Phong phanh.

 

Sống tập thể.

Nước trở thành vấn đề thiết yếu của mọi gia đình. Chong đèn. Thức canh hứng nước đêm khuya giữa những cơn gió lùa mát lạnh của một Sài Gòn về đêm. Râm rang. Ve sầu gọi hè đánh thức đêm tĩnh lặng. Hòa bình.

 

Điện cũng chẳng hơn nước, cứ thấp đèn dầu mà soi rọi đêm đen. Bài học thuộc lòng. Tiết kiệm là hàng đầu. Đôi khi. Như vậy lại hay, cứ tối ra hàng ba, các gia đình ngồi quần quay kể nhau nghe của chuyện một ngày. Gió thổi bay qua đời vất vả. Trẻ cứ chơi đùa ngập của sân loe lói ánh đèn. May mắn được một vài đêm sáng trăng. Hiếm muộn.

 

Tôi thấy thấp thoáng của xã hội Trung Hoa trong những ngày hòa bình vừa lặp lại. Giống nhau. Tự cung tự cấp. Tự vất vả, tự vượt qua. Ngạo ngược.

 

Nghe câu chuyện anh trong cái giận hờn của trời đất. Nước bắn tung tóe rồi chảy thành dòng trên mặt kiếng. Nhạt nhòa. Mưa tuôn xối xả như muốn trút hết mọi nỗi niềm. Chịu đựng nắng lâu quá rồi. Nắng hạ ơi. Trên đường người người vẫn đang vất vả chống chọi lại thiên nhiên. Hờn giận giữa đất Sài thành. Anh thả lỏng người trên thân ghế dõi mắt về phía màn mưa con. Như tiếc nuối.

 

Sài Gòn ngày ấy.

Nắng ngày ngọt dịu cho đêm về lộng gió. Mát lành. Cây xanh buông lá rợp mọi nẻo đường. Yêu thương. Vài đêm trăng sáng, lũ bạn vui đùa với những trò trẻ dân gian. Mộc mạc mà khó quên. Ký ức in hình trong nỗi nhớ.

 

Trong nỗi nhớ của tuổi thơ ngày ấy. Truyền hình. Một dấu ấn riêng nằm trong trang kỷ niệm. Hẹn hò. Cứ đến tối lại lên, đi xem vô tuyến, cả xóm mới có một nhà khá giả được chiếu cho bà con xem. Đã thèm. Cơn khát những bộ phim Nga, kể ra tôi chưa từng biết, cố gắng chỉ biết mỗi cô bé Maika, chỉ vì là phim quá nổi tiếng, đã đi vào tuổi thơ dữ dội ngày ấy.

 

Trước khói lửa đạn bom, sau điêu tàn thiếu thốn, ấy vậy mà nỗi nhớ càng thêm khắc sâu.

Anh nhớ tình làng nghĩa xóm, chia lửa khi tối đèn và sen sẽ vài lon gạo khi vơi. Đậm chất văn, thấm tình người. Vậy mà. Tình làng nghĩa xóm ngày hôm qua đã phôi pha khi hôm nay nhìn lại. Cái nghĩa tình mất đi chỉ còn lại câu nói “live behind the door - sống đằng sau cánh cửa” buồn bã và chua chát.

Giọng anh buồn trong khói thuốc bay, ly café không đường không còn dịu ngọt trong hơi thở của thời đại. Rối bời. Gió thổi bạt cả một hàng cây, những đợt sóng nhỏ rượt nhau theo cơn gió trên mặt đường ngập nước.

 

-      Tôi hỏi anh cái học ngày ấy thế nào?

Bài học gian khó. Hiện thực nó bằng lời anh không tài diễn tả. Dẫu rằng với tôi, anh là kẻ kể chuyện hay. Chỉ biết rằng: thép đã tôi thế đấy. Để bây giờ tôi mới được may mắn gặp anh. Lắng nghe câu chuyện của ấu thơ anh. Hứng khởi.  Không chỉ là hoài niệm mà còn bổ sung vào trí nhớ: một phần trải nghiệm của đời mình qua lời kể, để rồi biết đâu sẽ kể lại cho con cháu sau này. Dẫu chỉ là dư âm thôi.

 

-      Tôi hỏi anh: nếu ngày ấy quay lại anh có thể sống như thế được không?

Anh mỉm cười, bảo rằng không. Bản thân anh không biết được làm sao mình có thể chống chọi và vượt qua những ngày ấu thơ vất vả ấy. Giờ cuộc sống đủ đầy, có phần dư dã anh cảm thấy mình không còn đủ sức lực và tinh thần để vượt qua. Con người thật lạ.

 

Có một chút nhớ nhớ, có một chút yêu yêu

Những gì của ngày hôm qua. Biết vậy, nhưng hôm qua cứ để lại hôm qua. Quá khứ là kỷ niệm. Kể lại nhau nghe khi tâm trạng dâng tràn. Giống anh. Mỗi lần kỷ niệm ngày hòa bình lập lại nơi miền Nam. Yêu dấu. Ta sống trọn hôm nay để làm tất cả cho ngày mai. Dẫu rằng một ngày mai có ra sao vẫn không ai biết.

 

Cơn gió không ngừng thổi, mưa vẫn không ngừng tuôn. Nước bắn tung tóe khi mỗi lần xe vượt qua, trắng xóa một góc tầm nhìn. Tắm mát cả một con đường, cầu vượt Cát Lái thành hình đang rùng mình, sảng khoái cùng mưa. Đất nước ngày đổi mới.

...

Trong cùng ngày, tôi đọc xong quyển sách thứ 75 của năm như một sự trùng hợp về tâm trạng khi nghĩ về chuyện gì sẽ diễn ra trong mỗi con người chúng ta sau dịch, có giống như một thế hệ đã trải qua chiến tranh ở đất nước mặt trời mọc hay không? 

 

Sự đủ đầy của giản đơn - Andy Couturier

 

Triết Lý Sống Từ Vùng Quê Nhật Bản

 

Một thế hệ Nhật thời hậu chiến mang theo những trăn trở của Tuổi Trẻ trong hành trình tự tìm tòi và khám phá về cuộc sống, đi tìm mục đích của riêng mình.

 

Một thế hệ bước vào cuộc sống với những ám ảnh và hoang mang như một bức tranh ghép bị xáo trộn bởi chết chóc, đau thương với tiếng đạn bắn, bom rơi trên đầu; từ từ ghép lại từng mảnh ấu thơ nghèo đói đến trưởng thành với những câu hỏi luôn khắc sâu trong đầu về cái đã được truyền dạy. 

 

Thế hệ đó bắt đầu dịch chuyển và nhận ra được mục đích của cuộc sống mình nơi đất Phật thiêng liêng như tìm được mảnh ghép cuối cùng cho bức tranh cuộc sống mới, tự do và gần gũi với thiên nhiên. Cuộc sống mà sự cám dỗ của đồng tiền bị bỏ lại phía sau như vốn dĩ chưa hề tồn tại hoặc có chăng cũng chỉ là một phương tiện trao đổi như đúng bản chất ban đầu của chúng; chứ không phải là hành trang trên con đường mang lại sự tư do trong bản ngã và tâm hồn. 

 

Thế hệ đó bắt đầu phân rã sau khi tìm đến đất Phật rồi trở lại Nhật Bản, có người quay trở lại với guồng quay của cuộc sống - họ chấp nhận đưa mình trở lại cuộc sống "bình thường" với những cuộc sống xoay quanh với cơm, áo, gạo, tiền với lý lẽ cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn bằng nhiều học thuyết vỗ về; có người đi tiếp với sự phát hiện của mình về một cuộc sống mới: giản đơn, tự do và gần gũi với thiên nhiên trong cách nhìn "thiếu thốn" của những con người chọn con đường thứ nhất.  

 

Quyển sách là hành trình ghi chép lại mười cuộc phỏng vấn của tác giả với mười con người mang trên mình cùng một suy nghĩ về cuộc sống chọn con đường thứ hai. Tự do, giản đơn là chân ái tìm về.

 

Từ một thở gốm theo chủ nghĩa vô trị "nói ra thật to lòng biết ơn của mình về một ngày rực rỡ và đáng quý này"

Một Atsuko Watanabe là một người mẹ, một nhà hoạt động có nguyên tắc sống của riêng mình "nếu anh cứ tiếp tục di chuyển, cuối cùng thì chẳng ổn định được, anh không thể nào thấy an tĩnh"

Một Phật tử như Kogan Murata - bạn sẽ cảm nhận được tiếng sáo hòa với đất trời tự do

Wakano Oe - một nghệ nhân tạo hình từ các con rối mà "đôi khi chỉ cần chạm vào Đất mẹ là đủ đầy"

 

Một nhà sưu tập gốm sức Gufu Watanabe thích ghi chép bởi "nếu không ghi chép lại thì bạn sẽ dần mất đi cảm giác về nơi đó"

 

(Tôi gặp lại) Triết gia của những cánh đồng lúa Koichi Yamashita: "Khi bạn viết một cuốn sách, đó là sự thảo luận của bạn và chính bản thân"

(Trích: Đời Sales)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...