Chiến Phan

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

[Người tình tóc bạc] Bóng mây qua thềm (2)


Người phụ nữ với mái đầu tóc hóa mây bay, thả cái nhìn về phía trước khi ánh sáng chuyển sang màu đen thẩm. Có tiếng ai đó đang gọi mình!

Đứa bé gái bắt đầu lần theo sườn núi từ buổi sương sớm đang tụ lá để đi xuống làng, vác trên vai là đôi bao gạo như món quà mang đi tặng mẹ. Đứa bé gái đó thường chọn ngày đi giửa tháng, để đêm đường về được soi tỏ bởi ánh trăng. Con đường đó thưa vắng người đi vì người ta kể nhau nghe rằng đã từng thấy ông Hổ xuất hiện ở nơi đây, thành ra gần những con người sống ở mãnh đất miền nắng, gió sợ hãi khi phải qua đây. Đứa bé gái được gia đình một người dì nuôi: chăm em, phụ việc…sắp xếp sáng đi, chiều về; vừa đi vừa cầu nguyện cho trọn một ngày trong tháng được thỏa lòng ước mơ: gặp lại mẹ mình.


Người phụ nữ tóc hóa mây bay, nở nụ cười thân thiện cùng đứa bé gái, chẳng biết vì đâu lệ ngấn ở vành mi không chảy tiếp được khi ánh sáng phía trước chuyển sang màu khói trắng như muốn nói: không sao đâu, rồi mọi thứ sẽ ổn! Có tiếng ai đó đang gọi mình lần hai!

            Đứa bé gái theo thời gian thành cô gái như ai rồi cũng phải lớn, phải sống bằng một gian hàng bán đồ ăn cho lính: lính Mỹ, lính quốc gia, lính cộng hòa…đủ loại lính. Những cô bán hàng chỉ để ý lắng nghe tiếng tỏ tình của anh Việt Cộng đi theo tiếng gọi của nước, của nhà. Cô bán hàng ngồi nghe rồi tỏa nắng làm như không biết tiếng tỏ tình vì cái miệng anh thương, hay vì anh thương cái miệng mình bởi những món ăn làm anh rung rinh, hay cả hai.

Mỗi ngày cô bán hàng ngồi nghe mấy lời tán của mấy chàng lính Quốc Gia rồi cả mấy anh lính Quốc Gia thời cha Cộng Sản. Chuyện tình của cô bán hàng và anh chàng Việt Cộng làm bao nhiêu người tiếc nuối vì…hụt. Cô bán hàng là giao liên của truyền đơn đi phát để lót dưới mấy món hàng, anh Việt Công đem lòng nhớ nhung một con người cùng chung một lời thề với Đảng. Cô bán hàng thích chàng trai đeo đuổi những ước mơ, điên rồ một chút lại càng hay.

Những yêu đương ngắn ngày của đôi lứa nhường lại cho tình yêu dài ngày bởi khát vọng quốc gia, dân tộc; mấy cô bạn hàng cũng giống cô bán hàng bắt đầu nghe mấy khúc Trịnh ca da diết, rồi kết thúc bằng mấy bản nhạc của Lê Thương về “Đoàn người ra đi” đến “Ai xuôi vạn lý”

 

Người phụ nữ tóc hóa mây bay, nở nụ cười đồng cảm cùng cô gái, chẳng biết vì sao lệ chẳng thể chảy thành dòng, chỉ muốn nói: không sao đâu! Rồi mọi thứ sẽ qua. Lúc đó, ánh sáng phía trước chuyển sang một màu xanh hy vọng. Có tiếng ai đó tiếp tục gọi mình lần ba!

            Cô gái ấy giờ trở thành phụ nữ. Người phụ nữ theo anh Việt cộng đi về vùng giải phóng từ miền khói lửa chiến tranh nơi vĩ tuyến phân chia với bốn mái đầu lóc nhóc theo sau tìm hy vọng khi hòa bình lập lại sẽ không phải chia lìa và tìm thấy thới lai. Miệt mài và đắng cay. Người phụ nữ của nắng gió bám rịt vào da gặp lại. Đắng cay và miệt mài.

“Thời chinh chiến đã qua rồi sắc màu tôi” Anh Việt cộng đón người phụ nữ bằng một người phụ nữ mới. Tình chị, duyên em. Đắng cay phai nhạt, lạt vị yêu đương. Người phụ nữ ôm bốn đưa con xuôi về miền sông nước, chiến đấu giữa thời bình với thiên nhiên từ nước lũ dâng cao, đến mưa rào giăng lối ở một thời ngăn sông cắm chợ. Vác gạo, buôn đồ, bám chợ để nuôi con. Con người ta luôn biết cách thích nghi. Người phụ nữ của sương gió ăn vào thịt máu, mấy đứa con cũng hòa chung một nổi vất vả của người phụ nữ nuôi mình.

Anh Việt Công cũng tìm về nơi miền sông nước, tụ hình tiếp minh chứng một tình yêu. Người phụ nữ ấy bỏ lại mấy cái nhìn của mấy người trai miền Tây khi “chiều nay dừng chân quán bên sông mưa tầm tã, chợ nghe bài ca cũ mênh mang một nổi buồn”

Anh Việt Cộng không biết rằng chuyện cũ chưa nguôi, chuyện mới lại mang đến làm tan nát cõi lòng cô bán hàng năm xưa vì chuyện anh Việt Công hết lòng với Đảng với đồng chí anh em, thả cho người phụ nữ mấy câu nhẹ nhàng: Bỏ đi em! Anh phải đi đầu, làm gương! Bỏ đi em! Tranh mấy để làm gì.

Bỏ đi em là bỏ một miếng đất từng là một hầm đầy sình lầy cỏ dại được lấp đầy bằng những thúng đá đội từng ngày của người phụ nữ và của con anh, chỉ mong thoát một kiếp lênh đênh, lên bờ tìm cho mình một cái gọi là nhà. Đồng chí của anh muốn giúp người phụ nữ ấy một tay bằng cách làm sổ đất rồi ghi tên mình vào.

 

Người phụ nữ tóc hóa mây bay, nở nụ cười thứ tha cùng người phụ nữ, lệ cho anh đã cạn tự bao giờ như muốn nói: không sao đâu! Bình tĩnh sống. Lúc đó, ánh sáng phía trước chuyển sang một màu xanh vàng vọt. Có ai đó nhấc bổng người phụ nữ lên trong tiếng gọi xung quanh

            Người tình tóc bạc là cái tên thằng nhóc từ tụ hình tình yêu cuối của cô bán hàng và anh Việt Cộng năm nao đặt cho. Chuyện trò. Người tình tóc bạc kể thằng nhóc nghe ở một trời mây bay phiêu lãng, nhìn khói lam chiều bay lên như muốn nhắn với mây trời chuyện đấy có biết không: yêu thương – thù hận – thứ tha – tội tình.

 Thanh xuân theo đuổi ước mơ rồ dại. Bát thập bùi ngùi khôn dại ở thanh xuân.

 

Người phụ nữ tóc hóa mây bay bập bẹ miệng nói mấy lời trấn an những đứa trẻ sống lâu tóc cũng bắt đầu điểm bạc đang quay quần ở xung quanh. Miệng méo, tay và chân không cử động được. Người tính tóc bạc kể lại cho mấy đứa trẻ tóc cũng hóa mây bay nghe chuyện vừa rồi. Lúc đó, ánh sáng phía trước chuyển sang một màu tim tím. Có những nụ cười với mấy lời nói trấn an. Người phụ nữ như muốn tự nói với mình: Không sao đâu! Cứ an nhiên vì đời là cõi tạm!

            Thằng nhóc từ tụ hình tinh yêu cuối cứ rong ruổi mãi với cuộc đời mình nơi phố thị bắt đầu truy tìm những nguồn lây bệnh với nhưng ca mới phát sinh hai con số mỗi ngày. Thèm nghe, mấy lời người tình tóc bạc kể ở những chiều mây bay phiêu lãng hay ở những đêm trăng rọi xuống thềm nhà với sỏi đá đã quên tên. Tự tình.

Như một Trần Tiến đã đi từ cõi chết về miêu tả lại Sắc Màu, người tình tóc bạc thấy lại cuộc đời mình trôi nhẹ như một giấc chiêm bao. Tự hỏi. Ta sống vì điều gì từ một thằng nhóc sống lâu.

Nhắn với mây trời, cảm ơn vì vừa mang người về từ một cơn thập tử nhất sinh.

https://chienphan.blogspot.com/2012/06/bong-may-qua-them.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...