Chiến Phan

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

[Nhật ký của cha - Julie] Trường Sa - Hoàng Sa



Nắng rọi ở cuối trời, mốc meo vậy đủ rồi. Lên đường thôi! 

Chiếc xe băng băng trên đường lộng gió, dòng nước uốn lượn kế bên như chạy theo cổ vũ cho những chàng trai, cô gái đang tiến về phía trước, tiến về phía mặt trời. 

Cuộc sống bắt đầu thay đổi như…lẽ thường. Ông già, em và ba đứa nhóc bắt đầu hành trình quen thuộc của mình ở mỗi độ cuối tuần về của một mùa dịch Covid ghé thăm…từng nhà, hỏi thăm từng người, dặn dò nhau cẩn thận của một Sài Gòn chìm vào tỉnh mịch. Người đi thưa thớt dần bởi có người về quê, có người hưởng lời kêu gọi…ở nhà. 

Nắng rọi ở cuối trời, mốc meo vậy đủ rồi. Lên đường thôi! 

Chiếc xe đi theo một hành trình định sẵn, cứ bám sát Trường Sa với Hoàng Sa để mà đi. Lòng vòng. Một bên là những quán hàng đã đóng cửa im ỉm, vài cửa hàng ghi lại dòng chữ “bán mang đi”, chỉ có những ngôi chùa, nhà thờ đóng kín xen lẫn trong những quán hàng thấp lên một màu vàng nghệ với màu trắng xanh như bầu trời ở mấy độ cuối tuần, nắng rọi xuống bờ sông lặng sóng long lanh. Một bên bờ cỏ xanh rì bắt đầu mơn mởn như mừng thầm, ít người dẫm đạp nên nhờ thế mà vươn lên lành mạnh. 

Cuộc sống thay đổi bắt con người phải đổi thay. Thường tình. Ông già, em và ba đứa nhóc bắt đầu một hành trình tắm nắng sau khi đã nhốt mình suốt một tuần nơi nếp nhà ba chục mét vuông theo một dáng hình đa cạnh. Những đứa trẻ bắt đầu quen dần với tên gọi Hoàng Sa – Trường Sa. Đâu đó. Ông già kể: đó là quần đảo của chúng ta ở ngoài biển khơi xa đó! Nơi đó khiến một Nguyễn Thế Kỷ buâng khuâng để viết thành bài thơ ấy: Buâng khuâng Trường Sa, rồi một nhà báo Lê Đức Hùng gắn giai điệu vào tạo thành một bản nhạc. 

Mấy đứa nhóc chẳng buồn nghe câu chuyện! Như mấy cái ký ức của riêng ông già dù có ùa về tìm hiểu về một dòng máu chính chiến của xa xưa và tò mò muốn biết cái không khí trước khi biệt động thành tìm đến có giống như hôm nay tất cả lặng như tờ? 

Nắng rọi ở cuối trời, mốc meo vậy đủ rồi. Về nhà thôi! 

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt! Chiếc xe cứ lượn vòng quanh hai con đường mang tên đảo của quê hương. Dặt dìu. Chiếc xe chạy qua những tàng cây đổ những hoa nắng xuống mặt đường, qua những lòng cầu để bày trò “tàu vào hầm với giả tiếng còi vang” của ông già và ba đứa nhóc, qua những đợt gió hát đung đưa làn tóc nhỏ của cô nhóc cười tít mắt như muốn nhắn với mây trời nhẹ nhàng thôi, chầm chậm chút chơi. 

Hành trình xuất phát bắt đầu rẽ trái để lòng dưới chân cầu Kiệu, chạy qua Nguyễn Văn Trổi, vòng qua cầu Lê Văn Sĩ cho đến cầu Thị Nghè rồi vòng…về nhà. Chiếc xe như ấp ôm con kênh Thị Nghè vào lòng trong màu nước sáng long lanh, như muốn thì thầm chuyện cũ đã qua rồi ở một thôi bốc mùi, bịt mũi mỗi lần qua. 

Về nhà thôi. Có thế thôi, để thấy vài làn tóc rối, có thế thôi để nắng thấm qua người, dội xuống mấy giọt mồ hôi…hưởng một hơi thở của đất trời mà mấy khi Sài Gòn được vậy. Mấy cánh chim bồ câu bay lên, đạp nước trước khi dừng lại ở bên kia bờ như lời chào tạm biệt và hẹn gặp lại ở một sớm mai cuối tuần. Hẹn gặp lại ở Trường Sa, Hoàng Sa đi trong màu nắng mới. Một cuối tuần nào đó! Khi cái này đi thì cái kia lại đến. Khi con người dừng chân, thu mình lại thì bắt đầu cây cỏ, giống loài khác lại sản sinh như mẹ thiên nhiên dặn giữ sự cân bằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...