Chiến Phan

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

SÀI GÒN HOA LỆ

Một bận. Thấy thằng em viết: Sài Gòn hoa lệ - hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo. 
 photo untitled-5-610855-1368788107_500x0_zps476ccf89.jpg
Thấy đau. Sài Gòn khóc. 
Khóc cho hai từ hoa lệ, hai từ của âm vang ngày xưa đâu đó vọng về bất kể ở thế hệ nó vẫn chưa hiểu hết nghĩa của hai từ đó nhưng có những thứ được gọi là tiếc nuối. Từ những câu chuyện của ông bà. Kể lại. Ở những vầng thái dương khi đầu điểm bạc mà sao vẫn thấy bàng bạc một mùi khói sương trong những âm vang ngày cũ.
 photo 10449910_657814637642169_5353164252356266536_n_zpsf30ea4a2.jpg
Bởi vì đâu mà khóc? Chắc vì tiếc nuối một Sài Gòn từng đã là Hòn ngọc viễn đông. Từ Gia Long, Cộng Hòa, Duy Tân đến Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Ngọc Thạch. Khác quá. Bởi vì sao mà khóc? Chắc vì thương một Sài Gòn chênh vênh giữa hai thế hệ. Từ Gia Long, Petrus Ký đến Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong. Khác nhiều. 
 photo 10433897_658167807606852_7689366740688995422_n_zps9e64302c.jpg
Vần thơ lưu bút nhớ Sài Gòn 
Khắc khoải một lòng mãi sắc son 
Thương quá một thời đầy kỷ niệm 
Duy Tân bóng mát nụ cười giòn 
(Minh Long) 
Khóc cho sự phân chia ranh giới. Nghiệt ngã. Thực tại đốn ngã tất cả những triết lý lỗi thời. Sự phân chia đi sâu qua da đến tận tủy rồi vào tiềm thức lúc nào không hay. Sự phân chia trong cách đứng, kiểu ngồi. Sự phân chia trong cách nói, hành vi và thái độ. Đau nhất vẫn là sự phân chia được chấp nhận một điều hiển nhiên. Giàu, nghèo. Chuyện thường tình thế thôi! 
Thấy tủi. Sài Gòn buồn. 
Buồn vì sự oan ức. Sự phân chia đâu chỉ có ở mỗi Sài Gòn. Vu khống. Muốn hét lên thật lớn. Sự phân chia đó là do ở con người tự phân chia. Đâu phải tại Sài Gòn. Đôi khi là bản thân tự thấy mình thua thiệt, thiếu thốn nên choáng ngợp, thu mình rồi ngồi tự vấn tại sao; bỏ qua mấy phần thật gạt mình đấy là do cuộc sống. Rủi may. Lúc thì là bản thân thấy mình chênh lệch, vượt tầm nên tự họa, phóng mình rồi tự sướng thật sao; bỏ qua mấy phần thật gạt mình đấy là do cuộc đời. Ghét ganh… Lỗi đó đâu phải tại Sài Gòn.
… 
Mà thôi. Sài Gòn ạ! Khóc tủi đã bao lần, vẫn là mình đấy thôi dù thay da đổi thịt. Nó đến ngồi bên cạnh, Sài Gòn vẫn chưa thôi…hờn tủi. 
Sài Gòn vẫn là những lối nhỏ quanh co, xôn xao người vào, mênh mang lòng người đi bởi những khúc hát một thời ngân lên cùng tiếng đàn, ai hát lúc chút cồn thấm vào người đi ra bằng hơi thở. Nhớ. 
Sài Gòn vẫn còn chút vấn vương “hồn thu thảo” ở những con người cũ còn giữ gìn nét văn hóa xưa từ cử chỉ đến lời, từ dáng đi đến tiếng nói không nhập nhòa với người Sài Gòn hôm nay để cho những tiếc thương không phải tủi hờn: Sài Gòn tôi đâu? 
Sài Gòn vẫn còn đó thôi! 
Ở mỗi buổi sớm sương tan, góc phố chẳng quanh co, ngập trên hoa cỏ những giọt mồ hôi trẻ ngồi hát ca ở góc công viên. Những cập tình nhân già vẫn yêu nhau theo chiều nắng chiếu ở ghế đá công viên hay một góc nhỏ quanh co nào đó. Ở mỗi đêm dài, vẫn tiếng đàn giọng hát về một thời “chinh chiến tàn” từ một góc quán tìm kiếm mưu sinh dù mắc phải sự ơ hờ, bạc bẽo của người nghe khi chỉ biết câu chuyện trong phạm vi bàn với men cay. 
Nếu chiều nay lỡ hẹn không về 
Thì xuân năm nay, xuân sẽ buồn 
Sẽ buồn hơn mấy cội mai già 
Và mùa xuân quên mặt áo mới 
(Mùa Xuân Đó Có Em – Anh Việt Thu) 
Ở đâu đó những mái đầu trẻ vẫn âm thầm tìm hiểu Sài Gòn xưa. Chẳng phải để tiếc thương hay u hoài, chỉ là để biết một thời ta đã thế nào mà thôi vì cuộc sống là hiện tại. 
Mà thôi. Sài Gòn ạ! Ai nói gì thì nói Sài Gòn vẫn là Sài Gòn thế thôi. 
 photo untitled-9-704085-1368788107_500x0_zpse7ddf41d.jpg
Sài Gòn sáng Xuân xanh gọi trào 
Sài Gòn trưa nắng Hạ xôn xao 
Thấp thoáng Thu khi chiều tà 
Đông đến trong đêm nhạt nhòa 
Sài Gòn có anh và có em Sài Gòn của ta thật là dễ thương 
( Sài Gòn Nắng, Sài Gòn Mưa)
(Ảnh: Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...