Chiến Phan

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Thật rồi, nước mắt đã chảy xuôi!?

Nó gửi lời chào Thanh Hóa lặng im như bóng chim chìm vào ánh hoàng hôn. Êm ả và tự tình. Trên con đường thưa thớt người đi với hai bên ruộng đồng xanh mát; muốn thả kính xuống để hỏi mùa về lúa đã ngậm sữa chưa cho mũi ngửi hương đã thèm, con đường thẳng tiến ra sân bay không có những cánh cò bay như miền Tây yên ả, Thanh Hóa ngày đi chỉ có máy bay cất cánh đưa những con người từ nhiều miền ngược xuôi theo những mục đích của riêng mình; tựu trung lại vì cuộc sống khác nhau, gặp nhau vì một mục đích sống lúc nào đó giao nhau rồi đi. Ngẫu nhiên. 
 photo photo_8045.jpg 
Thả lưng vào ghế, treo mắt qua bên. Thấy con đường đê xé ngang cánh ruộng với khói bay lên trời như điểm xuyết việc thiếu vắng một áng mây ở phía trời xa, vài đứa trẻ cọc cạch chiếc xe đạp trên con đê già vui đùa chẳng để ý đến hương đồng cỏ nội xung quanh thơm đến thế nào mà bao kẻ đi xa vẫn không thể nào quên được những mùi hương ấy, đến tận phân trâu vẫn thấy sao nghe thơm lừng. 
Có phải là tâm lý của kẻ đi xa, nhớ đến da diết quê nhà từ những gì giản đơn mộc mạt nên những gì ngán ngại, cái bịt mũi của ngày hôm qua giờ đây lại ám ảnh đến nao lòng!? 
Có phải trong những lần lục lọi trí nhớ ấy, rồi sẽ có những kẻ ở phương xa ngậm ngùi, thèm thuồng nhớ đến những ngày ba vá đầu dừa ở những buổi chơi đầu hạ, khung trời kỷ niệm ấy rồi chợt thèm vài món gì đó dân quê từ góc nhà tỏa khói lam chiều!? 
 photo moon-wallpaper-desktop-desktop-wallpaper-graphic-design_zpsac4c8be9.jpg
Trong những lần sử dụng trí nhớ ấy, thèm một tiếng vịt kêu chiều nao lòng như tiếng đàn bầu da diết khiến người bật khóc ở một nơi xa, và vì sự da diết ấy mà đăm ra thành sợ một lần nào đó bất chợt nghe được âm thanh ấy từ những công cụ số hóa phát ra. Dặn dò. Nó đã chứng kiến quá nhiều nổi nhớ của những người ra đi về cái gọi quê nhà nên nó sẽ đưa hình hài đang lớn lên từng ngày trong tiếng gọi yêu thương để gặp lại những cái gọi là quê nhà mà ở đó nó vẫn còn đánh rơi nhiều lần những ký ức, kỷ niệm hay thậm chí từng thẳng tay vùi dập khi lớn sợ đúng mỗi một từ “quê”. Đau lòng. Khép lại cảm xúc, đặt mi chồng lên nhau, định dập dìu theo nhịp xe chạy trên con đường ấy, nhận ra người phụ nữ nó yêu gọi ra hỏi đến mấy lần về chuyến bay khi những hình ảnh phát đầy trên tivi về những cảnh tượng của máy bay mất tích gần đây. Nồng nàn. Hương đồng gió nội, bóng dáng quê nhà, thấy âm ỉ như than hồng vừa cháy. Bất tử. Dáng lưng của người phụ nữ nó yêu ấy ngày một khòm hơn, vầng trán giờ điểm đầy những vết chân chim. 
 photo photo_9645.jpg
Nó thấp thoáng thấy đâu đó khung cảnh tưởng tượng của ngày xưa ùa về. Thật gần, ở một khung cửa nhỏ, tiếng chó sủa ầm từ đầu hẻm, có kẻ lòng đầy hối hả đi vào cho thỏa cái êm đềm khó tả, rạo rực khó quên khi tưởng tượng về một ai đó rướn cổ ngóng nhìn từ phía trong với ánh mắt long lanh đợi chờ; khoảng sân lưa thưa nắng, nắng leo lén từ trần xuống đất ngồi chơi đợi chờ những chiếc lá vàng vẫn còn bấu víu lấy mấy tàng cây còi cọc mọc nơi đất hẹp ở những căn nhà phố thị, hẻm bắt chéo nhau, thiếu khoảng râm ngợp sân dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam ngày nào, tương tư trong sách vở về một mối tình đẹp như tranh vẽ với những ngôn từ bình dị. 
Nó thấp thoáng thấy đâu đó khung cảnh tưởng tượng không còn là của ngày xưa. Thật rồi, có thật rồi một thằng nhóc nhỏ sẽ nhao nhao lên chạy ra để gọi bi bô những tiếng nói đầu đời mà đến tận khi xuống mồ con người ta vẫn khát khao nghe lại những từ ấy. Ba mẹ. Ảnh hình của một thằng nhóc không còn là thấp thoáng, ảnh hình đó trong đầu rất rõ ràng, rõ ràng hơn bao giờ, không như sự tưởng tượng hình hài bằng góp nhặt hình ảnh từ những đứa trẻ xung quanh ở một lần bắt gặp về một ảnh hình tay non bấu vào cửa sắt, nhìn về khoảng sân trước long lanh bên tiếng chó sủa ầm để rồi nở nụ cười con lòi mấy chiếc răng vừa nhú trong sự thích thú của những người yêu thương, đong đếm từng ngày như sợ đánh rơi mất vài kỷ niệm, ký ức của khung trời ấu thơ không bao giờ quay trở lại. 
Thật rồi, nước mắt đã chảy xuôi!?
(Ảnh: Sưu Tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...