Chiến Phan

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

Anh ba - ngã đó anh đi!


Một trăm ngày tính từ lúc anh đi. Anh đi ở một buổi trưa hè trời nắng chói chang; hơi thở cuối cùng là một cái nấc mạnh rồi lịm đi, mắt anh trợn ngược về phía mênh mông như thể hoàng hôn vẫn chưa đến. Nhiều chuyện vẫn còn chưa xong. 


Ngày đầu tiên anh đi!


Anh trai thứ hai của anh như anh cả! 


Anh gối đầu trên cánh tay của anh hai. Mái tóc đen mượt chẻ thành hai mái, đôi mắt và đôi gò má đã hóp sâu, mồ hôi không còn rịn của gương mặt đã bước sang tuổi năm mươi tư vẫn còn trẻ hơn tuổi. Đầu anh mỗi lúc nặng dần trên cánh tay của người anh trai. Anh không nhớ là mình đã gối đầu như thế này lần thứ mấy; chắc cũng vỏn vẹn trên một bàn tay tính từ lúc ấu thơ. 

Hai anh em như hai phiên bản đối lập. Một gầy một ốm; như con rạ trở đầu, anh đứng vị trí thứ ba trong nhà, với sự khôn lanh, lém lỉnh theo thời gian gian khổ như phù sa bồi đắp trở thành bản lĩnh, tích tụ ở gã đàn ông nhạy cảm gồng gánh gia đình 1 vợ một con; khác xa với ông anh tính vốn ít nói, hài hước đúng chỗ ở những cuộc vui với chén cay, còn ngược lại cứ lủi thủi là làm. Cọc tính thì mỗi người tính cọc khác nhau. 

Bỏ làng Sình nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” theo mẹ vào Nam, xuôi xuống miền Tây tìm nơi sinh sống, buổi ăn có cơm với thịt cá là những gì người mẹ cố gắng làm được ở một thời cơm độn bo bo. Ăn cơm thì phải có rau. Hai anh em hái rau trên sông nước mênh mông của một miệt Tháp Mười, anh thả chân xuống dòng nước mát lạnh, rút lên đỉa đeo đầy chân, thản nhiên chỉ ông anh hai mình: anh hai, đỉa đeo đầy! khi máu đang ứa một màu đỏ thẫm. Chơi đùa nơi nghĩa địa, nằm nấp trên một nấm mồ hoang; sau giấc ngủ ngon lành, rồi bật dậy bất thình lình làm ông anh hai tánh vốn sợ ma, ngất lịm đi. Thế là bị ăn đòn.        


Anh hai nâng đầu đứa em trai lên. Anh ngắm nhìn lại gương mặt đứa em luôn nói rằng “hết chết rồi” sau khi từ bệnh viện trở về, chiến đấu trong suốt sáu tháng tính từ lúc phát hiện ra bệnh ung thư ở một mùa dịch giả, nằm một chỗ vì té gãy xương đùi. Thằng em cứ lấy đi nước mắt của ông anh; bôn ba ở nhiều phương trời xứ lạ, gặp gỡ không biết bao nhiêu nỗi đắng cay, thăng trầm như màu nắng rạn trên da anh, giở ở những lúc thèm ăn, ông anh chạy tìm mua chỗ ngon nhất mang đến. Đặt đó, nói: ăn đi, rồi đi vội, mắt ông anh đỏ heo; chắc có lẽ là vì khói thuốc. Một lẻ khác vì ông anh hai nhớ, gì chứ nết ăn là nết xấu của em mình. Đói là cọc. 


Từng nhớ.  Đứa em trai cởi trần, quần lò xo chạy giữa hai hàng tre xanh về nhà ở một làng Sình, khóc lóc với anh hai trong tiếng hỏi to như hổ gầm: “Ai, Ai đánh em? Nói anh hai”

 

Câu hỏi xưa được trả lời thút thít. Thằng nhóc đứng bằng vai ông anh kể lại trong làn nước mắt, quá đói lại háo ăn mà thấy ông, bà vừa bày mâm cơm thì chạy vào xin bị ông, bà chửi; chạy về khóc với anh. “Em xin ông cho con ăn mà ông nói ăn con cặc”. Chuyện xưa được lôi ra kể lại mỗi dịp anh, em tụ về. Thường là ngày giỗ ông, bà.


Câu hỏi nay không ai trả lời. “Sao em tôi chết không nhắm mắt?”. Anh hai đặt em trai mình nằm xuống, bước ra trước khoảng sân nhà một phần ba đã trán xi măng, hai phần còn lại vẫn còn để đất, đá ngổn ngang nơi mỗi ngày xe về như thuyền cập bến ở mỗi chuyến đi xong. Cao Lãnh - Sài Gòn; Sài Gòn - Cao lãnh. Ông anh hai như bập bềnh trên sống lòng xao động, lính quýnh như gà nuốt dây thun, cứ quanh quẩn trước sân nhà; hoa đã rũ, lá đã phai và cỏ đá sắp quên tên. Đứa em dâu khóc thút thít trước sự ra đi, một đứa con anh, một đứa con em …nghẹn dòng cảm xúc. Từng đứa, từng người đến vuốt mắt anh. Hứa hay không chẳng biết như để nói anh nghe rằng nhiều điều còn vương vấn, mọi người sẽ tiếp tục làm cho xong; như thể bụi hồng trần rần giũ bỏ, để anh về với một kiếp thới lai. 


Như trong giấc mơ của đứa em rể, thấy anh về gửi tặng mấy cuốn kinh, vẫn chiếc áo in hoa văn của người ba Tàu, quần ngắn quá đầu gối, nở nụ cười nói với theo giờ anh đi bán kinh. Chuyện mơ thấy như in. Tường trình như thể vũ trụ có nhiều chiều không gian. Ngã đó anh đi,  Anh đi ở một buổi trưa hè trời nắng chói chang; hơi thở cuối cùng là một cái nấc mạnh rồi lịm đi, mắt anh trợn ngược về phía mênh mông như thể hoàng hôn vẫn chưa đến.


Từ đó, cứ độ nắng lên hay thênh thang tâm trạng. Anh hai tìm đến nợi chốn yên nghỉ của đứa em, ngồi đấy thả khói bay về trời. Tưởng khùng. Mấy người canh mộ cứ nhìn gã đàn ông ngồi bên tấm bia rít những hơi thuốc cho đến khi lụi tàn rồi đi. Thằng út hỏi. Anh trả lời rằng đó là một mất mác lớn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...