Chiến Phan

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

KẺ CHĂN DẮT

 photo download_zpsaf10b164.jpg 
Sài Gòn cuối tuần, một góc café, lắng nghe những tiếng nhạc của thập niên 80, lướt vài dòng facebook, cập nhật vài tin tức đưa, thấy có đứa trẻ bị đánh đập, sưng tím mình gần tắt thở, tìm hiểu kẻ đánh đập trẻ, không phải là cha mẹ ruột. Đớn đau. Trẻ con nào có tội tình. 
Bất chợt, như có ai đó lôi ngược nó quay trở lại căn phòng phủ drap trắng với âm thanh của tiếng máy đo nhịp tim, thoảng mùi sát trùng trong ánh đèn soi sáng, nó nằm lặng im muốn chìm vào giấc ngủ nếu không có quyển sách của Đặng Trung Ngạn lôi kéo nó đi vào các ngóc ngách của những con người nằm dưới đáy của xã hội – tận cùng hơn là những đứa trẻ không tìm thấy ngày mai. 
Đọc Kẻ Chăn Dắt nó cảm giác như đi cùng nhân vật Hy & người cha không ruột rà chỉ lượm cậu bé nuôi khi người ta vứt đi như vứt rác với mục đích đầu tiên là để cùng kiếm tiền ăn xin; chắc là vì ở cuộc sống ấy con người vẫn thấy lẻ loi, đi hết khắp 36 phố phường đến Sài Gòn 24 quận huyện, từ miền trung du Bắc Bộ đổ xuống đồng bằng phía Nam. Tất cả như một chuyện hành trình của kiếp nhân sinh đọa đày chứ không phải chuyến phiêu lưu để người đọc khám phá. 
Đọc Kẻ Chăn Dắt, nó thấy mình như kẻ tò mò đi lò tò phía sau Đặng Trung Ngạn khắp các ngỏ ngách nẻo đường cùng những đứa trẻ ăn xin với những kinh nghiệm tự học & từ những bài học được “thú” chăn dắt dạy cách làm sao để vòi tiền. 
Nó đặt cuốn sách xuống vài lần khi một thế giới mới đầy đau đớn hiện ra qua từng con chữ, mà thật ra thế giới ấy chẳng phải xa lạ, thế giới ấy được truyền thông rả rả suốt ngày để rồi nó – chính nó bị chính cuộc sống của nó vùi dập những xúc cảm – tất cả chỉ đọng lại khi đọc, nghe, thấy những câu chuyện ấy; có nhiều hơn chỉ là buông vài câu chửi thề cho hả cơn, rồi biến mất như cảm xúc bị làm cho chai lì theo tháng ngày. Tự dưng sợ một ngày vô cảm không hay khi hôm nay ít nhiều điều đó đã hình thành. 
Đặng Trung Ngạn không đào sâu vào khai thác tâm lý nhân vật nhiều nhưng qua lời kể của cậu bé Hy một thế giới ngầm bị lột trần đến rách nát hồn người khi đọc khi thấy cuộc sống xung quanh còn vô vàn những thực thể sống chỉ có mỗi phần “con” thiếu “người”. 
Nó nhớ lại lời người phụ nữ - đứa con gái của dị nhân - http://chienphan.blogspot.com/2014/07/cau-chuyen-tiep-theo-ve-mot-di-nhan-1.html
, giới thiệu cho nó về tác phẩm để mượn mang về đọc. Một góc nhìn khác được chị đưa ra bàn luận: cuộc sống thiếu đức tin. Có phải thế không vì cuộc sống theo chủ nghĩa vô thần mà con người chẳng sợ những qui luật của tôn giáo thường dạy những đứa con ngoan đạo? Có phải thế không vì cuộc sống thiếu những điều răn nên những con người ấy đi theo con đường bán mình cho quỷ dữ mà thậm chí khi nghe hai từ quỷ dữ họ chắc sẽ cười khi để rồi sau đó phun lại một bãi nước bọt cho những ai nói? 
Nó không bình luận nhiều về góc nhìn này chỉ biết rằng cảm xúc để lại cho nó về tác phẩm là quá mạnh. Nó cũng đồng tình với ý kiến của La Mai Thi Gia: Thà tôi là kẻ vô duyên vì đã khóc cho những cuộc đời không có thật, còn hơn… tôi buộc mình phải tin, rằng hàng ngày xung quanh tôi, có những thân - phận - người đang phải sống trong đớn đau, trong vô vọng, trong một tương lai không biết về đâu
(Sài Gòn, 11h ngày 14/09/2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...