Có lẽ thiên phần tự kỷ nên nó không thích đám đông. Lang thang. Tìm cảm giác của ngày xưa ấy. Một mình.
Nơi trường xưa, lớp cũ; những gì còn lưu lại trong trí nhớ bắt đầu phôi phai ùa về qua một lời rủ rê từ đám bạn cùng thời khi hứng chí muốn đi tìm & lưu lại bằng những shoot hình để chiêm nghiệm một phần cảm xúc: ngày ấy & bây giờ. Khác nhau thế nào?
Sân trường có còn những đôi dép đi mòn, miệng cười hỉ hả, tiếng nói ra rả ở mỗi bước chân đi. Chắc là không còn? Trường đi vào quy cũ, xóm nghèo cũng bớt eo, cháo cơm không còn thiếu, dép lê hay quai hậu chắc đã lỗi thời?
Cột cờ có còn đỗ bóng liêu xiêu – những tên tuổi làm “rạng danh” trường lớp, khen thưởng & phê bình. Chắc là không còn? Trường khó giữ nếp xưa, xóm nghèo lên văn hóa, dân tình biết kiện thưa, vi sư bán tự chắc đã bán luôn?
Ghế đá có còn áo dài với cặp da, thả hồn theo mây gió, tìm mấy câu chuyện trò cho đề từ viết vội một lưu bút học trò. Chắc là không còn? Trường bây giờ xa vắng, những câu nói thi ca – dịch ra là sến đặc, trong ngôn ngữ bây giờ, online & chat chit, blog thay phần lưu bút, status là của riêng?
…
Chắc là vẫn còn.
Tiếng trống trường vang vọng đến tận mọi góc phòng, cô cậu trò mong ngóng: ra chơi, đổi tiết với tan trường; chẳng vấn vương gì ở lại chỉ có tiếng nói ở vành môi, vài ba câu chuyện kể đều ở tuổi học trò: thằng L ở lớp T, con M ở lớp L…
Bàn ghế mượt màu gỗ lên nước bóng như sơn, lưu lại những chữ viết như để lưu lại thằng C đã ngồi đây hay vài câu thơ cũ lượm đâu đó giữa đời viết lên dòng cảm thán: hận trời và trách đất, sinh ra không gặp thời.
Bóng dáng thầy cô cũ, tóc đã hóa mây bay trong những ngày mưa gió, áo ướt đẫm giảng bài, trí nhớ không phôi phai: yêu thương & thù ghét. Hai dạng thầy cô ấy – vẫn còn đến tận giờ?
Hẵn không là như thế.
Không như một Trang Hạ băng qua giữa sân trường đại học của thuở nào để ngấm nhẫm nổi niềm của đàn bà tuổi ba mươi, nó niếm trãi hơn tuổi ấy khi đặt từng bước chân – đi như đếm – qua khuôn viên của trường trung học cũ xem những viên gạch đã phai màu bao nhiêu hay đan lót sân trường tróc da cát đá mấy phần để thấy tận lưng trần ốp đất của ngày hôm qua.
Cháy bỏng. Âm thanh của ngày xưa vọng về. Tiếng nhạc hiệu chào cờ đầu tuần còn văng vẳng trên sân khi tiếng trống trường vừa dứt, tiếng rì rào của những đứa học trò ngổ ngáo phía sau khi đã chán phào những gì lập đi lập lại mà đâu hay mai này tìm hoài không thấy.
Lá cờ nào vẫn còn phất phới bay mặc thời gian ruồng bỏ. Tự hỏi. Không biết cờ đã mấy lần thay áo, chỉ thấy cỏ đá xung quanh đã bạc màu.
Nó đã quá ba mươi; ngót nghét hơn nữa khoảng đời theo định nghĩa của Y Vân, và có lẽ đó là khoảng thời gian để con người ta bắt đầu tìm kiếm ký ức để vỗ về như ôm con trẻ trong tiếng ru ngọt lời một thời đâu đánh mất. Nhạt nhòa. Sân trường vắng bớt những cây phượng già vì giận hờn những cô cậu học trò hẹn hò đâu khuất bóng hay vì giận con người đã chiếm đất làm thêm những lớp học riêng? Để rồi gã phượng buồn chẳng thèm tô đỏ một góc sân để mặc tiếng trống chết lặng đi tự khi nào khi báo vào tiết, chỉ còn hành lang trơ trọi thiếu một tà áo bay.
Nó đã quá ba mươi – quá già với những câu chuyện về lưu bút đề tên ghi những câu sến đặc: xin đừng quên nhau hay những chiếc áo trắng nhạt màu bởi nắng, gió, mồ hôi gượng ép đủ đầy những chữ ký của tất cả thành viên lớp. Thân hay không thân, sự phân biết ấy chẳng còn trong buổi học cuối cùng.
Nó đặt bàn tay xuống nền gạch sân trường, tìm hơi nóng của ngày thứ hai chào cờ đầu tuần ở chiều hâm hấp nắng ấy, mọi thứ vẫn đong đầy, hơi nóng vẫn còn đây sao thấy người thay đổi. Mọi thứ đã đổi thay.
Có mấy kẻ ra đi còn quay trở lại?
Có nhiều hơn mấy kẻ ngồi tỉ tê trong một buổi trà dư tửu hậu về một kỷ niệm của ngày xưa giờ thành hoài niệm giống nó; để rồi đâu đó trong một lúc đượm buồn ngồi ước muốn trong cuộc đời này là cho thời gian quay trở lại?
(Ảnh: Sưu Tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét