Mã nhật, Tượng điền, Xe liền, Pháo
cách
Không có gì xoá được kỷ niệm, chỉ có niềm đau là chôn dấu. Tất cả có
thể phôi phai nhưng ký ức mãi mãi không bao giờ lụi tàn, nó chỉ lẩn khuất ở một
góc nào đó tâm hồn rồi sống lại mạnh mẽ hơn cả lúc ban đầu khi khoảnh khắc nào
chạm lại.
Hắn đã từng thế. Hắn đã từng khắc
lên mình suy tư khi người con gái hắn yêu nói với hắn chỉ một điều duy nhất: Bỏ Sài Gòn đi anh. Sài Gòn ngày ấy với
hắn ngợp những tờ giấy bay, những con người trẻ nung nấu trong con tim một ý
chí, một sức sống thoát ra từ trong lồng ngực trẻ với những giấc mơ chung không
còn ích kỷ riêng mình. Quốc gia được độc lập, đất nước được hoà bình.
Từ đó, quốc gia là một thứ gì đó
thiết tha đến nghẹn ngào mà không có bất kỳ sách giáo khoa nào dạy hết.
Tổ quốc là một thứ gì đó thiêng
liêng chứa chan yêu thương đến nấc nghẹn với mỗi lời nói ra, như dòng máu ấm áp
không ngưng lại trong con tim bổng cháy mỗi khi muốn nói lên từ đấy.
Tổ Quốc thôi thúc bước đi, thôi
thúc rời bỏ giảng đường với những trang sách và con chữ đầy mụ mị để bước đi
theo tiếng gọi con tim mình. Có người nói đấy là ngu dại, có kẻ bảo đấy là mộng
mị. Hắn cứ nghĩ ừ thì sau, đời ta đâu biết cháy được mấy lần, cứ nghĩ thế rồi
đi theo tiếng gọi của con tim mình, bỏ đi một nhịp lỗi bên đời. Chờ đợi.
Tiếng nói. Bỏ Sài Gòn đi anh. Mất đến gần bốn mươi năm. Dưới góc phượng vĩ
già, vẫn còn có tiếng nói ấy quay về lại, cứ tưởng là chiêm bao. Không sao hiểu
được. Cuộc sống lại luôn có những phép nhiệm mầu để cho chiêm bao thành thực.
Khuyết Sĩ kỵ Mã
Gã thì sao. Gã cứ tưởng chôn dấu
tất cả những gì của quá khứ là mọi thứ sẽ qua nhưng ở phương xa ấy, mùi thuốc
súng vẫn còn âm ĩ với tiếng kêu gọi đứng lên. Hàng ngày. Thoảng đưa trong những
lời kêu gọi, những tiếng nói đứng dậy khi tiếng súng đã lặng mấy chục năm, con
tim gã đã thôi không còn lỗi nhịp như ngày nào. Không phải vì không còn yêu tổ
quốc, không phải vì quên đất nước mà vì trái tim đã sợ mùi khói lửa, chiến tranh
và thực tại đang đánh gục gã. Những đứa con & cháu gã đã quên đi đất mẹ,
quê nhà và tiếng nói thiết tha đánh gục gã. Gã chỉ biết úp mặt vào tay khi vô
tình nghe được tiếng ru đâu đó phát ra từ nhà hàng xóm, có người thân từ đất mẹ
qua chơi, người bà đang ru cháu. Gã muốn chạy ù, kéo đứa con dâu đến để nghe hết
trọn lời ru à ơi ấy, lời ru không thuộc về chốn này, lời ru ấy thuộc về máu, về
con tim không quên nguồn cội nhưng rồi gã sợ không tìm ra được đâu câu trả lời
khi con dâu gã hỏi: “for what?”
Gã thôi không còn tranh cãi với
những đứa cháu không muốn nói về đất mẹ hình chữ S hay tiếng Việt chọ chẹ, nói
không thành từ thì hy vọng gì nói đến thành câu. Một bài hát đâu đó trên mạng search ra, có đứa bé hát một khúc đồng dao,
không hiểu sao nước mắt gã tự dưng lấp lửng ở một khóe mi nức nghẹn. Cho trọn
sao, gã cuốn tất cả nổi niềm vào những bao thuốc, từ điếu cao cho đến điếu
thấp, từ điếu cháy cho đến điếu tàn, cứ thế, cứ thế trôi đi những miền xanh
thẫm. Trên phố vẫn có đám đông người tụ tập, những truyền đơn, biểu ngữ vẫn cứ
phấp phới bay trên đất mẹ thứ hai.
Giờ gã ngồi ở Việt Nam,
giữa công viên với gã bạn già mà không hiểu sao hình ảnh cũ vẫn chưa chịu buông
tha.
Khuyết Sỹ kỵ song Xa.
Nếu ngày ấy thằng Hưng không chọn Cộng Hòa, thằng Tiến không chọn phe
còn lại thì đến hôm nay sẽ như thế nào!? Gã nốc ly rượu thứ hai một cách
dứt khoát; sau khi chuyển về đề tài cũ, câu hỏi mà gã ôm ấp trong lòng hơn sáu
mươi năm và gã thấy mình may mắn khi được về lại, gặp lại thằng muốn hỏi. Thỏa
lòng.
Nếu ngày ấy không chọn thì không biết bây giờ có còn không!? Hắn cứ
thế, thích nói thẳng nói thật, tuyệt không vòng vo. Sự thật luôn là sự thật, vấn đề là ta có đối diện với nó hay không.
Đó là câu hắn thường hay nói với mọi người, nhiều khi như tự nói với mình.
Thật sự khi chọn lựa đứng về một
phe nào đấy, bá súng áp vai, mặn mòi sương gió, nhiều đêm canh gác cứ nghĩ đến
vài trò ngày cũ, là thù hay là bạn vẫn không phân biệt được. Khó hiểu.
Thằng Hưng nghe gia đình nó nói nó nằm đâu đó ở đất Đồng Nai, qua một
nhà ngoại cảm gì đấy báo đến giờ vẫn chưa về được với gia đình. Còn thằng Tiến
thì trở về nhà với đôi nạn gỗ, nhiều lúc tao nghĩ nó định canh tranh với tao về
chiến tích mang về vậy. Ha ha. Hắn ngửa mặt nhìn lên những chòi xanh đang
nhú, cười hả hê như muốn giữ lại hai giọt sương nằm đọng trong khoé mắt như sợ
đánh rơi một thứ gì quí giá của thiên nhiên ban tặng. Hắn làm một ly nhanh như
chớp như muốn đáp lễ lại thằng bạn hắn.
…
Chẳng còn phe, cánh gì bây giờ nữa. Rồi mọi thứ cũng qua. Với tao, tao
chỉ nhớ đến những lúc anh em kề vai nhau hát một bài hát trong nỗi nhớ nhà.
Nói thật, lúc đó chả còn thiết tha gì cả chỉ thấy nhớ nhà kinh khủng mỗi khi
ngồi gác súng trực đêm, hai phe chiến tuyền tưởng chừng như chẳng còn, lúc đó
chỉ có biết đồng đội bên mình, thằng nào quê ở đâu, làm gì, gia cảnh ra sao,
thuộc như học vẹt nhớ đến từng dấu chấm, phẩy.
Hai thằng già. Chẳng ai nhìn ai.
Nốc cạn ly rượu thứ ba khi những tia nắng vẫn còn bò lồm cồm như sợ gió lạnh
cuối năm giật mình làm đổ rượu vì một câu chuyện lỡ chừng.
( Ảnh: Internet)
( Ảnh: Internet)
Ván cờ tàn (Phần 1): http://chienphan.blogspot.com/2013/04/van-co-tan-phan-1-chot-lui.html
Ván cờ tàn (Phần 2): http://chienphan.blogspot.com/2013/08/van-co-tan-phan-2-chot-chon.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét