Sớm nắng, chiều mưa; tính khí của con người cũng y chang Sài Gòn, nên một trong những điều con người ta hay gặp phải là hay quên. Ông già cũng vậy! Già đăm ra lú, nên trong những dòng suy nghĩ ông già lôi ra tập lại, viết lại như nhắc nhở mình về “biết ơn”.
Chủ đề này không mới!
Ông già chăm chú lắng nghe chị nói về sự biết ơn ở một trưa nắng vàng trời, ngồi dưới mái nhà của Samco, làm một chén bún đậu nước tương thêm miếng ớt xắt nhuyễn cho cay nơi sống mũi như phải có gì đó đẩy cảm xúc lên cao trào.
Trước mắt ông già là một trong những con người thấm vào tận tủy về những triết lý của Toyota; hình thành một tư tưởng sống nên nó không phản biện nhiều bởi lý lẽ sẽ chẳng là gì khi ai cũng có một quan điểm, một cách nhìn, một tư tưởng. Như bản thân một người luôn là một vị thế đứng riêng; khác biệt là ai biết ai không.
Sự biết ơn không phải là nói về tôn giáo, cả hai nói về chuyện những con người đã ra đi khỏi mái nhà của Toyota.
Họ - những con người đã ra đi khỏi mái nhà của Toyota không phải như những chàng lính trong đoàn quân Tây Tiến của Quang Dũng “đầu không ngoảnh lại”, họ có nhìn về nơi một thời gắn bó vì như thể khi ra đi con người ta mới nhận ra rằng bản thân mình đã trót yêu thương.
Họ - những con người đã ra đi khỏi mái nhà của Toyota, thể hiện cảm xúc biết ơn hay đã trót yêu thương bằng nhiều cách như giữ lại cho mình những mối quan hệ đã từng có, bằng cách ghi lại những dòng tâm trạng hay đơn giản chỉ là đăng lại một khoảnh khắc được máy móc hỗ trợ ghi lại ở thì quá khứ, hoặc họa chăng chỉ là những để lại trong lòng mình, gọt câu giũa từ rồi đánh bóng lại qua mấy lời nhắc lại một thời đã trôi xa.
Đấy là chuyện họ; giờ kể chuyện nhà.
Sài Gòn bắt đầu tập tành “sống bình thường mới”, đó là lúc ông già ôm ấp lại những cảm xúc đã qua để..biết ơn vì những gì bản thân nhận được.
Ông già nhận ra có gì chất “sến” trong đề tài này; nhưng đấy lại là chủ đề được nói nhiều gần đây. Vì vậy, ông già bắt đầu lượm lại, cất nồng nàn vào ngăn ký ức yêu thương của mình như thể đã “sến thì phải sến luôn cho vừa”.
Biết ơn ấy là ở mỗi đêm về, ông già cứ nhìn lên trần nhà tưởng tượng cùng mấy đứa nhóc của mình về những dải thiên hà xa xăm, hay đôi khi chỉ là một khu rừng hiện ra, ông già và đám nhóc bắt đầu thực hiện xây ngôi nhà trên cây, hoặc lắm lúc là những trận chiến sống còn của những nhân vật mà đám nhóc yêu thích xuất hiện, tham gia vào trận chiến của ông già và ba đứa nhóc.
Biết ơn là còn cái để ăn
Ăn - theo kiểu có gì ăn đấy.
Qua dịch, Ông già không bỏ được cái thói quen mở tủ lạnh mỗi sáng; nhìn quay quắt xem còn gì để hâm nóng lại ăn, hay đôi khi chỉ là vài cái bánh mì nướng lên ăn với mứt, với bơ là cũng đủ hài lòng. Ngẫm. Ngon xuất hiện sau đói.
Biết ơn là còn thứ để uống!
Uống - theo dạng có gì uống đấy
Lúc dịch, Ông già cứ đều đều mỗi sáng ngửi hương của cafe đầu sớm bay lên; như kiểu vỗ về bản thân rằng đừng bỏ bê mình quá trong tiếng nhạc jazz réo rắt của những ngày xưa cũ. Ngâm. Ký ức trong lòng. Thưởng. Nước sôi để nguội, ông già, em và ba đứa nhóc cứ thế nhâm nhi như thể nước thánh khó tìm.
Biết ơn là còn nơi để ngủ!
Ngủ - theo thể có chỗ nào ngủ chỗ đấy
Sớm dịch, Ông già, em và mấy đứa nhóc tạm biệt máy lạnh; sử dụng gió trời cho những đêm về trời mát, lặng tiếng xe qua như thể Sài Gòn trở về chốn quê xưa bầu bạn, thở than một mùa dịch giả, chỉ khác là không có mấy âm thanh đồng nội hòa vang của cóc, nhái, ễnh ương v.v.; hay có những đêm mưa rào trong khoảng trống vài mét vuông, tất cả nằm co ro, quấn lấy nhau như những giọt mưa gắn kết nhau để tạo thành dòng.
Trong ăn, uống, ngủ nghỉ đấy; thời gian trôi nhanh mà như đi chậm lại; ông già lắng nghe tiếng đám nhóc của mình nhiều hơn, nói về những cuộc sống.
Thằng nhóc lớn bắt đầu đặt nhiều câu hỏi tại sao cho ông già. Nhiều khi. Rối quá phải lên mạng tra tìm; nghĩ ông bà ngày xưa chắc phải vất vả với mấy câu hỏi tại sao, vì sao của trẻ thế này. Đúng không?
Thằng nhóc giữa cũng bắt đầu gìn giữ lấy những thứ gọi là “gia tài” trong ngăn tủ nhỏ, có quyển sách của ông già viết, in tặng cho dù rằng không biết trong đấy ông già ghi những gì, có đúng không. Nhiều khi. Lớn rồi quên mất hỏi lại ông già. Phải không?
Cô nhóc cũng bắt đầu ráp lại bài ca không rõ lời cùng với ông già như cách đã từng với hai thằng nhóc. Khác chăng. Giọng cao vút, líu lo chẳng rõ lời. Nhiều khi. Réo rắt hỏi có hiểu hết những gì đã nói. Thật không?
Chuyện họ hay chuyện nhà; họ cũng là ông già - những con người đã, đang đi tiếp chặng đời Sales; có chăng là khác một món hàng. Dẫu thế nào đi chăng nữa, cứ đi rồi sẽ tới, ông già viết lại như thể ghi nhớ một chặng đường như gã gàn dở cứ thích lôi ra lau chùi một ký ức với sự biết ơn lần giở để rồi viết tiếp câu chuyện Đời Sales vẫn còn đang dở dang.
Chuyện nhà hay chuyện họ; họ cũng như ông già - những con người cũng nằm trong quy luật sống, rồi sau một trận giữa lằn ranh sống chết ở một mùa chống dịch đã qua; vội nhớ mau quên, ông già viết lại như thể khắc sâu một khoảng đời như gã ngông nghệnh cứ thích lôi ra, đánh bóng những gì mình đang có như tự cho rằng đấy là thái độ của biết ơn.