Chiến Phan

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

Sài Gòn đặc biệt yêu thương! (2) Vét sạch nhe!

Vét sạch nhe! Sài Gòn nghe lúc quay lưng đi để tìm kiếm thêm mấy chuyện đặc biệt thương nhau, câu nói dặn dò mấy cha con ăn đến từng hạt cơm cuối cùng. Thật lòng thì mấy câu kêu gọi tiết kiệm này trước đây Sài Gòn ít nghe. 

Sài Gòn thấy đến cả mấy món ăn “quê” mà trước đây chẳng thấy nhiều người thiết tha, vụn vãi, bỏ dư cho mấy bận ăn nhiều...đâm ngán, hay vì có nhiều thứ ... ngon hơn; giờ bắt đầu lên ngôi trở lại, như kiểu đồ xưa thành cổ hiểm, người săn lùng thỏa mãn một đam mê...thèm thuồng. Tất cả gửi nhau, chia nhau mấy món “quê” tự làm hoặc hiếm hoi mua được chứ không còn là...để dành ăn.

Sài Gòn thích những gian bếp lúc lên lửa, như kiểu con người gọi làm cách mạng gì đó ở một thời kêu gọi thành bài hát “nổi lửa lên em”, có gì đó lớn lao chứ giờ nổi lửa Sài Gòn thấy mấy nhà như ấm áp hẳn lên xua đi không khí vốn dĩ đã lạnh lẽo bởi vắng tanh kéo dài sau những đêm dài chìm lặng.

Sài Gòn thích những gian bếp lúc lên lửa, nấu gì cũng được, miễn sao thấy bếp đỏ lửa thì thấy sự sống vẫn còn lúc bình minh hửng nắng như bài hát đang phát đi phát lại trên mấy bản tin thời sự “Sống như tia nắng mặt trời” vang lên mỗi ngày. 

Nói chuyện “miếng ăn khi đói”, Sài Gòn thấy người ở đây - trong căn hẻm nhỏ với hoa nắng đổ xuống sân chung mỗi ngày, gọi nhau gửi mấy ổ bánh mì, mấy hộp cơm cho mấy căn nhà đóng kín cửa… đôi khi chỉ là móc lên trên tay nắm cửa của mấy căn nhà đóng kín cửa. Mấy căn nhà đóng kín cửa có người bị nhiễm bệnh, có người nằm trong diện khó khăn. 


Thế rồi, người ở cạnh nhà người bị nhiễm gào khóc cho số phận...lo trước vì người ở cạnh và người ở nhà có người nhiễm bệnh quên đeo một chiếc khẩu trang trong lúc lấy đồ ăn được cho tặng miễn phí, tiếng gào thét dậy cả một khu xóm. 

Người nghe chua chát, buồn cho một phận có người nhà bị nhiễm, được đặt tên là F0 gì đó đang được đưa đi điều trị tại bệnh viện dã chiến cùng quận sau khi thở oxy tại nhà không mấy khả quan. Người nghe là ông cụ tóc bạc phơ chơ tấm thân gầy guộc sống đằng sau cửa đóng kín, đang đợi chờ người vợ đã đưa đi điều trị trở về trong hơi thở dài sau khi đáp lại lời: tôi có cố ý đâu, sao cô nói tôi ác rồi chửi tôi chi vậy! 

Chưa bước chưa ra khỏi căn hẻm nhỏ, Sài Gòn thấy cặp vợ chồng với ba đứa nhóc nhìn cảnh hàng xóm gào thét, cửa chưa kịp khép vì lo lắng mấy đứa trẻ nghe, thấy cảnh này trong ánh mắt ngỡ ngàng rồi hoang mang vì sự kỳ thị

Sài Gòn nghe mấy câu đó thấy xôn xao lòng! Sài Gòn nhớ họ từng gọi nhau là xóm giềng. Sài Gòn cũng từng nhớ mấy người cũng nói nhau: Không sao đâu! Bình tĩnh sống! 

Nói chuyện “tình làng nghĩa xóm”. Sài Gòn thấy chuyện nhạt đó cũng ít thôi! Sài Gòn thấy vẫn còn “mặn mà” lắm trong cách đối đãi nhau. 

Sài Gòn thấy cặp vợ chồng cũng bắt đầu chia rau cho mấy nhà ở gần; rau được người nhà ở quê gửi lên thì phải, nghe đâu tiền vận chuyển còn nhiều hơn cả tiền hàng từ miền Tây về thành phố, rồi từ bến xe được vận chuyển đến trước đầu hẻm nhỏ…

Nói chuyện “tình làng nghĩa xóm”, Sài Gòn như thấy chẳng ai dặn nhau nhưng thấy câu nói của ông bà cũng được mang ra trong lúc này theo kiểu “bánh ít đi thì bánh quy lại” 

Mấy người được tặng cũng gửi lại cặp vợ chồng mấy ổ bánh, đường, dầu...như có gì thì gửi đó,  với khẩu trang che kín, hơi sương của mấy giọt khử khuẩn bằng cồn phũ đầy trên những bịch đóng gói mấy món đồ gửi nhau của những con người suy nghĩ “tối lửa tắt đèn có nhau”. 


Nhìn đi nhìn lại, Sài Gòn thấy vậy cũng nguôi ngoai lòng, bởi chuyện dịch dã từ đâu đến chẳng biết, đâu ai muốn đâu, đừng để trong lòng rồi nói lòng vòng mấy câu làm tổn thương nhau.

 

Sài Gòn bước ra đầu hẻm, thấy mấy anh chàng mặc đồng phục màu xanh của rừng đang bắt đầu chia nhỏ những bó rau, không biết vì sao, không biết vì đâu họ bắt đầu tự làm mấy chuyện này. 

Từng nghe! Ông già trong căn nhà có ba đứa nhóc kể chuyện đồng nghiệp nhắn tin trên nhóm: Tưởng chỉ có trong truyền thuyết, xóm chị chạy ra xem, kêu chú bộ đội ơi. Chú bỏ đi rất nhanh. 

Nghe đâu! Chính quyền gì đó nói họ chống dịch như chống giặc; nên việc chống đói cũng nằm trong chiến dịch đó một phần...Họ đi chợ hộ! Ba cái chuyện chủ trương, đường lối; cũng nghe người được gọi thủ tướng nói “phường, xã trở thành pháo đài” rồi hỏi người được bí thư gì đó trả lời “phường, xã là...lô cốt” để rồi chấp nhận “không làm được rồi đứng sang một bên”. Nghẹn ngào. Sài Gòn thấy có mấy câu có gì đâu mà khó nhớ vậy! 

Giờ thấy! Mấy chú bộ đội nhìn đến tội khi xách mấy món đồ đi bộ vào trong mấy căn hẻm cách ly để gửi cho mấy nhà...đặt hộ. 

Sài Gòn thấy chú nhóc của mấy buổi cơm trưa vội dưới thềm hoa nắng phũ đầy của hôm nào bước vào giao hàng. Bận rộn thấy rõ về cuộc sống mưu sinh khi được cho trở lại giao hàng từ mấy “cuốc xe” thời công nghệ. Hai mẹ con không còn ngồi ăn dưới thềm nhà nhìn những hoa nắng phũ đầy, bởi giờ đây đang tập trung vào những “cuốc xe” giao hàng, đâu đó cũng chỉ là những chuyến hàng loanh quanh xóm, phường của một quận. 

Sài Gòn nghe tiếng trẻ con vang vọng ra tận đầu hẻm khi nhâm nhi từng miếng bánh mì ngọt mà miệng vẫn không ngơi nói: Ngon quá mẹ! 

Nắng rọi ở cuối trời! Sống như tia nắng mặt trời! Có người phụ nữ cười: Vét sạch nhe!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...