Chiến Phan

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Đến tuổi ba rồi con sẽ hiểu - Tình Cha

anh-dep-viet-nam(21)__40433_zoom 
Đề tài nối tiếp cuộc chuyện trò ở Ember Café. Đó là một đề tài khó với nó để “đu” theo. 
Trong trí nhớ vọng về, hình ảnh “mờ sương ảnh” của Hàn Mạc Tử xuất hiện một bóng dáng người đàn ông hiện về trên sóng nước mênh mông, khẽ cúi đầu mình lách vào chiếc ghe nhỏ bé chòng chành. Tưởng tượng. Tính cách ông thường qua miêu tả của người tình tóc bạc và mấy ông anh, bà chị ở mấy độ ngày về có khói nhang bay. Vụng về. Trí nhớ buộc nó phải thường xuyên xem lại gương mặt trên sắc màu trắng đen. Ngu ngơ. Ấu thơ nói lời tạm biệt ở một thuở lên năm. Hình ảnh người cha & ký ức chấp vá vụng về kia không đủ để thảo luận một đề tài. 
Nó chỉ còn biết lắng nghe và cảm nhận chia sẻ về tình cha ở hai người anh. 
Người anh đang ngồi trước mặt nó đang chia sẻ về sự thiêng liêng của tình cha & sự vĩ đại không thể nói thành lời với câu: Anh không nghĩ rằng có một ngày anh có thể cho đi tất cả những gì anh có. Đó là một sự thành thật của người đàn ông ở nắng chiều soi bên kia đời, cất lên với một giọng trầm ấm & bình thản sau niềm hạnh phúc ngọt ngào khiến người nghe – là nó – có thể cảm nhận được về chuyện hai đứa con gái ở nước ngoài lo sốt vó ở một đêm anh không online skype để cha con gặp mặt chuyện trò. 
Rồi anh mang nó về ấu thơ mình để gặp lại ba & gia đình anh qua lời kể. Một hình ảnh gia đình đông con tiêu biểu của thời 7x ngày xưa với tư tưởng còn ảnh hưởng nhiều của nho giáo về vai trò của người đàn ông trong gia đình. Ở đây, qui định rõ một giờ về. Nó như đứng bên con đường đất với hoa cỏ dại mọc hai bên, nhìn theo chiếc xe chở mấy anh em anh đi theo bóng chiều tà lam nắng ở một chân trời. Để lại trong anh ngày hôm nay câu nói: Đến tuổi ba rồi con sẽ hiểu! 
pexels-photo-106258 
Đến đây, nó bỏ anh lại với câu chuyện dở dang, để quay sang chìu chuộng trí nhớ của mình đến người ông anh cùng chung một dòng máu, luôn phải đấu tranh trong vai trò của người cha về sự tự do và căn bệnh của đứa con mình. 
Có lẽ sẽ không có một ai hiểu sự tự do trãi nghiệm sẽ làm bệ phóng để người đàn ông trưởng thành hơn anh – một gã bước vào đời sớm hơn mong đợi. 
Anh giành lấy nhiều giọt nước mắt của người mẹ khi bước vào đời với công việc làm thuê để phụ một gia đình một mẹ - năm con. 
Anh giành lấy nhiều giọt nước mắt của người mẹ với sa ngã từ cám dỗ của cuộc đời – chứng minh bản lĩnh của một thằng con trai – để dọc ngang những kẻ sống cùng thời, không ai biết đến tên anh. 
Để rồi khi sự trãi nghiệm là đủ đầy, niềm đau là tận đáy – khi chứng kiến bóng dáng của người mẹ đứng dưới hiên nhà, đèn đường phũ vàng như một giấc mộng hoang, loang lỗ bởi mưa đêm, kiên định tìm lại đứa con - một thiên thần sa ngã - khi thân tự trách thân tội lỗi do mình xô đẩy con vào con đường đấy. Anh đã ngồi dậy, đứng lên từ đêm ấy: một gã trẻ trâu, trưởng thành rồi trở thành một người đàn ông trong cuộc sống mình chọn. Đối diện, anh phải lựa chọn thử thách mới: tự do hay gò bó dành cho đứa con mình. 
pexels-photo-277477 
Gần như, sự bất lực trước căn bệnh gán vào đứa con mình đã khiến anh phải luôn tự vấn & đấu tranh trước sự lớn khôn của con mình.  Những cuộc gọi liên tục cảm giác như nghẽn mạng cho một quyết định để con tham gia một chuyến đi chơi. Anh như phiêu lưu với từng quyết định để con rời một vòng tay.
Lý lẽ thì đã có, quá khứ là chứng minh nhưng đứng trước căn bệnh, anh thấy lý lẽ bị lung lay, quá khứ bị nhạt nhòa. Chuyện giờ là hiện tại rồi tính luôn cả tương lai. 
Để rồi, tháng ngày anh phải đấu tranh với sự phản kháng từ chính đứa con mình. Một thanh xuân nổi loạn. Chắc rồi ắt hẳn cũng sẽ có một ngày anh cũng sẽ nói câu ấy với giọng trầm ấm: Đến tuổi ba rồi con sẽ hiểu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...