Chiến Phan

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Chợ (3): Nhân Sinh Như Mộng

Lúc đó mẹ có về thăm chợ không!?
Ừ! Đưa mẹ đi một vòng chợ nhé.
photo Ch1EE3-quecirc-Phan-Thi1EBFt-m1EF1c-nho-40x60cm-550x352_zpsfeca0f70.jpg
Từ lâu. Với nó. Chợ vốn không còn là một danh từ giản đơn nói về nơi mua bán giữa mọi người. Đến giờ. Mỗi khi ngồi nhớ lại hay hằng năm về đếm những nóc mùng con giăng trên sạp mất còn, thấy chợ không còn là một danh từ để chỉ địa danh với những con người sinh & sống nơi đó.
photo 1357890590_5d37e6e8ed_z_zps68c5345f.jpg
Chợ. Có những buổi trưa hè nắng làm lòng người bực dọc, vài ba câu chửi đang xen với quạt phất ngang người. Có những buổi mưa thu làm lòng người sầu não, vài câu than thở bởi hàng vẫn còn xếp đầy. Có những buổi hừng đông làm lòng người hy vọng, vài câu hỏi han chúc cho một buổi cuối năm đắt hàng. Có những buổi xuân sang làm lòng người phơi phới, bới lại mái tóc, lấy khăn quấn đầu, thả chút khói bay, dò vài con số nhỏ gọi lô tô, giọng kêu í ới khắp một góc chợ đời.
photo 943cho20que11_zpsfec8196f.jpg
Những con người nơi ấy cứ gọi nhau anh, chị, cô, dì, thím, chú...từ hạ, giã thu, tiễn đông đến chào xuân vẫn giữ một tấm lòng sẽ chia giữa vài câu chửi đổng.
photo P1120153_zpsc6ae33f9.jpg
Chợ vẫn cứ đổi da thay thịt lạnh lùng từ nắng trần, mưa phơi đến dù che, bê tông hóa, chỉ riêng lòng người từ mái tóc xanh đến điểm bạc chẳng đổi thay. Vẫn gửi một tình yêu khó tả ở một góc sạp, món hàng. Vài ba câu chửi, mấy câu thở than vẫn cứ đeo bám như mặc cả với gã thời gian chớ vội vàng để những hy vọng vẫn còn đấy chưa tan.
Dọc ngang. Những sạp hàng giờ ngay hàng, thẳng lối, không còn những xề, xạp lấn một lối đi gọi người mua chen chúc í ới ở những phiên chợ đầu hay cuối. Có em trai quê cầm xề lê đi khắp chợ những bao lì xì đỏ, miệng cứ hô vang vài ngàn đã được mấy xấp lì xì. Có em gái quê trãi bạt ngồi thấm nước dưa cà, nở nụ cười chào người khách vừa đến, chợt đi, nói hàng vẫn còn tươi mới. Có anh trai ngồi lặt vài lá úng, miệng cất vang câu chào hỏi: thanh niên mua bán thật thà, dễ mua.
photo 943cho20que11_zpsfec8196f.jpg
Ngang dọc. Em trai quê đã thôi không còn cầm xề lê đi khắp chợ, nhường cho một lớp nhỏ ở phía sau hô vang vài chục được mấy xấp lì xì. Em gái quê giờ đã giã biệt chợ bao giờ, bước vào siêu thị đầy hàng cho một ngày tết xôn xao với dưa cà, thịt quả, lạc mất nụ cười chào khách đến, chợt đi. Anh trai quê giờ ngồi thả mình trong cửa kính, lắng nghe vài câu hát trữ tình, nhớ một thời ngồi lặt lá úng, miệng cất vang mấy câu hỏi chào.
photo 539x700-45247_untitled-12_5115.jpg
Từ lâu. Với nó. Chợ vốn không còn là một danh từ giản đơn nói về nơi mua bán giữa mọi người nữa. Đến lúc. Mỗi khi ngồi nhớ lại hay hằng năm ngồi nhẫm những dáng đi yếu ớt, ngày càng lưa thưa về thăm chợ cũ, bạn xưa vẫn còn đeo đuổi một nghiệp đời nặng mang thương nhớ, thấy chợ như một người bạn tri âm đã sống hết mình, không bao giờ phản bội những dáng đi yếu ớt, ngày càng lưa thưa. Nhiều khi. Tưởng tượng hay hồn lạc bay. Thấy khăn rằn quấn lại hay khói thuốc bay lên, buông vài câu chửi đổng giữa phiên chợ cuối cùng. Thấy thương. Thời gian không bạc đãi, cho người về gặp cố hương.
photo 7437844d3ff40b4fbd5.jpg
Một ngày. Anh hỏi. Đến ngày mai trăm tuổi, bà về với đất mẹ.
Lúc đó mẹ có về thăm chợ không!?
Ngẫm một giây rồi vân vê tà áo cũ, xếp lại đống dưa cà, thả mắt đi khắp chợ. Mĩm cười.
Ừ! Đưa mẹ đi một vòng chợ nhé. 
( Ảnh: Sưu Tầm)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

[Nhật ký của cha] Merci, ông già & con chữ

  Ai rồi cũng phải lớn! Ông già nhận ra điều đó khi ngồi ly trà cúc còn ủ hơi nóng ở một đêm cuối hạ, lắng nghe thằng nhóc Merci nói bằn...